Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

TRÍ THỨC TRUNG QUỐC: NHỮNG THĂNG TRẦM LỊCH SỬ

Nguyễn Thị Mai Hoa
Giới trí thức Trung Quốc có lịch sử hình thành và phát triển khá thăng trầm. Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (1949), trí thức đã rơi vào tầm ngắm của Chính phủ và bị kiểm soát chặt chẽ; theo đó, tư duy độc lập cũng như bất đồng quan điểm chính trị không có đất để tồn tại. Tuy nhiên, vượt qua những rào cản khách quan, chủ quan, trí thức Trung Quốc đã có những đóng góp hết sức quan trọng cho công cuộc phục hưng đất nước. Thành công trong quá trình cải cách, mở cửa của Trung Quốc có vai trò không nhỏ của trí thức và tầng lớp này đang có những ảnh hưởng quan trọng đến nhiều chiều cạnh xã hội, nhất là trong việc hình thành nên những trào lưu tư tưởng mới.

1- Trong xã hội Trung Quốc phong kiến, “sĩ” là giai tầng đầu tiên trong bốn giai tầng, đồng nghĩa với “trí thức” và để chỉ những người có học, có chữ nghĩa với đặc trưng là hoạt động trí óc, tạo ra những sản phẩm có ý nghĩa tinh thần – tư tưởng. Hiểu theo một nghĩa truyền thống nhất, “sĩ” là tầng lớp trung gian giữa chính quyền và nhân dân, thể hiện ý chí của trời đất; đồng thời, phản ánh yêu cầu, nguyện vọng, tâm tư, vui buồn, đau khổ… của nhân dân tới chính quyền[1]. Những tinh hoa học vấn, trí tuệ của Trung Quốc phong kiến được sản sinh chủ yếu bởi tầng lớp này. Trong một giới hạn tương đối, “sĩ” được xã hội ưu ái, tôn vinh và trọng vọng.
Ngay từ khi mới thành lập (1921), Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phân chia trí thức Trung Quốc thành hai nhóm: Một nhóm được quy về tầng lớp tiểu tư sản và một nhóm được coi là đã giác ngộ, đã dần được vô sản hóa chuyển sang lập trường của giai cấp công nhân[2]. Từ năm 1949, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kêu gọi các trí thức Trung Quốc ở nước ngoài trở về phục vụ nhân dân và sử dụng trí thức trong nước trong tái thiết đất nước. Trước chính sách mời gọi của Chính phủ, trí thức Trung Quốc đã tin rằng họ chính là lực lượng quan trọng trong việc đưa Trung Quốc tiến kịp với các cường quốc phương Tây và nhanh chóng tỏa sáng trên trường quốc tế.
Tại thời điểm này, lực lượng trí thức Trung Quốc tương đối ít ỏi: Trước năm 1949, ở Trung Quốc chỉ có khoảng 148.000 người có bằng cấp cao được liệt vào giai tầng trí thức, còn trong năm 1949, số lượng các nhà khoa học chỉ vào khoảng hơn 50.000 người và trong số đó chỉ có 500 người là thực sự tiến hành nghiên cứu[3]. Trung Quốc thiếu chất xám trầm trọng trong khi nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực bậc cao đang hết sức cấp thiết. Nhằm lấp một phần lỗ hổng ấy, Nhà nước Trung Quốc tiến hành xây dựng các viện nghiên cứu và kết quả là nếu như năm 1949, tổng số các viện nghiên cứu mới chỉ dừng ở 40 viện, thì sáu năm sau, vào năm 1955, con số này đạt đến 840 viện với 400.000 nhà nghiên cứu[4]; tính đến tháng  1-1957, trí thức chiếm 6% dân số Trung Quốc[5] - đây quả là bước đột phá khổng lồ về lượng, song đồng thời nó chỉ báo một kết quả nhiều nghi vấn về chất. Theo con số thống kê của Trung Quốc, vào cuối những năm 70 (XX), Trung Quốc có 25.000.000 trí thức, song số trí thức này có thành phần khá “tạp” – nó không chỉ bao gồm những người đã có bằng cấp tốt nghiệp đại học chính quy, mà nó còn có những người được coi là “trưởng thành từ thực tế”, hoặc tốt nghiệp các hệ chuyên tu, tại chức….
