Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

LỖI HỆ THỐNG VÀ “YẾU HUYỆT” GIÁO DỤC VIỆT NAM (Qua trường hợp học sinh lớp 12 không chọn thi môn Lịch sử)

Giáo dục – đào tạo là một trong những lĩnh vực then chốt, có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Giáo dục là tiền đề, là động lực của tiến bộ xã hội. Đa số các quốc gia trên thế giới đều nhận thức giáo dục là chìa khóa mở cửa tương lai, nỗ lực xây dựng một nền giáo dục hoàn bị, coi thành bại của giáo dục là một trong những tiêu chí đánh giá uy tín, năng lực quốc gia. Còn ở Việt Nam?
1- Nói “không” với môn Sử
Những ngày chuẩn bị diễn ra kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm 2014, cả nước ồn ào tranh cãi, bàn luận về chuyện học sinh lớp 12 “quay lưng” lại với môn Lịch sử.

Chủ đề này khá nóng, được nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội quan tâm, được mang ra mổ xẻ không phải là lần đầu (và chắc chắn sẽ không phải lần cuối). Tham gia vào cuộc tranh luận sôi nổi, nhằm tìm kiếm nguyên nhân “chê” Sử của học sinh có đông đảo các nhà quản lý giáo dục, giảng viên nhiều trường đại học danh tiếng, các nhà báo của nhiều tờ báo lớn, các nhà nghiên cứu uyên thâm, chuyên sâu, các thầy cô trực tiếp giảng dạy Lịch sử ở trường phổ thông…
Các lập luận, phân tích lý giải hiện tượng “đáng buồn” này bao trùm nhiều chiều cạnh của vấn đề và có vẻ thuyết phục: “Phương pháp giảng dạy cũ kỹ”, “nội dung môn học rườm rà, coi trọng chi tiết”, “sách giáo khoa khô khan”, “năng lực đội ngũ giảng dạy yếu kém”, “thái độ coi thường môn phụ”, “kiến thức bề bộn, mang tính hàn lâm không cần thiết”, “tính Đảng, tính chính trị át tính khoa học”…
Mong muốn hiểu thêm, hiểu rõ hơn về câu chuyện “bất thường” nhưng không “lạ thường” nêu trên, chúng tôi quyết định tiến hành một cuộc điều tra xã hội học nho nhỏ. Sử dụng phương pháp phỏng vấn đối với các thầy cô giảng dạy môn Sử và đặt câu hỏi trắc nghiệm đối với học sinh lớp 12 một số trường PTTH tại Điện Biên, Thái Nguyên, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh….
 Phiếu phỏng vấn của chúng tôi có hai mục: I. Không chọn môn thi môn Sử, vì: 1- Kiến thức rối rắm, khó nhớ; 2- Nội dung môn học khô khan, thiếu tính thực tiễn; 3- Bài giảng của các thầy cô không cuốn hút; ; 4- Sách giáo khoa chưa đáp ứng yêu cầu học tập; 5- Không trùng môn thi của kỳ thi đại học. II. Các phương án khác. Các câu trả lời nhận được chủ yếu thuộc Mục II. Các phương án khác.
Kết quả nhận được là hết sức bất ngờ, chệch ngoài phạm vi những vấn đề mà các nhà khoa học tranh luận. 94%[1] số người được hỏi có câu trả lời như sau (đã được biên tập cho gọn, rõ ý):
1- Không chọn thi môn Sử, vì môn khoa học xã hội khó đạt điểm tuyệt đối (điểm 10).
2- Quay cóp, chép môn Sử khi thi đòi hỏi nhiều thời gian và “thủ thuật” hơn các môn tự nhiên và tiếng Anh.
Kết quả khảo sát đơn giản, đậm chất đời sống hiện thực cho phép nhận diện nhiều vấn đề của giáo dục Việt Nam - những vấn đề lớn hơn câu chuyện môn Sử bị loại khỏi danh sách lựa chọn thi tốt nghiệp.
