Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

NHỮNG BẤT CẬP TRONG LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1975-1985


Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã in một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam: Giang sơn thu về một mối, đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất. Một kỷ nguyên mới, đầy hứa hẹn được mở ra với dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên hoà bình, độc lập tự do và phát triển. Tuy nhiên, xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” không thể chỉ bằng niềm tin và ý chí. Con đường đi đến phồn vinh đầy phức tạp, khó khăn và không hề giản đơn. Quá trình xây dựng, quản lý phát triển xã hội  ở Việt Nam những năm 1975-1985 là một minh chứng cho kết luận đó. Sự lãnh đạo của chính quyền, nhà nước đối với “phát triển xã hội”[1] và “quản lý phát triển xã hội”[2] giai đoạn này đã phát lộ những bất cập, sai lầm, khuyết điểm, là một trong những nguyên nhân đưa đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng. Hiện nay, khi công cuộc đổi mới đang được đẩy mạnh, những nhược điểm, khiếm khuyết và nguyên nhân trong lãnh đạo phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội của Đảng[3] trên phương diện nội dung lãnh đạo những năm 1975-1985 cần được mổ xẻ, phân tích và soi chiếu, nhằm rút kinh nghiệm, tránh vết xe đổ của ngày hôm qua.
1. Khiếm khuyết của mô hình phát triển và hậu quả tất yếu trong  kinh tế- xã hội những năm 1975-1985
 Sau khi tiến hành thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, Đảng CSCN tiến hành Đại hội lần thứ IV (1976), quyết định đưa cả nước quá độ lên CNXH. Đại hội thông qua đường lối chung của cách mạng XHCN và đường lối kinh tế trong giai đoạn mới – đó là những hình dung chung nhất, tổng quát nhất về mô hình phát triển xã hội (mô hình xã hội XHCN). Cụ thể:
Về kinh tế, xây dựng nền sản xuất lớn XHCN. Đẩy mạnh công nghiệp hoá XHCN bằng cách ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Kết hợp phát triển lực lượng sản xuất với xác lập và hoàn thiện quan hệ sản xuất, xác lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Đưa nền kinh tế từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN trong vòng 20 năm.
Về chính trị, xây dựng nền chuyên chính vô sản và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động là công cụ của quá trình thực thi ba cuộc cách mạng (cách mạng quan hệ sản xuất; cách mạng khoa học- kỹ thuật (then chốt); cách mạng văn hoá, tư tưởng).
Về văn hóa, xây dựng nền văn hoá mới và con người mới XHCN (con người làm chủ tập thể), nhằm tạo ra kiến trúc thượng tầng tiến bộ (văn hoá, tư tưởng, đạo đức…) trên nền tảng kinh tế XHCN.
Về đối ngoại, thực hiện chính sách đối ngoại chủ yếu với các nước XHCN, dựa trên nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế XHCN.
Mô hình phát triển xã hội mà Đảng CSVN xác định, bước đầu được triển khai thực hiện thông qua kế hoạch 5 năm (1976 – 1980). Cả nước đã nỗ lực tiến hành cải tạo quan hệ sản xuất, xoá bỏ tư hữu, nhanh chóng thiết lập hai hình thức sở hữu toàn dân và tập thể, coi hình  thức này như là tiêu chí hàng đầu của CNXH. Kết thúc kế hoạch, quan hệ sản xuất XHCN với chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và hai thành phần kinh tế chủ yếu là quốc doanh và tập thể đã được đẩy tới mức cao nhất ở các tỉnh phía Bắc, đồng thời được xác lập ở các tỉnh phía Nam. Về hình thức, công cuộc cải tạo quan hệ sản xuất đã thành công; tuy nhiên, nếu xét dưới góc độ quan hệ sản xuất có phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất hay không, có đem lại hiệu quả kinh tế hay không, thì vấn đề lại hoàn toàn khác. Do nôn nóng đẩy nhanh quan hệ sản xuất đi trước để mở đường và đẩy quan hệ sản xuất lên cao hơn một bước so với lực lượng sản xuất, nên lập tức nảy sinh vấn đề. Cộng thêm vào đó, Nhà nước quản lý toàn bộ kinh tế - xã hội bằng biện pháp hành chính, hình thức phân phối thực hiện theo lao động (rơi vào chủ nghĩa bình quân, không khuyến khích được ý chí sáng tạo của người lao động), nên tình trạng nền kinh tế xấu đi nhanh chóng. Khu vực kinh tế quốc doanh, mặc dù được đầu tư trọng điểm, nhưng làm ăn kém hiệu quả, khu vực kinh tế tập thể cũng không mấy sáng sủa. Ở miền Bắc, quy mô của các HTX nông nghiệp càng lớn thì hiệu quả càng thấp. Ở miền Nam, các HTX, tập đoàn sản xuất được thành lập một cách ồ ạt, nhưng làm ăn kém hiệu quả nên nông dân không đồng tình, hưởng ứng. Cuối năm 1980, ngay sau khi được đánh giá là đã hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp, thì hàng loạt HTX và tập đoàn sản xuất tan rã, toàn miền Nam chỉ còn lại 3.732 tập đoàn sản xuất và 173 HTX quy mô vừa.