 Để có con số các nhà khoa học tăng đột biến như trên, Nhà nước Trung Quốc đã quyết định thực thi chính sách trí thức hóa công nông đi kèm với công nông hóa trí thức, xây dựng một nền khoa học – giáo dục mang tính đại chúng với những con người đã được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác –Lênin. Chính sách đó và cách thức đào tạo “ngắn hạn”,”tăng tốc” đã làm giảm đáng kể tính chuyên nghiệp, chuyên sâu của trí thức Trung Quốc; sự biến đổi về lượng đã không chỉ không tương thích với sự biến đổi về chất, mà còn làm chậm quá trình trưởng thành của tầng lớp này. Quyết định này của Nhà nước Trung Quốc có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư/tâm lý của trí thức Trung Quốc. Họ bắt đầu lờ mờ cảm thấy rằng, con đường cống hiến cho Tổ quốc và khoa học không hề bằng phẳng, không đơn giản và êm ái như vẫn hình dung. Tiếp đó, cú đánh “Trăm hoa đua nở” (Hundred Flowers Campaign) những năm 1956-1957 dưới cái vỏ khuyến khích trí thức lên tiếng phản biện xã hội, đóng góp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm tiêu trừ các bệnh quan liêu, bè phái, cá nhân… là một đòn giáng mạnh vào tầng lớp mang sứ mệnh khai phóng này. Một nội dung quan trọng của chiến dịch chống quan điểm hữu khuynh được bắt đầu vào tháng Sáu năm 1957 là nhằm “lành mạnh hóa” trí thức bằng roi vọt – roi vọt đối với tinh thần và thể chất, nghĩa là giáo dục lại tư tưởng và thực hiện cải tạo lao động. Sau một năm chiến dịch kết thúc, ít nhất 550.000 trí thức là giáo viên, nhà văn, nghệ sĩ, chuyên gia, nhà khoa học…  bị quy là “hữu khuynh”[6]. Nhiều người trong số họ bị sa thải, bị mất việc làm, bị đưa vào diện “giáo dục lại” và bị đưa xuống xưởng máy, đưa về nông thôn “cải tạo lao động”. Từ địa vị được tôn kính, những trí thức này và gia đình của họ trở thành công dân hạng hai trong xã hội. Cách ứng xử với trí thức qua phong trào “Trăm hoa đua nở”, chống “hữu khuynh” cho thấy rằng, về thực chất, trong nhận thức của lãnh đạo Trung Quốc mà điển hình là Mao Trạch Đông trí thức chỉ được coi là một bộ phận xã hội không có địa vị rõ ràng và nó được định vị thuộc về tầng lớp tư sản hơn là thuộc về giai cấp công nhân. Kết quả của những đợt “thanh lọc” xã hội thật là bi thảm - như một phản xạ có điều kiện, kể từ đó, trí thức Trung Quốc đã tự bịt miệng mình, không còn dám hay muốn lên tiếng. Một thời kỳ ngột ngạt bắt đầu - một Trung Quốc im lặng với một giới tinh hoa đã từng bước bị tước đi sứ mệnh vốn được coi “khuôn vàng thước ngọc” trong phân định/xác định tính chất, đặc điểm giai tầng. Trí thức Trung Quốc lĩnh hội bài học đầu tiên về việc “mở miệng” trong một giai đoạn chính trị - xã hội hết sức phức tạp. Sau lần sập bẫy đầy cay đắng, tự nộp mình trước chiêu “dụ rắn khỏi hang”, trí thức Trung Quốc dè dặt hơn với hai từ “phản biện”. Thay vì sáng tạo, đưa ra những ý tưởng mới cải biến xã hội, họ cuộn mình trong những cái vỏ tròn trịa chỉ cốt để bảo toàn cuộc sống và vật lộn với cơm áo, gạo tiền.
Chiến dịch “chỉnh Đảng’, chống quan điểm “hữu khuynh” (1957-1958) và phong trào “Đại nhảy vọt” (1958-1960) đã đẩy lùi nền kinh tế Trung Quốc về phía sau với những bước trượt khá dài. Nền kinh tế của Trung Quốc rơi vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc: Trong ba năm, 1959-1961, sản xuất nông nghiệp liên tục giảm dẫn đến nạn đói lớn mang đi sinh mạng của hơn 36 triệu người[7].  Trong tình thế nguy nan đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc một lần nữa lại nhớ tới trí thức. Đầu năm 1960, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Nghị tuyên bố: “Trung Quốc cần trí thức, cần các nhà khoa học. Những năm qua, trí thức đã bị đối xử bất công, họ cần được đặt trở lại về đúng với vị trí của mình”[8]. Trên tinh thần đó, một bộ phận từng bị quy là “hữu khuynh” được gọi trở lại làm việc, thậm chí là được bổ nhiệm lại vào các vị trí quan trọng trong lĩnh vực khoa học và giáo dục. Từ năm 1961 đến năm 1966, trí thức Trung Quốc cảm thấy “dễ thở” hơn và trí thức thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên được hưởng bầu không khí cởi mở hơn so với trí thức lĩnh vực khoa học xã hội[9]. Tuy nhiên, sự “ưu đãi” của chính quyền kéo dài không bao lâu; trí thức Trung Quốc lại buộc phải đương đầu với những thử thách nghiệt ngã mới.
