Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

QUAN ĐIỂM CỦA MỘT SỐ NƯỚC LỚN TRƯỚC VIỆC VIỆT NAM ĐÀM PHÁN VÀ KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH PARIS (1973)


Nguyễn Thị Mai Hoa
ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
Trong 21 năm chiến tranh (1954-1975), đương đầu với một đối phương có tiềm lực, sức mạnh kinh tế, quân sự vượt trội, Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định sự ủng hộ của các nước XHCN là vô cùng quan trọng. Trong từng bước phát triển của cuộc kháng chiến, đặc biệt là trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris, chủ động, độc lập hoạch định chủ trương, đường lối, song Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn chú ý tham khảo ý kiến và tranh thủ sự đồng tình của các nước trong phe XHCN, nhất là hai nước lớn Liên Xô, Trung Quốc.

Bước sang năm 1967, trước những biến chuyển có lợi trên mặt trận chính trị và quân sự, Hội nghị Trung ương lần thứ 13 quyết định mở mặt trận ngoại giao, kéo Mỹ vào bàn đàm phán, đưa ngoại giao trở thành thành một mặt trận, chủ động vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh. Sau khi Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (1-1967) kết thúc, Việt Nam tích cực đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhằm làm cho các nước, trước hết là Liên Xô, Trung Quốc hiểu, đi đến ủng hộ chủ trương của Việt Nam; tuy nhiên, đặt trong bối cảnh phức tạp lúc đó, thực hiện nhiệm vụ đó thật không hề dễ dàng.
Năm 1967, chiến tranh Việt Nam thực sự là một gánh nặng đối với nước Mỹ[1], làn sóng phản đối chiến tranh bắt đầu dâng cao. Trong tình thế đó, Nhà trắng ngày càng nghiêng về giải pháp thương lượng nhằm kết thúc chiến tranh. Để kéo Hà Nội đến bàn đàm phán, người Mỹ nghĩ ngay đến vai trò trung gian của Liên Xô – quốc gia đang tăng cường viện trợ mọi mặt và có những ảnh hưởng nhất định đối với Việt Nam. Về phía Liên Xô, trước nguy cơ bị đẩy vào một cuộc xung đột rộng lớn dưới tác động của chiến tranh Việt Nam (không loại trừ khả năng triển khai vũ khí hạt nhân), Liên Xô khuyến khích Việt Nam tiếp xúc với Mỹ, giải quyết cuộc chiến thông qua thương lượng. Trong cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 13-1-1967, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô A.A. Gromyko nêu quan điểm: “Trong khi giúp đỡ Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ, chúng ta không để bị lôi kéo trực tiếp vào cuộc chiến tranh này. Tất nhiên, giải quyết cuộc xung đột ở Việt Nam chắc chắn sẽ có những tác động tích cực đến quan hệ Xô-Mỹ; đồng thời, mở ra những khả năng mới để giải quyết một số vấn đề quốc tế quan trọng”[2]. Trên quan điểm đó, cuối tháng 1- đầu tháng 2 năm 1967, Liên Xô đưa ra sáng kiến hòa bình “Hoa Hướng dương” (Operation Sunflower). Sáng kiến hòa bình này bao gồm những nội dung chủ yếu như: 1- Thiết lập các mối liên hệ giữa Hà Nội và Washington thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Moscow; 2- Trao đổi quan điểm giữa Tổng thống Lyndon Johnson với Hồ Chí Minh; 3- Thảo luận giữa Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.Kosygin với Đồng chủ tịch Hiệp định Geneva 1954 Thủ tướng Anh G. Wilson về khả năng đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam hoặc có thể là triệu tập một hội nghị quốc tế mới để giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, trong các cuộc trao đổi giữa đại diện của Hà Nội và Washington, lập trường của Mỹ khá cứng rắn, không chấp nhận ngừng ném bom vô điều kiện, luôn đòi hỏi Hà Nội rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Trước tình hình đó, hội đàm cấp cao với đoàn đại biểu Việt Nam (3-1967), Liên Xô đề nghị Việt Nam không nên yêu cầu Mỹ chấm dứt ném bom không điều kiện: “Mỹ khó chấp nhận việc chấm dứt ném bom không điều kiện, nêu ra không có ích gì, chỉ cản trở thương lượng...”[3], gợi ý “có thể chấp nhận xuống thang về hình thức để đánh lừa Mỹ”[4]. Nói cách khác, Liên Xô đề nghị Việt Nam giải quyết cuộc xung đột bằng thương lượng trên những điều kiện về căn bản và thực chất là tương ứng với phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Geneve 1954.
