Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

THÁI ĐỘ CỦA MỸ TRƯỚC VIỆC PHÁP TÁI CHIẾM ĐÔNG DƯƠNG (1945-1946)

Nguyễn Thị Mai Hoa
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ trở thành quốc gia lớn mạnh nhất hành tinh, là nước duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân tại thời điểm đó và là một trong những nước có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an của Liên Hợp Quốc. Trong điều kiện bàn cờ thế giới về bản chất là cuộc chơi giữa các nước lớn, thì với ngần ấy ưu thế, Mỹ không chỉ sở hữu tiếng nói trọng lượng trong giải quyết nhiều vấn đề quốc tế, mà nhiều diễn biến quốc tế sẽ vận động theo quan điểm, lập trường của Mỹ cũng như theo xu hướng mà Mỹ mong muốn.
Hậu Chiến tranh thế giới thứ hai, một câu chuyện có tính thời sự nóng bỏng, được nhiều nước quan tâm là về giải thuộc địa và phi thực dân hóa. Thái độ, chính sách của Mỹ về vấn đề này có ảnh hưởng quan trọng đối với ý định, kế hoạch khôi phục quyền cai trị đối với các thuộc địa của nhiều nước, trong đó có sự quay lại Đông Dương (và Việt Nam) của người Pháp.

