Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Giáo dục –
đào tạo là một trong những lĩnh vực then chốt, có vai trò đặc biệt quan trọng
trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Giáo dục vừa là mục tiêu,
vừa là động lực để xây dựng đất nước, là chìa khoá mở cửa tiến vào tương lai.
Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật ấy - chiến lược “trồng người” của Việt
Nam, nhằm vào mục tiêu, định hướng phát triển: “Dạy chữ” và “dạy người”.
1. “Dạy chữ” và “dạy
người” – mục tiêu chiến lược của giáo dục – đào tạo
Năm 2011, Đại hội XI của Đảng CSVN xác định mục tiêu
tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở Việt Nam là “xây dựng được về cơ bản
nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị,
tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ
nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”[1].
Trong quá trình thực hiện mục tiêu của thời kỳ
quá độ, “con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể
phát triển”[2] và giáo dục – đào tạo có sứ mệnh “nâng cao dân
trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát
triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”[3]. Hoàn thành sứ mệnh ấy, hai nội dung căn bản, đồng thời cũng
là mục tiêu chiến lược của giáo dục – đào tạo là “dạy chữ” và “dạy người” -
giáo dục tri thức phải đi đôi với giáo dục đạo đức, hình thành nên những con
người, những lớp người vừa có tài, vừa có đức; nhân tài phải là hiền tài. “Dạy chữ” và “dạy người” có thể hiểu một cách tổng quát như sau:
“Dạy chữ”
là cung cấp kiến thức, đào tạo
những con người có năng lực tiếp thu cái mới, hình thành phương pháp tư duy sáng tạo, có khả năng thích ứng
với môi trường, để sinh tồn, phát triển. “Dạy chữ” là đào tạo nên những con
người có cá tính, có kỹ năng sống, có năng lực chiếm lĩnh,
sáng tạo tri thức, có khả năng nhận thức và cải tạo xã hội.
Bản chất của quá
trình “dạy người” là giáo dục đạo đức, giáo dục những giá trị nhân văn, nhân
bản, chân, thiện, mỹ cho thế hệ trẻ, giáo dục làm người, trong đó đặc biệt coi
trọng tăng cường giáo dục xúc cảm (emotional education), rèn luyện nhân cách,
nuôi dưỡng tinh thần nhân ái, bao dung, lòng yêu đời, yêu người và mong muốn
cống hiến. Dạy làm người là tôn vinh cái đẹp, là tôn vinh những giá trị đạo
đức, văn hóa vĩnh hằng của con người và của loài người.
Ở thời điểm hiện tại,
trong bối cảnh, điều kiện thực tiễn của xã hội, trong bước phát triển cao hơn giáo
dục Việt Nam đứng trước một yêu cầu quan trọng: Giải quyết hài hòa, cân đối,
đúng đắn mối quan hệ giữa hai mục tiêu chiến
lược -giữa “dạy chữ” và “dạy người”. Đặt ra yêu cầu giải quyết đúng quan
hệ giữa “dạy chữ” và “dạy người”, coi việc chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa “dạy chữ” và “dạy
người” là một trong những yếu kém, hạn chế của giáo dục – đào tạo, định hướng “đặc
biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo
đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý
thức trách nhiệm xã hội”[4], xây dựng nên những con người Việt Nam có nhân cách, có lý tưởng, trí
tuệ, đạo đức, lòng tự tôn dân tộc[5] được Đảng, Nhà nước Việt Nam nêu lên như một trong những nhiệm vụ căn
bản. Như vậy, trong mối quan hệ giữa “dạy chữ” và “dạy người”, Đảng, Nhà nước
Việt Nam đặc biệt coi trọng “dạy
người”. Đây là định hướng đúng, cần thiết, bởi hai nguyên do chính: Thứ nhất, tình trạng “sa sút đạo đức
trong giáo dục khắc phục còn chậm, hiệu quả thấp, đang trở thành nỗi bức xúc
của xã hội”[6]; thứ hai, sự báo động về đạo
đức trong xã hội thể hiện qua tình trạng “quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn
còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp”[7], “tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong
một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”[8] và hàng loạt tiêu cực, tệ nạn xã hội khác… Tuy giáo dục – đào tạo không
phải chịu trách nhiệm trực tiếp và hoàn toàn trước suy thoái đạo đức con người
và xã hội, song suy cho cùng, giáo dục – đào tạo cũng gánh một phần không nhỏ trách
nhiệm, bởi với tư cách là chủ thể của chiến lược “trồng người”, những năm qua,
giáo dục – đào tạo dường như chỉ chủ yếu tập
trung vào mục tiêu “dạy chữ”, dạy tri thức, nâng cao dân trí, mà có phần xem
nhẹ, chưa nhận thức đúng về mối quan hệ gắn kết giữa “dạy chữ” và “dạy người”.