Về phía Trung Quốc, quan điểm có phần trái ngược với Liên Xô. Ngay từ năm 1965, trong khi Liên Xô khuyến khích Việt Nam tiếp xúc với Mỹ trên cơ sở “duy trì vĩ tuyến 17 như là một đường ranh giới"[5], thì Trung Quốc đã cho rằng đàm phán là chưa chín muồi, e ngại nếu Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán sẽ tạo điều kiện cho Mỹ “có dịp tuyên truyền và chia rẽ, gây rối loạn trên dư luận thế giới”[6]. Trung Quốc lên án Liên Xô “xúi Việt Nam đàm phán với Mỹ, phó mặc số phận lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam, bán đứng những người anh em của mình”[7]. Chu Ân Lai đề nghị “Đảng và Chính phủ Việt Nam suy nghĩ thêm về vấn đề này. Nếu không sẽ mắc mưu đế quốc Mỹ, bọn xét lại hiện đại và những kẻ đi theo chúng”[8]. Phân tích thái độ của Trung Quốc, ngày 18-2-1966, phát biểu trước Ủy ban Thượng viện Phunbrai, Ngoại trưởng Mỹ D. Raskel nhận xét: "Có dấu hiệu Bắc Kinh còn hơn cả Hà Nội trong việc ngăn cản con đường đi đến bàn hội nghị"[9].
Về sáng kiến hòa bình “Hoa Hướng dương” của Liên Xô, Trung Quốc chỉ trích Liên Xô "thỏa hiệp" với Mỹ. Chu Ân Lai  phát biểu: “Yêu sách của Mỹ ngày càng cao là do thái độ dung túng của Liên Xô đã khuyến khích. Tuy Liên Xô biểu thị với Mỹ rằng việc này là do Việt Nam quyết định, nhưng Liên Xô không chối việc chuyển lời của Mỹ cho Việt Nam”[10]. Trong cuộc hội đàm giữa hai đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam- Trung Quốc tại Bắc Kinh (17-2-1967), sau khi phê phán sách lược “đánh –đàm”, Thủ tướng Chu Ân Lai  nêu bốn hậu quả khi thực hiện: 1- Gây hiểu lầm về giải quyết tách rời vấn đề miền Bắc và miền Nam; 2- Làm cho nhân dân có ảo tưởng hòa bình; 3- Gây hiểu lầm miền Bắc bán rẻ miền Nam; 4- Các nước xét lại gây áp lực đàm phán đối với Việt Nam[11]. Nhằm gỡ rối tình hình, tránh để Trung Quốc nghi ngờ Việt Nam thương lượng non, trong cuộc hội kiến với Chu Ân Lai (4-1967), Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định quan điểm: “Trên cơ sở thắng lợi của đấu tranh quân sự, chính trị tiến hành đấu tranh ngoại giao với thế chủ động, thế tiến công”[12], “trước mắt đòi Mỹ phải đình chỉ vĩnh viễn và vô điều kiện việc ném bom, bắn phá và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”[13]. Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng  cũng giải thích rõ thêm rằng, trên thực tế dư luận quốc tế có những biểu hiện ủng hộ Việt Nam; Việt Nam nhận thức đầy đủ Mỹ chưa thực sự muốn ngồi đàm phán với Việt Nam, hiểu rõ những thủ đoạn cực kỳ ngoan cố, xảo quyệt của Mỹ và hoàn toàn “không có chút ảo tưởng nào, mà trái lại sẵn sàng đánh, đánh mạnh hơn”[14]. Phân tích thái độ không ủng hộ đàm phán của Trung Quốc, Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam S. Sherbakov nhận định rằng, về mặt chiến lược, “cuộc chiến tranh ở Việt Nam sẽ làm suy yếu cả Mỹ và Liên Xô, làm tăng cơ hội đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai đối thủ chính của Trung Quốc”[15]. Khả năng Việt Nam đàm phán thành công với Mỹ dẫn đến ký kết hiệp định lập lại hòa bình ở Việt Nam sẽ bất lợi đối với  chính sách đối ngoại của Trung Quốc, vấn đề Việt Nam mất đi ý nghĩa đối với việc giải quyết quan hệ tay đôi.
