Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM SAU THẮNG LỢI CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (1945)


Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã phá tan xiềng xích của chế độ thực dân gần 100 năm cùng với chế độ vua quan phong kiến hàng ngàn năm, khai sinh ra nước Việt Nam DCCH. Toàn thể dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập và tự do. Đó chính là điều kiện cơ bản, thuận lợi để Đảng, Nhà nước Việt Nam xây dựng đất nước về mọi mặt, trong đó có việc xây dựng một nền giáo dục, đáp ứng được nhu cầu phát triển và phù hợp với hoàn cảnh mới của đất nước.

1. Với những hệ quả trầm trọng mà thực dân Pháp để lại cho nền giáo dục Việt Nam sau hơn gần 100 năm đô hộ (nạn thất học), nhiệm vụ cấp bách lúc này là phải thanh toán được nạn mù chữ. Đây được coi là một trong ba nhiệm vụ lớn nhất của toàn dân lúc bấy giờ: Diệt “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”. Đảng và Nhà nước Việt Nam xem “giặc dốt” thực sự là một kẻ thù, một kẻ thù nguy hiểm chẳng khác gì giặc ngoại xâm.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, trong nhiều thôn xã, phố phường, thị trấn…của Việt Nam thiếu hẳn những người đọc thông, viết thạo, có trình độ để đảm nhận những nhiệm vụ quan trọng, đáp ứng những yêu cầu cấp bách về cán bộ cho các ngành quân sự, chính trị, kinh tế và văn hoá trong những ngày đầu xây dựng, kiến thiết đất nước. Tình hình khẩn cấp đó đặt ra cho ngành giáo dục cùng lúc hai nhiệm vụ: 1- Tập trung chống nạn mù chữ; 2- Mở các trường đào tạo nhân tài cho đất nước.
Giai đoạn lịch sử mới, yêu cầu việc chống nạn thất học phải được triển khai nhanh chóng và mạnh mẽ, góp phần đắc lực vào việc giáo dục quần chúng lao động hiểu biết về bản chất của chế độ mới, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, động viên lòng yêu nước, hun đúc ý chí xây dựng và bảo vệ chế độ mới, bởi không thể xây dựng một xã hội mới trên một nền tảng dân trí thấp.
Như vậy, để bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng, Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng nhiệm vụ chống “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”, thực hiện chủ trương vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa kháng chiến, vừa xây dựng một nền giáo dục mới. Do vậy, ngay những ngày đầu tiên của chính quyền cách mạng non trẻ, Chính phủ nước Việt Nam DCCH đã quyết định: Trong thời hạn ngắn sẽ cử hành lệnh bắt buộc học chữ quốc ngữ để chống nạn mù chữ triệt để”. Ngày 3-9-1945, trong buổi họp Hội đồng chính phủ đầu tiên, vấn đề giáo dục đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên. Trong khi chỉ ra sáu nhiệm vụ cấp bách, nhằm bước đầu thực hiện chủ trương vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, đặt nhiệm vụ diệt “giặc dốt” đứng hàng thứ hai, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn 90% đồng bào chúng ta mù chữ. Nhưng chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần chữ Quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ”[1].
Hồ Chí Minh cũng đề nghị phải gấp rút chống lại nạn thất học cho toàn dân: “Muốn giữ vững được nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh, nước giầu mỗi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”[2]. Đề nghị này của Hồ Chí Minh được thông qua và trở thành quyết định của Hội đồng Chính phủ. Ngày 8-9-1945, Chính phủ ban hành ba sắc lệnh về Bình dân học vụ:
- Sắc lệnh số 17/SL: “Đặt ra một bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam”. Sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ khẳng định việc học chữ là bắt buộc và không mất tiền để cấp tốc xoá nạn mù chữ, vì dốt nát là một trong ba thứ giặc cần phải tiêu diệt. Ngay từ khi thành lập Nha Bình dân học vụ, Bộ Quốc gia Giáo dục đã chỉ đạo tập hợp cán bộ truyền bá quốc ngữ và lực lượng cho chiến dịch xoá mù chữ, để nhằm từng bước nâng cao dân trí và coi đó là một tiêu chí phát triển cùng với các lĩnh vực khác.
- Sắc lệnh số 19/SL: “Thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối”. Theo Sắc lệnh này,  trong 6 tháng, làng nào, thị trấn nào cũng phải có lớp học, ít nhất phải có 30 người theo học.