2- Hệ giá trị và nền giáo dục
Điều cần nhấn mạnh và nói rõ đầu tiên là khi luận giải nguyên nhân học sinh “quay lưng” lại với môn Sử, các nhà quản lý, các nhà khoa học… đã nhầm lẫn giữa hai khái niệm: “Học” và “thi”.
Thực chất, khi “thi”, mục tiêu đầu tiên, trực tiếp, thiết thân nhất của thí sinh là phải tìm cho ra/xác định cho được phương án an toàn, khả thi trong thời điểm bước ngoặt sau 12 năm vất vả đèn sách: Đạt điểm tốt nghiệp. Yêu cầu ấy mặc nhiên dẫn đến tiêu chí lựa môn thi tự chọn không dựa vào sở trường, khả năng, nội dung môn học…, mà đặt trên những yếu tố, điều kiện cho phép hoàn thành mục tiêu tốt nghiệp.
Quay trở lại vấn đề lựa chọn môn thi: Môn Sử bị loại, Lý, Hóa, Tiếng Anh lên ngôi, bởi các môn tự nhiên và tiếng Anh là một đảm bảo cho việc đạt điểm cao hoặc điểm tuyệt đối. Điều đó sẽ là bình thường, nếu học sinh thực hiện mục tiêu ấy bằng chính khả năng, thực lực của mình, song hiện thực gian lận trong các kỳ thi tốt nghiệp lại mang đến một kết luận khác: Một thí sinh (hoặc một vài thí sinh) làm bài vì nhiều người. Được biết, trước khi vào kỳ thi tốt nghiệp, học sinh các trường, (nhất là các bạn học trội, học giỏi), thường được nhắc nhở cho nhau chép bài vì “màu cờ, sắc áo”. Nhiều Hội đồng thi “thương” thí sinh, chủ trương “tháo khoán” một cách “tế nhị” ở 30 phút cuối mỗi buổi thi.
Đến đây, nảy lên một vấn đề có tính “ung biếu” của giáo dục Việt Nam: Giáo dục vị khoa cử. Nói cách khác, giáo dục Việt Nam đã “nhầm lẫn” khi lấy công cụ (kiểm tra, đánh giá) làm mục tiêu và sự hoán đổi “chết người” ấy khiến nó mang “trọng bệnh”.
Theo logic “mục tiêu giáo dục quyết định cách thức vận hành nền giáo dục”, tất yếu, toàn bộ hoạt động của giáo dục Việt Nam buộc phải chạy theo thi cử: Điểm số cần hơn kiến thức, thi cử cao hơn tri thức, thành tích lớn hơn kỹ năng –những điều đó vừa có xuất phát điểm, vừa tiếp tục bồi đắp nên một nền giáo dục thực dụng và thiển cận. Căn nguyên của một nền giáo dục như thế xuất phát từ quan niệm xã hội về hệ giá trị.
Nói đến "giá trị" thực chất là nói đến văn hóa, là nói tới mối liên hệ không thể chia cắt giữa văn hóa và con người; trong đó, con người vừa là chủ thể của thế giới văn hóa, vừa là sản phẩm của văn hóa (khách thể), lại vừa là đại diện mang giá trị văn hóa do chính mình tạo ra. Như vậy, “giá trị” là sự biểu đạt văn hoá một cách tập trung nhất, thường được xem xét như bộ phận mang tính chuẩn mực nhằm điều chỉnh, định hướng thái độ, quy định hành vi, lối sống, mục đích, lý tưởng của con người trong xã hội. Lịch sử tiến bộ của loài người cũng chính là lịch sử nhận thức các chân giá trị, tích lũy, chọn lọc, kế thừa và không ngừng tìm ra các giá trị mới ngày càng phù hợp hơn.
