Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Mong muốn phấn đấu cho hoà bình, độc lập tự do của dân
tộc, hướng tới xóa bỏ bất công, áp bức để xây dựng một xã hội văn minh, tiến
bộ, trong phần lớn bài viết của mình, Hồ Chí Minh thường đề cập đến quyền con
người, coi đó là những quyền thiêng liêng của cá nhân, của dân tộc. Đó là những
luận điểm về quyền được sống trong độc lập tự do, được mưu cầu hạnh phúc.
1. Mục đích mà Nguyễn
Tất Thành - Hồ Chí Minh theo đuổi ngay từ những ngày đầu tiên ra nước ngoài là tìm
con đường thoát giúp đất nước thoát khỏi vòng nô lệ, làm cho Việt Nam hoàn toàn
độc lập, nhân dân Việt Nam hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng
được học hành. Hồ Chí Minh trở thành một trong số ít người Việt Nam tiếp cận
sớm nhất, trên phạm vi sâu rộng nhất về quyền con người.
Năm 1919, gửi tới Hội nghị các nước thắng trận trong Chiến
tranh thế giới thứ nhất họp tại Vecxay “Bản yêu sách 8 điểm”, Nguyễn Ái
Quốc – Hồ Chí Minh kiên quyết đòi thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và bình
đẳng của nhân dân Việt Nam. Trong văn kiện đó, gắn “quyền dân tộc tự quyết” với
“các quyền tự do, dân chủ của nhân dân”, Hồ Chí Minh đã chỉ nêu cao/đòi cho
nhân dân An Nam những quyền “dân chủ sơ khai”, tối thiểu nhất của con người.
Trải qua thực tiễn hoạt động, Hồ Chí Minh rút ra một nhận
xét có tính qui luật: Một dân tộc không có độc lập, tự do, thì nhân dân của
dân tộc đó không thể có quyền con người. Độc lập, tự do là quyền cao nhất
của một dân tộc và cũng là quyền cao nhất, cơ bản nhất của mỗi con người. Chỉ
có giải phóng dân tộc mới giải phóng được con người; chỉ giành được quyền dân
tộc trọn vẹn mới xác lập được quyền con người. Nhìn ra mối quan hệ biện chứng
giữa quyền dân tộc và quyền con người, Hồ Chí Minh đã khẳng định giá trị cao
quí của độc lập dân tộc, của chân lý “không có gì quí hơn độc lập, tự do”, nhìn
nhận nó như là xuất phát điểm để giải quyết những vấn đề khác, trong đó có vấn
đề thực hiện và đảm bảo quyền con người.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, quyền của dân tộc,
quyền độc lập, tự do cho nhân dân thành hiện thực. Thay mặt đồng bào Việt Nam,
Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập
khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra một thời kì mới với
những tiền đề mở cho phép giải phóng con người, hiện thực hoá quyền con người.
Mở đầu Tuyên ngôn độc lập, sau khi viện dẫn những
câu nói bất hủ trong “Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ” (1776) và “Tuyên
ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp” (1789) về quyền con người của mỗi cá
nhân, lấy đó làm cơ sở để khẳng định quyền của mỗi con người “không ai chối cãi
được”, Hồ Chí Minh đã nâng lên một bước, xác định quyền cơ bản của mỗi dân tộc:
“Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng, dân tộc nào cũng có
quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[1]
– đó là một nguyện ước tha thiết, thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Hồ Chí Minh
nêu rõ: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã thành một
nước tự do độc lập”[2]. Trước
toàn thế giới, Tuyên ngôn độc lập là tuyên bố của người Việt Nam, dân
tộc Việt Nam về quyền được sống trong độc lập tự do và hạnh phúc. Đó cũng là
hình thức/cách thức khẳng định với thế giới về quyền bình đẳng của dân tộc Việt
Nam trong quan hệ với mọi dân tộc trên thế giới, không phân biệt to nhỏ, lớn
bé, sang hèn…
Nét đặc trưng trong các luận điểm của Hồ Chí Minh về
quyền con người là ở chỗ: Quyền con người không tách rời quyền độc lập dân tộc.