- Sắc lệnh số 20/SL: “Việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”[3].
Ba sắc lệnh trên bổ sung cho nhau để trở thành Đạo luật đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam DCCH, có tác dụng làm chuyển biến quan niệm và nhận thức của các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân đối với vấn đề học chữ Quốc ngữ.
Cũng vào ngày 8-9-1945, nhân ngày tựu trường đầu tiên của nước Việt Nam mới, Hồ Chí Minh gửi thư cho tất cả học sinh. Bức thư có ý nghĩa như một cương lĩnh giáo dục:  Một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam... làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của học sinh Việt Nam.
Như vậy, ngay từ tháng 9-1945, Nhà nước Việt Nam DCCH đã đề ra hai nhiệm vụ về giáo dục: Một là, đánh đổ chính sách ngu dân, chống nạn mù chữ; hai là, giáo dục lại nhân dân, chống các thói hư tật xấu do chế độ cũ để lại, làm cho dân tộc Việt Nam trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.
Tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là phải xây dựng một nền giáo dục phục vụ sự nghiệp nâng cao dân trí, trên cơ sở nhận thức sâu sắc tính chất nham hiểm và khắc phục hệ quả tai hại của chính sách ngu dân, bởi “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Nhiệm vụ cấp bách ngay sau khi giành độc lập trong lĩnh vực giáo dục là làm sao cho mọi người biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ, có kiến thức, hiểu biết được quyền lợi và bổn phận của mình. Làm cho sự nghiệp giáo dục trở thành một bộ phận gắn bó mật thiết, đồng hành, phục vụ sự nghiệp cách mạng.
Ngày 4-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học, người chưa biết chữ phải coi học tập là quyền lợi và nghĩa vụ của mình, người biết chữ có nghĩa vụ dạy người chưa biết chữ, nhất là phụ nữ lại càng phải học tập, thanh niên phải đi đầu trong công tác này.
Tiếp đó, ngày 10-10-1945, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ban đại học văn khoa; giữa tháng 10-1945, Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 34/SL thành lập Hội đồng cố vấn học chính.
Hiện thực hóa những chủ trương nêu trên, Nhà nước Việt Nam DCCH cùng và nhân dân đã nỗ lực xây dựng nền giáo dục dân tộc, dân chủ, phục vụ kháng chiến. Nền giáo dục của nước Việt Nam độc lập ra đời là nền giáo dục nhân dân, nền giáo dục phục vụ nâng cao dân trí, để làm cho cả dân tộc thành một dân tộc thông thái, một dân tộc có học và văn minh. Từ nay, vấn đề nâng cao dân trí trở thành quốc sách, là ưu tiên hàng đầu, nền giáo dục trở thành một bộ phận gắn bó với sự nghiệp cách mạng. Đó là nền giáo dục dân chủ mới- giáo dục dân chủ nhân dân, với quy mô được mở rộng hơn hẳn trước tháng 8-1945.
Trên thực tế, hệ thống giáo dục quốc dân được xây dựng, bao gồm:
-         Bình dân học vụ;
-         Giáo dục cơ bản;
-         Giáo dục phổ thông;
-         Giáo dục chuyên nghiệp;
-         Giáo dục đại học.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học (14-10-1945) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên ở Việt Nam có một chiến dịch chống nạn mù chữ rộng khắp cả nước.
Bên cạnh việc tổ chức các lớp Bình dân học vụ, Chính quyền triển khai các lớp bổ túc văn hoá, tiến hành song song với việc thanh toán nạn mù chữ. Đây là hình thức vừa làm, vừa học, mà trọng tâm là chiến đấu và sản xuất. Hệ thống bổ túc văn hoá cũng dựa theo hệ thống trường phổ thông trong việc chia cấp học, nhưng về chương trình có khác ở hai điểm cơ bản: Yêu cầu của người lớn khác với yêu cầu của thanh niên; bổ túc văn hoá là dạy cho những người vừa làm, vừa học.
Ngày 25-11-1945, BCHTƯ Đảng ra Chỉ thị “kháng chiến, kiến quốc”, trong đó nhấn mạnh phải tổ chức bình dân học vụ, mở trường đào tạo cán bộ, phục vụ sự nghiệp cách mạng.