Ra khỏi khói lửa chiến tranh, 10 năm đắm đuối trong cơn say lãng mạn, ngủ vùi trong hào quang chiến thắng, mộng mị phát triển theo mô hình kinh tế - xã hội Liên Xô (1975-1985), Việt Nam rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Trong tình hình ấy, Đổi mới ra đời, là phương án “cứu cánh” và đã phát huy tác dụng. Cũng vì lẽ đó, không quản ngại “tự bắn vào chân mình”, Đổi mới được các nhà quản lý, các nhà lý luận vinh danh như một phát kiến Việt Nam sau khi tự dựng “rào”, rồi “vượt rào”, mà không thấy sau một chặng đường ngắn ngủi, nó đã đi hết vòng đời của mình.
Đổi mới theo cách “cởi trói”, “nửa chừng xuân”, bơi trong tù túng tư tưởng, vận hành trên nền tảng một học thuyết ngoại lai đã hết vai trò lịch sử khiến Việt Nam lại rơi vào cuộc khủng hoảng mới cả về lý luận lẫn thực tiễn và khủng hoảng trên mọi phương diện, trầm trọng hơn, khó khăn hơn trước đây gấp nhiều lần. Xã hội Việt Nam ngột ngạt, bế tắc, tham nhũng hoành hành, tính tư lợi phát triển nhanh chóng; chủ nghĩa vật chất chế ngự, đứng trên mọi thang bảng giá trị, chèn ép phẩm giá, giẫm đạp, quật ngã tư cách con người. Thái độ trọng giàu khinh nghèo, coi tiền bạc là thước đo đẳng cấp xã hội đang chiếm ưu thế, xã hội bất lực trước sự lên ngôi của lợi ích cá nhân vị kỷ, lợi ích nhóm bất minh, trong khi các chân giá trị cộng đồng, giá trị dân tộc bị xói mòn. Một nghiên cứu khoa học về lựa chọn giá trị trong sinh viên đã cho kết quả không bất ngờ, nhưng đau buồn và đáng để suy nghĩ: 41% sinh viên cho rằng không nhất thiết phải sống cao thượng vì đôi khi cao thượng lại là mù quáng, 36% cho rằng làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt và 28% có tư tưởng trả thù, báo oán, 18% sinh viên đặt lợi ích cá nhân lên trên hết và không quan tâm nếu không liên quan đến mình[2].
Khi văn hóa bị hủy hoại cũng chính là lúc con người chạm tay vào bất hạnh, đớn đau vì mất mát, bởi “thiên nhiên không khai sinh con người để đạt hạnh phúc, mà để đạt được văn hóa” (Kant). Lệch lạc văn hóa khiến con người mất phương hướng, mất căn cứ xét đoán giá trị và thực thi những lựa chọn.
Trước thực tế “tiền” - “quyền” là hai cặp phạm trù song sinh, một bộ phận lớn người Việt Nam – những thực thể xã hội - buông mình trong ham muốn vật chất, chạy theo chức tước, đam mê quyền lực… biến mình thành con-vật-chính-trị (Aristote), khi tất cả đều có thể được mang ra mua bán, đổi chác, trục lợi. Đất nước khủng hoảng hệ giá trị, khủng hoảng niềm tin – đó là cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất, kinh khủng nhất, đáng sợ, đáng báo động nhất.
Với tư cách là một bộ phận cấu thành văn hóa – xã hội, nền giáo dục, tự nó, không đứng chênh vênh, không tồn tại đơn lẻ, độc lập, mà thuộc về, nằm trong, gắn chặt với văn hóa và môi trường xã hội. Mối liên hệ ràng buộc có tính “hôn phối”, phụ thuộc đó khiến giáo dục trở thành phễu hứng mọi hệ quả khủng hoảng kinh tế, văn hóa – xã hội. Trong guồng quay của xã hội, giáo dục trở lại thời phong kiến sơ khai –  nền giáo dục “ứng thí”, tinh thần giáo dục “cử tử”, thi cử làm quan, "chính học" mai một. Công danh, tiền tài, bổng lộc… biến đại bộ phận người học học để kiếm một chỗ làm, một chức quan trong bộ máy công quyền, coi đó là cách thức tiến thân, khẳng định giá trị, mở mày, mở mặt nhanh chóng và hiện thực nhất.