Với kế hoạch 1976 - 1980, kinh tế và xã hội đã lộ ra những yếu kém, hạn chế, khó khăn rõ rệt. Về kinh tế, mặc dù cơ sở vật chất - kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân được tăng cường so với trước, nhưng hiệu quả của nền kinh tế rất thấp, thể hiện ở tốc độ tăng không tương xứng với mức đầu tư xây dựng cơ bản; giá trị tài sản cố định tăng chỉ bằng 46,8 % tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản; hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ sở vật chất lại thấp, chỉ huy động được trên dưới 50 % công suất; năng suất lao động xã hội tính bằng thu nhập quốc dân theo giá so sánh giảm, mặc dù giá trị tài sản cố định và trang bị tài sản cho một lao động tăng. Vì vậy, trong những năm đầu, nền kinh tế tuy có đạt được tốc độ tăng trưởng, nhưng từ năm 1979, tổng sản phẩm xã hội, thu nhập quốc dân đều giảm. Tính chung lại, trong kế hoạch 1976 - 1980, bình quân một năm tổng sản phẩm xã hội chỉ tăng 1,4 %, thu nhập quốc dân tăng 0,4 % (kế hoạch là 13-14%). Kết thúc kế hoạch 5 năm (1980), tất cả 15 chỉ tiêu chủ yếu đều không đạt chỉ tiêu, thậm chí một số sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp quan trọng bình quân đầu người không giữ được mức của năm 1976. Tình trạng thiếu lương thực diễn ra gay gắt, năm 1980, Nhà nước phải nhập 1,576 triệu tấn lương thực. Ngân sách thiếu hụt lớn, giá cả tăng hàng năm 20%, nhập khẩu nhiều gấp 4-5 lần xuất khẩu. Nhà nước thiếu vốn đầu tư cho nền kinh tế, nhiều công trình phải bỏ dở. Về mặt xã hội, trong khi tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân đều giảm, thì dân số tăng với tốc độ bình quân 2,24 %. Tình hình kinh tế đi xuống cộng hưởng với những sai lầm trong lưu thông, phân phối và sự không ổn định của thị trường tài chính, tiền tệ dẫn đến nạn lạm phát diễn ra nghiêm trọng (lạm phát phi mã tới ba con số), hàng tiêu dùng thiết yếu thiếu trầm trọng, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Sự hoài nghi về CNXH, về sự lựa chọn con đường phát triển của đất nước xuất hiện và có dấu hiệu lan rộng, lòng tin của nhân dân đối với chế độ giảm sút nghiêm trọng, trong xã hội xuất hiện những căng thẳng và tâm trạng nao núng  Đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Một trong những cơ sở tiếp cận để lý giải nguyên nhân của tình trạng trên là phân tích mô hình phát triển xã hội mà Đại hội IV đưa ra. Mặc dù những phương hướng và mục tiêu lâu dài do Đại hội đề ra cơ bản là phù hợp và trong việc xác định đường lối, Đảng đã vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng  Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, tiếp tục phát triển đưòng lối cách mạng XHCN đã được định ra từ Đại hội III (9-1960), nhưng bên cạnh đó, mô hình còn những khiếm khuyết, hạn chế. Thứ nhất, về kinh tế, sai lầm, nóng vội, duy ý chí trong xử lý mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, sớm xóa bỏ các thành phần kinh tế tư bản, cá thể... Bố trí sai cơ cấu kinh tế (thể hiện trong quan điểm về công nghiệp hoá XHCN, coi nhẹ nông nghiệp, chỉ chú trọng công nghiệp nặng – không phù