Ngày 10-8-1946, Sắc lệnh 146/SL được ký, khẳng định tinh thần của nền giáo dục mà Nhà nước Việt Nam xây dựng là nền giáo dục dân chủ mới, với ba tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Cụ thể là:
Tính dân tộc yêu cầu nội dung giáo dục phải quán triệt việc giáo dục lịch sử dân tộc, giáo dục tinh thần yêu nước, niềm tin vào sức mạnh, tiền đồ của dân tộc, nêu cao truyền thống chống ngoại xâm của cha ông ta. Lịch sử nước nhà phải là lợi khí tư tưởng của dân tộc, là một trong những nội dung cơ bản của nền giáo dục, nhằm đào tạo thế hệ trẻ trở thành những người phụng sự dân tộc một cách đắc lực.
Tính khoa học là phải dạy cho học sinh tri thức khoa học, tiến bộ, chống lại giáo điều, phát triển tư duy, học đi đôi với hành, giáo dục gắn liền với đời sống thực tiễn, phát huy tinh thần ham hiểu biết, học hỏi. Nền giáo dục khoa học thực sự làm công cụ để giải phóng dân tộc về mặt tư tưởng.
Tính đại chúng đòi hỏi nền giáo dục có nhiệm vụ mang tri thức khoa học tới mọi quần chúng nhân dân, phổ cập trình độ học vấn từ thấp tới cao. Tính đại chúng của nền giáo dục đồng nghĩa với tính chất dân chủ, được thực hiện từng bước. Thực hiện giáo dục cho quảng đại quần chúng nhân dân là một trong những nhiệm vụ của chính quyền cách mạng. Nhờ đại chúng hoá nền giáo dục, mà tạo ra động lực mới cho việc phát triển giáo dục, khoa học, kinh tế, xã hội.
Cuối năm 1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, để phù hợp với tình hình mới, Đảng đã có chủ trương chuyển nền giáo dục cho phù hợp với thời chiến. Lúc này, bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, giáo dục lại càng có vị trí quan trọng. Giáo dục cùng các lĩnh vực khác tham gia vào việc động viên sức người, sức của vào cuộc kháng chiến, kiến quốc. Thực hiện nhiệm vụ đó, nhà trường tích cực tuyên truyền tinh thần yêu nước, lòng căm thù đối với chủ nghĩa thực dân và ý chí đấu tranh kiên cường để giành thắng lợi cuối cùng. Trong kháng chiến, phong trào Bình dân học vụ vẫn tiếp tục được phát triển với khẩu hiệu: “Mỗi lớp bình dân học vụ là một tổ tuyên truyền kháng chiến”, “Chống mù chữ, chống xâm lăng”… Trong giai đoạn phòng ngực, khi rút khỏi đô thị, các cơ quan, các đơn vị phân tán về nông thôn và lên các vùng căn cứ địa, đến đâu, các hoạt động giáo dục đều được phát huy, dạy đồng bào, thanh toán nạn mù chữ. Vì thế, phong trào thi đua thanh toán nạn mù chữ phát triển ở mọi vùng, các lớp Bình dân học vụ được duy trì trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Đồng thời với Bình dân học vụ, Bổ túc văn hoá, những trường tập trung đầu tiên cũng được mở ra, trước hết cho cán bộ. Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc được thành lập và tiến hành những lớp học tập chính trị để nâng cao trình độ lý luận chính trị của cán bộ. Các trường Phổ thông Lao động cũng được thành lập.
Nhà nước Việt Nam mới đã tiến hành khôi phục, cải tổ và bước đầu xây dựng các ngành học từ tiểu học đến đại học. Ngoài trường phổ thông, trong điều kiện kháng chiến, Đảng và Nhà nước còn chú trọng phát triển các lớp mẫu giáo, xây dựng hệ thống bổ túc văn hoá và hệ thống giáo dục cao đẳng.
Giáo dục không chỉ dừng lại ở trình độ bình dân học vụ, xoá nạn mù chữ, mà ngay từ năm 1947-1948, ngành giáo dục đã xây dựng bậc bình dân học vụ cho người lớn bao gồm:
- Sơ cấp bình dân học vụ: Biết đọc, biết viết.
- Dự bị bình dân học vụ: Tương đương với hết tiểu học 2 năm.
- Bổ túc bình dân cấp I: Tương đương với hết tiểu học 4 năm.