1- Vào cuối thế kỷ 19, Hoa Kỳ là nước sở hữu số lượng và diện tích thuộc địa vào loạt ít nhất thế giới nhất trong so sánh với nhiều nước đế quốc khác, nhất là với Anh và Pháp. Người dân Mỹ chỉ trích mạnh mẽ các cường quốc châu Âu đang áp đặt chủ nghĩa thực dân lên các nước thuộc địa ở khắp nơi trên thế giới.
Đông Nam Á, Mỹ có thuộc địa duy nhất là Philippines, nơi Mỹ thiết lập quyền thống trị từ năm 1902; tuy nhiên, ngay từ thời điểm đó, Mỹ đã không coi đây là “ách thống trị thực dân”, mà gọi đó là chế độ "bảo hộ nhân từ" trên cơ sở chính phủ tự trị bản xứ có hiến pháp và quốc hội riêng. Mỹ tuyên bố bằng con đường đó sẽ từng bước giúp nhân dân Philippines thực hiện tự trị, tự quản. Tháng 3-1934, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Tydings-McDuffie, quy định sẽ thành lập một nước Philippines thịnh vượng chung (Commonwealth of the Philippines) vào năm 1936. Nhà nước Philippines thịnh vượng chung sẽ tồn tại trong vòng 10 năm và là hình thức nhà nước quá độ để tiến tới một nước Philippines độc lập vào năm 1946. Trong 10 năm quá độ (1936-1946), chế độ tự trị vẫn được duy trì ở Philippines và quyền lợi của Mỹ vẫn được đảm bảo.
Sau thất bại của Mỹ tại Trân Châu Cảng (12-1941) quân đội Nhật Bản tấn công và đánh chiếm Philippines, Manila rơi vào tay Nhật (2-1942). Một Ủy ban điều hành đất nước được thành lập từ hơn 30 thành viên của giới tinh hoa chính trị Philippines thân Nhật. Phối hợp với lực lượng quân sự Nhật Bản tại Manila, Ủy ban này cai quản Philippines và tồn tại đến tháng 9-1943, khi nó được thay thế bằng sự ra đời của nước Cộng hòa Philippines độc lập (Đệ nhị Cộng hòa Philippines) với Tổng thống là José Laurel (được lựa chọn bởi người Nhật). Người Nhật đã trao trả độc lập cho Philippines trong nỗ lực tuyên truyền về chủ nghĩa Liên Á.
Cuối năm 1944, Nhật Bản bị đánh bại, quân đội Mỹ chiếm lại Philippines và đến năm 1946 đã trao trả độc lập cho quần đảo này. Cuối cùng, giấc mơ độc lập của nhân dân Philippines đã trở thành hiện thực.
Từ trường hợp Philippines, mô hình "bảo hộ nhân từ" được Mỹ coi là khuôn mẫu trong giải quyết các vấn đề liên quan đến thuộc địa sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Đó cũng là một trong những cơ sở để Mỹ đề xuất chế độ ủy trị quốc tế đối với các thuộc địa cũ của các nước đế quốc. Vào năm 1941, khi Chiến tranh thế giới thứ hai còn đang diễn ra hết sức khốc liệt, Mỹ đã cam kết thực hiện nguyên tắc về quyền tự quyết của các dân tộc thông qua việc cùng với Anh ra Tuyên bố chung Đại Tây Dương. Điều 3 của bản Tuyên bố nêu rõ rằng hai nước này “tôn trọng quyền lựa chọn chính thể mình muốn của các dân tộc, ước mong thấy chủ quyền và chính phủ tự trị của các nước trước kia bị các nước khác dùng sức mạnh tước mất quyền đó được lập lại”[1]. Một năm sau đó (năm 1942), những nội dung này một lần nữa được xác nhận và nhấn mạnh lại trong dịp 26 quốc gia thông qua Hiến chương Đại Tây Dương. Tháng 6-1945, Hiến chương Liên Hợp Quốc được ký kết và trong phần Tuyên ngôn về những lãnh thổ không tự trị đã yêu cầu các quốc gia thành viên có trách nhiệm hoặc đảm đương trách nhiệm “quản trị những lãnh thổ mà nhân dân chưa hoàn toàn tự quản trị được, thừa nhận nguyên tắc đặt quyền lợi của nhân dân các lãnh thổ lên hàng đầu”[2], nhằm giúp các lãnh thổ đó được phồn vinh trong khuôn khổ của hệ thống hoà bình và an ninh quốc tế do Hiến chương định ra.
Qua những diễn biến nói trên, có thể kết luận rằng, trong và sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, về mặt lý thuyết, đã xuất hiện những điều kiện, những cơ hội cũng như khả năng cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc thực hiện quyền dân tộc tự quyết. Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tiễn lại là câu chuyện khác –đó là cả một quãng đường dài, nhiều chông gai và hết sức gian nan.
