Đây là giai đoạn khá sôi động với những chuyển biến, thay
đổi to lớn có tính nền tảng trong lịch sử Việt Nam. Vì lẽ đó, đây là giai đoạn thu
hút được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều sử gia tầm cỡ, nhiều trung tâm nghiên
cứu có uy tín trên thế giới. Mức độ, tần suất và số lượng các công trình xuất
hiện liên tiếp cả trong quá khứ và hiện nay đã phần nào nói lên điều đó. Có thể
liệt kê một số công trình tiêu biểu có mức độ liên quan gián tiếp và trực tiếp
sau đây:
Bộ sách được được
bố cục như sau: Tập I: Lịch sử Việt Nam cổ đại và trung đại đến thế kỷ thứ X; Tập
II: Lịch sử Việt Nam trung đại (1010 – 1600); Tập III: Lịch sử Việt Nam
cuối trung đại và Cận đại (1600 – 1897); Tập IV: Lịch sử Việt Nam hiện
đại. Phần I (1897 – 1975); Tập V: Lịch sử Hiện đại. Phần II (1975 –
2011); Tập VI: Phụ lục và tài liệu tham khảo. Như vậy, giai đoạn lịch sử 1939-1945
rơi vào tập IV của bộ sách.
Полная академическая
история Вьетнама
là một bộ sách đồ sộ, được biên soạn hết sức công phu, mỗi tập dày từ 650 đến
hơn 700 trang và kèm các tranh, ảnh minh họa (từ 150-200 tranh ảnh/tập); tranh
minh họa có trong các tập sách được lấy từ
các Viện bảo tàng và các Kho lưu trữ của Châu Âu và Việt Nam. 5 tập
sách đầu ngoài 3754 trang chữ viết còn có 647 bản đồ, tranh, ảnh minh họa đen
trắng hoặc màu. Điều đáng lưu ý là phần lớn nội dung tập VI là kết quả thu nhận
được từ các chuyến đi khảo sát khoa học tại Việt Nam, có dung lượng 642 trang,
gồm các bảng niên biểu, thư mục tổng hợp, bảng chỉ dẫn tổng hợp, bảng chỉ dẫn
các tên họ, bảng chỉ dẫn danh mục địa lý và dân tộc, phiên âm tiếng Nga của
phát âm tiếng Việt, cách viết tiếng Việt, phiên âm tiếng Nga của phát âm tiếng
Trung Quốc... Cách xử lý đó là hết sức cần thiết vì trước khi bị thực dân Pháp
xâm lược, Việt Nam sử dụng văn tự chữ Hán - văn ngôn biến dụng rất khó thẩm đối
với người nước ngoài. Nhờ thao tác khoa học này của những người biên soạn, các
chuyên gia Việt Nam học có thể tìm thấy ở bộ sách này cách gọi tên nhiều địa
danh, tên họ, tên niên đại.....Việt Nam một cách chuẩn xác, tránh sự lộn xộn giữa
tên gọi Việt Nam và tên gọi Trung Quốc trong sử liệu Việt Nam. Chứa đựng thư mục
tổng hợp về khảo cổ học, dân tộc học, lịch sử, kinh tế và văn hóa, Tập VI có thể
xem là tài liệu giáo khoa độc đáo và toàn diện.