- Bổ túc bình dân cấp II: Tương đương với hết trung học cơ sở 4 năm.
Về giáo dục Phổ thông, Bộ Giáo dục đã triển khai các chủ trương, tiếp tục phát triển giáo dục phổ thông, thay đổi lại cơ cấu, cũng như nội dung cho thích hợp với hoàn cảnh mới: Học đi đôi với hành; nửa ngày học, nửa ngày tham gia lao động, sản xuất, hoặc phục vụ công tác kháng chiến. Khắp nơi trong vùng kháng chiến, thầy và trò tham gia học tập, lao động, giúp dân trong những ngày mùa, tăng gia sản xuất và trồng trọt…
Lúc này, việc thiếu cán bộ có trình độ đang là vấn đề nóng bỏng. Do vậy, vấn đề xây dựng ngành giáo dục đại học, cao đẳng và chuyên nghiệp là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, Nhà nước Việt Nam đã triển khai xây dựng một loạt các trường đại học, cao đẳng và trung học.
Tháng 4-1947, Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 4 đã chỉ ra những phương hướng chính cho giáo dục là: Chương trình học phải thiết thực, nhằm đào tạo nhân tài cho kháng chiến ở tất cả mọi lĩnh vực; học sinh phải vừa học vừa sản xuất, tự túc một phần; tiếp tục phát triển bình dân học vụ; chú ý mở trường ở vùng có dân tộc thiểu số. Nói cách khác, “phương hướng chính của toàn ngành giáo dục lúc này là công việc giáo dục phải thích hợp với thời kỳ kháng chiến”[4].
Tháng 1-1948, Hội nghị mở rộng BCHTƯ Đảng đã chỉ rõ mục đích của giáo dục là phải phục vụ kháng chiến và kiến quốc; đồng thời đề ra những biện pháp cần thiết để thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên. Đó là: Chấn chỉnh và mở mang việc học trong thời chiến; dịch chương trình học và soạn sách giáo khoa mới theo kế hoạch và gửi lưu học sinh đi học nước ngoài. Tiếp theo đó, Nghị quyết của Hội nghị cán bộ Trung ương ngày 20-5-1948 nhấn mạnh thêm các công tác cấp thiết mà ngành giáo dục phải làm ngay (chỉnh đốn giáo dục, sửa chữa lại chương trình giáo dục các cấp, mở thêm trường…), trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề bình dân học vụ. Trong thư gửi Hội nghị giáo dục toàn quốc tháng 7-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khi chỉ rõ mục tiêu “cần phải có một nền giáo dục kháng chiến và kiến quốc”[5], đã một lần nữa nêu lên các nhiệm vụ cấp thiết mà giáo dục phải tiến hành ngay: Sửa đổi triệt để chương trình giáo dục cho phù hợp với sự nghiệp kháng chiến kiến quốc; sửa đổi cách dạy và học; đào tạo cán bộ; tiếp tục đẩy mạnh bình dân học vụ….
Như vậy, xuyên suốt thời kỳ đầu kháng chiến, Đảng và Nhà nước VNDCCH đã có  chủ trương từng bước cải cách, đổi mới nền giáo dục, nhằm phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Nằm trong yêu cầu ấy, nhiệm vụ và chức năng của giáo dục cũng được xác định rõ rệt. Về cơ bản, đó là sự kế tục và phát triển những quan điểm về một nền giáo dục mới của nước Việt Nam mới những năm 1945-1946
2- Năm 1950, cuộc kháng chiến của chống Pháp đã lớn mạnh về mọi mặt. Đây là lúc cả dân tộc bước vào giai đoạn quan trọng của cuộc kháng chiến. Với đà thắng lợi chung, Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định tiến hành cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất (1950). Nội dung chính của bản Đề án cải cách giáo dục là nhằm cải tạo nhà trường được xây dựng theo mô hình giáo dục Pháp thành nhà trường phục vụ kháng chiến, kiến quốc. Nói cách khác, cần phải xây dựng một nền giáo dục thực sự mang tính chất dân chủ nhân dân. Nền giáo dục mới là nền giáo dục của dân, do dân và vì dân, triệt để dựa ba trên nguyên tắc “Dân tộc, khoa học và đại chúng”.