2- Cách mạng văn hóa kéo dài trong vòng 10 năm (1966-1976) là một giai đoạn hết sức kịch tính và là một trong những trang bi thảm nhất trong lịch sử nước Trung Hoa mới. Mao Trạch Đông – kiến trúc sư của “cuộc cách mạng” thấm đẫm bi kịch ấy luôn có thái độ không mấy thiện cảm với trí thức. Ngay từ Hội nghị lần thứ 8 (khóa VII, 11-1956)  Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Mao Trạch Đông đã quy trí thức là một bộ phận của giai cấp tư sản, gọi họ là đối tượng cần phê phán, cải tạo[10]. Phát biểu tại cuộc họp cán bộ Đảng tỉnh Giang Tô, An Huy và khu vực Nam Kinh (20-3-1957), quan điểm của Mao Trạch Đông về trí thức được gói gọn như sau: “Trí thức có một cái đuôi, khi bị dội một gáo nước lạnh, nó cụp đuôi xuống. Còn nếu dội một gáo nước lạnh vào một con chó, nó co đuôi lại và trong những tình huống khác nó vểnh đuổi lên ve vẩy mừng rỡ. Trí thức đọc một vài quyển sách rồi làm bộ quan trọng, còn nhân dân lao động cảm thấy bất tiện trước bộ dạng cố tỏ ra quan trọng ấy”[11]. Tại Hội nghị lần thứ 3 (khóa VIII, 9-1957), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới sự chi phối của Mao Trạch Đông quan điểm nghi ngờ và coi nhẹ trí thức tiếp tục được khẳng định lại; đồng thời, Hội nghị nhấn mạnh thêm rằng những phần tử tư sản trong giới trí thức là lực lượng đối chọi chính với giai cấp vô sản, là mảnh đất mầu mỡ cho các phần tử phái hữu hoạt động.
Những thập niên 60 (XX), Mao Trạch Đông tiếp tục theo đuổi quan điểm này, cho rằng nếu như các yếu tố kinh tế của chủ nghĩa tư bản có thể dễ dàng tiêu diệt hoặc chuyển hóa sang xã hội chủ nghĩa bằng con đường thiết lập sở hữu nhà nước, thì văn hóa, nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong đó có trí thức, không thể một sớm, một chiều thay đổi và tiếp nhận ngay cái tiến bộ; do đó, cần phải có những tác động mang tính đột phá và đòn bẩy, nếu không, những yếu tố lạc hậu, tư sản, phong kiến sẽ còn tồn tại lâu dài. Đồng nghĩa văn hóa tư sản với phản tiến bộ, truyền thống với phong kiến, Mao Trạch Đông khẳng định sự đe dọa đối với chế độ đến không từ đâu khác mà chính từ văn hóa và tính triệt để của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thể hiện tập trung nhất trong lĩnh vực văn hóa. Những quan điểm này là cơ sở để hình thành những luận cứ cho cuộc tấn công lớn nhất vào trí thức Trung Quốc thời kỳ hiện đại.
