Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

VỀ HAI CHÍNH SÁCH TRONG CHIẾN LƯỢC ĐỘC CHIẾM BIỂN ĐÔNG CỦA TRUNG QUỐC (Qua sự kiện hải chiến Trường Sa 1988)

Nguyễn Thị Mai Hoa
Tranh chấp, xung đột ở biển Đông hiện đang diễn ra gay gắt xung quanh quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) –bao gồm hơn 230 đảo san hô, cồn cát, rạn đá san hô và bãi đá ngầm… Có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ có tranh chấp (Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei) và tuyên bố quyền sở hữu đối với những diện tích khác nhau thuộc quần đảo. Ba trong số các bên tranh chấp (Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam) yêu sách toàn bộ quần đảo; hai trong số đó (Malaysia và Philippines) chỉ yêu sách một bộ phận của quần đảo (Philippines tuyên bố chủ quyền nhóm đảo Kalayaan, Malaysia đòi hỏi chủ quyền một số thực thể ở phía Nam của quần đảo); Brunei tranh chấp một phần nhỏ của lãnh hải (Brunei chưa đưa ra đòi hỏi về một thực thể địa lý cụ thể, mà chỉ đưa ra yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong đó tọa lạc một vài rạn san hô/bãi đá ngầm).Cho đến thời điểm hiện tại, trừ Brunei không chiếm giữ bất kỳ đảo nào và vì thế không có quân đồn trú, 5 quốc gia còn lại đều kiểm soát những thực thể địa lý nhất định.
 Cụ thể như sau: Việt Nam kiểm soát 21 thực thể địa lý, gồm 7 đảo san hô/cồn cùng 14 rạn san hô; Philippines kiểm soát 10 thực thể địa lý, gồm 7 đảo san hô/cồn cùng 3 rạn san hô; Trung Quốc: 7 thực thể địa lý, tất cả đều là rạn san hô; Malaysia: 7 thực thể địa lý, tất cả đều là rạn san hô; Đài Loan kiểm soát 2 thực thể địa lý, gồm 1 đảo san hô và 1 rạn san hô.
Xét về thái độ, nội dung tuyên bố chủ quyền, thực lực hải quân, tiềm lực quân sự cũng như thực tế chiếm giữ các thực thể địa lý của quần đảo Trường Sa, tiếp cận từ phía Trung Quốc, nổi lên ba quốc gia/5 quốc gia còn lại là những đối thủ “đáng gườm” hơn cả - đó là Việt Nam, Philippine và Malaysia; trong đó, nổi bật lên là Việt Nam.
Tiến hành cải cách, mở cửa vào năm 1978, Trung Quốc rất cần một môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, mở rộng bang giao với nhiều quốc gia, nhất là các nước tư bản trên thế giới và các nước NICs mới ở khu vực Đông Nam Á. Vì thế, Trung Quốc có sự điều chỉnh đáng kể trong chiến lược đối ngoại, nhấn mạnh ưu tiên hợp tác kinh tế với các nước. Tuy nhiên, có những vấn đề được coi là bất biến trong chính sách phát triển, không thể có thỏa hiệp, nhượng bộ, thậm chí còn được nâng lên thành “sứ mệnh lịch sử” của nước Trung Hoa mới là thu hồi Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan và lãnh thổ, lãnh hải thuộc biển Đông. Lưu ý thêm rằng, Trung Quốc luôn sử dụng cụm từ “thu hồi” lãnh thổ, lãnh hải ở biển Đông bao hàm quần đảo Trường Sa. Trong các chiến dịch tuyên truyền rộng rãi mang tính đại chúng, Trung Quốc luôn mô tả và coi mình là nạn nhân sự xâm lược/xâm lấn về lãnh thổ, lãnh hải bởi các nước trong khu vực – những quốc gia đang cố gắng cướp đoạt toàn bộ tài nguyên biển của Trung Quốc bằng sức mạnh quân sự (?!). 
Đối với việc “thu hồi” quần đảo Trường Sa, Trung Quốc theo đuổi một chiến lược "lấn dần" – thiết lập sự hiện diện ngày càng lớn hơn trên biển Đông mà không cần đến đối đầu (hoặc đối đầu dằng dai) về quân sự và thực hiện chiến lược đó thông qua hai chính sách chủ chốt: 1- Ngoại giao; 2- Chiếm giữ/đánh dấu lãnh thổ, kiên cố hóa, cư dân hóa và bản đồ hóa chúng.