Nghiên cứu và tái hiện một cách đầy đủ mọi chiều cạnh lịch
sử một đất nước lại với khung thời gian rộng như thế (từ khi ra đời đến thời điểm
hiện tại) là không hề đơn giản, đặc biệt đối với một công trình sử học có tính
chính thống, quan phương; tuy nhiên, bộ sách được đánh giá là công trình khoa học đầy đủ nhất, có giá trị
nhất và duy nhất trên toàn thế giới hiện nay về lịch sử Việt Nam. Trên cơ sở nguồn tư liệu phong phú, có độ
tin cậy cao, sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp khoa học chuyên ngành, liên
ngành, các tác giả bộ sách đã khảo cứu, phân tích một khối lượng tư liệu khổng
lồ bao gồm hầu như tất cả các công trình nghiên cứu về Việt Nam trên các phương
diện khảo cổ học, dân tộc học, lịch sử, tôn giáo, văn hóa ... được xuất bản
trên thế giới từ nửa sau thế kỷ XIX cho đến năm 2014; xử lý các loại thư tịch cổ
đã và vừa mới được phát hiện; thu thập,
xử lý các tài liệu lưu trữ đã và chưa được công bố, chưa được giải mật từ
các Trung tâm lưu trữ của nhiều quốc gia trên thế giới (Nga, Trung Quốc, Pháp,
Mỹ...và nhiều nước châu Âu, châu Á khác). Các
phương pháp thực địa, điền dã... cùng với các phương pháp liên ngành
khác cũng được thực hiện phổ biến, rộng rãi; nhờ đó, lịch sử Việt Nam được tái
hiện khá chân thực và sinh động.
Bao giờ cũng vậy, một công trình sử học khách quan, khoa
học, quan phương có yêu cầu căn bản là làm rõ bản chất và tính xác đáng của
những vấn đề lịch sử mà công trình ấy theo đuổi. Về phương diện ấy, bộ sách 6 tập
có thể được xem là bằng chứng khoa học cả về sử liệu và luận lý, phản ánh cái
nhìn tổng thể, thống nhất, quan điểm nhất quán rõ ràng, nhận thức lịch sử trung thực về những chặng đường lịch sử
đầy biến cố trong lịch sử của dân tộc Việt Nam của giới sử học không chỉ của nước ngoài nói chung, mà
còn của giới sử học Việt Nam nói riêng thể hiện qua cả phương pháp nghiên cứu lẫn
các nội dung và kết quả nghiên cứu. Hoàn toàn không cường điệu hóa khi nói rằng,
xem xét lịch sử như một chỉnh thể, nắm bắt logic nội tại của lịch sử, vượt qua
cái nhìn thiên kiến, cục bộ của “người trong cuộc”, bộ sách 6 tập Полная академическая история Вьетнама là
một công trình có tính khách quan, có giá trị khoa học cao từ phương diện tri
thức lịch sử cho đến phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu.
Với ngần ấy ưu điểm, nhìn chung, trong tương lai gần, ở
nước ngoài, sẽ khó xuất hiện một công trình chất lượng, dầy dặn và công phu
tương tự như vậy, bởi muốn viết được nó, các nhà khoa học sẽ phải mất khoảng thời
gian nghiên cứu hơn 10 năm, thậm chí là 20 năm (trên thế giới có rất ít nhà
khoa học vừa biết tiếng Hán cổ, tiếng Phạn, tiếng Việt, vừa biết các thứ tiếng
Pháp, Nga, Anh; đồng thời lại vừa biết rõ lịch sử và văn hóa Việt Nam, biết ở một
mức độ nhất định về lịch sử và văn hóa Trung Quốc).
Công trình Полная
академическая история Вьетнама cũng được đánh giá là phù hợp với nhu cầu của
độc giả phổ thông vì các vấn đề khoa học chuyên sâu có ý nghĩa đối với giới
chuyên gia chỉ chiếm tỷ lệ hạn chế không quá một phần ba công trình, còn hai phần
ba công trình là vừa sức đối với các độc giả không có kiến thức cũng như chuyên
môn sâu quan tâm đến Việt Nam và Phương Đông.
Tóm lại, Полная
академическая история Вьетнама (6 tập) không chỉ đơn thuần là bản tổng kết
của các công trình đã xuất bản trước đây về lịch sử chính trị, xã hội, kinh tế,
tôn giáo và văn hóa Việt Nam; mà nó còn là một công trình độc lập, có tính bao
quát về lịch sử Việt Nam.
Tháng 5-2013, Nhà
xuất bản Cambridge University Press
cho phát hành cuốn sách A History of the
Vietnamese của nhà nghiên cứu K. W. Taylo - giáo sư Khoa Nghiên cứu châu Á,
Đại học Cornell. KW Taylor không phải là
khuôn mặt mới trong nghiên cứu lịch sử Việt. Ông đã nghiên cứu Việt
Nam trong gần bốn mươi năm và năm
1991 đã cho ra đời một cuốn sách được người đọc đón nhận rộng rãi: History of the Vietnamese.