 Hiện thực hóa quan điểm của Mao Trạch Đông, ngày 8-8-1966, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua Nghị quyết “Về Đại cách mạng văn hóa”, nói rõ: “Mặc dù giai cấp tư sản đã bị lật đổ, tuy nhiên, giai cấp này vẫn không từ bỏ ý định sử dụng hệ tư tưởng bóc lột, nền văn hóa và các chuẩn mực đạo đức, phong tục tập quán cũ để lung lạc, đồi trụy hóa và tranh thủ trái tim các tầng lớp nhân dân hòng đạt mục tiêu phục hồi địa vị của mình”[12]. Nghị quyết khẳng định rằng những tư tưởng hủ bại đó được lan tỏa một phần chủ yếu thông qua tầng lớp trí thức; do đó, muốn ngăn chặn sự trở lại của chế độ cũ cũng như các hoạt động phản cách mạng, “cần đập tan những kẻ nhân danh chính quyền để lái đất nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, kịch liệt phê bình những phần tử tư sản được coi là có uy tín trong khoa học, triệt để công kích, đập tan hệ tư tưởng tư sản, tất cả các giai cấp bóc lột, cải cách giáo dục, cải cách văn học và nghệ thuật, cải cách mọi lĩnh vực của thượng tầng kiến trúc không phù hợp với cơ sở hạ tầng xã hội chủ nghĩa nhằm củng cố, phát triển chế độ xã hội chủ nghĩa”[13]. Với ngần ấy định hướng, cùng với nhiều nhân vật trong bộ máy chính quyền, trí thức Trung Quốc trở thành một trong những đối tượng hủy diệt của Đại cách mạng văn hóa. Tháng 6-1969, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổng kết “thành công” của cách mạng văn hóa trên phương diện cải tạo trí thức như sau: “Ở thời điểm hiện tại, hàng triệu trí đang được tôi rèn trong cuộc cách mạng văn hóa vô sản vĩ đại đã có mặt ở nông thôn và đang nhận được sự giáo dục sâu sắc từ những người nông dân nghèo. Lao động và cuộc sống nông thôn – sự thử thách máu lửa đó sẽ rèn giũa nên một thế hệ trí thức mới. Điều kiện sống gian khổ sẽ hun đúc ở họ ý chí cách mạng, lòng dũng cảm trong đấu tranh và sự giản dị trong cuộc sống”[14]. Dù khẳng định đã đạt được những kết quả to lớn như vậy, song Mao Trạch Đông vẫn cảnh báo chưa đến lúc thả lỏng và không thể lơi là cảnh giác, giai cấp tư sản, tư sản trí thức có thể ngóc đầu lên bất kỳ lúc nào và không khi nào từ bỏ quyền lợi của mình một cách dễ dàng, vì thế hàng chục năm tới chưa thể nói đến thắng lợi cuối cùng, một cuộc cách mạng văn hóa có thể là chưa đủ.
Kết thúc vào năm 1976, hệ quả của cách mạng văn hóa đối với trí thức và văn hóa Trung Quốc là hết sức nặng nề. Vô số trí thức bị biến thành “ngưu quỷ xà thần”, bị gạt ra ngoài lề xã hội, trí thức bị đấu tố, giam cầm, bị đầy ải ở những vùng miền núi heo hút hoang vu; nhiều học giả nổi tiếng bị bức hại, một bộ phận sinh viên, giảng viên biến thành Hồng vệ binh. Các viện nghiên cứu bị giải tán, nhiều trường đại học bị đóng cửa, khoa học –giáo dục của Trung Quốc bị tổn hạn nghiêm trọng, trở nên què cụt, bị kéo lùi lại vài chục năm. Năm 1966, giáo dục đại học theo đúng nghĩa của nó hầu như bị loại bỏ ở Trung Quốc. Mao Trạch Đông chỉ đạo cắt giảm thời gian đào tạo, khóa đào tạo chuẩn rút lại chỉ còn 3 năm. Trong cách mạng văn hóa, Trung Quốc đã bị hao hụt 1.000.000  sinh viên đại học và 100.000 nghiên cứu sinh[15] (17 năm trước cách mạng văn hóa, Trung Quốc đã có 1.550.000 sinh viên đại học và 160.000 nghiên cứu sinh[16]). Cách mạng văn hóa làm biến dạng nền văn hóa, để lại một vết sẹo sâu trong tâm lý trí thức Trung Quốc, ăn mòn khả năng sáng tạo, làm méo mó năng lực hoạt động của tầng lớp này. Nếu như “trăm hoa đua nở” và chiến dịch chống “hữu khuynh” giống như cơn lũ quét ngang đời sống trí thức Trung Quốc cả về phương diện sinh hoạt lẫn tư duy khoa học, thì “cách mạng văn hóa” như cơn sóng thần cuồng nộ hả hê dập vùi một cách không thương tiếc những lành lặn còn sót lại. Chưa bao giờ trí thức Trung Quốc phải trải qua những cung bậc bi ai đến thế và thân phận họ bèo bọt hệt như những kẻ vô gia cư trong đêm bão dông.