Chỉ có độc lập dân tộc thực sự mới mang
lại/đảm bảo một cách thực chất quyền con người. Sự thống nhất giữa quyền con
người và quyền dân tộc là cốt lõi, là hạt nhân của quá trình giải phóng con
người. Hồ Chí Minh đã nhìn thấy/quan niệm quyền tự nhiên của con người phù hợp
thực trạng lịch sử đặc thù của dân tộc Việt Nam: Nước mất thì nhà tan- quyền
con người không tách rời quyền dân tộc độc lập. Hồ Chí Minh cổ súy cho sự công
bằng giữa các dân tộc, ủng hộ tính chính nghĩa của việc các dân tộc bị áp bức
đứng lên đòi quyền con người - quyền sống, quyền tự do, đòi quyền dân tộc độc
lập và phát triển. Chỉ ra mối quan hệ gắn bó giữa quyền con người và quyền dân
tộc, Hồ Chí Minh đã “nhấn” vào điểm nút, tạo ra xung lực mới, biến nó thành động
lực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam; trên cơ sở đó, huy động
tối đa sức mạnh của dân tộc trên cơ sở lợi ích con người phù hợp với lợi ích
dân tộc, lợi ích dân tộc đem lại lợi ích cho con người. Với việc gắn quyền độc
lập dân tộc với tự do và quyền cơ bản của mỗi con người, Hồ Chí Minh đồng thời
cũng đem một luồng gió mới vào lý luận về quyền con người trong thời kỳ các
ngọn sóng giải phóng dân tộc đang làm nên cao trào “phương Đông thức tỉnh”.
2. Xét theo yêu
cầu giải phóng và thực hiện quyền con người, thì độc lập dân tộc mới chỉ là cấp
độ đầu tiên, đặt nền móng cho việc đảm bảo quyền con người. Mặc dù vô cùng quan
trọng, nhưng đó mới chỉ là giải phóng về mặt chính trị. Bởi vì, “chúng ta tranh
được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do độc lập cũng
không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn
no, mặc đủ”[3]. Như vậy,
độc lập chỉ là điều kiện cần để đi đến ấm no, hạnh phúc. Đồng bào được hưởng hạnh phúc, ấm no là thước
đo giá trị của độc lập, tự do. Cho nên, sau khi giành được độc lập dân tộc,
phải xây dựng một chế độ xã hội bảo đảm được quyền tự do và các quyền con người
cơ bản khác. Quá trình vận động tự nhiên của nhân loại tất yếu dẫn đến một kiểu
chế độ chính trị - xã hội ngày tiến bộ, khắc phục được những hạn chế của các
chế độ chính trị - xã hội trước đó đối với việc giải quyết vấn đề con người. Đó
phải là một chế độ chính trị - xã hội với xuất phát điểm vì con người, giải
phóng con người một cách đích thực, vượt qua mọi sự mạo danh và khẩu hiệu. Hơn nữa, nền móng của sự giải phóng con người
gắn liền với quan hệ sở hữu và đặc biệt là với sự thiết lập chế độ chính trị có
bản chất là tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.
Nhận thức về điều đó, theo Hồ Chí Minh, sau khi thực hiện
nhiệm vụ “phản đế, phản phong”, con đường đúng đắn là tiếp tục xây dựng kinh
tế, tạo ra nhiều của cải vật chất, “không ngừng nâng cao đời sống vật chất và
tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”[4].
Quyền con người không hoàn toàn lệ thuộc vào sự phát triển của kinh tế, song
chính sự tăng trưởng kinh tế lại là tiền đề quyết định nhất để đảm bảo công
bằng xã hội và quyền con người ngày một tốt hơn. Đó là một chế độ “dân giầu
nước mạnh”[5], “không
phân biệt chủng tộc, nguồn gốc” [6], đem lại
“tự do bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người”[7]- đó là một
chế độ xã hội nhân đạo, có khả năng trả về/đảm bảo cho con người những giá trị
đích thực vốn có của nó
3. Nói
đến quan điểm của Hồ Chí Minh về quyền con người, không thể không nói đến tư
tưởng dân chủ mà Hồ Chí Minh luôn đề cập đến như một trong những tiền đề cơ
bản, quan trọng nhất cho việc thực hiện quyền con người. Theo Hồ Chí Minh, quá
trình thực hiện dân chủ và đảm bảo quyền con người có sự thống nhất cơ bản. Dân
chủ chính là sự thể hiện quyền con người của cá nhân và cộng đồng ở mức cao
nhất; trong đó, con người đã vượt lên trên quyền tồn tại sơ đẳng, vươn tới sự
chủ động sáng tạo, thực hiện quyền làm
chủ của mình. Dân chủ là mục tiêu đồng thời cũng là động lực của sự phát
triển đất nước, đảm bảo thực hiện tối đa quyền con người. Dân chủ chính là cái
cốt lõi nhất, bản chất nhất trong quá trình hiện thực hóa quyền con người, bởi
dân chủ là của quí báu nhất của nhân dân;
xã hội dân chủ phải đảm bảo cho được “địa vị cao nhất là dân, vì dân là
chủ”[8].