Sử dụng nhuần nhuyễn nhiều phương pháp nghiên cứu khác
nhau, đặc biệt là điền dã, điều tra thực địa, phỏng vấn...kết hợp với nguồn tư
liệu phong phú, toàn diện, K.W. Taylo vượt qua rào cản ngôn ngữ, tư duy khuôn mẫu,
sáo rỗng của người đứng ngoài quan sát, hòa vào không khí, tư duy và môi trường
của người Việt để phân tích và nhìn nhận quá khứ lịch sử của một dân tộc bằng
con mắt của những người thấm đẫm và thấu hiểu quá khứ ấy. Diễn đạt lưu loát,
văn phong giàu cảm xúc, công trình của K.W. Taylor dễ đọc, dễ nghiên cứu đối với
tất cả các độc giả và người quan tâm.
Về nội dung nghiên cứu, trong công trình có tính đột phá 13 chương,
dày hơn 700 trang, K. W. Taylo khảo cứu
một cách hệ thống và giải quyết một loạt các chủ đề thuộc về lịch sử Việt Nam từ
thời cổ đại cho đến ngày nay, bao gồm ngôn ngữ, văn học, tôn giáo và chiến
tranh. Bên cạnh đó, tác giả cũng đề cập đến sự tương tác giữa các dân tộc các
vùng miền khác nhau của Việt Nam với các hình thức quản trị đa dạng mang tính địa
phương. Nhìn chung, đóng góp của công trình nằm ở tính hệ thống và cách lực chọn
các vấn đề có tính điểm nhấn để nghiên cứu, ở khối lượng tư liệu khổng lồ được
sưu tầm, xử lý và ở nội dung khoa học mang tính khách quan. Giáo sư Shawn
McHale (Đại học George Washington) đánh giá cuốn sách là một “đóng góp hết sức
độc đáo trong nghiên cứu về Việt Nam và Đông Nam Á, là một công trình
mang tính bước ngoặt trong học thuật nói chung và đối với cả sinh viên và học
giả Việt Nam nói riêng”.
Nghiên cứu về hai cuộc chiến tranh Đông Dương (giới nghiên cứu phương
Tây quen gọi là chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và lần thứ hai) mà Việt Nam
và cùng với nó là các mối quan hệ quốc tế là một trong những chủ thể quan trọng,
nở rộ ở nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc – những quốc
gia có sự tham gia hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp. Một trong những nhà nghiên cứu như thế là Christopher E. Goscha - sử gia người Mỹ,
chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về Đông Dương và Việt Nam, Giáo sư tại Đại học
Quebec (Montreal).
Christopher E. Goscha đặc biệt quan
tâm đến những vấn đề liên quan đến chế độ thực dân và phong trào giải phóng thuộc
địa ở Đông Dương. Quan niệm “sẽ không thể hiểu rõ, hiểu hết cuộc chiến tranh
Pháp-Việt nếu không đặt nó trong bối cảnh châu Á và thậm chí là rộng lớn hơn”,
Christopher E. Goscha nghiên cứu Việt Nam và cuộc chiến tranh Đông Dương ở góc
độ liên quốc gia. Liên quan đến Việt Nam, ông xuất bản hàng loạt những công
trình tiêu biểu như: Vietnam or
Indochina? Contesting Concepts of Space in Vietnamese Nationalism, 1887-1954 (Copenhague
: Nordic Institute of Asian Studies, 1995); Naissance d'un Etat-Parti : The Birth of a
Party-State : Le Viêt Nam depuis 1945 : Vietnam since 1945 (Les Indes Savantes,
2004); Courting Diplomatic Disaster? The
Difficult Integration of Vietnam into the
Internationalist Communist Movement (1945–1950) (Journal of Vietnamese Studies, Berkeley 11-2006); Connecting
Histories. Decolonization and the Cold War in Southeast Asia, 1945-1962 (Washington D.C., Stanford : Woodrow Wilson Center/ Standford
University Press, 2009); Vietnam,
un Etat né de la guerre, 1945-1954 (Paris :
Armand Colin, 2011); Historical dictionary of the Indochina War
(1945-1954): An International and Interdisciplinary Approach (Univ of Hawaii Pr, 2011)....