 2- Trước Chiến tranh thế giới hai, như hầu hết người Mỹ, Franklin D. Roosevelt ít quan tâm hoặc biết đến Đông Dương thuộc Pháp”[3]. Thật vậy, Việt Nam cũng như các thuộc địa của Pháp ở Đông Dương nằm ở ngoại vi quan hệ đối ngoại của Mỹ. Theo Dixee Bartholomew-Feis, nước Mỹ và F.D.Roosevelt luôn dành mối quan tâm hàng đầu cho châu Âu và khu vực Mỹ Latinh kề cận[4]. Những chú ý đầu tiên của chính quyền F.D.Roosevelt đến tình hình Đông Dương liên quan tới sự kiện Pháp - Nhật tranh chấp quần đảo Hoàng Sa (1939), dù thái độ lúc đó của Mỹ là ôn hòa và trung lập. Cùng với sự kiện này, Đông Dương thuộc Pháp đã chiếm một vị trí nhất định trong tiềm thức của Tổng thống và nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng chỉ với tư cách là “một khu vực địa lý không thể phủ nhận dưới sự kiểm soát của Pháp và có ý nghĩa quan trọng đối với chính phủ Tưởng Giới Thạch, chứ không phải như một vùng đất của người bản xứ với những quyền và khát vọng của riêng mình"[5].
Vấn đề Đông Dương trở nên đậm nét hơn trong nhận thức của Mỹ, quan trọng thứ hai chỉ sau vấn đề Trung Hoa Dân Quốc khi Pháp đầu hàng Đức (1940) dẫn đến khả năng Đông Dương có thể rơi vào tay một thành viên phe Trục là Nhật Bản, nhất là khi nước Nhật ngày càng lấn tới, đưa thêm yêu sách về chia sẻ quyền lực tại khu vực này và không ngừng gia tăng sức ép lên Chính phủ Vichy. Hơn thế, Nhật Bản đã trở nên nguy hiểm hơn đối với Hoa Kỳ khi ký Hiệp ước ba bên với Đức và Ý (9-1940); qua đó liên kết những cuộc xung đột ở châu Âu và châu Á không chỉ chống Liên Xô mà còn nhằm cả vào Mỹ. Trước nguy cơ bành trướng sức mạnh của Nhật ở Đông Dương, Mỹ yêu cầu “chính phủ Nhật phải ngừng mọi hành động chiếm đóng Đông Dương bằng quân đội và hải quân, hoặc ngừng ngay những khởi sự đang bắt đầu”[6], đề nghị Nhật cùng cam kết “coi Đông Dương là một quốc gia trung lập cùng một cách thức như nước Thụy Sĩ mà các cường quốc đã công nhận là quốc gia trung lập”[7]; đồng thời, hứa nếu Nhật Bản tuân thủ những điều kiện đó, sẽ đảm bảo cho Nhật Bản quyền lợi được cung cấp nguyên liệu từ Đông Dương trên cơ sở cân bằng với các nước khác. Trước khi sự kiện Trân Châu Cảng nổ ra, Hoa Kỳ thậm chí vẫn còn xúc tiến và hy vọng ký được một Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau với Nhật. Tuy nhiên, không chấp nhận chia sẻ quyền lợi, Tokyo đã quay lưng lại với hầu hết những đề nghị của Washington, tiếp tục xúc tiến kế hoạch bành trướng toàn Đông Nam Á. Đáp trả, Hoa Kỳ sử dụng biện pháp trừng phạt kinh tế, đánh mạnh vào nền sản xuất công nghiệp quốc phòng của Nhật, kiềm chế sức mạnh quân sự của quốc gia này (thực hiện lệnh cấm vận dầu mỏ, sắt, thép vụn, đóng băng mọi tài sản của Nhật tại Mỹ[8]). Phản ứng của Washington trước việc Nhật Bản chiếm đóng Đông Dương quyết liệt hơn so với dự kiến ​​của Tokyo; tuy nhiên, các lệnh cấm vận của Mỹ chẳng những không ngăn được quyết tâm giành lấy Đông Dương của Nhật, mà trái lại, còn khiêu khích và đẩy nước này vào những hành động chiến tranh quyết đoán hơn - cái vòng luẩn quẩn đó cuối cùng đã dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn quan hệ Mỹ-Nhật sau sự kiện Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng (12-1941).
Chiến tranh với Nhật Bản (chiến tranh Thái Bình Dương) củng cố thêm tầm quan trọng địa chính trị của Việt Nam đối với Mỹ. Mỹ nhận thức Việt Nam từ vị trí bàn đạp để Nhật Bản tấn công Philippines, Malaysia,  Singapore, Indonesia, Trung Quốc; đồng thời, coi việc chiếm Đông Dương của Nhật như là một bước tiếp theo quan trọng hơn nhằm nắm quyền kiểm soát vùng biển phía Nam, bao gồm các con đường thương mại hết sức quan trọng đối với Hoa Kỳ và nhằm kiểm soát các sản phẩm chiến lược đối với phát triển kinh tế như cao su, thiếc, dầu mỏ…. Khi chiến tranh Thái Bình Dương vừa bùng nổ, trong  các cuộc thảo luận với mật độ tương đối dày đặc giữa đại diện Mỹ Peter Marshall với đại diện chính phủ Pháp, vấn đề Đông Dương đã liên tục được nhắc tới và Washington bày tỏ sự quan tâm đến việc Pháp bảo tồn các vùng lãnh thổ ở ngoài (các thuộc địa của Pháp), yêu cầu Pháp tiến hành chiến tranh chống lại các cuộc xâm lược của những nước thuộc khối Trục tại các khu vực đó. Washington cam kết: “Mọi cuộc chiến đấu của chính quyền Pháp chống phát xít ở bất kỳ vùng thuộc địa nào cũng sẽ nhận được sự ủng hộ không chỉ về tinh thần mà còn cả sự hỗ trợ vật chất từ chính phủ Mỹ”[9]