Thực hiện chính sách thứ nhất, tuy khẳng định chủ quyền đối với các đảo là không bao giờ thay đổi, song Trung Quốc luôn tuyên bố sẵn sàng “gác lại chủ quyền, hướng tới một giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế và cùng khai thác, phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên với các bên tranh chấp”[1], tham gia vào một số cuộc thảo luận song phương và đa phương về vấn đề biển Đông. Nói tóm lại, Trung Quốc chủ trương "chủ quyền thuộc mình, gác lại tranh cãi, giải quyết hòa bình, cùng nhau khai thác", có điều, khái niệm "khai thác chung" của Trung Quốc là nhằm chỉ việc khai thác tại những mỏ dầu, mỏ khí trên thềm lục địa của những quốc gia liên quan và sau đó chỉ có chủ quyền của Trung Quốc là được công nhận. Ý tưởng "khai thác chung" của Trung Quốc khuyến khích các quốc gia tranh chấp khai thác những gì được coi là tài nguyên của mình, trái ngược với hình thức khai thác chung truyền thống, thông thường - cùng đóng góp các quyền đối với các tài nguyên trong các vùng tranh chấp. Nói cách khác, nêu cao khẩu hiệu có vẻ rất trượng phu: “Gác lại chủ quyền, cùng nhau khai thác”, Trung Quốc đang buộc các nước khác thừa nhận "chủ quyền của Trung Quốc", chấp nhận "cùng khai thác" những khu vực đang thuộc quyền kiểm soát của chính mình mà không phải là khu vực mà Trung Quốc đã kiểm soát được, nhằm từng bước chính danh hóa sự có mặt của Trung Quốc trên biển Đông dưới “lốt” phát - triển - chung.
Chính sách thứ hai được Trung Quốc thực hiện từ năm 1988 bắt đầu bằng việc tấn công ba bãi đã Cô lin, Len đao, Gạc Ma và cuối cùng chiếm đóng Gạc Ma của Việt Nam (sự kiện quen được biết đến dưới cái tên "Hải chiến Trường Sa 1988"). Ở đây có ba điều cần nhấn mạnh: Thứ nhất, Trung Quốc thực hiện sách lược phân hóa đối phương, tiến hành “đánh tỉa”, chỉ chọn một trong ba đối thủ nặng ký; thứ hai, “kẻ được chọn” làm vật tế thần cho cuộc xuất quân rầm rộ không chỉ nhằm “rửa nhục” mà còn như một phương thức khẳng định còn tính hợp pháp của chế độ không ai khác và không hề ngẫu nhiên chính là Việt Nam; thứ ba, thời điểm được chọn là năm 1988.
Trước năm 1988, Trung Quốc thực hiện chiến lược biển liên quan đến vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa không đơn thuần giải quyết một mục tiêu “thu hồi” lãnh thổ, mà lồng trong đó là các hàm ý ngoại giao cạnh tranh và chống lại ảnh hưởng của Liên Xô tại khu vực Đông Nam Á. Vì lẽ đó, để không đẩy mình vào thế đối đầu cùng lúc với nhiều kẻ thù và không đẩy những nước liên quan ngả về phía Liên Xô, Trung Quốc tránh đụng chạm đến Philippines và Malaysia – hai nước Trung Quốc cho rằng chưa có quan hệ gắn bó với Liên Xô. Thực hiện mục tiêu đó, vào những thời điểm buộc phải công khai khẳng định lập trường về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, Trung Quốc luôn né tránh để không phải nhắc đến hai nước Philippines và Malaysia như những kẻ xâm lược. Điều đó hoàn toàn “trái ngược với phản ứng của Trung Quốc về các động thái của Hà Nội trong quần đảo Trường Sa kể từ năm 1978”[2] - Trung Quốc công khai phản đối mỗi bước đi của Việt Nam và lên án Việt Nam trong từng vụ việc cụ thể nhất, bởi vì Việt Nam lúc này đã được Trung Quốc ấn định là “tiểu bá” theo “đại bá” Liên Xô ở khu vực này.
Cuối những năm 88 (XX), tình hình thế giới, khu vực diễn ra những biến chuyển nhanh chóng mà theo các phân tích và dự báo chiến lược của Trung Quốc thì đó là những thay đổi theo chiều hướng có lợi cho chính sách biển của Trung Quốc. Sau gần một thập kỷ cải cách, mở cửa, thực lực của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể; đồng thời, Trung Quốc cũng đang vật vã trong cơn khát tài nguyên đáp ứng cho nền kinh tế. Để ứng phó với tình hình, Đại hội XIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (10-1987) nâng tầm chiến lược biển, tích hợp tất cả các tỉnh ven biển vào nền kinh tế toàn cầu.