Có thể trong những công trình kể trên
có phạm vi nghiên cứu về thời gian vượt ra ngoài giai đoạn 1939-1945, song là một
nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, nhằm nhìn nhận và lý giải vấn đề nghiên cứu một
cách đầy đủ, toàn diện, thấu đáo, Christopher E. Goscha luôn có thao tác quay
ngược về thời gian trước đó, tìm hiểu các vấn đề lịch sử vốn có những bắt rễ một
cách sâu sắc với những diễn biến, hệ lụy không đơn thuần bó khuôn trong một
giai đoạn nhất định. Christopher E. Goscha đã nhìn nhận những yếu tố chính trị,
văn hóa – tư tưởng trong phong trào đấu tranh cách mạng Việt Nam đặt trong những
biến đổi kinh tế - xã hội dưới chính sách thuộc địa của Pháp.
Thạo tiếng Việt, Sophie
Quinn-Judge (Phó Giám đốc của Trung tâm Việt Nam học tại Đại học Temple, bang
Pennsylvania, Hoa Kỳ) đã có những đóng góp quan trọng trong
nghiên cứu lịch sử nói chung, nghiên cứu về Việt Nam nói riêng. Công trình Ho Chi Minh: The Missing Years (1919-1941) (University of
California Press, 2003) của bà đã góp thêm một cái nhìn đa chiều về một nhân vật lịch sử
quan trọng chẳng những trong lịch sử Việt Nam mà còn cả trong lịch sử phong
trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Một trong những học giả nước ngoài nghiên
cứu sâu và kỹ lưỡng về nhiều vấn đề của Việt Nam giai đoạn trước năm 1945 có David G.Marr – một sử gia người Mỹ đã đến Việt Nam lần đầu tiên vào
năm 1960. Marr, David G.Marr có các công trình
tiêu biểu nghiên cứu về Việt Nam như: Vietnamese
Anticolonialism,1885-1925 (University of
California Press, 1971); Vietnamese
Tradition on Trial, 1920-1945 (University of
California Press, 1981); Vietnam (World Bibliographical
Series)/Việt Nam (Xe-ri thư mục thế giới),(Clio Press, 1992); Vietnam 1945: The Quest for Power (University of California Press, 1995); Vietnam: State, War, and Revolution (1945–1946) (University of California Press, 2013).
Biết
tiếng Việt lại có điều kiện khai thác nhiều nguồn sử liệu khác nhau, đặc biệt
là những sử liệu lưu trữ tại Pháp, Mỹ, David G.Marr đã cho ra đời những
khảo cứu hết sức công phu về Việt Nam. từ thời kỳ thuộc địa đến những ngày Cách
mạng tháng Tám 1945 thành công. Trong cuốn Vietnamese
Tradition on Trial, 1920-1945, David
G.Marr đã nghiên cứu về giới trí thức Việt Nam
thông qua việc họ tranh luận các vấn đề về đạo lý và chính trị, ngôn ngữ
và văn học, về địa vị của phụ nữ, về những bài học từ quá khứ, sự hài hòa và
tranh đấu, sức mạnh tri thức và tập quán chính trị. Những cuộc thảo luận này
diễn ra khá sôi nổi trên nền những thay đổi nhanh chóng về kinh tế-xã hội,
trong chính sách thực dân của người Pháp, tình trạng rối loạn của cuộc Chiến
tranh thế giới thứ hai. David G.Marr cho rằng, không riêng gì giới trí thức, mà
những người Việt Nam khác đều tin rằng mọi người trên thế giới đều có thể chạm
tới tự do và một cá nhân có thể hợp sức cùng với những người khác để tạo ra sự
thay đổi
Cuốn Vietnam 1945: The Quest for Power của David G.Marr là công trình đã được giải thưởng Fairbank cho
công trình nghiên cứu xuất sắc nhất năm 1996 và nhận được sự đánh giá cao của Hiệp
hội châu Á học Mỹ. Dựa trên những tài liệu lưu trữ phong phú và tiến hành những