Có thể thấy rằng, sự quan tâm của Mỹ đối với quyền cai trị thuộc địa của Pháp xuất phát từ yêu cầu đảm bảo thắng lợi của phe Đồng minh trước khối Trục, được giới hạn chủ yếu trong phạm vi bảo vệ những vùng đất này khỏi sự chiếm đoạt của các nước phát xít, chứ chưa hẳn là sự thừa nhận hoặc đồng ý với việc Pháp tiếp tục thống trị những lãnh thổ này khi chiến tranh kết thúc. Vì lẽ đó, vào tháng 1-1943, trong cuộc họp Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Tổng thống F.D.Roosevelt tuyên bố rằng ông "đã rất hồ nghi về việc khôi phục chế độ thực dân của Pháp ở Đông Dương"[10]. Tại Hội nghị Casablanca (10-1943), Hội nghị Tehran (11-1943) và Hội nghị Cairo (11-1943), vấn đề số phận thuộc địa của Pháp tiếp tục được đặt ra. Đặc biệt, ở Hội nghị Cairo, F.D.Roosevelt đã đề xuất áp dụng tại Đông Dương chế độ quản thác quốc tế và đã tìm được tiếng nói chung với Tưởng Giới Thạch về vấn đề độc lập của Đông Dương sau khi chiến tranh kết thúc[11]. Chế độ quản thác quốc tế đối với Đông Dương được F.D.Roosevelt nhắc lại một lần nữa trong buổi thảo luận với các đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và sau đó là trong Hội nghị Tehran. Thông báo cho I.V.Stalin về quan điểm của Churchill- người ủng hộ việc khôi phục quyền kiểm soát của Pháp đối với các thuộc địa, F.D.Roosevelt lưu ý: “Sau 100 năm thống trị của Pháp ở Đông Dương, người dân nơi đây có cuộc sống ngày càng tồi tệ hơn trước”[12].
Trong hai năm 1943-1944, vấn đề Đông Dương được F.D.Roosevelt nhiều lần đề cập đến. Thảo luận về những vấn đề hậu chiến với Ngoại trưởng Anh Anthony Eden (3-1943) hay trong tiếp xúc với Đại sứ Anh Halifax tại Washington (1-1944), F.D.Roosevelt luôn nhắc đến kế hoạch ủy trị đối với Đông Dương và phê phán chính sách thuộc địa của Pháp: “Người Pháp đã bòn rút nơi này 100 năm, các dân tộc Đông Dương đáng được hưởng một cái gì đó tốt hơn thế"[13]; đề nghị thay vào việc trao trả lại Đông Dương lại cho Pháp thì nên đặt Đông Dương dưới sự ủy trị quốc tế và chuẩn bị cho nền độc lập của Đông Dương sau này. Tại Hội nghị Yalta (2-1945), F.D.Roosevelt tiếp tục nhấn mạnh rằng, dưới sự cai trị của người Pháp "Đông Dương đã không đạt được bất kỳ tiến bộ nào"; do đó, chế độ quản thác quốc tế là một sự lựa chọn thích hợp[14] và quan điểm này của Mỹ nhận được sự tán thành của Liên Xô- sự ủng hộ này là rất quan trọng, nó làm tăng khả năng hiện thực hóa quan điểm này trong thực tiễn.
Sáng kiến thiết lập chế độ ủy trị quốc tế đối với Đông Dương của F.D.Roosevelt vấp phải sự phản ứng quyết liệt của Anh (quốc gia sở hữu chuỗi thuộc địa lớn nhất toàn cầu) và một số quan chức Mỹ. Sự phản đối này lớn dần lên khi cuộc chiến chống lại Nhật Bản ngày càng cần huy động nhiều nhân lực, vật lực trong khi Pháp có thể đáp ứng phần nào yêu cầu này. Bên cạnh đó, Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ cũng cho rằng, việc Pháp khôi phục chế độ thuộc địa “góp phần làm nó trở nên lớn mạnh hơn và đó là một đối trọng tốt trước nước Nga cộng sản, có lợi cho chính sách hậu chiến của Washington trong thế đối đầu với Moscow”[15]. Ngoài ra, một số quan chức cấp cao của Washington còn muốn tránh những va vấp và xung đột không cần thiết với nước Anh chỉ vì Đông Dương khi Hoa Kỳ còn cần đến sự ủng hộ của quốc gia này trong nhiều vấn đề quốc tế khác.