hợp với thực trạng của nền kinh tế) đi liền với cơ chế quản lý kinh tế không phù hợp (cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp). Thứ hai, về chính trị, đặt mục tiêu “nắm vững chuyên chính vô sản”, Đại hội IV đã nêu lên quan điểm “để đưa cách mạng xã hội chủ nghĩa đến toàn thắng, điều kiện quyết định trước tiên là phải thiết lập và không ngừng tăng cường chuyên chính vô sản”[4] - đánh đồng sức mạnh của Nhà nước với sức mạnh của chuyên chính vô sản[5]. Nói một cách khái quát, Đảng CSVN đã đưa ra đường lối xây dựng đất nước, phát triển kinh tế gần giống như tại Đại hội lần thứ III và tạo nên một mô hình phát triển xã hội giống như mô hình chung của các nước XHCN, mà không nhận ra rằng, từ Đại hội III đến Đại hội IV là khoảng thời gian 16 năm – một khoảng thời gian không hề ngắn, đã diễn ra những đổi thay lớn lao trên thế giới, cần phải cập nhật và có những tư duy mới để bắt nhịp với sự phát triển chung. Hơn thế nữa, Đảng CSVN cũng chưa nhìn ra sự trì trệ và dấu hiệu khủng hoảng đang lộ rõ trong mô hình phát triển của các nước XHCN, từ đó rập khuôn một cách cứng nhắc, máy móc và hậu quả là tất yếu. Các chỉ số kinh tế – xã hội những năm 1975-1980 đã nói lên điều đó.
 2. Điều chỉnh nhịp độ phát triển và đổi mới cục bộ – tiếp tục lộ diện những yếu kém trên mọi chiều cạnh kinh tế – xã hội (1981-1985)
Triển khai thực hiện mô hình phát triển xã hội thông qua kế hoạch 5 năm 1976 - 1980 không mấy thành công đã làm cho Đảng CSVN nhận thấy phải có sự điều chỉnh nhất định trong đường lối, chính sách kinh tế. Theo tinh thần đó và rút kinh nghiệm trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch 5 năm 1976-1980, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có một số thay đổi trong việc đề ra kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm 1981-1985: a). Mạnh dạn có một vài đổi mới cục bộ; b). Nhấn mạnh đến tính khả thi, hợp lý trong việc đề ra và thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 1981-1985.
a). Một số đổi mới cục bộ được tiến hành, mục đích là để thực hiện tốt các chỉ tiêu của kế hoạch 1981-1985. Những cố gắng đổi mới cục bộ được tập trung vào ba nội dung chủ yếu:
Thứ nhất, đổi mới trong lĩnh vực sản xuất.
 Đây là những bước đi nhằm vào việc đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp (Chỉ thị 100 CT/CP, ngày 13-1-1981- khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động) và công nghiệp (Nghị định 25- CP,  26- CP, ngày 21-1-1981- phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ tài chính của các xí nghiệp quốc doanh). Với hai bước đột phá đó, trong nông nghiệp, lợi ích của người lao động đã được gắn với sản phẩm cuối cùng, thúc đẩy họ tích cực, sáng tạo sản xuất; trong công nghiệp, các doanh nghiệp được tiếp cận với cơ chế thị trường thông qua việc thực hiện các kế hoạch ngoài kế hoạch pháp lệnh. Tuy những đổi mới đó đã thổi một làn gió vào sản xuất, song do nhiều nguyên nhân, kết quả đổi mới cơ chế quản lý kinh tế vẫn còn hạn chế. Những yếu kém của nền kinh tế không được khắc phục và tiếp tục có chiều hướng đi xuống.