cuộc phỏng vấn sâu, rộng; đồng thời, nhận thức năm 1945 là một dấu mốc quan
trọng trong lịch sử hiện đại của Việt Nam, David G.Marr đã phân tích nhiều chi
tiết, mô tả những sự kiện lịch sử một cách sống động và giải thích ý nghĩa quan
trọng của cột mốc 1945. Đóng góp đáng ghi nhận của David G.Marr là ở chỗ ông đã
nhìn thấy sự tham gia sâu rộng của nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam vào cuộc cách
mạng, thành công của cuộc cách mạng là kết quả nỗ lực, sự đóng góp to lớn của
quần chúng lao động. Tuy nhiên, khi nhận xét về sự kiện mùng 2-9, David G.Marr
kết luận một cách đầy ẩn ý và nghe đâu đó như xen lẫn tiếng thở dài: “Mọi người
dân đều có cảm nhận rằng cuộc sống của họ đã không còn như trước nữa, nhưng
không một ai có thể dự đoán được tuần tiếp sau sẽ ra sao chưa chưa nói đến một
tháng hay một năm sau”[1].
Giống
như nhiều sử gia phương Tây khác, David G.Marr cũng không nhận được sự đồng
tình của giới sử học Việt Nam khi đặt ra câu hỏi: Sự kiện tháng Tám 1945 liệu
có phải là cuộc cách mạng thực sự khi không lập tức dẫn tới những thay đổi sâu
sắc và toàn diện trên mọi chiều cạnh xã hội? Bên cạnh đó, quan điểm về một “khoảng
trống quyền lực” của ông cũng đã gặp phải những phản bác của các nhà nghiên cứu
lịch sử người Việt Nam.
Cuốn
Vietnam: State, War, and Revolution (1945–1946) là công trình tiếp theo, tập trung vào các sự kiện diễn ra
trong 16 tháng, từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946, khi đường hướng của Việt Nam
đã được xác định. Phân tích sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,
hoạt động của Nhà nước những năm đầu chiến tranh, David G.Marr cho rằng, ĐCSĐD
đang dần dần mở rộng sự kiểm soát, tạo áp lực buộc các đảng khác phải chấp nhận
quyền lãnh đạo của nó. Theo David G.Marr, Nhà nước Việt Nam mới đảm nhiệm nhiều
chức năng không liên quan trực tiếp đến cuộc đấu tranh vũ trang, mặc dù chính
quyền thường gán cho chúng mục đích kháng chiến. David G.Marr cũng nêu quan
điểm: ĐCSĐD đã sử dụng cuộc chiến để hợp thức hóa việc nắm quyền của mình và
trong quá trình nỗ lực để kiểm soát nội bộ, chiến tranh và cách mạng, đã xuất
hiện những hậu quả không thể tiên liệu trước. Nhìn chung, cuốn sách đã cho những hình dung một cách hệ thống và chi
tiết về sự ra đời, biến đổi của một mô hình Nhà nước với kết cấu bao gồm chính
quyền trung ương và chính quyền địa phương. Cũng giống như ở cuốn sách Vietnam
1945: The Quest for Power, David G.Marr đã bị chỉ trích khi không đề cao
vai trò của ĐCSĐD.
Trong
các sử gia phương Tây nghiên cứu về Việt Nam, thì nhà sử học Na Uy S.Tonnesson
là một trong những khuôn mặt quen thuộc và đã có những đóng góp học thuật đáng
kể. Công trình The Vietnamese Revolution
of 1945 – Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War (International Peace Research Institute, 1991) được giới nghiên cứu đánh giá cao. S.Tonnesson có thế mạnh
trong khai thác sử liệu – ông đã thu thập được một khối lượng tư liệu khổng lồ
từ nhiều kho lưu trữ khác nhau trên thế giới; đồng thời, tiến hành phỏng vấn nhiều
nhân chứng lịch sử. Về các nguồn tư liệu phía Việt Nam, ngay cả các sử gia
người Việt cũng khó bề khai thác được khối tư liệu phong phú, đa dạng như S.Tonnesson.