Dưới những áp lực nêu trên, F.D.Roosevelt buộc phải nhượng bộ và trong cuộc họp báo vào tháng 2-1945, đã điều chỉnh chủ trương ủy trị quốc tế đối với Đông Dương, mở rộng thành phần tham gia, đồng ý để Pháp có mặt trong Hội đồng ủy trị quốc tế với điều kiện Pháp coi độc lập của Đông Dương là mục tiêu chính[16]. Cũng từ thời điểm này cho đến khi ngã bệnh và mất (4-1945), Tổng thống F.D.Roosevelt không còn trở lại với yêu cầu thiết lập chế độ quản thác quốc tế đối với Đông Dương cũng như thôi không theo đuổi kế hoạch tương lai của Đông Dương, đẩy nó lùi vào những vấn đề hậu chiến: “Tôi không muốn dính líu vào bất cứ quyết định nào về Đông Dương. Vấn đề này cần giải quyết sau khi chiến tranh kết thúc”[17]. Tương tự, F.D.Roosevelt cũng không muốn thúc đẩy các nỗ lực quân sự để giải phóng Đông Dương khỏi sự thống trị của Nhật Bản, giải thích rằng tất cả các nguồn lực cần được tập trung cho chiến tranh Thái Bình Dương.
 Như vậy, dù rất cố gắng, song F.D.Roosevelt đã không thể đưa ra những giải pháp dứt điểm cho số phận Đông Dương hậu chiến. Người ta cũng nhận thấy rằng, dù nhiều lần nhắc đến chế độ quản thác quốc tế đối với Đông Dương, song trên thực tế, F.D.Roosevelt đã không hành động quyết liệt. Nhà nghiên cứu Sanford B. Hunt cho biết: “Không có một bằng chứng nào cho thấy Tổng thống F.D.Roosevelt từng ra lệnh hoặc yêu cầu soạn  thảo các kế hoạch cụ thể nhằm thiết lập chế độ ủy trị cho Đông Dương”[18]. Dixee Bartholomew-Feis - tác giả cuốn sách “OSS và Hồ Chí Minh: Đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật gọi kế hoạch quản thác quốc tế cho Đông Dương của F.D.Roosevelt là một kế hoạch lỏng lẻo, dù đó là kế hoạch mà thông qua đó, F.D.Roosevelt hy vọng nó “sẽ cho phép Mỹ thiết lập các căn cứ hải quân, không quân dài hạn tại những vị trí chiến lược trên Thái Bình Dương và bất kỳ những nơi không tồn tại mối ác cảm truyền thống đối với quan điểm chính trị dựa vào sức mạnh của Mỹ"[19]. Gabriel Kolko thì khẳng định rằng, việc loại bỏ quyền lực của Pháp tại các thuộc địa được thúc đẩy bởi mong muốn trừng phạt sự hợp tác của Pháp với Đức và Nhật Bản, hơn là vì một niềm tin thực sự vào giá trị nội tại của tự do cho Việt Nam[20]. Ý tưởng về ủy thác quốc tế đối với Đông Dương quả thực là mong manh và nó càng trở nên dễ vỡ trước áp lực được các đồng minh của nước Mỹ bền bỉ tạo ra cũng như sức nặng ngày càng lớn các lợi ích quốc gia Mỹ, để cuối cùng nó lặng lẽ chết cùng với sự ra đi của F.D.Roosevelt.
3- Sau cái chết của F.D.Roosevelt, người kế nhiệm H.S.Truman từng bước điều chỉnh chính sách đối ngoại; theo đó, H.S.Truman đã xem xét lại một cách căn bản ý tưởng thiết lập chế độ quản thác quốc tế đối với Đông Dương của F.D.Roosevelt. Mỹ dần thay đổi thái độ, trở nên mềm mỏng hơn và Ngoại trưởng Mỹ E.R.Stettinius đã khẳng định với Ngoại trưởng Pháp Georges Bidault như sau: "Mỹ chưa từng đặt vấn đề nghi ngờ chủ quyền của pháp ở Đông Dương mặc dù một số chính giới ở Mỹ có chỉ trích chính sách trước đây của Pháp đối với khu vực này"[21]. Tháng 2- 1945, tại Hội nghị Yanta, Mỹ (và cả Liên Xô) tuyên bố không nhất thiết phải áp dụng chế độ ủy trị quốc tế đối với các thuộc địa của các nước đế quốc[22]. Tuy nhiên, cần ghi nhận rằng, dù từ bỏ chính sách loại người Pháp ra khỏi mảnh đất này, bỏ qua những nỗ lực mà Tổng thống F.D.Roosevelt theo đuổi một thời gian dài trong giải quyết vấn đề Đông Dương, song Washington vẫn mong muốn Pháp trao cho Đông Dương quyền tự trị[23]. Trong Hội nghị thành lập Liên Hợp Quốc (8-5-1945), tuyên bố không phản đối chủ quyền Pháp ở Đông Dương, song Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu Pháp cải thiện điều kiện chính trị, kinh tế ở bán đảo này, bày tỏ hy vọng sớm nhìn thấy một Đông Dương tự trị. Tại Hội nghị Potsdam (7-1945), sự lập lờ nước đôi của Hoa Kỳ về Đông Dương được chứng thực bởi quyết định cho phép người Anh giải giáp quân đội Nhật ở Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở vào phía Nam. Điều đó cũng có nghĩa là đã tạo ra một đảm bảo chắc chắc từ phía các nước Đồng minh đối với sự trở lại Đông Dương của người Pháp, bởi hơn ai hết, Anh luôn là nước trung thành với quan điểm duy trì chế độ thuộc địa cũng như luôn ủng hộ Pháp trở về lãnh địa Đông Dương- trên lập trường ấy, việc Anh giúp Pháp tái chiếm Đông Dương là tất yếu.