Trong lúc đó, cuộc đối đầu Đông- Tây đang đi vào giai đoạn hòa dịu dẫn đến sự suy giảm cạnh tranh/kình địch Xô – Mỹ và hai nước này giảm dần sự hiện diện quân sự tại Đông Nam Á. Bên cạnh đó, việc giải quyết “vấn đề Campuchia” đã thu hút sự chú ý cũng như sức lực của nhiều bên liên quan, đặc biệt là hai quốc gia chưa bao giờ vắng mặt trong các vấn đề quốc tế là Liên Xô và Mỹ. Lúc này, một cuộc chiến song phương nếu xảy ra sẽ không còn là một sự kiện an ninh nổi bật và sẽ không thu hút đáng kể sự chú ý của các cường quốc, kể cả Liên Xô nước vốn được coi là “đồng minh” thân cận của Việt Nam. Thêm nữa, toàn bộ những hành động “vừa đủ” của Liên Xô khi xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (1979) chỉ để không bị mang tiếng là "bỏ mặc" người anh em Việt Nam ngay khi những điều khoản của Hiệp ước mùng 3-11-1978 còn đang nóng hôi hổi và cho phép Liên Xô hành động quả quyết hơn thế đã khiến Trung Quốc khá yên tâm với phản ứng của Liên Xô nếu Trung Quốc gây hấn trên biển Đông. Đó là chưa kể đến tình trạng khủng hoảng, trì trệ và những khó khăn mà Liên Xô đang phải đối diện sau một thời gian dài phát triển bất chấp quy luật, nhất là những quy luật về chính trị, kinh tế - điều đã khiến Liên Xô suy giảm đáng kể sức mạnh mọi mặt.
Bên cạnh đó, bắt đầu từ những năm 80 (XX), cả Philippines và Malaysia đều đẩy nhanh việc tăng cường sức mạnh không quân, hải quân khiến Trung Quốc không khỏi lo ngại khi hai nước này hiện đại hóa quân đội, việc hiện diện thực tế ở Trường Sa sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần. Cũng từ thời điểm này, với thiện chí giải quyết vấn đề Campuchia, Việt Nam đã từng bước gỡ bỏ rào cản trong quan hệ với Philippines, Malaysia nói riêng, với cộng đồng ASEAN nói chung và con đường gia nhập ASEAN của Việt Nam không còn bao xa. Tình hình sẽ hết sức bất lợi cho Trung Quốc khi Việt Nam đứng trong cộng đồng này và cùng với Philippines, Malaysia vượt qua bất đồng trong những tranh chấp liên quan đến Trường Sa để liên kết, sử dụng sức mạnh ngoại giao tập thể đối phó với Trung Quốc. Trên thực tế, từ năm 1987, Việt Nam, Philippines và Malaysia đã tích cực tổ chức các cuộc thảo luận về tranh chấp Trường Sa[3] và Trung Quốc coi đó như một nỗ lực của các nước đối thủ đang tìm sự đồng thuận nhằm gây áp lực với Trung Quốc. Những diễn biến như đã nêu được Trung Quốc xem xét như một đòi hỏi hành động và quyết định đánh chiếm đảo/bãi đá ngầm của Việt Nam năm 1988 chính là nhằm tranh thủ những điều kiện có lợi, loại trừ trước những yếu tố bất lợi cho cuộc đặt chân ngoạn mục vào vùng lãnh hải mơ ước.
Cùng với cuộc hải chiến Trường Sa 1988, Trung Quốc đã chính thức hóa “chính sách đánh dấu lãnh thổ”, mở đầu cho hàng loạt bước tiến mới táo bạo hơn ở Trường Sa. Đến nay, Trung Quốc đã kịp thời kiên cố hóa, xây đảo nhân tạo và ngang nhiên thay đổi hiện trạng biển Đông, thách thức các nước, trong đó có Việt Nam. Ở đây, bài học cay đắng là khi con cáo đã thò được một chân vào nhà hàng xóm, với bản chất cáo, bắt nó rút ra một cách dễ dàng là hoàn toàn ảo tưởng. Sự kiện Gạc Ma cần được coi như một hồi chuông báo động và thức tỉnh (dẫu là hồi chuông chua chát và nấc nghẹn) nếu như ai đó còn mơ hồ, mụ mị và ngây ngô tin ở “người bạn bốn tốt”.
____________________
CHÚ THÍCH

[1] James Storey: China, the Philippines and the South China Sea Dispute, Contemporary Southeast Asia,Vol. 21, No. 1 (April 1999), p. 99.
[2] Chen Jie: China's Spratly Policy: With Special Reference to the Philippines and Malaysia, Asian Survey, Vol. 34, No. 10 (Oct., 1994), p.894.
[3] Chen Jie, Ibid, P.897.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!