Sau Tổng tấn công Mậu thân 1968, Mỹ buộc phải đơn phương chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc (từ vĩ tuyến 20 trở ra), sẵn sàng cử đại diện đàm phán với Hà Nội, quyết định rút dần quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam khi chưa một mục tiêu nào của cuộc chiến tranh được thực hiện. Tuy nhiên, Mỹ chưa đáp ứng hoàn toàn những điều kiện do Việt Nam nêu ra, nên đàm phán ngay là quá sớm, song không thể bỏ lỡ cơ hội đàm phán. Cân nhắc, đánh giá tình hình, ngày 3-4-1968, Chính phủ VNDCCH ra tuyên bố: “Sẵn sàng cử đại diện của mình tiếp xúc với đại diện Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và các hoạt động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện”[16].
Chưa muốn Việt Nam đàm phán, Trung Quốc không đồng tình với Tuyên bố 3-4-1968, coi đó như sự nhân nhượng một phần, giải cứu khó khăn cho Mỹ, tuyên bố vội vã và quá nhanh[17], “các đồng chí Việt Nam dễ nhân nhượng (…) không phải các đồng chí chủ động thêm mà là mất thêm chủ động”[18]. Kiên định lập trường, Thủ tướng Phạm Văn Đồng giải thích: “Các đồng chí góp ý kiến theo tinh thần nghiêm chỉnh, chúng tôi sẽ chú ý. Nhưng  chúng tôi mới là những người trực tiếp trên hoạt động trên mặt trận quân sự cũng như ngoại giao. Chúng tôi là những người đánh Mỹ và cuối cùng sẽ thắng Mỹ”[19]. Khi Mỹ và Việt Nam sắp đạt thoả thuận về việc chấm dứt ném bom và tiến hành Hội nghị bốn bên, Trung Quốc làm găng tới mức đe doạ cắt quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Do không nhất trí trong vấn đề đánh, đàm, Trung Quốc đã từ chối đề nghị tiếp đoàn đại biểu Việt Nam đến Trung Quốc bàn bạc khắc phục hậu quả do bão lụt gây ra và viện trợ vật tư cho miền Nam, vì “bận công tác” (10-1968)[20].
Ngược lại với Trung Quốc, Liên Xô nêu quan điểm: “Cố nhiên Mỹ không thể chấm dứt 100% việc bắn phá miền Bắc (…) nếu các đồng chí một mực nói: các anh phải chấm dứt toàn bộ và không có điều kiện việc đánh phá miền Bắc, còn chúng tôi sẽ không nhượng bộ gì cả, thì là tối hậu thư. Mà thực sự muốn có đàm phán thì không bên nào được có giọng tối hậu thư...”[21]. Tháng 11-1968, Tổng Bí thư L.I.Breznierv và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng A.N. Kosygin gửi thư cho Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhấn mạnh hai nội dung: Một là, Việt Nam hãy dè chừng với phái hiếu chiến trong Chính quyền Mỹ; hai là, Việt Nam không nên đấu tranh vũ trang mà nên tiếp tục con đường ngoại giao để giải quyết cuộc chiến tranh[22]. Tiếp Đoàn đại biểu Việt Nam tại Moscow, A.N. Kosygin kiên trì quan điểm: “Việt Nam cần cố gắng đấu tranh trên mặt trận chính trị - ngoại giao để giành thắng lợi; cần có chương trình nghiêm túc để đạt được mục tiêu không phải bằng con đường quân sự”[23]. Nhìn chung, Liên Xô muốn Việt Nam đáp ứng yêu sách của Mỹ trên nguyên tắc “có đi có lại”, tức là Việt Nam chấm dứt đưa quân chiến đấu vào miền Nam, rút quân đội ra khỏi miền Nam đổi lại Mỹ sẽ chấm dứt ném bom miền Bắc. Liên Xô “chủ trương giải quyết vấn đề ngừng ném bom miền Bắc trước, vấn đề miền Nam sau, giải quyết vấn đề quân sự ở miền Nam trước, vấn đề chính trị sau”[24], có nghĩa là muốn Việt Nam nhượng bộ, nhanh chóng sớm kết thúc chiến tranh, giữ nguyên hiện trạng hai miền. Trước những bất đồng quan điểm của các nước đồng minh chủ chốt, Việt Nam kiên định lập trường của mình, ngồi vào bàn đàm phán với những yêu cầu, mục đích phù hợp với tương quan lực lượng trên chiến trường, nhằm “làm cho Mỹ hiểu rằng không thể thắng được dân tộc Việt Nam bằng vũ khí và bom đạn”[25].