Tiếp
cận vấn đề dưới góc độ lịch sử quốc tế, S.Tonnesson đã mô tả và trình bày những
sự kiện lịch sử liên quan hoặc thuộc về Cách mạng tháng Tám trong sự tác động,
chi phối của nhiều yếu tố khác nhau- yếu tố khách quan, chủ quan, yếu tố bên
trong, bên ngoài...Tuy nhiên, S.Tonnesson bị phê phán khi nêu vai trò đặc biệt
quan trọng của khoảng trống quyền lực ở thời điểm tháng 8 năm 1945, coi đó như
điều kiện quyết định đưa Việt Minh đứng vào vị trí trung tâm của quyền lực. S.Tonnesson
còn có một công trình khá nổi tiếng là Vietnam 1946:
How the War Began (Berkeley: University of California Press, 2010), góp một tiếng nói quan trọng vào cuộc tranh luận về sự bắt đầu
của cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Tuy không nghiên cứu trực tiếp về giai đoạn lịch sử trước năm 1945, song để luận giải
những nguyên nhân làm bùng phát cuộc chiến Đông Dương, S.Tonnesson đã dành chương đầu tiên “A Clash of Republics” để viết về sự ra đời và hoạt động
của Nhà nước VNDCCH, cung cấp một số thông tin hoạt động sau hậu trường của
chính phủ.
Vietnam: The Origins of Revolution (Oubleday Anchor Books,1971) là công trình của John T. McAlster – người đã luận thuyết khá chi tiết về cách
mạng Việt Nam. Để cho ra đời công trình này, T. McAlster đã khai thác các tài
liệu từ kho lưu trữ của quân
đội Pháp trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Phần
lớn những tài liệu này là các tóm tắt của tình báo Pháp về hoạt động của Việt
Minh trong thời gian Pháp chiếm đóng – đây đồng thời cũng là một trong những
đóng góp quan trọng của ông về tư liệu. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, T. McAlster đã sử dụng một khối lượng lớn tài liệu đã
được xuất bản ở Việt Nam để đối chiếu với nguồn tư liệu từ Pháp.
Lý giải
về Cách mạng tháng Tám 1945, McAlister lập luận rằng, một trong những
nguyên nhân làm bùng nổ cách mạng nằm ở chính tầng lớp trung lưu – một tầng lớp
đã được chính người Pháp đào tạo, song đã bị từ chối trao cho những quyền lợi
chính trị mà tầng lớp này cho rằng họ đáng được hưởng. Trong quá trình chuẩn bị
cách mạng, tầng lớp này đã sử dụng ý
thức hệ chính trị như một chất xúc tác và động lực cho sự đoàn kết. McAlster luận giải như sau: Mặc dù tư tưởng cộng sản là tư tưởng chính trị chi phối Việt
Nam trong thế kỷ XX, song chủ nghĩa dân tộc cũng đóng một vai trò quan trọng đối
với phong trào cách mạng bởi vì với đặc điểm phân mảnh trong văn hóa và chính
trị, cách duy nhất để giải phóng đất nước và cổ vũ tinh thần đoàn kết là khơi dậy
tinh thần dân tộc. Vì thế, ở Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc được kết hợp với chủ
nghĩa cộng sản, trở thành động lực quan trọng của cách mạng.