Tháng 8-1945, Chính phủ Hồ Chí Minh nắm quyền lãnh đạo đất nước, tuyên bố thành lập nước VNDCCH. Trước đó, sớm nhận thấy vai trò của Mỹ trong giải quyết các vấn đề quốc tế, ngay từ năm 1944, Hồ Chí Minh đã thiết lập quan hệ với tổ chức Office of Strategic Services  (OSS) của Mỹ đang hoạt động ở miền Nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam, hy vọng rằng hợp tác với Hoa Kỳ có thể mang lại sự ủng hộ của Washington đối với vấn đề độc lập của Việt Nam sau chiến tranh. Sau khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi, tin tưởng ở thiện chí của nước Mỹ, Chính phủ Hồ Chí Minh đã liên tiếp gửi công hàm, thư, điện đến Tổng thống H.S.Truman và Ngoại trưởng G. Byrnes, đề nghị can thiệp, buộc Anh chấm dứt những hành động vi phạm quyền dân tộc của Việt Nam, yêu cầu người Anh thực hiện những nguyên tắc tự do, tự quyết của Hiến chương Đại Tây Dương[24]. Không dưới một lần, Hồ Chí Minh đề nghị nước Mỹ với tư cách là những chiến sĩ bảo vệ công bằng thế giới có những bước đi quyết định ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Đặc biệt, để tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ cũng như một số nước khác, “phá tan tất cả những điều hiểu lầm ở ngoài nước và ở trong nước có thể trở ngại cho tiền đồ giải phóng của nước nhà”[25], Đảng cộng sản Đông Dương đã tuyên bố tự giải tán (11-1945); đồng thời, Hồ Chí Minh tranh thủ mọi cơ hội để bày tỏ với Mỹ về việc Việt Nam hy vọng sự giúp đỡ từ nước này hơn là từ Liên Xô[26].
 Trước những yêu cầu khẩn thiết của Chính phủ Hồ Chí Minh, phản ứng của Mỹ là khá bất lợi -Washington đã im lặng. Cánh cửa hy vọng của Việt Nam DCCH từ phía Mỹ đã bị khóa chặt, bởi tin tức OSS gửi về (OSS có mặt tại Hà Nội khi Việt Minh giành chính quyền) đã khẳng định chắc chắn đây hoàn toàn là một tổ chức cộng sản[27], trong khi từ tháng 8-1945, nước Pháp không ngừng hứa hẹn sẽ cho phép cả Mỹ và Anh tiếp cận, khai thác các nguồn lực kinh tế của Đông Dương sau khi Pháp quay trở lại[28]. Và việc gì đến đã phải đến - vào cuối tháng 8-1945, Tổng thống H.S.Truman chính thức tuyên bố với Tổng thống Pháp Charles de Gaulle đang ở thăm Washington rằng, Hoa Kỳ ủng hộ sự trở lại Đông Dương của Pháp[29]. Quyết định này của Nhà Trắng được đánh giá là một trong những quyết định có tính định hình tiến trình lịch sử thế giới và khu vực Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ sau đó.
Tháng 9-1945, thực hiện nhiệm vụ vào Đông Dương giải giáp quân đội Nhật Bản theo quyết định của Hội nghị Potsdam, quân đội Anh đã tái vũ trang cho tù binh Pháp. Ngày 23-9-1945, được người Anh hậu thuẫn, quân đội Pháp đánh chiếm Sài Gòn, thực hiện cuộc tái chiếm Việt Nam và Đông Dương. Sự thay đổi thái độ của Mỹ đối với Đông Dương đã tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất định cho Pháp quay trở lại nơi này, nhất là khi Pháp có được sự giúp đỡ của người đồng cảnh ngộ và đồng lợi ích trên vấn đề thuộc địa là nước Anh. Cần nói thêm rằng, dù không chống lại việc Pháp tái lập quyền thống trị đối với Đông Dương, song Mỹ vẫn e ngại quyết định này làm vấy bẩn hình ảnh một nước Mỹ phản đối chính sách thực dân; do đó, tháng 10-1945, khi tuyên bố “không phản đối việc tái lập quyền kiểm soát Đông Dương của Pháp”[30], Mỹ đồng thời khẳng định không ủng hộ người Pháp thiết lập quyền thống trị đối với Đông Dương bằng vũ lực, chỉ chấp nhận cho Pháp lập lại sự kiểm soát ấy trên cơ sở có được sự ủng hộ của dân chúng Đông Dương. Có vẻ như Mỹ giữ thái độ trung lập, không chấp nhận chính quyền Việt Nam DCCH cũng không giúp Pháp đánh chiếm Đông Dương để bảo toàn vị thế quốc gia luôn ủng hộ thiết lập một thế giới công bằng, song về bản chất, thái độ trung lập đó khi đặt trong bối cảnh của một cuộc đối đầu không cân sức thì thực ra Mỹ đã nghiêng hẳn về phía kẻ mạnh. Thật vậy, phân tích những diễn tiến trong thái độ của