Quan điểm của Hồ Chí Minh về dân chủ- về quyền chính trị
của con người thể hiện qua chủ trương xây dựng nhà nước kiểu mới - Nhà nước của
dân, do dân và vì dân, đảm bảo được đầy đủ các điều kiện pháp lý để nhân dân
thực hiện quyền con người trong thực tế. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà Hồ
Chí Minh đặt ra cho Chính phủ tại phiên họp đầu tiên (3/9/1945)- một ngày sau
khi tuyên bố độc lập của Việt Nam là “đề
nghị Chính phủ tổ chức càng sớm, càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”[9]. Thực hiện
Tổng tuyển cử chính là dịp để
nhân dân tự mình lựa chọn ra người đại diện có đức, có tài vào Quốc hội, gánh
vác công việc nước nhà.
Thực tiễn những năm bôn ba nước ngoài đã cho Hồ Chí Minh
nhận thức rằng, sự đảm bảo cao nhất cho quyền dân chủ của nhân dân là đất nước
phải được quản lý bằng hiến pháp và pháp luật. Dân chủ được bảo đảm trước hết bằng pháp luật, thực hiện trong
khuôn khổ của pháp luật; dân chủ và pháp luật luôn luôn gắn bó, nương tựa, đồng
hành. Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hồ Chí Minh lập
tức nêu lên nhiệm vụ trọng yếu là phải xây dựng Hiến pháp và pháp luật, làm sao
để nền pháp lý Việt Nam thực sự trở thành pháp lý dân chủ, thể hiện và thực
hiện quyền làm chủ của nhân dân, thực sự là “pháp luật vì con người”. Hiến pháp
đầu tiên ra đời mang ý nghĩa ấy.
Quan điểm về dân chủ của Hồ Chí Minh, xét trên phương
diện để đảm bảo quyền con người không chỉ trong phạm vi quyền chính
trị mà còn trên phương diện dân sinh và
dân trí, vì dân chỉ biết đến dân chủ khi họ có cơm no, áo ấm, được học hành.
Quyền lợi thực tế mà Hồ Chí Minh quan tâm trước hết là lợi ích kinh tế hàng
ngày: “Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều nhằm mục đích cải
thiện đời sống nhân dân”, “nếu để dân đói, dân rét, dân ốm là Chính phủ có lỗi”[10]. Cách
mạng Tháng 8 thắng lợi, Hồ Chí Minh lập tức yêu cầu Đảng và Nhà nước thực hiện
dân chủ rộng rãi và thiết thực. Cũng tại phiên họp ngày 3/9/1945, Hồ Chí Minh nhấn mạnh những công việc cấp thiết có liên
quan đến quyền cơ bản nhất của con người cần phải giải quyết như cứu đói, chống
thất học, thực hiện tự do tín ngưỡng.... Đây là những nét phác thảo đầu tiên để
xây dựng một xã hội Việt Nam dân chủ, tiến bộ trên nền tảng quyền con người và
vì con người với tinh thần cốt lõi: “Trong bầu trời không có gì quí bằng nhân
dân”[11] và “đầu
tiên là công việc đối với con người”[12].
Như vậy, quan điểm về dân chủ của Hồ Chí Minh không tách rời vấn đề đảm bảo
quyền con người, đảm bảo lợi ích con người gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc.