Hiện trạng đổ vỡ của giáo dục Việt Nam ngày hôm nay vừa là hệ lụy, vừa có nguyên nhân sâu xa từ đó.
 3- Nền giáo dục “ứng thí” và sự trả giá
Con người là chủ thể của xã hội; đồng thời, là một thực thể xã hội phức tạp, tồn tại, phát triển trên những tiền đề hiện thực, trong những điều kiện thực tiễn xác định với tính quy định cụ thể của nó. Con người không phải là một tồn tại trừu tượng ngoài xã hội, bản chất con người và sự phát triển của nó bị chế định bởi tính chất, đặc điểm xã hội mà nó thuộc về. Xã hội nào, con người ấy.
Con người là yếu tố trung tâm, quan trọng của mọi quá trình xã hội; do vậy, suy cho cùng, mọi điều kiện chính trị - kinh tế, văn hóa - giáo dục đều phải được thiết lập cho phát triển con người. Sự thay đổi thang bảng giá trị của xã hội Việt Nam theo hướng cổ xúy và tuyệt đối hóa những giá trị ngoài chuẩn mực sẽ càng làm hạn hẹp những lối, ngả vào đời. Những con đường độc đạo tiến thân không chỉ phản ánh những thất bại giá trị, mà còn là đẩy con người vào cuộc đua chen thi cử, ngộ nhận bằng cấp, ngộ nhận tài năng, nhấn giáo dục lún sâu vào bế tắc. Nền giáo dục khoa cử coi đích cuối cùng của việc học là để làm quan, chứ không để trở thành con người độc lập đã kéo theo hệ lụy gian lận, bệnh thành tích, người học thụ động, các môn học trong chương trình học tập bị phân biệt đối xử. Trong tình cảnh ấy, việc học sinh quay lưng lại với môn Lịch sử là điều không khó hiểu –một xã hội thực dụng với một nền giáo dục thực dụng, không có chỗ cho môn Lịch sử. Có điều, đó là lệch lạc của xã hội và của giáo dục, mà bất cứ lệch lạc nào trong giáo dục cũng để lại hệ lụy to lớn -  đất nước và dân tộc sẽ phải trả giá.
Nhìn chung, các nền giáo trên thế giới đều xoay quanh và tập trung vào hai vấn đề mấu chốt: Giáo dục tri thức và đạo đức; theo đó, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, lương tri, nhân cách không chỉ là kết quả, mà còn là yêu cầu nâng cao của toàn bộ quá trình giáo dục. Tham gia vào quá trình “dạy chữ - dạy người” là hệ thống các môn học được tính toán khoa học, trong đó có môn Lịch sử.
Trên phương diện nhận thức luận, “lịch sử” được hiểu là toàn bộ những tri thức, hiểu biết, những hình dung, những ý niệm mang tính xã hội về quá khứ. Nhận thức lịch sử là một nhu cầu nhận thức mang tính đặc thù, tuyệt đối chỉ có ở con người. Lịch sử là một câu chuyện chúng ta nói chúng ta là ai” - mỗi dân tộc, hoặc mỗi cộng đồng - xã hội đều có nhu cầu nhận thức về nguồn gốc, về lịch sử dân tộc và đất nước; về mối liên hệ, sự tương quan của lịch sử dân tộc với lịch sử những dân tộc khác và với lịch sử nhân loại. Đó chính là những tài sản vô giá trong đời sống tinh thần của mỗi dân tộc, là phương tiện quan trọng để mỗi dân tộc tự nhận thức chính mình, nhận thức về vị trí của mình trong tiến trình lịch sử nhân loại, khẳng định vị thế dân tộc và khẳng định bản ngã. Sự quan tâm của cộng đồng con người đối với quá khứ là một trong những phương thức tự giải mã và tự quyết dân tộc.