Mỹ đối với Đông Dương, Đô đốc Anh Mountbatten đã chắc nịch khẳng định với Tướng Leclerc: “Với cái chết của Roosevelt, Pháp có thể quay trở lại Đông Dương, vấn đề quản thác quốc tế cho Đông Dương đã trở thành vô nghĩa”[31]. Tin tưởng ở những chuyển biến có lợi cho mục tiêu quay trở lại Đông Dương, Tổng thống Pháp Charles de D Gaulle tuyên bố: "Lập trường của Pháp về Đông Dương rất đơn giản: Pháp có ý định thu hồi chủ quyền của mình trên toàn Đông Dương. Dĩ nhiên là sự khôi phục đó sẽ kéo theo một thể chế mới, nhưng đối với chúng tôi, chủ quyền của Pháp là vấn đề hàng đầu"[32].
Nhận định về sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Đông Dương từ tháng 2-1945, George Herring cho rằng đó là kết quả của những tính toán nhằm nhận được sự hỗ trợ mang tính đòn bẩy của Pháp trong cuộc chiến chống Liên Xô[33]. Không chỉ có vậy, trong khi mạnh mẽ tuyên bố về quyền tự quyết dân tộc, Hoa Kỳ còn bị ràng buộc bởi các mối quan hệ với những đồng minh châu Âu- những quốc gia sở hữu số lượng lớn thuộc địa, đã và đang làm giàu từ những mảnh đất màu mỡ ấy. Chịu tác động, chi phối bởi diễn biến của cuộc Chiến tranh Lạnh cũng nhu cầu củng cố quan hệ đồng minh để đối phó với một thế giới cộng sản đang mở rộng hàng ngày, hàng giờ và tham vọng chiến lược của Liên Xô ở châu Âu, Hoa Kỳ khó có thể hành động dứt khoát hơn. Thái độ của Washington đối sự việc Pháp tái chiếm Việt Nam còn được đặt dưới lăng kính của các vấn đề châu Âu, nhất là Paris đã một vài lần ý tứ đề cập đến việc rút lui khỏi Kế hoạch Marshall nếu không được bật đèn xanh cho việc trở lại Đông Dương vô điều kiện[34]. Ngoài ra, Mỹ còn lo ngại rằng thoát ra khỏi chế độ thuộc địa, các quốc gia mới giành độc lập có thể nhận sự hỗ trợ từ Liên Xô, rơi vào vùng ảnh hưởng của khối cộng sản –điều đó chắc chắn dẫn đến những thay đổi trong cán cân lực lượng nghiêng về phía có lợi cho Liên Xô; đồng thời, đánh mạnh/làm giảm các nguồn lực kinh tế của các đồng minh của Mỹ, khiến thế giới tư bản bị thu hẹp và suy yếu. Các phong trào đấu tranh đòi độc lập diễn ra liên tiếp, sôi nổi, mạnh mẽ trên nhiều khu vực của thế giới càng củng cố thêm mối lo ngại này của Hoa Kỳ và một nước Việt Nam cộng sản không phải là sự lựa chọn của Washington vào thời điểm đó cũng như nhiều năm sau này.
Viết về cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, nhiều nhà nghiên cứu thường đề cập đến “một nền hòa bình bị bỏ lỡ”. Một câu hỏi được đặt ra là: Từng có hay không một nền hòa bình bị bỏ lỡ? Câu trả lời là không khi đặt các chủ thể có liên quan trực tiếp và có vai trò quyết định đối với nền hòa bình ấy trên một trục tham chiếu: Pháp không bao giờ chịu từ bỏ Đông Dương, Việt Nam DCCH lựa chọn con đường giải phóng dân tộc, đi tới độc lập, tự do dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác –Lênin, còn Mỹ thì bị ám ảnh bởi bóng ma của chủ nghĩa cộng sản và dẫn dắt bởi niềm tin tuyệt đối phải chống lại bóng ma ấy.
Có một thực tế là những thay đổi trong thái độ của Mỹ về vấn đề Đông Dương đã để lại những hệ lụy căn bản và lâu dài. Hy vọng về việc “Mỹ sẽ kiềm chế ý đồ tái chiếm Việt Nam của thực dân của Pháp” mà Hồ Chí Minh đã nhiều lần bày tỏ đã không thành hiện thực. Với vai trò nước lớn, có ảnh hưởng quốc tế sâu rộng, nếu (dù lịch sử là không có chữ “nếu”) vào thời điểm quyết định đó, nước Mỹ có những nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về tình hình Đông Dương, về đặc điểm văn hóa, về tinh thần dân tộc, về khát vọng tự do của người Việt Nam để đưa ra những quyết sách theo hướng khác thì có lẽ Việt Nam đã sớm thấy một nền độc lập và rất có thể nước Mỹ đã tránh được một cuộc chiến tranh vô nghĩa, tốn kém, bi thảm, dài đằng đẵng 21 năm sau đó ở Việt Nam. Về phía Việt Nam DCCH, nhìn lại bức tranh độc lập của nhiều nước Đông Nam Á, con đường đã đi có phải là duy nhất? Câu chuyện về viễn kiến và tầm nhìn trong lựa chọn/quyết định vẫn đang là một dấu hỏi của lịch sử.





