Thứ Ba, 20 tháng 2, 2018

VỀ BẢN CHẤT CUỘC CHIẾN TRANH TRUNG QUỐC TIẾN HÀNH VỚI VIỆT NAM VÀO NĂM 1979

Nguyễn Thị Mai Hoa
Tiến hành cuộc chiến tranh với Việt Nam vào tháng 2-1979, Trung Quốc tuyên bố đó là một chiến tranh “phản kích”, nhằm “đánh đuổi quân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc”. Ngay ngày 17 tháng 2, nhằm che đậy tính chất xâm lược của cuộc chiến, trong bản tuyên bố trên Tân Hoa Xã, Bắc Kinh khẳng định cuộc tấn công Việt Nam là phản kích tự vệ trước việc Việt Nam xâm lấn lãnh thổ và gây thiệt hại cho dân cư Trung Quốc[1].
Theo như mô tả của Bắc Kinh thì “cuộc chiến tranh tự vệ” này buộc phải xảy ra bởi Việt Nam thường xuyên có các hoạt động “khiêu khích vũ trang và thù nghịch” tại các khu vực biên giới giữa hai nước. Khẳng định “phản kích” Việt Nam, thực hiện cuộc tấn công ‘trừng phạt” là nhằm bảo đảm cho một “biên giới hòa bình và ổn định”,  Trung Quốc muốn nhấn mạnh rằng, tranh chấp biên giới là vấn đề cốt lõi của toàn bộ cuộc chiến. Tuy nhiên, cho đến trước năm 1975, vấn đề biên giới tuy có tồn tại giữa hai nước, nhưng nó chưa được đẩy lên đến mức độ xung đột. Hơn thế, từ năm 1975, mẫu thuẫn giữa hai nước xung quanh các vấn đề về lãnh thổ có trầm trọng thêm, song cũng chưa đến mức phá vỡ quan hệ hai nước. Theo nhà nghiên cứu Gareth Porter, thì “tổng diện tích lãnh thổ mà hai bên có tranh chấp như Trung Quốc nêu lên thì chỉ có 60 km2”[2]. Thực tế cho thấy rằng, nếu không xảy ra những sự kiện khác, thì vấn đề biên giới vẫn được hai bên nén xuống với một thái độ khá kiềm chế và bình tĩnh, khiến cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc đều nhận rõ một hiện thực sáng rõ là nó hoàn toàn có thể giải quyết được thông qua thương lượng hòa bình. Hơn thế, những xung đột biên giới tăng dần theo cấp số cộng lại chỉ là do Trung Quốc gây ra: Năm 1974 có 179 vụ Trung Quốc lấn chiếm biên giới của Việt Nam, năm 1975 có 294 vụ, năm 1977 tăng lên 810 vụ - vậy thì, cuộc chiến này có thực là “tự vệ”, có thực là “phản kích”?
Một câu hỏi được đặt ra là vậy “những sự kiện khác” dẫn đến chiến tranh ở đây là gì? Ít nhất là có 3 vấn đề chính sau đây được Đặng Tiểu Bình nêu lên ở bài phát biểu dài hơn 6.000 từ trong Hội nghị tổng kết chiến tranh Trung – Việt vào ngày 16-3-1979 (đúng 1 ngày sau khi quân đội Trung Quốc rút hết khỏi Việt Nam) về nguyên nhân tiến đánh Việt Nam: Một là, mặt trận thống nhất chống bá quyền quốc tế đòi hỏi có sự trừng trị nhất định đối với Cuba phương Đông (ám chỉ Việt Nam - TG) nhằm thúc đẩy sự phát triển của mặt trận này; hai là, Trung Quốc cần tiến hành bốn hiện đại hóa, cần một môi trường tương đối ổn định, thuận lợi, nên không thể để cho xét lại Liên Xô, Việt Nam ngày ngày ở phía Bắc, phía Nam đe dọa tinh thần; ba là, đã ba thập kỷ Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc hoàn toàn không chiến đấu, cần thẩm định khả năng chiến đấu của quân đội và nếu cần thì cấp bách hiện đại hóa quân đội[3]. Ngoài ra, trước khi quyết định tấn công Việt Nam không lâu, tại cuộc họp cán bộ cao cấp có tính nội bộ (16-1-1979) Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Cảnh Tiêu đã hé lộ khả năng “dạy cho Việt Nam một bài học” sau khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia trên quan điểm coi “Đảng cộng sản Campuchia là đảng anh em của chúng ta và nhân dân Campuchia là những người bạn của nhân dân Trung Quốc”[4], khẳng định “kiên quyết làm hết sức mình để chi viện cuộc chiến đấu chống Việt cứu nước của họ (...) sẽ ủng hộ họ chiến đấu đến cùng, bất kể lâu dài đến bao nhiêu và phải trả giá cao đến bao nhiêu”[5]. Theo Stephen J. Morris thì “Campuchia đã trở thành đấu trường cho cuộc tỷ thí giành giật ảnh hưởng tại khu vực giữa Việt Nam và