4. Giải phóng con
người, thực hiện, bảo đảm quyền con người là sự nghiệp lớn, lâu dài, phức tạp. Trên
quan điểm coi “con người là chủ thể của mọi sáng tạo, mọi nguồn của cải vật
chất và văn hoá, mọi nền văn minh của các quốc gia”[13]
và “lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển
nhanh và bền vững”[14], trong
các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhấn mạnh vấn đề đặt con người vào vị trí trung tâm của các
chính sách tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng xã hội, đồng thời từng bước
cải cách hệ thống chính trị, nhằm phát huy mạnh mẽ yếu tố con người– vừa là
động lực, nguồn lực, vừa là mục tiêu của công cuộc đổi mới đất nước; trong đó,
xóa đói, giảm nghèo là một trọng tâm quan trọng.
Thực hiện những định hướng đó, tiến hành những bước đi
tích cực phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước Việt Nam hoạch định hàng
loạt các chính sách kinh tế-xã hội, thúc đẩy công tác xoá đói, giảm nghèo, nhằm
tới mục đích cuối cùng là đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền con người. Đại hội
VII của Đảng CSVN (1991) chỉ rõ: “Tiến hành công tác xoá đói, giảm nghèo, thực
hiện công bằng xã hội, tránh sự phân hóa giầu nghèo quá giới hạn cho phép”[15]. Đại hội
VIII Đảng CSVN (1996) xác định xoá đói giảm nghèo là một trong những Chương trình quốc gia. Đại hội lần thứ
IX Đảng CSVN (2001) một lần nữa đưa ra những mục tiêu, định hướng cụ thể: “Sớm
đạt mục tiêu không còn hộ đói, giảm mạnh các hộ nghèo. Tiếp tục tăng nguồn vốn
xoá đói, giảm nghèo”[16]. Trên
thực tế, Chính phủ Việt Nam tích cực khắc phục sự phân hoá giầu nghèo, thực
hiện công bằng xã hội. Từ năm 1992-2000, Nhà nước đã thông qua các chương trình
xoá đói, giảm nghèo, đầu tư trên 21 nghìn tỉ đồng; nhờ đó, các hộ nghèo ngày
càng giảm dần. Trong thập niên 90 (XX), Việt Nam đã giảm tỉ lệ đói nghèo xuống
32% theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Liên Hợp Quốc đánh giá Việt Nam là một
trong những quốc gia đạt tốc độ giảm đói nghèo nhanh nhất. Bên cạnh các chương
trình xóa đói, giảm nghèo, Nhà nước từng bước thực hiện quyền lực nhân dân, mở
rộng phạm vi, pháp luật hoá quyền con người theo đà phát triển của kinh tế - xã
hội. Quá trình cải cách bộ máy nhà nước hiện nay là nhằm tạo lập một nền hành
chính mạnh, tập trung hoạt động có hiệu quả bằng hiến pháp và pháp luật, định
hướng vào sự phục vụ con người, trên cơ sở hoàn chỉnh Nhà nước pháp quyền.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, từ lý luận đến thực tiễn
còn có một khoảng cách khá xa. Bất chấp nỗ lực của chính phủ, sự phân hóa giầu
nghèo, tình trạng tái nghèo, bất công xã hội… rung lên những hồi chuông báo
động. Vấn đề loại trừ đói nghèo, bệnh tật, tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường,
giải quyết những vấn đề về dân số, năng lượng, công nghệ… đang là những vấn đề
Việt Nam phải đối diện, giải quyết với những thách thức, khó khăn không nhỏ.
Việc thực hiện mục tiêu “chăm lo hạnh phúc của con người là mục tiêu phấn đấu
cao nhất của chế độ ta”[17] và “kiên
quyết nâng cao dần mức sống của nhân dân”[18]
đang gặp phải những rào cản gay gắt từ “lợi ích nhóm”, từ vấn nạn tham nhũng,
từ bất bình đẳng xã hội…Sự nghiệp giải phóng con người, thực hiện, đảm bảo
quyền con người, quả thật, còn rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm, giải quyết
với những biện pháp đột phá. Trong điều kiện đó, những quan điểm về quyền con
người của Hồ Chí Minh cần được nghiên cứu, vận dụng nghiêm túc, kế thừa giá trị
cốt yếu.
Download
toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 1995, tr.557.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị BCHW lần thứ IV-Khoá VII,
Nxb. CTQG. H. 1993. Tr. 5
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại Hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. CTQG. H. 1996. Tr. 85
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại Hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb.
ST. H. 1992. Tr. 217
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại Hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. CTQG, H. 2001, tr. 106
[17]
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.
CTQG, H. 1996, T7, tr.572
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!