Bước sang năm 1969, Hội nghị Paris ở vào giai đoạn hai - giai đoạn đàm phán bốn bên, đàm phán vẫn chưa đi vào thực chất. Suốt những năm 1969-1970, Mỹ vẫn muốn đàm phán trên thế mạnh, cố tình hạ thấp Hội nghị Paris, liên tục giằng dai trên bàn Hội nghị, gây nên những bế tắc về ngoại giao. Trước tình hình đó, một mặt, Việt Nam kiên trì đàm phán; mặt khác, chuẩn bị bồi tiếp những đòn tiến công mới, giáng mạnh vào ý chí xâm lược của Mỹ, gây cho Mỹ những tổn thất nặng nề về sinh lực và phương tiện chiến tranh, thúc đẩy tiến trình đàm phán. Theo đuổi quan điểm không ủng hộ Việt Nam đàm phán, năm 1969, Trung Quốc chuyển tới Việt Nam thông điệp không thể quá dựa vào viện trợ quân sự của nước khác, nên nghiêm túc đi theo phương châm độc lập, tự chủ, tự lực cánh sinh. Trong một động thái thể hiện phản ứng khác, năm 1969, Trung Quốc hạn chế vận chuyển quá cảnh hàng hóa viện trợ cho Việt Nam, Hà Nội đã phải nhận và vận chuyển hàng viện trợ, vũ khí vào miền Nam qua đường thủy thẳng từ Liên Xô đến cảng Sihanouk Ville (nay là cảng Komponsom) của Campuchia, đưa về các kho đặt rải rác dọc biên giới. Có điều, vận chuyển theo con đường này, Việt Nam phải trả chi phí “lót đường” khá cao, có lúc “tiền lót đường được tính theo giá 2 đô la/1kg vũ khí và 1 đô la/1kg các loại hàng khác”[26]. Mức giá này luôn thay đổi, nhiều lần các viên tướng Campuchia không chịu lấy tiền, mà đòi đổi vũ khí, “có trường hợp phải chấp nhận chia cho họ 30% vũ khí quá cảnh”[27].
Trong khi Trung Quốc khá căng thẳng trước việc Việt Nam tìm kiếm con đường kết thúc chiến tranh thông qua ngoại giao, thì Liên Xô hết sức hoan nghênh đàm phán Paris, hy vọng về những bước tiến mới với kết quả tích cực. Điều đó – như Liên Xô khẳng định, là hoàn toàn hiện thực “nếu có sự đánh giá đúng đắn các lực lượng chính trị hoạt động tại Việt Nam và thừa nhận quyền hợp pháp, bình đẳng của các lực lượng ấy tại bàn đàm phán”[28]. Tháng 2-1969, gửi đến Chính quyền Nixon thông điệp về các vấn đề hòa bình và hợp tác quốc tế, liên quan đến chiến tranh Việt Nam, Liên Xô mong muốn việc giải quyết mặt chính trị của xung đột ở miền Nam Việt Nam phải trên cơ sở tôn trọng nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam[29]. Trước yêu cầu cấp bách phải thoát ra khỏi cuộc chiến tranh “trong danh dự”, Mỹ luôn gắn vấn đề cải thiện quan hệ Xô – Mỹ với giải quyết chiến tranh Việt Nam, yêu cầu Liên Xô nhanh chóng dàn xếp ngoại giao, thúc đẩy miền Bắc Việt Nam đồng ý các điều kiện đàm phán và đẩy nhanh nhịp độ đàm phán. Mặc dù thường xuyên khẳng định “đã, đang và sẽ đóng một vai trò tích cực để chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam một cách chóng vánh nhất”[30], nhưng Moscow luôn giữ vững quan điểm: Tuy có ảnh hưởng đáng kể đối với Hà Nội, “song, ảnh hưởng ấy của Liên Xô chỉ được phát huy, đẩy nhanh tiến trình đàm phán hòa bình khi và chỉ khi Hoa Kỳ có nhận thức và cách tiếp cận nghiêm túc, đúng đắn về kết thúc chiến tranh Việt Nam”[31]. Liên Xô thẳng thắn cảnh báo Mỹ: “Phương thức quyết vấn đề Việt Nam bằng sức mạnh quân sự chẳng những không có tương lai, mà còn hết sức nguy hiểm”[32]. Cũng cần nói thêm rằng, bị thúc ép bởi yêu cầu cải thiện quan hệ với Mỹ, từ năm 1970, Liên Xô thuyết phục Việt Nam hạ thấp điều kiện đàm phán. Tháng 3-1970, khi tình hình Campuchia căng thẳng, Liên Xô đã hai lần yêu cầu Việt Nam rút quân khỏi Campuchia.