Hai
công trình Histoire du Việt Nam de 1940 –
1952 (Philippe Devillers, New York : AMS Press, 1975), Vietnam:
Sociologie d’une guerre (De , Seuil, 1952) là hai công
trình đã gây được sự chú ý ở phương Tây. Để trả lời câu
hỏi nghiên cứu, Philippe Devillers phân tích khá kỹ những sự kiện lịch sử nổi bật từ năm 1940 đến năm
1945; trong đó ông đặc biệt lưu ý đến sự
kiện Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945). Philippe
Devillers cho rằng, chính
sự kiện này đã làm đảo lộn toàn bộ diễn trình lịch sử Việt Nam, bởi nếu nó
không xảy ra thì hệ thống cai trị của người Pháp vẫn tiếp tục tồn tại một cách
vững chắc, sẽ không bị yếu đu và cũng không xuất hiện “khoảng trống quyền lực”
để Việt Minh dễ dàng nắm lấy và làm cuộc Tổng khởi nghĩa. Khẳng định chính sự kiện 9-3-1945 đã tạo cơ hội cho Việt Minh
làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng vào mùa Thu năm đó, Philippe Devillers cũng
nói thêm rằng, sự ra đời và hoạt động của Chính phủ Trần Trọng Kim, nhất là
trong nỗ lực bước đầu thực hiện các cải cách dân chủ, thả hàng loạt tù chính trị
đã cung cấp cho Việt Minh một lực lượng cách mạng hùng hậu vốn đánh mất năng lực
hoạt động thực tế khi bị giam cầm trong tù ngục.
Luận giải
theo một hướng khác, phân tích nguyên nhân chính trị - xã hội sâu xa của cuộc
cách mạng ở Việt Nam bắt đầu từ công cuộc thực dân hóa của người Pháp – một quá
trình đã phá vỡ toàn bộ cơ sở, cấu trúc kinh tế – xã hội ổn định của nông thôn
Việt Nam, song lại không tạo ra được cơ sở và cấu trúc mới thay thế cho cái bị
phá vỡ - chính điều đó, một mặt, đã làm xuất hiện những mâu thuẫn đối kháng
trong xã hội; mặt khác, đã hình thành nên những lực lượng có khả năng đào mồ
chôn chủ nghĩa thực thực dân và đó chính là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bùng nổ cách mạng.
Nghiên cứu
chuyên sâu về tôn giáo ở Việt Nam và Đông Dương, cụ thể là công giáo và vai trò
của nó trong cấu trúc xã hội là Charles Keith (Phó giáo sư, Michigan State
University). Trong công trình "Catholic Vietnam: A Church from Empire to
Nation” (University of California Press,
2012), Charles Keith phân tích
quá trình người Pháp làm biến đổi một cách mạnh mẽ cấu
trúc Công giáo Việt Nam trên các phương
diện kinh tế, chính trị, văn hóa, kết luận rằng, chính quá trình đó đã biến
Công giáo trở thành công cụ quan trọng kiểm soát con người – giáo dân về mặt
tinh thần. Tình trạng này dẫn đến sự bất bình đẳng trong quan hệ Giáo hội Việt Nam với Giáo hội châu Âu và Charles Keith tin rằng, dù vậy, thì quá trình
thực dân hóa Việt Nam của nước Pháp đã tạo cơ hội để Giáo
hội Việt Nam mở rộng quan hệ với
thế giới Công giáo toàn cầu. Những cải cách của Vatican, một mặt, tạo điều kiện cho Giáo hội Việt Nam có
tính độc lập tương đối; mặt khác,
dính lứu Giáo hội Việt Nam sâu hơn vào các hoạt động chính trị, làm biến đổi
sâu sắc cấu trúc xã hội và tình hình tư tưởng, tâm lý xã hội Việt Nam trước năm
1945. Charles Keith cho rằng,
chính tình trạng bất bình đẳng giữa Giáo hội Việt Nam và Giáo hội châu Âu đã
khiến những người Công giáo Việt Nam có thái độ ủng hộ Cách mạng tháng Tám năm
1945.
Trong một công trình khác - chuyên khảo "An Nam rise up: The first bishop of Vietnam and the formation of
national churches, the period 1919-1945" (Journal of Vietnamese Studies, Vol. 3), Charles Keith khảo
sát vị trí của các giám mục người Việt tiên khởi trong nền chính trị và xã hội
Việt Nam vào những năm cuối giai đoạn thuộc địa; xem xét sự thăng tiến của một số nhân vật có
nhiều ảnh hưởng trong bối cảnh suy giảm ảnh hưởng của Giáo hội truyền giáo và sự thúc đẩy của Vatican cho việc hình thành Nhà thờ dân tộc ở châu Á với những thay đổi về định chế cũng như văn hoá của
GHCGVN.