Như đã nói ở trên, giải
quyết đúng đắn mối quan hệ giữa “dạy chữ” - “dạy người là một việc không hề đơn
giản, đòi hỏi sự linh hoạt, uyển chuyển nhất định trong từng giai đoạn lịch sử
cụ thể. Trên
tinh thần “tập trung nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, coi trọng giáo dục
đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp”[9],
đặt “dạy chữ” và “dạy người” trong mối quan hệ với nâng cao chất lượng giáo dục
– đào tạo, “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”[10], Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định trọng tâm đổi
mới giáo dục – đào tạo ở hai khâu then chốt, mà kết quả của nó có ảnh hưởng chi
phối, quyết định đến chất lượng “dạy chữ” và “dạy người”: “Đổi mới cơ chế quản
lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục”. Những khâu
then chốt được lựa chọn chính là những khâu quan trọng nhất trong sự vận hành
hiệu quả nền giáo dục “theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”[11]
– đó là cơ chế quản lý và con người.
2. “Dạy chữ” – “dạy người” và đổi mới cơ chế quản lý giáo dục Đối với hàng loạt các quốc gia trên thế giới, kể cả các
quốc gia có cơ chế quản lý được coi là tương đối hoàn bị, thì việc đổi mới cơ
chế quản lý giáo dục luôn là mối quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Xu hướng chung
trong cải cách cơ chế quản lý giáo dục
là sự dịch chuyển từ toàn quyền quản lý của Nhà nước trung ương sang sự
phân quyền tương đối cho địa phương và nhà trường, bởi hai lý do: Một là, sự kiểm soát của chính phủ đối
với hoạt động giáo dục – đào tạo của địa phương, của các cơ sở đào tạo thường
cứng nhắc, không hiệu quả, hạn chế sự sáng tạo, ít sát hợp với tình hình thực
tế; hai là, nhu cầu đầu tư cho giáo
dục ngày một lớn, nhà nước không thể đảm đương toàn bộ gánh nặng tài chính và
địa phương, cơ sở phải sẻ đỡ gánh nặng này. Vì vậy, phân quyền với các mức độ
và cách thức khác nhau chính là nét bản chất của đổi mới cơ chế quản lý giáo
dục, trở thành mục tiêu hàng đầu trong đổi mới giáo dục của nhiều nước. Hoạt
động phân quyền được thực hiện chủ yếu trên các lĩnh vực tài chính, quản lý và
chương trình giảng dạy. Các nền giáo dục lớn trên thế giới, kể cả các nền giáo
dục tiên tiên, có cơ chế quản lý giáo dục phân quyền mạnh, song, do tính chất
quan trọng, quyết định của cơ chế quản lý, luôn đặt yêu cầu và mục tiêu cải
cách cơ chế quản lý giáo dục, hướng tới xây dựng một hệ thống quản lý xuất sắc,
đảm bảo duy trì sự minh bạch về quản lý tài chính và quản lý nội bộ, liên kết
các quyết định tài chính với kết quả.
Những năm đổi mới, cơ chế quản lý giáo dục Việt Nam tuy
đã có những biến chuyển nhất định, song tình trạng trì trệ, yếu kém vẫn còn khá
phổ biến: Phương pháp quản lý lạc hậu, công tác quản lý lỏng lẻo, tính tự chủ của các cơ sở đào tạo
còn thấp, nhà nước còn can thiệp quá sâu vào hoạt động của các trường…. Những
hạn chế đó trở thành điểm nghẽn, thành rào cản cho sự phát triển của giáo dục –
đào tạo. Vì thế, cải cách cơ chế quản lý giáo dục ở Việt Nam đã được đặt từ rất sớm và Đảng, Nhà nước Việt
Nam coi đó là một trong những khâu then chốt, yêu cầu phải tiếp tục “đổi
mới”, bởi vì muốn đem lại những thay đổi lớn trong giáo dục, trước hết phải
thay đổi cách quản lý giáo dục và một khi đã xác định rõ mục tiêu, sứ mệnh của
giáo dục – đào tạo, thì việc còn lại phải xây dựng cho được một hệ thống cấu
trúc vận hành hiệu quả, mà nền tảng của cấu trúc ấy là sự phát huy sáng kiến,
tính chủ động, sáng tạo của từng con người trong hệ thống đó. Điều này càng trở
nên cấp thiết đối với một lĩnh vực mà đối tượng tác động của nó hết sức đặc thù