Đối với Trung Quốc, cần ghi nhận rằng đến cuối năm 1970, quan điểm của Trung Quốc về việc Việt Nam đàm phán đã có một số chuyển biến nhất định. Tiếp Thủ tướng Phạm Văn Đồng (23-9-1970), Mao Trạch Đông phát biểu: “Chúng tôi đã thấy là các đồng chí có thể tiến hành đấu tranh ngoại giao và làm rất tốt. Cuộc đàm phán đã diễn ra hai năm, lúc đầu chúng tôi có lo lắng. Lo các đồng chí bị mắc kẹt. Bây giờ thì không còn lo lắng nữa”[33]. Tuy nhiên, dù tuyên bố Việt Nam có thể đàm phán với Mỹ[34], song Mao Trạch Đông vẫn chưa từ bỏ mong muốn Việt Nam dồn lực cho mặt trận quân sự, nhấn mạnh rằng, “sức mạnh quyết định vẫn là ở quân sự”[35], lấy ví dụ Hiệp định Geneve bị phá hoại để minh chứng đàm phán không phải là yếu tố quyết định cục diện cuộc chiến. Nhằm làm rõ hơn lập trường của Việt Nam, Lê Duẩn giải thích: “Đấu tranh chính trị và quân sự có tầm quan trọng quyết định, tuy nhiên, thực tiễn Việt Nam, ở một mức độ nhất định đã chứng minh đấu tranh ngoại giao có hiệu quả trong nhiều năm qua (…) chúng tôi sẽ kiên trì trong cuộc đấu tranh quân sự, chính trị, coi đó là yếu tố quyết định chiến thắng, song khi tình hình cho phép, cần đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao”[36]. Như vậy, dù không phản đối Việt Nam đàm phán, song Trung Quốc mới chỉ ủng hộ Việt Nam đàm phán một cách hình thức.
Cho đến trước cuộc tiến công Xuân - Hè 1972, cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán Hội nghị Paris giữa Việt Nam và Mỹ tiếp tục diễn ra căng thẳng, quyết liệt, nhưng hầu như không có tiến triển. Trước những bước chuyển biến chậm chạp trên bàn đàm phán trong khi các cuộc phiêu lưu quân sự trên chiến trường Đông Dương có nguy cơ thất bại hoàn toàn và dư luận xã hội đang lên án mạnh mẽ Chính phủ Mỹ, Tổng thống R. Nixon đã tìm kiếm khả năng đối phó thông qua việc chia rẽ Việt Nam với các đồng minh chiến lược, thực hiện chiến dịch ngoại giao con thoi với Trung Quốc, Liên Xô, nhằm “phá vỡ mối quan hệ với Hà Nội và hai cường quốc cộng sản; đồng thời, lợi dụng sự chia rẽ giữa Moscow và Bắc Kinh để giúp ông ta (Nixon) chấm dứt cuộc chiến tranh ở Đông Dương thông qua thương lượng về một giải pháp tại Paris”[37].  Tháng 2-1972, Tổng thống Nixon thực hiện chuyến đi lịch sử tới Trung Quốc, tháng 5-1972, cuộc gặp thượng đỉnh Xô – Mỹ diễn ra tại Moscow; quan hệ Trung – Mỹ và quan hệ Xô- Mỹ được cải thiện, dần ấm lên.
Nhận định “vngoại giao, Mỹ mưu toan dùng Liên Xô, Trung Quốc để hạn chế thắng lợi của ta trên chiến trường và ép ta đi vào giải quyết sớm”[38], Việt Nam quyết định duy trì Hội nghị Paris để làm diễn đàn tuyên truyền, phối hợp với đấu tranh quân sự trên chiến trường và sau này trực tiếp giải quyết vấn đề chiến tranh với Mỹ. Theo quan điểm của Hà Nội, việc cả Liên Xô, Trung Quốc đều mời Tổng thống Mỹ đến thăm và thực hiện các cuộc gặp gỡ thượng đỉnh cũng những thoả thuận công khai đã tác động bất lợi đối với cuộc đàm phán đang bước vào giai đoạn quyết định. Thật vậy, trước cuộc gặp thượng đỉnh Xô – Mỹ, tháng 4-1972, Liên Xô gợi ý Việt Nam cần gây sức ép “buộc Mỹ phải rút hết trước bầu cử Tổng thống Mỹ, còn các vấn đề chính trị, tiếp tục đấu tranh đòi giải quyết theo lập trường của ta”[39]. Trước đề nghị đó và sau chuyến thăm của R.Nixon đến Liên Xô, tháng 5-1972, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao tới Moscow “để giải thích các kế hoạch mới với Đảng Cộng sản Liên Xô”[40] – kế hoạch vừa đàm phán, vừa đánh mạnh trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 1972. Lê Duẩn đã “vạch rõ kế hoạch hòa hoãn và ngoan cố của Nixon”, khẳng định một lần nữa lập trường đánh – đàm và thể hiện mong muốn Liên Xô tiếp tục giúp đỡ Việt Nam thắng Mỹ[41].