Trung Quốc”[6]. Lý Quang Diệu cũng khẳng định Đặng Tiểu Bình luôn bị ám ảnh bởi “ước mơ thành lập Liên bang Đông Dương của Việt Nam[7], luôn cho rằng sớm muộn gì thì Việt Nam cũng sẽ coi Trung Quốc là trở ngại lớn nhất cho việc thực hiện kế hoạch đó và việc Việt Nam đưa quân Campuchia chính là bằng cớ sống động nhất cho nhận định trên; đồng thời, việc Việt Nam trấn giữ Campuchia sẽ trở thành con đê ngăn chặn quá trình tăng cường vị thế và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á. Tại một cuộc họp báo tại Bangkok tháng 11-1978, Đặng Tiểu Bình đã không úp mở nói rằng Trung Quốc “sẽ quyết định phương cách đối phó với chính sách bá quyền cấp vùng của Việt Nam, tùy thuộc vào việc Hà Nội tiến hành đâu cuộc xâm lược đối với Campuchia”[8].
 Những phân tích trên đây cho thấy, quyết định tấn công Việt Nam vào năm 1979 của Trung Quốc không đơn thuần là vì lý do biên giới, lý do ấy được kết bện với nhiều yếu tố khác nhau, thậm chí những yếu tố đó còn có phần đậm đặc và nổi trội hơn rất nhiều. Vấn đề biên giới “chỉ như một khung cảnh làm nền cho sự đối đầu hơn là một vấn đề tranh chấp nghiêm trọng”[9].
Như vậy, lấy lý do bảo vệ biên giới để bào chữa cho chiến tranh, Trung Quốc đã mong khoác lên cuộc chiến một nguyên nhân chính đáng, không chỉ nhằm tránh được sự lên án và các phản ứng quốc tế bất lợi, mà còn nhằm tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi trong nước. Thật vậy, nếu không lo ngại phản ứng quốc tế, ắt hẳn đã không có chuyến công du “vô tiền khoáng hậu” của Đặng Tiểu Bình đến các quốc gia Châu Á[10] và chuyến thăm Mỹ (28- 2- 1979) để chuẩn bị sự hậu thuẫn của dư luận trước khi đánh Việt Nam. Và như thế, sử dụng tranh chấp lãnh thổ làm nguyên cớ chiến tranh, có vẻ như Trung Quốc đang cố gắng gài vào đó nguyên do hợp lý và dễ chấp nhận nhất, vì đấy cũng là nguyên do thông thường của đa phần các cuộc chiến tranh từng xảy giữa các quốc gia trong lịch sử.
Song song với việc cố gắng gắn cho cuộc chiến tranh năm 1979 cái mác “biên giới”, Trung Quốc còn tuyên bố rằng, cuộc xâm nhập của họ vào khu vực phía Bắc Việt Nam “là một cuộc hành quân tự vệ quy mô nhỏ được thực hiện bởi số lượng không lớn binh lính phòng vệ biên giới”[11] - tuyên bố như vậy, Trung Quốc hòng tránh tiếng xâm lược- một hoạt động quân sự của một nước tấn công vào một nước khác từ bên ngoài thông qua việc làm giảm quy mô hoạt động quân sự so với thực tế, biến cuộc tấn công thành các hành động quân sự chiến thuật mang tính chất của cuộc giao tranh nhỏ vốn không bị coi như một cuộc xâm lược. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn dối trá vì “chiến dịch năm 1979 là một hoạt động quân sự to lớn liên quan đến 11 quân đoàn Quân giải phóng Trung Quốc (Jun tương đương với một quân đoàn của Hoa Kỳ (U. S. corps) thuộc các lực lượng bộ binh chính quy, dân quân, các đơn vị hải và không quân”[12] với tổng số binh lính ít nhất lên tới 60 vạn binh sĩ (một số tài liệu ghi là 300.000-450.000 binh lính) và vào lúc cao điểm, số lượng quân Trung Quốc tham gia chiến tranh được huy động lên đến 80 vạn. Với quy mô đó, cuộc tấn công Việt Nam năm 1979 vượt xa kích cỡ của một cuộc đột kích hay một cuộc thâm nhập biên giới, nó thực sự là một cuộc chiến tranh xâm lược. Không chỉ có vậy, các hoạt động chiến tranh phi quy ước của chiến dịch năm 1979 đã vươn khá xa khỏi khu vực biên giới Việt – Trung vào sâu trong nội địa Việt Nam và trong quá trình đó, Trung Quốc còn triệt để phá hủy tất cả các công trình kinh tế, quân sự của Việt Nam, hòng làm Việt Nam yếu đi, lún sâu vào thế khó khăn. Những hành động đó của quân đội Trung Quốc trong cuộc chiến tranh năm 1979 đã làm phát lộ thêm bản chất xâm lược mà Bắc Kinh đang cố gắng che dấu.