3- Bước ra từ kiệt quệ và sóng gió của cách mạng văn hóa, Trung Quốc tiến hành đổi mới, cải cách và mở cửa với người cầm chịch Đặng Tiểu Bình. Đứng trước hàng loạt thách thức lớn, cải cách hay là chết, cải cách hay là vĩnh viễn tụt hậu, để khắc phục một di sản hoang phế do người tiền nhiệm để lại, Đặng Tiểu Bình quyết định dựa vào nguồn lực con người. Quan điểm đó được thể hiện ngắn gọn như sau: “Chỉ nói suông không thực hiện được hiện đại hóa mà phải cần có trí thức, có nhân tài”[17]. Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (1978) đã thông qua những quyết định cải cách kinh tế quan trọng, khẳng định bốn hiện đại hóa là chính sách quốc gia cơ bản, nhấn mạnh vai trò của trí thức trong việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ này; đồng thời bật đèn xanh cho việc “nói thẳng, nói thật” ("Seeking truth from facts"). Những chuyển biến chính trị nói trên đã tạo ra một khoảng không gian thoáng đãng hơn cho nghiên cứu và học thuật. Chính phủ Trung Quốc có những động thái rõ ràng hơn trong việc “giải oan” cho nhiều nhân vật trí thức bị kết tội hay bị quy nhầm, trí thức có điều kiện tham gia thực chất hơn vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Năm 1979, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã thành lập nhóm chuyên gia với 600 nhà khoa học để nghiên cứu các vấn đề thuộc về cơ cấu của nền kinh tế qua thực tiễn phát triển kinh tế hơn mười tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kết quả công việc của nhóm chuyên gia này là kênh tư vấn quan trọng cho các chính sách kinh tế của Chính phủ[18].
Tuy nhiên, nhận thức về xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức của Đảng, Nhà nước Trung Quốc vẫn còn nhiều nét giáo điều. Đại hội lần thứ XI Đảng Cộng sản Trung Quốc (8-1977) vẫn đặt cao yêu cầu phát triển trí thức có bản chất của giai cấp công nhân: “Xây dựng đạo quân trí thức lớn mạnh của giai cấp công nhân là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng”[19]. Trải qua một trường đoạn ngắn tương đối ổn định với môi trường nghiên cứu có phần thông thoáng, năm 1980, trí thức Trung Quốc lại đối diện với những thử thách nghiêm trọng khi phái bảo thủ trên chính trường Trung Quốc có phần thắng thế và phát động cuộc đấu tranh chống “tự do tư sản” ("Bourgeois liberalization"). Tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (10-1983), Đặng Tiểu Bình có bài phát biểu báo động về tình trạng “ô nhiễm tinh thần” ("Spiritual Pollution") trong xã hội Trung Quốc khi một bộ phận nhân dân đang cổ xúy cho các giá trị tư sản suy đồi phương Tây, xa rời chủ nghĩa xã hội. Cuộc đấu tranh chống “tư tưởng độc hại” một lần nữa tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới trí thức Trung Quốc khiến họ không khỏi lo ngại và có phần phẫn nộ bởi sự can thiệp cũng như kiểm soát hoạt động của mình từ phía Chính phủ. Trước thái độ bất bình của trí thức; đồng thời kịp nhận ra tác hại của cuộc đấu tranh nếu nó bị đẩy quá lên một bước, Đảng, Nhà nước Trung Quốc đã khoanh vùng và giới hạn không gian đấu tranh trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, không cho phép mở rộng sang khoa học-công nghệ, kinh tế, hoặc khu vực nông thôn. Tất cả các vấn đề thuộc về tư tưởng - lý luận, văn học- nghệ thuật được giải quyết thông qua thảo luận, phê bình và tự phê bình mà không nâng lên thành một cuộc đấu tố có phạm vi sâu rộng. Từ năm 1984, khi chiến dịch chống “tự do tư sản” lắng xuống, tình trạng của trí thức Trung Quốc được cải thiện một bước.
Từ năm 1984, đồng thời với việc chuyển trọng tâm cải cách từ nông thôn vào thành thị, Chính phủ Trung Quốc kêu gọi xây dựng "văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa" ("Socialist spiritual civilization”) - một thuật ngữ dùng để chỉ các hoạt động trí tuệ nói chung, bao gồm các lĩnh vực đạo đức, luân lý, khoa học và văn hóa[20]. Phát biểu của Hồ Cẩm Đào tại Đại hội Nhà văn Trung Quốc lần thứ tư (11-1984) đã khêu lên những hy vọng mới của giới trí thức. Công khai chỉ trích những trói buộc chính trị đối với người sáng tác, Hồ Cẩm Đào kêu gọi tự do văn chương, coi đó là "một phần quan trọng của văn học xã hội chủ nghĩa"[21]. Song, hiện thực diễn ra không nhiều màu hồng như các tuyên bố và mong muốn – khi một số nhà văn tìm tòi và thử nghiệm cách viết mới, đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của xã hội, họ đã được “ý nhị” nhắc nhở về "trách nhiệm xã hội" và chỉ ngần ấy thôi cũng đủ để những con người khao khát đổi mới ấy quay lại với tâm thức tự kiểm duyệt và nhận thức rõ hơn cái mong manh của tự do ngôn luận.