Năm ngày sau khi Nixon kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, Chu Ân Lai đã tới Việt Nam để thông báo về kết quả cuộc gặp Trung – Mỹ; đồng thời, chuyển tải thông điệp rằng Bắc Kinh đã không làm bất cứ điều gì tổn hại đến nỗ lực tiến hành chiến tranh của Hà Nội cũng như đàm phán Paris. Dù không quyết liệt phản đối Việt Nam đàm phán, song sau chuyến sang Trung Quốc lần thứ 2 của Kissinger, khi Việt Nam đang cố gắng đạt hai yêu cầu trước mắt trong đấu tranh ngoại giao: Thứ nhất, gây sức ép mạnh trong nước Mỹ, ngay cả trong Thượng và Hạ nghị viện Mỹ để buộc R. Nixon phải dứt khoát rút quân ra khỏi miền Nam và phải tuyên bố thời hạn rút quân; thứ hai, phải kéo chính quyền Sài Gòn xuống một bước, buộc Mỹ phải đưa ra một chính quyền có thể nói chuyện với ta[42], Trung Quốc đã khuyên Việt Nam “nói chuyện trực tiếp với ông Thiệu và cấp phó của ông ta, để cho ông ấy thấy rằng các đồng chí rộng lượng khi ông ta bị thất thế. Khi ông Thiệu vẫn là đại diện của phe hữu khuynh và chưa có ai thay thế ông ta, Mỹ có thể yên tâm rằng người của họ đang nắm quyền”[43]. Chu Ân Lai gợi ý nên giữ Nguyễn Văn Thiệu, đưa Nguyễn Văn Thiệu vào Chính phủ Liên hiệp: “Nếu Mỹ không có Thiệu này thì sẽ có Thiệu số 2, dù sao cũng có tên đại diện cho lực lượng của họ; trong đàm phán Nam - Bắc, miền Nam cũng có người đứng ra đại diện. Đây là ý kiến của Mao Chủ tịch”[44].
Sau rất nhiều nỗ lực, ngày 27-1-1973, diễn ra lễ ký kết chính thức Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, kết thúc cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Sau cuộc đàm phán kéo dài suốt năm năm, với Hiệp định Paris, Hà Nội đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn mới, tạo ra so sánh lực lượng có lợi cho việc “đánh cho Ngụy nhào” tiến tới hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hai năm sau đó. Việc ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam là phù hợp với mong muốn làm dịu tình hình quốc tế căng thẳng, giải quyết các cuộc tranh chấp quốc tế bằng thương lượng của Liên Xô; do đó, Liên Xô nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá cao Hiệp định. Phát biểu trong tiệc chiêu đãi Lê Đức Thọ và Nguyễn Duy Trinh ở Moscow (30-1 -1973), Tổng bí thư L. Brejnev cho rằng, “lò lửa chiến tranh nguy hiểm nhất trên trái đất đã bị thủ tiêu”. Trong điện mừng gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhân dịp ký Hiệp định Paris, lãnh đạo Liên Xô đánh giá cao chiến công của nhân dân Việt Nam, khẳng định chiến công ấy “sẽ được ghi vào lịch sử đấu tranh của các dân tộc vì tự do và độc lập, chống xâm lược và áp bức như là một trong những trang sử chói lọi”[45]. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Liên Xô đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ mạnh mẽ về chính trị và sự giúp đỡ to lớn về vật chất, hỗ trợ mạnh mẽ trong việc đấu tranh thi hành Hiệp cũng như trong củng cố vững chắc các vùng giải phóng. Dù không ủng hộ Việt Nam đánh lớn ở miền Nam, nhưng khi Việt Nam tiến hành Tổng tiến công mùa Xuân năm  1975, Liên Xô đã gửi khẩn cấp lương thực, thuốc và các nhu yếu phẩm khác giúp nhân dân vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, đẩy mạnh việc chuyên chở những hàng hóa đã ký kết theo Hiệp định như xe hơi, gạo, bột mỳ, xăng dầu... dù lúc này Hà Nội chưa nêu yêu cầu, quyết định viện trợ bổ sung không hoàn lại trong năm 1975; đồng thời, gửi gấp sang Việt Nam các đoàn tàu chở khí tài quân sự (gồm 10 máy bay Mig, một số tên lửa lưu động “Strela” và tên lửa chống tăng “Maly Outka”), hỗ trợ trực tiếp cho chiến dịch.