Thứ hai, đưa ra một số phương hướng mới xây dựng CNXH.
 Đó là tư duy mới của Đại hội lần thứ V (3-1982) trong việc tìm tòi, thử nghiệm con đường đi lên CNXH. Trong khi xác định đường lối chung, Đại hội V đưa ra khái niệm “chặng đường”, phân kỳ con đường đi lên CNXH ở Việt Nam với những nhiệm vụ và biện pháp phù hợp; đặt trọng tâm vào phát triển nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu; đồng thời, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu (đây cũng là nội dung, cách thức công nghiệp hoá trong chặng đường đầu tiên); thừa nhận trong thời gian nhất định, ở miền Nam còn tồn tại 5 thành phần kinh tế (quốc doanh, tập thể, công tư hợp doanh, cá thể và tư bản tư doanh). Dừng lại ở những nhận thức đó, Đại hội V thể hiện sự dùng dằng, chưa dứt khoát đổi mới. Những hạn chế này của Đại hội V là nguyên nhân của những khó khăn mà đất nước phải vượt qua thời gian sau Đại hội
Thứ ba, điều chỉnh chính sách giá cả, tiền lương.
Cải cách giá, lương, tiền được thực hiện qua hai bước: 1981-1982 và 1985. Trong thời gian 1981 - 1982, Nhà nước tiến hành điều chỉnh giá. Đây là cuộc cải cách giá tương đối lớn đầu tiên ở Việt Nam, nhằm đưa hệ thống giá cũ, quá thấp, nặng tính bao cấp, tồn tại suốt mấy chục năm, tiếp cận với giá thị trường cùng thời điểm. Tháng 10-1985, Nhà nước tiến hành tiếp đợt tổng điều chỉnh giá đi đôi với xây dựng hệ thống lương theo giá mới, đồng thời tiến hành đổi tiền. Tuy nhiên, cải cách giá trong kế hoạch này không thành công, vì nó vẫn nằm trong khuôn khổ Nhà nước quy định giá.
 Có thể thấy, những đổi mới cục bộ đã làm lộ diện những yếu kém của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trên mọi chiều cạnh, nhưng chưa đủ sức phá vỡ cơ chế đó, càng không đủ khả năng tạo ra một cơ chế mới. Trong nhiều chủ trương của Đảng CSVN vẫn còn có sự mâu thuẫn và chưa thấy được sự cần thiết phải duy trì nền kinh tế nhiều thành phần trong suốt thời kỳ quá độ, chưa xác định được những quan điểm cụ thể về kết hợp kế hoạch với thị trường, công tác quản lý lưu thông, phân phối vẫn một chiều do kế hoạch Nhà nước quyết định; do đó, chưa tạo ra động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Kinh tế – xã hội không có bước phát triển đáng kể, đổi mới cục bộ chưa và không đủ để tạo ra được cú hích cần thiết. 
b). Chú ý đến tính khả thi, hợp lý trong việc đề ra và thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 1981-1985: Điều này được thể  hiện ở chỗ tuy vẫn đề ra nhiệm vụ tiếp tục củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN, song bước đi đã thận trọng hơn. Công cuộc cải tạo XHCN trong công nghiệp vẫn tiếp tục được tiến hành, nhưng mềm dẻo, không nóng vội như những năm 1976-1980. Trong nông nghiệp, ở miền Bắc, một số HTX được tổ chức lại theo hướng trở lại quy mô nhỏ trước đó; ở miền Nam, tư tưởng nóng vội dẫn đến hợp tác hoá ồ ạt, dùng mệnh lệnh ép buộc nông dân vào HTX như trước đây bị phê phán. Nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ trong kinh tế nông nghiệp được chú ý. Những nơi chưa tiến hành tổ chức HTX đang cố gắng tìm ra những hình thức, bước đi thích hợp, vận động nông dân vào các tổ đoàn kết, tập đoàn sản xuất, rồi sau đó mới thành lập HTX. Việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật không triển khai đồng loạt như trong kế hoạch 5 năm 1976-1980, mà tiến hành một cách có trọng điểm. Chỉ tiêu kinh tế – xã hội được đề ra thận trọng hơn, sát thực tiễn hơn. Số chỉ tiêu chủ yếu định ra trong kế hoạch này so với kế hoạch 1976-1980 vừa ít về số lượng, vừa thấp hơn về mức phấn đấu.