Nghiên cứu mối liên hệ giữa đức
tin và chính trị trong nước Việt Nam thuộc địa, tác giả chỉ ra những thay đổi
trong Giáo
hội Thiên Chúa giáo Việt Nam – sự thay đổi phản ánh
sự bất hoà ngày càng gia tăng giữa chính quyền thuộc địa và những mối quan hệ ngày
càng lớn hơn với Giáo hội Thiên Chúa giáo toàn cầu. Đó cũng là cơ
sở giúp giải thích vai trò của Nhà thờ trong xã hội Việt Nam sau khi giành được
độc lập.
Ngoài
những công trình chuyên khảo trên, còn có hàng loạt những công trình tiêu biểu
khác như: The Rise of Nationalism in
Vietnam, 1900-1941 (William Duiker, Ithaca: New York); The Comintern and Vietnamese communism (William
Duiker, Athens, Ohio., 1975); Vietnamese
Communism, 1925-1945 (Huynh Kim Khanh, Ithaca, N.Y., 1982); Imagining Vietnam and
America: The Making of Postcolonial Vietnam, 1919-1950 (Mark
Bradley, Chapel Hill: University of North Carolina Press, 2000); War and revolution in Vietnam, 1930-75 (Kevin
Ruane, London, 1998)...
Nhìn
chung, các công trình của nước ngoài nghiên cứu về thời kì 1939-1945 thường tập
trung phân tích, luận giải về các sự kiện và phong trào đấu tranh, đặc biệt tập
trung vào người chiến thắng cuối cùng của cuộc đấu tranh chống thực dân (Việt
Minh và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Thời kỳ này thường được tiếp cận
như là thời kì biến chuyển từ chủ nghĩa cải cách chuyển sang tính phổ biến chính trị
của quần chúng cách mạng với cuộc đấu tranh chính trị tiêu biểu liên quan đến
thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Nguồn sử liệu được các tác giả khai thác khá
phong phú, từ các nguồn như từ Tổng hành dinh quân đội Mỹ, lưu trữ của cá nhân
Tổng thống Mỹ, Tổng thống Pháp, hồ sơ tài liệu lưu trữ của cơ quan tình báo Mỹ,
Pháp, của Chính phủ Pháp và một số các tài liệu lưu trữ ở một số nước Bắc Âu...Ví
dụ như David G.Marr đã chia xẻ rằng 78 thùng tài liệu mà Nhà nước VNDCCH bỏ lại
(thuộc Gouvernement de fait collection
của Lưu trữ Quốc gia d'Outre-Mer, ở Aix-en-Provenc) đã giúp đỡ ông đắc lực khi
viết các cuốn sách về Việt Nam[2].
Ngoài
ra, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu cũng hết sức đa dạng, đặc biệt,
phương pháp phỏng vấn sâu các nhân chứng, những nhân vật từng tham gia, chứng
kiến những sự kiện lịch sử quan trọng được sử dụng rộng rãi đã góp phần làm nên
thành công của các công trình. Bên cạnh đó, phương pháp nghiên cứu liên ngành
và khu vực học cũng được sử dụng khá phổ biến, giúp các nhà nghiên cứu nhìn
nhận, đánh giá chiều sâu của các sự kiện, các quá trình lịch sử, nhận thức sự
tác động đa chiều của các yếu tố khác nhau đến từng sự kiện cũng như cả quá
trình lịch sử. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, có cái nhìn cởi mở và quan
điểm khá tự do trong nghiên cứu, nên nhiều nhận định, kết luận, đánh giá của
các nhà nghiên cứu nước ngoài có sự không phù hợp ở những chừng mực và giới hạn
nhất định trong so sánh với các quan điểm nghiên cứu của các nhà sử học Việt
Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!