Lịch sử không chỉ đơn giản là bộ phận hay nhân tố cấu thành của văn hóa, mà còn là một trong những nguồn gốc, chất liệu quan trọng hình thành nên nền văn hóa ấy. Hệ tư tưởng, hệ giá trị, những ứng xử xã hội… được định hình, phát triển trong tương quan với việc con người hiện tại đối thoại với quá khứ, nối kết cái đương đại với cái đã qua, hiểu, giải thích thế nào và ra sao về quá khứ của mình. Không có lịch sử, không thể hình thành đồng thuận xã hội và không thể dự báo về tương lai. Hướng về cái hoàn mỹ, con người tìm kiếm bệ đỡ từ lịch sử.
Đối với Việt Nam, lịch sử giữ vai trò hết sức quan trọng, nó đánh thức niềm tự hào, khơi nguồn, phát huy nội lực dân tộc, nhân lên sức mạnh cho hiện tại và tương lai mai sau. Tựa vào quá khứ, ký thác niềm tin nơi lịch sử, mỗi con người Việt Nam biết yêu nước và dấn thân khi cần thiết vì sự tồn vong của quốc gia – dân tộc. Trên những ý nghĩa ấy, dạy và học lịch sử là nhằm góp phần vun đắp trí tuệ, hình thành năng lực nhận thức, năng lực tư duy của người học, giáo dục xúc cảm (emotional education), xây dựng, hoàn thiện nhân cách, nuôi dưỡng, ươm trồng những giá trị đạo đức, văn hóa vĩnh hằng của dân tộc, hun đúc đạo làm người.
Không tha thiết, không muốn học Lịch sử - đó là nấc thang đầu tiên dẫn đến chối bỏ quá khứ, tước bỏ lịch sử, quay lưng lại với gốc gác dân tộc. Với hành trang nghèo nàn như thế, những chủ nhân tương lai của đất nước liệu có đủ can trường, khí phách bảo vệ non sông, bờ cõi, bảo vệ chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc? Bước vào cuộc sống, không mang theo những giá trị truyền thống, đạo lý dân tộc, thế hệ trẻ liệu có làm tròn bổn phận với đất nước, quê hương? Rõ ràng, khi học sinh nói không với môn Lịch sử, chúng ta đang phải trả giá đắt vì một nền giáo dục “ứng thí”, vị khoa cử.
4- Gốc của vấn đề
Giáo dục Việt Nam đã trải qua một số cuộc cải cách lớn và nhiều đợt cải cách bộ phận; tuy nhiên, càng cải cách, càng bộc lộ nhiều vấn đề, nó giống như ngôi nhà rách, càng trát, càng vá, càng xập xệ, tơi tả.
Từ năm 1975 đến nay, đặc điểm nổi bật trong vận hành giáo dục Việt Nam thể khái quát ngắn gọn như sau: Lúng túng. Lúng túng về định hướng, về mục tiêu, về nguyên lý giáo dục… có nghĩa là lúng túng trên những vấn đề quan trọng, quyết định nhất đối với thành bại của một nền giáo dục.
Một trong những vướng mắc cơ bản nhất của giáo dục Việt Nam là vấn đề triết lý giáo dục. Các nhà khoa học, các nhà quản lý đã nhiều lần tranh luận, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, bàn luận rách mặt báo… nhằm trả lời cho các câu hỏi: Triết lý giáo dục là gì? Việt Nam có hay không triết lý giáo dục?...
Thông thường, các quốc gia đều có triết lý phát triển dẫn dắt đất nước (ví dụ như triết lý phát triển của nước Nhật là “công nghệ phương Tây và tinh thần phương Đông”). Triết lý giáo dụcnằm trong khuôn khổ triết lý phát triển, thể hiện tinh thần chủ đạo, cốt lõi của nền giáo dục, dựa trên đó, hệ thống giáo dục vận hành, tạo ra “sản phẩm” phục vụ mục tiêu đưa quốc gia đến đích theo định hướng của triết lý phát triển.