Trong khi đó, tuy tán thành Việt Nam ký kết Hiệp định Paris nhưng Trung Quốc không muốn Việt Nam sớm thống nhất đất nước, muốn duy trì nguyên trạng Đông Dương, khuyên Việt Nam nên nghỉ ngơi một thời gian. Khi quân và dân Việt Nam mở chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy tháng 4-1975, Trung Quốc không đồng tình, lấy lý do "nếu Việt Nam giải phóng Sài Gòn thì Mỹ sẽ đưa quân trở lại"[46]. Vào những giây phút cuối cùng trước khi Sài Gòn thất thủ, viên tướng Pháp đội lốt ký giả Francois Vanuxem hối hả xin gặp Tướng Dương Văn Minh và đề nghị: “Hãy rút về Cần Thơ, cố thủ Vùng 4 chiến thuật, chỉ vài ngày nữa thôi Trung Quốc sẽ áp đặt giải pháp trung lập hóa miền Nam”[47]. Không ủng hộ Việt Nam giải phóng miền Nam, giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trung Quốc trì hoãn không chuyển giao cho Việt Nam những khoản vũ khí, phương tiện chiến tranh đã cam kết giúp đỡ trước đó.
Nhìn nhận lại quan điểm, thái độ hai đồng minh quan trọng của Việt Nam là Liên Xô và Trung Quốc trong quá trình Việt Nam đàm phán và ký kết Hiệp định Paris, có thể thấy rằng, lợi ích quốc gia là yếu tố quan trọng quyết định cách tiếp cận của Liên Xô và Trung Quốc đối với cuộc hòa đàm. Thái độ ủng hộ hay phản đối Việt Nam đàm phán là kết quả những tính toán chiến lược của cả Liên Xô và Trung Quốc. Đó đồng thời cũng là cơ sở, là điểm quy chiếu quan trọng cho việc nhìn nhận, lý giải, đánh giá mức độ, cách thức Liên Xô, Trung Quốc ủng hộ hay phản đối Việt Nam trong suốt 21 năm chiến tranh (1954-1975).
Đặt lợi ích dân tộc, lợi ích bảo đảm thắng Mỹ lên hàng đầu, Việt Nam luôn tôn trọng quan điểm, lập trường của Liên Xô và Trung Quốc, song cố gắng giữ vững đường lối kháng chiến độc lập tự chủ; nhờ đó, đã hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực từ những đồng minh chiến lược, tranh thủ ở mức tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ phục vụ cuộc hòa đàm thế kỷ. Nhìn một cách tổng quát, Việt Nam đã giải quyết khá thành công bài toán lợi ích quốc gia và quốc tế; nhờ đó, đã hoàn thành mục tiêu đàm phán trong suốt năm năm dài đẵng đẵng đấu trí, đấu lực với một đối phương mạnh nhất thế giới. Hiệp định Paris được ký kết là thành quả to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là kết quả của những ngày tháng đấu tranh, đấu trí kiên quyết trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Bằng trí tuệ, bản lĩnh và năng lực phân tích khoa học, Hà Nội đã nắm bắt, nắm chắc những thời điểm quan trọng, có những quyết sách kịp thời, lái cuộc đàm phán theo hướng có lợi nhất, gieo những hạt mầm quan trọng cho chiến thắng cuối cùng của Việt Nam vào năm 1975.


[1] Đến năm 1967, đã có 13.500 quân nhân Mỹ bị giết ở miền Nam Việt Nam; chi phí chiến tranh,trong năm tài chính 1967-1968 lên đến 22,4 tỷ đô la.
[2] Добрынин А. Ф. Сугубо доверительно. Изд. Международные отношения, M. 2008, c.147.
[3] Hồ sơ quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (7-1954 đến tháng 4-1975), tài liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, tr. 38-39.
[4] Hồ sơ quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (7-1954 đến tháng 4-1975), TLđd, tr. 39.
[5] И. В. Гайдук,  Советский Союз и война во Вьетнаме, Осмысление истории. М, 1996, c. 118.
[6] Discussion between Zhuo Enla, Chen Yi and and  Nguyen Duy Trinh, Beijing,  18 December 1965, 77 conversations between Chinese and foreign leaders on the wars in Indochina, 1964-1977”, History and Public Policy Program Digital Archive, CWIHP Working Paper 22.
[7] Discussion between Zhuo Enlai, Deng Xiaoping and Ho Chi Minh, Beijing, 17 May 1965, Ibid.