Tư tưởng chỉ đạo của cuộc cải cách là: Xác định rõ tinh thần cách mạng của nền giáo dục mới và tính chiến đấu của nó, để chống lại quan niệm giáo dục “trung lập” còn khá phổ biến trong đội ngũ cán bộ, giáo viên và trong nhiều tầng lớp nhân dân. Nền giáo dục mới phải đạt được mục đích là xây dựng con người mới, người công dân của chế độ mới, tích cực tham gia xây dựng chế độ.  Để đạt được mục đích trên, yêu cầu căn bản lúc bấy giờ là phải giáo dục được tinh thần yêu nước, chống chủ nghĩa đế quốc và đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Nội dung của việc giáo dục chính trị cho học sinh là giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, chí căm thù giặc, tình yêu lao động, ý thức học tập, tôn trọng của công, phương pháp suy luận và thói quen làm việc khoa học. Một số môn học mới được đưa vào nhà trường: Thời sự- chính sách, giáo dục dục công dân, tăng gia sản xuất… Do điều kiện kháng chiến, do thiếu thầy và vì chưa thật cần thiết, nên giảm một số môn: Ngoại ngữ, nhạc, vẽ, nữ công gia chánh….
Mục tiêu của cuộc cải cách giáo dục là xây dựng trường học phổ thông duy nhất 9 năm. Thời gian học được rút ngắn: Từ 12 năm xuống còn 9 năm và chia làm ba cấp: Cấp I (4 năm); cấp II (3 năm); cấp III (2 năm), nhưng vẫn đảm bảo tính chất liên tục. Học sinh phổ thông, sau khi tốt nghiệp muốn vào đại học phải qua lớp dự bị đại học là một năm.
Phương châm giáo dục là học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn.
Tính dân chủ của hệ thống giáo dục mới thể hiện ở chỗ: Tất cả các cấp của nền giáo dục phổ thông phải theo một tinh thần chỉ đạo chung thống nhất, không có sự phân chia ranh giới như hệ thống giáo dục tư sản (hệ thống giáo dục tư sản coi cấp tiểu học dành cho con em nhân dân lao động, cấp tiểu học cao đẳng là để làm nghề thủ công, nhân viên kỹ thuật trung cấp và trung học cho con cái tầng lớp trên và để vào đại học).
Chương trình học và sách giáo khoa cũng được xây dựng lại với các kiến thức khoa học cơ bản có hệ thống, có tính chất tiên tiến và phù hợp với yêu cầu của cuộc kháng chiến.
Đội ngũ giáo viên cũng được chuẩn bị bằng việc mở các trường và lớp sư phạm ở Trung ương và các khu.
Cơ cấu nhà trường cải cách gồm có: Hệ phổ thông 9 năm và hệ thống giáo dục bình dân, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục cao đẳng và đại học, trong đó  hệ thống giáo dục được kết cấu như sau:
Sơ cấp bình dân: 4 tháng học, dạy cho người chưa biết chữ.
Dự bị bình dân: 4 tháng học, dạy ngang trình độ lớp 3.
Bổ túc bình dân: 8 tháng học, dạy ngang trình độ lớp 8.
Hệ thống giáo dục chuyên nghiệp gồm:
Chuyên viên sơ cấp: Lấy học sinh học xong cấp 1 hoặc bổ túc bình dân vào học nghề.
Chuyên viên trung cấp: Lấy học sinh đã học xong lớp 7 hoặc trung cấp vào học 1-2 năm cho sơ cấp, 2-4 năm cho trung cấp, tuỳ theo từng nghề.
Dự bị đại học: 1-2 năm.
Đại học và Cao đẳng: 3-6 năm.
Biên chế năm học: Từ 1-1 đến 31-12, học hai kỳ, mỗi kỳ học 4 tháng. Hai đợt nghỉ mùa, mỗi đợt 2 tháng.
Tóm lại, cuộc cải cách giáo dục 1950 được thực hiện một cách toàn diện, sâu rộng trong toàn bộ công tác giáo dục và ở tất cả các mặt. Cuộc cải cách giáo dục 1950 đã thổi vào ngành giáo dục một sức sống mới, đặt nền tảng cho cho việc xây dựng một nền giáo dục dân chủ mới của nước Việt Nam với ba bộ phận cơ bản: Giáo dục thế hệ trẻ, nâng cao trình đọ văn hoá của nhân dân lao động và đào tạo cán bộ. Từ đó, một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học đã hình thành và phát triển, phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến và kiến quốc vĩ đại của dân tộc và phù hợp với lợi ích của quần chúng và nhân dân lao động. Tất nhiên, bên cạnh những thành tựu mà cuộc cải cách giáo dục 1950 đã đem lại, nó cũng bộc lộ nhiều hạn chế về nội dung, quy mô và chất lượng. Tuy còn một số hạn chế nhất định, nhưng đã có được những thành quả bước đầu, đáp ứng được yêu cầu đặt ra lúc bấy giờ.