Triết lý phát triển hay triết lý giáo dục đều được khái quát ngắn, rõ, cô đọng, gói gọn trong một câu hoặc năm bảy từ, nhưng đủ để người ta hình dung về hồn cốt, sắc diện của quốc gia và nền giáo dục. Triết lý phát triển và triết lý giáo dục mang ánh sáng dẫn đường, phản ánh tinh thần, tư tưởng, trí tuệ của quốc gia, dân tộc. Nó cần thiết, bổ ích với tất cả các quốc gia, các nền giáo dục.
Tiếp cận từ góc độ nêu trên, Việt Nam không có cả triết lý phát triển lẫn triết lý giáo dục.
Bên cạnh đó, mục tiêu giáo dục được xác định theo kiểu bổ sung, điều chỉnh, thay đổi câu chữ, mang đậm tư duy nhiệm kỳ và thiếu tầm nhìn dài hạn[3]. Sau nhiều lần sửa đổi, về tổng thể, mục tiêu, tính chất, nguyên lý giáo dục được ghi trong Luật giáo dục Việt Nam, 2013 (sửa đổi)[4]; theo đó, nền giáo dục Việt Nam “là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng”, hoạt động theo nguyên lý “học đi đôi với hành” và sản phẩm của nó là những con người “vừa  hồng, vừa chuyên”[5].
Nghiên cứu giáo dục Việt Nam, đặt nó trong quan hệ với nhiệm vụ phát triển đất nước, soi chiếu với giáo dục khu vực và quốc tế, dễ dàng nhận thấy phương hướng, yêu cầu phát triển giáo dục Việt Nam khá kinh viện, chung chung, thiếu những điểm nhấn quan trọng, chưa hé lộ khâu đột phá hay mũi nhọn, chưa bắt kịp xu thế phát triển của giáo dục thế giới. Nói cách khác, giáo dục Việt Nam chưa có sứ mạng rõ rệt với mục tiêu khả thi, khoa học, đáp ứng công cuộc phát triển đất nước.
Mục tiêu và bản thân nền giáo dục Việt Nam không chỉ lạc hậu, mà còn lạc hướng, lệch chuẩn, vì nó được xây dựng trên nền tảng tư tưởng giáo điều, thiếu sức lan tỏa và không còn thuyết phục: “Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”; đồng thời, được vận hành bởi một Nhà nước thống trị tuyệt đối đang loay hoay trong vũng sình lầy dưới chân mình.  
Bị khuôn cứng bởi “vòng kim cô” ý thức hệ đã biến tướng, giáo dục Việt Nam lẫn lộn giữa giáo dục và tuyên truyền một chiều. Trong thời đại Internet và xa lộ thông tin toàn cầu, giáo dục Việt Nam vẫn đang được canh giữ chặt chẽ, “chu toàn” đến nghiệt ngã bởi Bộ máy kiểm duyệt tư tưởng; vì thế, những khái niệm “khai phóng”, “sáng tạo”, “độc lập”, “đa dạng”, “khác biệt”, “dân chủ”, “tự do”… không còn điều kiện trú đậu, thâm nhập, sinh sôi trong nền giáo dục Việt Nam. Thay vào đó, hình thành một nền giáo - dục- đúc- khuôn, giáo -dục- nhồi- nhét nhồi nhét kiến thức, nhồi nhét tư tưởng và tạo ra những “con người khuôn khổ. Kiến thức nhàm chán, vô bổ và tư tưởng lỗi thời chỉ có thể đi vào não bộ bằng con đường cưỡng bức. Theo cách ấy, giáo dục “tất yếu dẫn tới sự nông cạn và vô văn hoá”[6], đánh mất vai trò dẫn đường, lẽo đẽo sau thực tiễn, tiếp tay đưa xã hội trôi về miền hoang dã.