[8] Discussion between Zhuo Enla and  Nguyen Duy Trinh, Beijing,  19 December 1965, Ibid.
[9] Gi. A.Amtơ: Lời phán quyết về Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr.174.
[10] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), lưu tại Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tr.127.
[11] Như trên, Tlđd, tr. 112.
[12] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 113.
[13] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 113.
[14] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 114.
[15] И. В. Гайдук,  Советский Союз и война во Вьетнаме, ,Осмысление истории. М, 1996, c. tr. 149.
[16] Dẫn theoHội nghị Pari về Việt Nam, cuộc đàm phán hòa bình gay go nhất thế kỷ XX”, Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
[17] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 142-143.
[18] Zhou Enlai And Pham Van Dong, Beijing, 13 April 1968, Ibid, p.122.
[19] Zhou Enlai And Pham Van Dong, Beijing, 13 April 1968, Ibid, p.123.
[20] Trên thực tế trước, sau và trong thời gian tổ chức Hội nghị toàn thể Trung ương 12 (khóa VIII), Mao Trạch Đông đã tiếp Đoàn đại biểu Guinea, Ngoại trưởng Pakistan, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Albania, còn Chu Ân Lai và các lãnh đạo khác của Trung Quốc cũng hoạt động đối ngoại liên tục, trong khi cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Văn Đồng bị đẩy lùi lại đến tháng 11-1968
[21] Hồ sơ quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (7-1954 đến tháng 4-1975), TLđd, tr. 39.
[22] Sổ công tác của Đại tướng Văn Tiến Dũng, bản đánh máy, lưu tại Ban Tổng kết lịch sử, Bộ Tổng tham mưu.
[23] Sổ công tác của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tlđd.
[24] Hồ sơ quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (7-1954 đến tháng 4-1975), TLđd, tr. 39.
[25] Lịch sử quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 11, tr.205-207.
[26] Đặng Phong: Lịch sử kinh tế Việt Nam 1955- 1975, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005, t.2, tr. 1074.
[27] Đặng Phong: Lịch sử kinh tế Việt Nam 1955- 1975, Sđd, t.2, tr. 1074.
[28] Note From Soviet Leaders to President Nixon, February 17, 1969, National Archives, Moscow Nixon Presidential Materials, NSC Files, Box 340, Subject Files, USSR Memcons Dobrynin/President 2/17/69, Document 15.
[29] Note From Soviet Leaders to President Nixon, February 17, 1969, Tlđd, Document 15.
[30]Memorandium of Conversatian (USSR), AVP RF, f. 0129, op. 53, p. 399, d. 6, l. 44–50. Secret, N0 34
[31]Memorandium of Conversatian (USSR), N0 34, Ibid
[32]Note From the Soviet Leadership toPresident Nixon,National  Archives,  Nixon  Presidential  Materials,  NSC Files,  President’s Trip  Files,  Kissinger/Dobrynin,1969,  Pt.1.
[33] Mao Zedong And Pham Van Dong, Beijing, 23 September 1970, Ibid, p.174.
[34] Mao Zedong And Le Duan, Beijing, the Great Hall of the People, 11 May 1970, Ibid, p.161.
[35] Mao Zedong And Le Duan, Beijing, the Great Hall of the People, 11 May 1970, Ibid, p.162.
[36]Zhou Enlai And Pham Van Dong, Beijing, 17 September 1970, Ibid, p.172.
[37]Pierre Asselin, Nền hòa bình mong manh – Washington, Hà Nội và tiến trình Hiệp định Paris, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 55-56.
[38] Dẫn theo Lưu Văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kítxinhgiơ tại Paris, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1996, tr. 440.
[39] Hồ sơ quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (7-1954 đến tháng 4-1975), TLđd, tr. 40.
[40] Lorenz M, Beijing, Moscow, and the Paris Negotiations, 1971-1973, Journal of Cold War Studies  Volume 11, Number 1, Winter , 2009, p. 62.
[41] Tài liệu lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Cục Tác chiến, hồ sơ 5247.
[42] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 32, Sđd, tr.409-410.
[43] Discussion between Zhou Enlai and Le Duc Tho, Beijing, 12 July 1972, Ibid,
[44] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr.196.
[45] Hồ sơ quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (7-1954 đến tháng 4-1975), TLđd, tr.59
[46] Nguyễn Thành Lê: Một tiêu điểm của cuộc chiến tranh tư tưởng phản cách mạng, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1983, tr.49.
[47] Nguyễn Hữu Thái: 30/4/1975, Dương Văn Minh và tôi, Tạp chí Xưa và nay, số tháng 3-2008.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!