Sang năm 1986, trong lòng xã hội Trung Quốc xuất hiện những chuyển động mới về chính trị - tư tưởng và có vẻ như đang hình thành những tiền đề cho một phong trào “trăm hoa đua nở” mới gắn với tên tuổi Hồ Diệu Bang – nhân vật  đã tìm cách khôi phục danh dự cho nhiều người từng bị ngược đãi thời cách mạng văn hóa, cổ vũ cho tự do báo chí, tự do ngôn luận. Tuy nhiên, sự ra đi khỏi chính trường của Hồ Diệu Bang vào năm 1987 và cái chết của ông hai năm sau đó (1989) đã là một trong những nguyên nhân khiến nền chính trị Trung Quốc dậy sóng. Cuộc dậy sóng lần này mặc dù chóng vánh nhưng đã để lại những dấu ấn đẫm máu đối với người dân Trung Quốc nói chung, giới trí thức nói riêng – Thiên An Môn 1989 cho đến nay vẫn là bóng mây đen đặc bao trùm tư tưởng, tình cảm, thái độ của người dân, của trí thức đối với chế độ; nó đồng thời cũng chỉ báo về những rào cản mà Nhà nước Trung Quốc khó lòng bước qua trong đáp ứng yêu cầu, mong muốn của giới trí thức với tư cách là một giai tầng sáng tạo ra các giá trị tinh thần và có chức năng phản biện xã hội. Thiên An Môn không chỉ là thất bại của nỗ lực cải cách chính trị theo hướng dân chủ mà còn là thất bại của chính giới trí thức Trung Quốc trong cố gắng nói lên chính kiến và nguyện vọng của mình.
Trải qua rất nhiều thăng trầm, đa số trí thức Trung Quốc ngày nay hiểu rõ ràng rằng, nếu  tuân thủ chặt chẽ bốn nguyên tắc “vàng” trong hoạt động (1- Thừa nhận con đường đi lên CNXH; 2- Thừa nhận chuyên chính vô sản; 3- Thừa nhận sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản; 4- Thừa nhận chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông) nó sẽ được bình yên tồn tại và phát triển. Một bộ phận trí thức tìm con đường giải quyết mâu thuẫn bằng cách ra đi, dẫn đến nạn chảy máu chất xám trầm trọng ở Trung Quốc. Một điều tra do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thực hiện trong tháng 2-2007 cho thấy: Hơn 300.000 người Trung Quốc nhập cư có trình độ cao đang làm việc trong những ngành có giá trị gia tăng lớn tại các quốc gia khác. Từ năm 1978 đến năm 2009, trong số khoảng 1,62 triệu người Trung Quốc ra nước ngoài học tập, chỉ có gần 460.000 người trở về[22]. Tính đến năm 2000, tỷ lệ du học sinh Trung Quốc về nước là ⅓, nhưng những năm 2010-2015, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn ¼[23], thậm chí là còn ít hơn. Sự ra đi của những trí thức tinh hoa- tầng lớp vô cùng cần thiết cho sự phát triển bứt phá của xã hội không chỉ để lại những hệ quả trước mắt mà còn rất lâu dài bởi cùng với tầng lớp này là sự biến mất của chất xám, công nghệ và niềm tin vào tương lai đất nước. Nạn chảy máu chất xám ảnh hưởng đau đớn và nặng nề đối với kinh tế - xã hội Trung Quốc, nó khiến Trung Quốc rơi vào hàng ngũ các nước thất bại nhất trên thế giới, tức thuộc vào khối 60 quốc gia có chỉ số thất bại cao nhất[24] dù Trung Quốc luôn là một trong những nước liên tục dẫn đầu thế giới về tốc độ trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, vẫn có một số lượng không nhỏ trí thức Trung Quốc thoát ra khỏi những “giấc mơ con”, lao mình vào tâm xoáy, dấn thân và theo đuổi những khát vọng thực thụ, thực hiện sứ mệnh của những trí thức chân chính. Năm 2009, 45 chuyên gia và trí thức Trung Quốc đã gửi thư yêu cầu Chính phủ Trung Quốc xem xét lại