Phân tích như vậy để thấy rằng, là một bộ phận của xã hội, mọi vấn đề của giáo dục có xuất phát điểm và nguyên nhân từ tư duy, phương thức, cách thức vận hành, quản lý của Đảng, Nhà nước Việt Nam – bộ phận cấu thành và đại diện cao nhất của thể chế chính trị. Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục- đào tạo Việt Nam không đủ tri thức, khả năng cần thiết để làm giáo dục một cách hiệu quả; giáo dục Việt Nam đã thất bại, mà khi giáo dục thất bại thì số phận của quốc gia xem như đã an bài - điều đó tồi tệ hơn mọi sự tồi tệ.
Thiếu sáng suốt trong nhận thức những vấn đề vĩ mô của đất nước, chậm chễ, quan liêu, thiếu cương quyết trong điều hành, quản lý, không đủ năng lực giải quyết những vấn đề của xã hội, của nền giáo dục, yếu kém trong xây dựng, phát triển văn hóa; đồng thời, định hướng giáo dục phục vụ chính trị..., Đảng, Nhà nước – hai đại diện quyền lực nhất của thể chế là người chịu trách nhiệm trực tiếp và duy nhất trước sự tụt dốc của giáo dục Việt Nam.
“Thể chế chính trị” được hiểu là “một phức hợp các giá trị, chuẩn mực, định chế, khuôn mẫu, tư tưởng có quan hệ mật thiết, tác động lẫn nhau; trên đó, Nhà nước và các cơ quan quyền lực được xây dựng, vận hành, quản trị xã hội”. Trong thể chế chính trị lành mạnh, nghĩa vụ đầu tiên của Nhà nước là công lý - công lý là trái ngọt của dân chủ[7] - dân chủ là phương thức tồn tại của con người, giá trị xã hội bền vững. Giá trị của dân chủ ở chỗ nó tạo ra những điều kiện cho sự phát triển nhân cách, phát triển ý thức xã hội, nâng cao tính tích cực chính trị - xã hội cho người dân và khả năng tham gia vào công việc quản lý xã hội, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội…; nhờ đó, xã hội được quản trị tốt hơn, khoa học hơn, công bằng hơn. Dân chủ là cơ sở quan trọng nhất của một môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh - điều kiện cần thiết của phát triển. Gieo tự dosáng tạo, dân chủ nguồn lực nội sinh vô hạn, không có dân chủ, chỉ còn một Nhà nước độc tài, tăm tối, u mê, không có khả năng gia tăng giá trị trong điều hành, quản trị xã hội, trong đó có quản trị giáo dục.
 Dân chủ không đơn thuần là nguyên tắc hoạt động, mà còn là bảo bối hết sức quyền năng, nếu biết nắm lấy, thể chế chính trị có đầy đủ sức mạnh, năng lực giải quyết các vấn đề của mình. Như vậy, điểm cốt yếu nhất trong xây dựng và hoạt động của thể chế chính trị là mọi yếu tố của thể chế đều cần và phải được quy về một giá trị phổ quát: Dân chủ.
Trị bệnh phải trị tận gốc. Muốn “chữa bệnh” cho giáo dục Việt Nam, không thể chữa theo kiểu trị triệu chứng, chữa trên ngọn, xử lý cục bộ, chắp vá, vụn vặt – chữa bệnh theo kiểu ấy chẳng khác gì gieo hạt giống trên sa mạc hay “gãi ngứa”. Cũng vì tiếp cận những bất cập của giáo dục không từ nguyên nhân mang tính gốc rễ, mà “người hùng” chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa vừa cô đơn, vừa giống như chàng Don Quixote de la Mancha nhọc công đánh nhau với cối xay gió.