Như vậy, so với kế hoạch 5 năm trước (1976-1980), thì kế hoạch 5 năm 1981- 1985 có một số điểm mới đáng ghi nhận: Đã tiến hành một bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư và nhịp độ phát triển đi đôi với một số thay đổi cục bộ trong cơ chế quản lý kinh tế. Mặc dù vậy, do nền kinh tế trong những năm 1981-1985 về cơ bản vẫn vận hành theo cơ chế quản lý cũ - cơ chế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu và bao cấp, nên tuy có bước tăng trưởng khá hơn (tổng sản phẩm xã hội bình quân tăng 7,3%/năm; thu nhập quốc dân tăng 6,4% và sự nghiệp văn hóa, giáo dục được đẩy mạnh), nhưng hiệu quả đầu tư vẫn thấp, đầu tư nhiều nhưng tăng trưởng sản xuất vẫn chậm và không ổn định. Nhiều chỉ tiêu bình quân đầu người năm 1985 vẫn thấp hơn năm 1976.
Tựu chung lại, mười năm sau khi đất nước thống nhất, sau hai kế hoạch 5 năm (1976-1980; 1981-1985) xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội theo mô hình cũ, nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng: Quan hệ sản xuất chưa phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; kinh tế tăng trưởng thấp. Nếu tính chung từ năm 1976 đến năm 1985, tổng sản phẩm xã hội chỉ tăng 50,5%, bình quân mỗi năm tăng 4,6 %; thu nhập quốc dân tăng 38,8%, bình quân tăng 3,7%/năm. Sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Hàng năm, Nhà nước không những phải nhập các mặt hàng quan trọng cho sản xuất, mà còn phải nhập hàng tiêu dùng, kể cả những loại hàng hóa lẽ ra sản xuất trong nước có thể đáp ứng được như gạo và vải mặc. Từ 1976 đến 1985, Nhà nước đã nhập 60 triệu mét vải các loại và gần 1,5 triệu tấn lương thực quy gạo. Thu chi ngân sách phải dựa vào vay và viện trợ nước ngoài. Tính đến năm 1985, nợ nước ngoài lên tới 8,5 tỷ rúp và 1,9 tỷ USD. Bội chi ngân sách năm 1980 là 18,1% và năm 1985 là 36,6%, phải bù đắp bằng phát hành giấy bạc - hậu quả nhãn tiền là tình trạng siêu lạm phát diễn ra ở mức trầm trọng, tăng vọt tới ba con số vào năm 1986 (774,7%). Khủng hoảng kinh tế kéo dài nhiều năm ngày trở nên trầm trọng hơn trên phạm vi cả nước.
3. Nguyên nhân sai lầm và bài học đắt giá
Về mặt nội dung, Đảng CSCN lãnh đạo Nhà nước toàn diện và lãnh đạo toàn diện tất cả các mặt khác nhau của đời sống xã hội thông qua Nhà nước bằng cương lĩnh, chiến lược, bằng các định hướng về đường lối, chủ trương, cũng như thông qua hoạt động chỉ đạo việc thực hiện đường lối, chủ trương đó. Thực tiễn gần 80 năm hoạt động của Đảng CSVN chỉ ra rằng, sự nghiệp giải phóng đất nước và xây dựng CNXH chỉ có thể giành được thắng lợi khi và chỉ khi Đảng đề ra được cương lĩnh, chiến lược, đường lối và chủ trương đúng đắn. Đảng phạm phải sai lầm về cương lĩnh, chiến lược, về đường lối và chủ trương, thì cũng là lúc sự nghiệp cách mạng gặp phải khó khăn, chịu thất bại hoặc thậm chí bị đổ vỡ. Hiện thực cách mạng Việt Nam những năm 1975-1985 là sự phản ánh chính xác cho đúc kết ấy.