chiến lược đại khai phá miền Tây[25]. Nhà hoạt động nhân quyền Hứa Chí Vĩnh cố xúy cho thể chế pháp trị và yêu cầu các quan chức chính phủ công khai tài sản. Trí thức Quách Ngọc Thiểm (Giu Yu Shan) thành lập "Viện Chuyển đổi" - một tổ chức nghiên cứu chiến lược kinh tế tư nhân, đánh giá độc lập và xuất bản các ấn phẩm liên quan đến các vấn đề kinh tế xã hội Trung Quốc. Viện đã gây tiếng vang lớn khi mạnh dạn luận bàn, phê phán những vụ bê bối nổi tiếng như vụ sữa bột nhiễm độc, hậu quả về môi trường và xã hội của dự án đập Tam Hiệp… Lưu Hiểu Ba – từng là Chủ tịch của Trung tâm Văn bút Quốc tế độc lập Trung Quốc đã cùng với 302 công dân ký tên vào Hiến chương 08, một tuyên ngôn được phát hành vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (2009), kêu gọi tự do ngôn luận và bầu cử tự do. Luật sư Phổ Chí Cường lên tiếng phản đối chính sách trấn áp Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và cộng đồng người Hồi giáo tại Tân Cương, lên án việc thiếu thiết chế bảo vệ các quyền tự do báo chí, tự do tôn giáo, phê phán nền tư pháp thiếu độc lập. Nhiều luật sư đã bất chấp nguy hiểm bảo vệ cho những người liên quan đến chính trị, tôn giáo – những lĩnh vực vốn được coi là “nhạy cảm” và “cấm kỵ” ở Trung Quốc.
Về số lượng trí thức Trung Quốc hiện nay, do cách tính toán khá khác nhau và có nhiều mâu thuẫn nên có nhiều con số thống kê khác nhau. Các nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng hiện nay trí thức Trung Quốc chiếm khoảng 0,6 % dân số (hơn 7 triệu người)[26], còn thống kê của Trung Quốc thì cung cấp số liệu 120 triệu trí thức[27]. Lưu ý thêm rằng, ở Trung Quốc đang tồn tại một vấn nạn mua bán bằng cấp. Những trường đại học hàng đầu và danh tiếng vốn được coi là “thánh đường khoa học”, nghiêm cẩn trong đào tạo như Đại học Nhân dân, Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh  cũng không tránh khỏi bị cuốn đi trong cơn lốc mua bán bằng cấp. Do các học hàm, học vị đang là những vật trang sức đắt giá trang trí cho quyền lực, nên thị trường mua bán bằng cấp ở Trung Quốc khá sôi động. Không hiếm gặp những “Thạc sĩ xã trưởng”, “Tiến sĩ huyện trưởng” trong lực lượng trí thức Trung Quốc –đó cũng có thể là một trong những yếu tố dẫn đến sự chênh lệch trong con số thống kê trí thức giữa các nhà nghiên cứu phương Tây và Trung Quốc.
Nhìn chung lại, những năm cải cách, mở cửa, mặc dù Đảng, Nhà nước Trung Quốc vẫn xiết chặt kiểm soát trí thức, song vai trò của trí thức từng bước được thừa nhận, uy tín của trí thức tăng dần và địa vị có phần vững chắc hơn. Đặt trong so sánh với những giai tầng khác của xã hội và trong sự vận hành mang tính đặc thù của thể chế chính trị thì trí thức Trung Quốc có những điều kiện thuận lợi nhất định cho sự phát triển. Dù vậy, trí thức Trung Quốc vẫn chưa hình thành như một giai tầng trọn vẹn, chưa hình thành nên những đặc điểm, những yếu tố để có thể xác định nó như một giai cấp và vị trí của nó trong xã hội hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước. Như một thói quen, đa phần trí thức Trung Quốc tìm kiếm cho mình một khoảng an toàn bằng cách chú tâm vào nghiên cứu mà ít quan tâm đến chính trị - chính điều đó đã, đang và sẽ làm suy yếu, làm mòn mỏi trí thức trên phương diện là một thực thể độc lập tư duy và tự do sáng tạo.