Như vậy, vấn đề đặt ra là trị “bệnh” cho giáo dục Việt Nam phải tìm đến căn nguyên, gốc gác của nó – đó là vấn đề thể chế chính trị, hay như cách nói tránh trớ (trong điều kiện tự do ngôn luận bị bóp nghẹt và phản biện xã hội bị quy là chống đối) là “lỗi hệ thống” – một hệ thống triệt tiêu cái đối lập và cái khác biệt; vì thế, không thể có khả năng tự điều chỉnh để hoàn thiện. Con đường cứu chính nó (đồng thời là cứu cánh của giáo dục) là phải tự thay đổi một cách mạnh mẽ, nhanh chóng theo hướng dân chủ hóa - toàn bộ cấu trúc và hoạt động phải được đặt trên nền tảng dân chủ. Con đường Myanmar – con đường của một chế độ chuyên quyền đang tự thay đổi từ bên trong, diễn biến từ trên xuống và đi về hướng dân chủ là một gợi ý tốt cho Việt Nam hiện nay. Thể chế chính trị Việt Nam không còn sự lựa chọn nào khác, nếu không, “tức nước sẽ vỡ bờ”.




[1] 6% còn lại hoặc không trả lời, hoặc chọn những phương án khác, chủ yếu là phương án từ 1 đến 3.
[2] PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn: Biến đổi các giá trị sống: Tiếng thở dài u buồn, Giáo dục Việt Nam, 30-6-2014.
[3] Ví dụ như Đại hội VI (1986) xác định: mục tiêu của giáo dục Việt Nam nhằm “hình thành và phát triển toàn diện nhân cách xã hội chủ nghĩa của thế hệ trẻ, đào tạo đội ngũ lao động có kỹ thuật, đồng bộ về ngành nghề, phù hợp với yêu cầu phân công lao động của xã hội (Văn kiện Đại hội VI, tr. 89). Đại hội VII (1991): Mục tiêu giáo dục là “nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành đội ngũ lao động có tri thức và có tay nghề, có năng lực thực hành, tự chủ, năng động, sáng tạo, có đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Nhà trường đào tạo thế hệ trẻ theo hướng toàn diện và có năng lực chuyên môn sâu, có ý thức và khả năng tự tạo việc làm trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần” (Văn kiện Đại hội VII, tr. 81). Đại hội VIII xác định mục tiêu của giáo dục là “nâng cao mặt bằng dân trí, bảo đảm những tri thức cần thiết để mọi người gia nhập cuộc sống xã hội và kinh tế, theo kịp tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước. Đào tạo bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá” (Văn kiện Đại hội VII, tr. 159).
[4] Cụ thể như sau: I-“Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; II- “Tính chất, nguyên lý giáo dục: 1. Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng; 2. Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội” (Nguồn: Luật Giáo dục Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2013), http://www.chinhphu.vn).
[5] Luật Giáo dục Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2013), http://www.chinhphu.vn
[6] Albert Einstein: Thế giới như tôi đã thấy, Nxb. Tri thức, 2005.
[7] Dân chủ là một hiện tượng phức tạp và đa diện, được thể hiện trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống và có nhiều con đường, phương thức thực hiện. Đối với chủ thể của quyền lực nhà nước và quyền lực xã hội - nhân dân, dân chủ là sự biểu thị tối đa ý chí, khát vọng và lợi ích của nhân dân. Đối với các đại diện và các thiết chế trực tiếp của quyền lực ấy, dân chủ là hình thức (hay nguyên tắc) tổ chức tương ứng. Đối với quá trình thực hiện quyền lực nhà nước và xã hội, dân chủ là tổng thể các phương pháp, phương thức quản trị. Trong mối liên hệ và sự tác động qua lại giữa các lĩnh vực biểu hiện của dân chủ, giữa các con đường, các hình thức và phương thức biểu hiện dân chủ, dân chủ là một hệ thống các thiết chế và thể chế dân chủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!