3- Trong điều kiện cuộc kháng chiến đang có những bước phát triển về chất, một công tác được Đảng và Chính phủ tích cực chú trọng đó là đẩy mạnh bình dân học vụ và bổ túc văn hoá.
Sau cao trào diệt dốt (1948-1950), tính đến tháng 6-1950, số người được xoá nạn mù chữ trong cả nước lên tới hơn 10 triệu người. Đại đa số họ được học qua lớp dự bị bình dân để thoát nạn mù chữ một cách chắc chắn và có kiến thức thường dùng phục vụ kháng chiến và nâng cao đời sống văn hoá. Tình hình này đã tạo thuận lợi cho công tác bình dân học vụ. Từ năm 1951, bình dân học vụ đã chuyển sang thời kỳ tiến hành song song hai mặt công tác: Vừa tiếp tục đẩy tới việc xoá nạn mù chữ, vừa bước đầu đẩy mạnh công cuộc bổ túc văn hoá, nỗ lực phục vụ các nhiệm vụ chính trị lớn.
Một đặc điểm nổi bật của bình dân học vụ thời kỳ này là nỗ lực đi sát hơn với những yêu cầu của kháng chiến và kiến quốc, trong đó có mục tiêu nâng cao trình độ văn hoá cho cán bộ công nông và phục vụ cuộc vận động sản xuất và tiết kiệm. Một đóng góp khác của bình dân học vụ là phục vụ phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất (1953-1954), đề ra phương hướng tích cực phục vụ xoá bỏ tình trạng bóc lột ở nông thôn; giáo dục và rèn luyện, bồi dưỡng văn hoá cho cán bộ xuất thân từ nông dân lao động. Cũng cần nhận thấy rằng, trong các đợt phát động giảm tô, có lúc phong trào bình dân học vụ bị giảm sút, nhưng sau đó đã được chấn chỉnh và tiếp tục phát triển.
Tháng 2-1954, Hội nghị giáo dục toàn ngành họp và đã đề ra cho bình dân học vụ những phương hướng và nhiệm vụ cơ bản. Hội nghị tập trung bàn về việc phục vụ phát động quần chúng giảm tô và thực hiện cải cách ruộng đất, tuyên truyền chính sách ruộng đất và vai trò của nhà trường trong cải cách ruộng đất. Hội nghị nhấn mạnh hai nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian sau đó là: 1- Bổ túc văn hoá cho cán bộ công nông, chủ yếu là cán bộ chính quyền và đoàn thể xã; 2- Đề cao chất lượng của ngành giáo dục, chủ yếu là ngành giáo dục phổ thông.
Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc bằng thắng lợi của chiến thắng Điện Biên Phủ. Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn mới. Nhìn lại chặng đường đã qua, phải khẳng định rằng, với đường lối, chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, với sự nỗi lực của tất cả các ban, ngành và các cấp chính quyền, sự nỗ lực và ý thức làm chủ đất nước của nhân dân, trong lĩnh vực giáo dục đã gặt hái được những thành tựu to lớn, đáng kể, góp phần xứng đáng vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, gian khổ, cam go. Nền giáo dục mới của nước Việt Nam DCCH là một nền giáo dục phục vụ mục tiêu “kháng chiến,  kiến quốc”, đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn của một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, với những thành tích to lớn, với bước tiến dài chưa từng có.
 
Download toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC

 


[1] Hồ Chí Minh, Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb Văn học, 1981, tr. 121.
[2] Hồ Chí Minh, Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận, Sđd, tr. 123.
[3] Việt Nam quốc dân công báo, số 1, ngày 29-9-1945.
[4] Hồ Chí Minh bàn về công tác giáo dục , Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995, tr. 88.
[5] Hồ Chí Minh bàn về công tác giáo dục,  Sđd, tr. 24.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!