 Những năm tới, trên đà đẩy mạnh cải cách, trong xu thế phát triển của kinh tế tri thức và yêu cầu bình ổn xã hội, Chính phủ Trung Quốc không thể không để tâm đến trí thức. Trí thức Trung Quốc vẫn luôn nuôi hy vọng về một tương lai, khi Chính phủ coi việc tạo đầy đủ điều kiện cho họ phát triển với tư cách là bộ phận tiên phong của cộng đồng là trách nhiệm và nghĩa vụ của một nhà nước vì dân. Chỉ có như vậy, mới hình thành nên một tầng lớp trí thức thực sự trưởng thành trong ý nghĩa trọn vẹn nhất– một tầng lớp trí thức không e dè trước những sai trái, bất công, đầy đủ tài năng, vẹn toàn trí tuệ và nhân cách, thực sự là nguyên khí của đất nước Trung Quốc.




[1] Zhibin, G. China beyond Deng: Reform in the People’s Republic of China. London: Jefferson, 1991, p.86.
[2] Смит С.А: Рабочие, интеллигенция и марксистские партии: Санкт-Петербург, 1895–1917 гг. и Шанхай, 1921– 1927 гг,  Социальные и гуманитарные науки. Зарубежная литература. Серия «Китаеведение», 1997, №2, c.124.
[3] Барлукова О.Д: Интеллигенция в пространстве китайского социума: прошлое и настоящее, Bестник бурятского государственного университета, № 6-2/2014, c.54.
[4] Китай – Пекин: Синьсин, 1990, c.217.
[5]Мао Цзэдун. К вопросу о правильном разрешении противоречий внутри народа // http://library.maoism.ru/on_the_correct_handling.htm
[6] Jung Chang: Wild Swans, Bolinda Audio; MP3 Una edition, 2015), p.216.

[7] Yang Jisheng: Tombstone: The Great Chinese Famine, 1958-1962 , Farrar, Straus and Giroux, Reprint edition, 2013, p.28.

[8] Zhou Enlai. On the question of intellectuals/Commun- ist  China  1955–1959:  policy  document  with  analysis/ed. R.B. Bowie, J.K. Fairbank. – Cambridge, 1962. p.128
[9] Ch. Johnson (Ed.): Ideology and Politics in Contemporary China, University of Washington Press, Seattle, 1973, p.219.
[10] Барлукова О.Д: Интеллигенция в пространстве китайского социума: прошлое и настоящее, Указ. Соч, C.56.
[11] Владимиров О.Е. Маоизм без прикрас, М.: Изд-во политической литературы, 1969, c.43.
[12] People's Daily,  August 9, 1966.
[13] People's Daily,  August 9, 1966.
[14] People's Daily, June 26, 1969.
[15] Qu Shipei. Zhongguo daxiejiaoyu fazhanshi, Shanxi, 1993, p.648
[16] Hồng Kỳ: Uốn nắn nhận thức đối với trí thức, Lưu tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc, TL 164.
[17] Đặng Tiểu Bình: Tôn trọng trí thức, tôn trọng nhân tài, 27-5-1977, Phụ lục Nội san Thông tin quan hệ quốc tế, , Học viện Quan hệ quốc tế, 1984, tr.41.
[18] Структурные изменения экономики Китая. М., 1997, c. 10.
[19]People's Daily,  August 19, 1977.
[20] Robert L. Worden, Andrea Matles Savada and Ronald E. Dolan, editors: China: A Country Study,  Washington: GPO for the Library of Congress, 1987, p.99.
[21] Robert L. Worden, Andrea Matles Savada and Ronald E. Dolan, editors: China: A Country Study,  Ibid, p.100.
[22] Huy Đường: Nạn “chảy máu” tầng lớp tinh hoa Trung Quốc, Tia sáng, 17-1-2011.
[23] Trung Quốc bức xúc nạn chảy máu chất xám, Vn.Economy, 8-5-2007.
[24] Huy Đường: Nạn “chảy máu” tầng lớp tinh hoa Trung Quốc, Tlđd (Tình trạng di dân ngoại khối (di dân quốc tế) là một trong các tiêu chí đánh giá quốc gia thất bại-Failed States Index).
[25] Năm 1999, Trung Quốc phát động “chiến lược phát triển miền Tây gồm Quảng Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên, xây dựng 14 đập thủy điện trên phần sông Mekong thuộc lãnh thổ Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến địa tầng khu vực.
[26] Merle Goldman. The intellectuals in the deng xiaoping era,  State and Society in China, Boulder, 1992, p.67
[27] Китай   больше   чем   другие   страны   страдает   от «утечки мозгов» // Агентство «Синьхуа» // [Электронный ресурс], URL: http://www.xinhuanet.com (25.12.2013).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!