[1]  Báo Sự thật, số 32, ngày 20 - 4-1946

[2] Charter of the United Nations, United Nations, http://www.un.org/en/charter-united-nations/index.html

[3] Dixee Bartholomew-Feis: The OSS and Ho Chi Minh: Unexpected Allies in the War against Japan, University Press of Kansas, 2006, p.197.

[4] Dixee Bartholomew-Feis: The OSS and Ho Chi Minh, Ibid, p.199.

[5] Dixee Bartholomew-Feis: The OSS and Ho Chi Minh, Ibid, p.199.

[6] The Pentagon Papers Gravel Edition (Chapter I, "Background to the Crisis, 1940-50”), Volume 1, Boston: Beacon Press, 1971.

[7] The Pentagon Papers Gravel Edition, Ibid.

[8] Kết quả là Nhật Bản bị mất ¾ quan hệ kinh tế -thương mại với nước ngoài; mất 88 % lượng dầu nhập khẩu dẫn đến  dự trữ dầu của Nhật Bản chỉ đủ  dùng cho ba năm thời bình hoặc 1,5 năm thời chiến.

[9] The Secretary of State to the Ambassador in France// Foreign Relations of the United States (FRUS), 1942. Vol. II. Wash, 1962, p. 124.
[10] Hess G. R: Franklin Roosevelt and Indochina, The Journal of American History, 1972, Vol. 59, № 2, p.355.

[11] Foreign Relations of the United States, The Conferences at Cairo and Tehran, 1943, Wash, 1961, p. 325.

[12] Foreign Relations of the United States, The Conferences at Cairo and Tehran, Ibid, p. 485.
[13] foreign Relations of the united States 1944, Government Printins Office, Washington, D.C., 1965, Vol III, p. 773.
[14] United States Department of State: Foreign relations of the United States. Conferences at Malta and Yalta, 1945, U.S. Government Printing Office, 1945, p.770.
[15] Smith T. O: Churchill, America and Vietnam, 1941- 1945, Palgrave Macmillan UK,2011, p.12.

[16] Thomas G. Paterson and Dennis Merrill (Edited): Major Problems in American Foreign Policy, Volume II: Since 1914, 4th edition, Lexington, MA: D.C. Heath and Company, 1995, p. 190.

[17] Hess G. R: Franklin Roosevelt and Indochina, Ibid, p.363.
[18] Sanford B. Hunt, IV, B.A: Dropping the baton: decisions in United States policy on Indochina, 1943-1945, A  Thesis in History, Texas Tech University, p.97.
[19] Dixee Bartholomew-Feis: The OSS and Ho Chi Minh: Unexpected Allies in the War against Japan, Ibid, p.201.

[20] Gabriel Kolko: The United States in Vietnam 1944-66: Origins and Objectives of an Intervention  Objectives of an Intervention, Outsider Insight, 2014, p.15.

[21]U.S. Department of State: Foreign Relations of the United States, Government Printing Office, Vol VI, Washington, D.C 1970, p.307.
[22] United States Department of State: Foreign relations of the United States. Conferences at Malta and Yalta, 1945, Ibid, p.977.
[23] William Conrad Gibbons:The U.S. government and the Vietnam war, Excutive and Legislative roles and relationships, part I, 1945-1960, Princeton University press, Princeton, New Jersey, 1986, p.21.
[24] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.137.
[25] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.19.
[26] William J. Duiker:Ho Chi minh, A life, Hyperion, New York, 2000, p.366.
[27] Office of the Secretary of Defense: United States - Vietnam Relations 1945 - 1967 (The Pentagon Papers), Volume 1, Nimble Books, 2011, p.66.
[28] Gabriel Kolko: The United States in Vietnam 1944-66: Origins and Objectives of an Intervention  Objectives of an Intervention, Ibid, p.18.
[29] Gabriel Kolko: The United States in Vietnam 1944-66: Origins and Objectives of an Intervention  Objectives of an Intervention, Ibd, p.19.
[30] The Pentagon Papers Gravel Edition, Ibid.
[31] The Pentagon Papers Gravel Edition, Ibid.

[32] De Gaulle bluntly reaffirms French position in Indochina, End Of Empire.asia.

[33] George S. Herring, "The Truman Administration and the Restoration of French Sovereignty in Indochina", Ibid, p.112.
[34] America’s Vietnam War in Indochina, us.history.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!