Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

VỀ HAI CHÍNH SÁCH TRONG CHIẾN LƯỢC ĐỘC CHIẾM BIỂN ĐÔNG CỦA TRUNG QUỐC (Qua sự kiện hải chiến Trường Sa 1988)

Nguyễn Thị Mai Hoa
Tranh chấp, xung đột ở biển Đông hiện đang diễn ra gay gắt xung quanh quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) –bao gồm hơn 230 đảo san hô, cồn cát, rạn đá san hô và bãi đá ngầm… Có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ có tranh chấp (Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei) và tuyên bố quyền sở hữu đối với những diện tích khác nhau thuộc quần đảo. Ba trong số các bên tranh chấp (Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam) yêu sách toàn bộ quần đảo; hai trong số đó (Malaysia và Philippines) chỉ yêu sách một bộ phận của quần đảo (Philippines tuyên bố chủ quyền nhóm đảo Kalayaan, Malaysia đòi hỏi chủ quyền một số thực thể ở phía Nam của quần đảo); Brunei tranh chấp một phần nhỏ của lãnh hải (Brunei chưa đưa ra đòi hỏi về một thực thể địa lý cụ thể, mà chỉ đưa ra yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong đó tọa lạc một vài rạn san hô/bãi đá ngầm).Cho đến thời điểm hiện tại, trừ Brunei không chiếm giữ bất kỳ đảo nào và vì thế không có quân đồn trú, 5 quốc gia còn lại đều kiểm soát những thực thể địa lý nhất định.