Cuộc chiến tranh mà Trung Quốc đã gây ra đối với Việt Nam vào năm 1979 đã trôi qua 39 năm nhưng những nỗi đau, những mất mát và tang tóc mà cuộc chiến để lại đến ngày nay chưa hẳn đã nguôi ngoai. Những nấm mộ trắng xóa dọc các nghĩa trang miền biên viễn vẫn hàng ngày, hàng giờ xát muối vào vết thương chưa bao giờ liền miệng của dân tộc Việt. Ấy thế mà cuộc chiến tranh ấy dường như đã và đang bị lãng quên; đã và đang không được xếp ngang bằng với những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong suốt chiều dài hàng ngàn năm của lịch sử dân tộc. Thậm chí, chúng ta đã tránh trớ khi gọi tên cuộc chiến ấy, đặt nó xuống hàng xung đột biên giới Việt – Trung hay chiến tranh biên giới Việt –Trung. Những ngày tháng ấy, máu đã nhuộm đỏ biên cương để cho hậu thế không phải cúi đầu, sao nay chúng ta cứ tự nguyện nhìn xuống khi nhắc lại cuộc chiến tàn khốc ấy? Đã đến lúc (dù đã có phần muộn) chúng ta cần gọi đúng tên sự vật/hiện tượng- đó là CUỘC CHIẾN TRANH TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC VIỆT NAM. Chỉ có nhìn thẳng vào sự thật, hiểu đúng bản chất của sự vật thì mới có thể mổ xẻ, bóc tách, phân tích nó một cách đầy đủ, toàn diện; từ đó, rút ra những điều hữu ích cho hiện tại và tương lai. Lịch sử xưa nay vẫn thế, nó là quá khứ, là cái đã qua, có thể không lặp lại nhưng luôn hiện hữu ở hiện tại và góp phần quyết định tương lai. Chỉ khi sòng phẳng, công bằng với quá khứ, với lịch sử, thì một dân tộc mới có thể đàng hoàng và vững vàng bước tới tương lai.
19-2-2018.











[1] United Nations: Yearbook of the United Nations 1979, Volume 33, United Nations Publications 1982, p 280.
[2] Gareth Porter: “Vietnamese Policy and the Indochina Crisis”, in David W. P. Elliot, ed., The Third Indochina Conflict (Boulder: Westview, 1981), p.103.
[3]邓小平当年在中越边境作战情况报告会上的讲话, http://junshi.xilu.com/2011/0315/news_345_146312.html
[4] Keng Piao's [Geng Biao's]: “Report on the Situation of the Indochinese Peninsula" (January 16, 1979), Journal of Contemporary Asia, Vol 11, No. 3, January 1981, p.388.
[5] Keng Piao's [Geng Biao's], Ibid, p.390.
[6] Morris, Stephen J: Why Vietnam Invaded Cambodia: Political Culture and the Causes of War. Stanford, CA: Stanford University Press, 1999, pp. 83-84.
[7]揭秘:邓小平为何决定打对越自卫反击战?http://history.people.com.cn/GB/205396/14965685.html
[8] Herbert S. Yee: The Sino-Vietnamese Border War: China’s Motives, Calculations and Strategies, China Report, New Delhi, India, 1980, Vol 16, No1, p. 18.
[9]  Brantly Womack:  China and Vietnam: The Politics of Asymmetry, New York: Cambridge University Press, 2006, p. 199.
[10] Cuối năm 1978, Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình thăm Nhật (10-1978), Thái Lan, Malaysia, Sigapore (11-1978).
[11] The Chinese Encyclopedia: Vol. 1 (Beijing: Chinese Encyclopedia Publishing Company, 1989), p.222.
[12] Edward C. O'dowd: Chinese Military Strategy in the Third Indochina War, Routledge,  2007, p.45.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!