Trong những năm 1975-1985, Đảng CSVN đã phạm phải nhiều sai lầm nghiêm trọng trong nội dung lãnh đạo phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Đó là những sai lầm trong chủ trương, đường lối, trong đánh giá tình hình và xác định mục tiêu, bước đi xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, cải tạo XHCN, đề ra những mục tiêu quá lớn, bỏ qua những bước đi cần thiết, yếu kém, khuyết điểm trong quản lý kinh tế. “Những sai lầm nói trên là những sai lầm nghiêm trọng, kéo dài về chủ trương và chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”[6]. Nguyên nhân là ở bệnh chủ quan duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, chạy theo nguyện vọng chủ quan, bất chấp quy luật, áp đặt đường lối, chính sách, kéo theo những khuyết điểm, sai lầm chủ quan từ lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, điều hành thực hiện chính sách – dẫn đến những sai lệch, méo mó, phiến diện trong nội dung lãnh đạo của Đảng CSVN.
Một vấn đề được đặt ra là về mặt nội dung lãnh đạo, Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội: Từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tới đối ngoại và quốc phòng, an ninh; từ nhà nước đến các tổ chức chính trị – xã hội. Khi lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện như vậy, một nghịch lý hoàn toàn có thể xảy ra: Là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội, Đảng không chỉ đặc biệt dễ phạm phải các bệnh như chủ quan duy ý chí, bất chấp quy luật... mà còn dễ phạm các sai lầm không kém phần nguy hiểm như quan liêu, lạm quyền, thoái hóa, biến chất, đặc quyền, đặc lợi...Do vậy, bên cạnh việc chú trọng đổi mới, xây dựng phương thức, phong cách, cơ chế lãnh đạo, cần không ngừng trau dồi, nâng cao chất lượng tư duy lý luận, hoàn thiện nội dung lãnh đạo của Đảng CSVN – đó là yêu cầu cần thiết và bức thiết. Chỉ có như thế, mới tạo lập sự hoàn chỉnh trong lãnh đạo phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội của Đảng - điều kiện tiên quyết, quan trọng cho việc tổ chức xã hội ổn định, tiến bộ, phát triển hài hoà, bền vững. Tuy nhiên, do “ngủ quên trong chiến thắng” sau chiến tranh, Đảng CSVN đã buông lơi nhiệm vụ “mài sắc tư duy”, duy ý chí trong nhận thức quy luật khách quan, trong hành động theo quy luật.... Đây là một bài học đắt giá về nhận thức và tuân thủ quy luật phát triển xã hội.



[1]Theo nghĩa rộng là phát triển toàn diện tất cả các yếu tố hợp thành xã hội xã hội,bao gồm: Đời sống xã hội (với các lĩnh vực hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội); tổ chức thiết chế quản lý (trụ cột là nhà nước) chế độ xã hội với vai trò của ý thức hệ; lực lượng lãnh đạo xã hội (đảng chính trị cầm quyền). Đó là những yếu tố hợp thành xã hội, gắn bó mật thiết, không tách rời, tạo nên một chỉnh thể toàn vẹn.
[2] Là quản lý phát triển những yếu tố hợp thành xã hội, để tổ chức xã hội ổn định, bền vững, hài hoà, phát triển và tiến bộ, trong đó quản lý phát triển đời sống xã hội được đặc biệt chú trọng.
[3] Đảng lãnh đạo phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội hàm nghĩa nội dung, phương thức, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2004,  tr. 917.
[5]Theo định nghĩa của Lênin, chuyên chính vô sản là sự lãnh đạo chính trị của giai cấp vô sản thông qua chính đảng của  mình.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb, Sự thật, H. 1997, tr. 26.

1 nhận xét:

  1. Ts Trần Tường Thịnh NHTW châu Âulúc 11:31 31 tháng 7, 2014

    Phải chăng Đường lối XHCN mới là nguyên nhân chính không khắc phục được các bất cập mà tác giả đã nêu

    Trả lờiXóa

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!