– con người - thế hệ trẻ. Do vậy,
“tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục – đào tạo”[12], “thực
hiện hợp lý cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục – đào tạo gắn với đổi mới
cơ chế tài chính”[13]
là những nội dung và bước đi đổi mới đầu tiên trong đổi mới cơ chế quản lý giáo
dục. Ở đây, có hai vấn đề được đặt trong mối liên hệ ràng buộc và chi phối, có
sự gắn kết chặt chẽ: 1- “Tính tự chủ”
- “tự chịu trách nhiệm”; 2- “Thực
hiện hợp lý cơ chế tự chủ” – “đổi mới
cơ chế tài chính”. Sự gắn kết này quy định bởi: Một mặt, “tự chủ” trong cơ chế quản lý của các cơ sở đào tạo có
phạm vi rất rộng, liên quan đến nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, kế
hoạch giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý nhân viên,
quản lý tài chính và các hoạt động khác…và đó đều là những hoạt động quyết định
đến phát triển trí tuệ, phát triển năng lực sáng tạo, phát triển nhân cách con
người – nguồn vốn xã hội đặc biệt. Trên ý nghĩa đó, tự chủ trong cơ chế quản lý
giáo dục phải đảm bảo tăng hiệu quả quản lý, phù hợp với xu hướng và yêu cầu
phát triển của xã hội hiện đại; phải đảm bảo sự tương thích giữa nội dung và
hình thức, giữa chất và lượng, vì vậy, không thể không gắn “trách nhiệm” với
“tự chịu trách nhiệm”. Mặt khác, đổi
mới cơ chế tài chính là yêu cầu quan trọng, sự “cởi trói” cần thiết để các cơ
sở đào tạo hoạt động sáng tạo, phát huy
sáng kiến, huy động tiềm năng, tạo động lực nâng cao chất lượng đào tạo. Đổi
mới cơ chế tài chính kết hợp với thực hiện cơ chế quản lý tự chủ sẽ tạo cho các
cơ sở đào tạo những cơ hội, những khoảng tự do nhất định để thực thi ý tưởng
giáo dục và đào tạo của mình. Song, nếu tính “hợp lý” của cơ chế quản lý tự chủ
bị bỏ qua, bị xem nhẹ, rất dễ dẫn đến hiện tượng khu biệt, cát cứ; các cơ sở
đào tạo tự biến mình thành “ốc đảo”. Lúc này, “tự chủ” mất đi ý nghĩa tiến bộ
của nó, đơn thuần chỉ còn mang ý nghĩa bảo vệ quyền lực đơn vị trong hệ thống.
Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng nêu lên sự cần
thiết phải đổi mới đồng bộ những yếu
tố cấu thành còn lại của cơ chế quản lý giáo dục: Làm tốt hệ thống kiểm định chất
lượng, công tác thanh tra, cơ chế, chính sách xã hội hóa giáo dục, cơ chế hợp
tác quốc tế…. Chỉ có sự đồng bộ, hợp lý và kiên quyết trong đổi mới cơ chế quản
lý giáo dục, thì giáo dục Việt Nam
mới có thể cất cánh, mới hoàn thành sứ mệnh của mình.
“Đổi mới" luôn là một quá trình đấu tranh nhọc nhằn
để từ bỏ những thói quen, cách tư duy, phương thức quản lý, lề lối làm việc lỗi
thời, bất hợp lý. Đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, do vậy, cũng rất cam go,
không hề đơn giản, dễ dàng, tuy vậy, muốn giáo dục – đào tạo thực sự chất
lượng, hiểu quả, đạt chuẩn, không thể không dứt khoát nói không với cơ chế quản
lý đã lỗi thời và lạc hậu.
3. “Dạy chữ” – “dạy người” và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý
giáo dục
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo”,
coi trọng nghề làm thầy - “một ngày làm thầy, cả đời làm cha”, “nhất tự vi sư,
bán tự vi sư”, “không thầy đố mày làm nên”. Nghề giáo là một nghề được xã hội tôn
vinh, bởi người thầy mang trên vai trọng trách cao cả: Khơi dạy, bồi đắp những
giá trị đạo đức, hình thành nhân cách con người, hun đúc đạo làm người, hội tụ,
kết tinh và tỏa sáng trong ánh lửa của tri thức, trí tuệ. Từ trong lịch sử cho
đến ngày hôm nay, đội ngũ người thầy chính là điểm khởi phát, điểm tựa để phát
triển sự nghiệp giáo dục – đạo tạo. Nếu như giáo dục đào tạo ra hiền tài, bồi
dưỡng và giữ gìn nguyên khí quốc gia, thì người thầy là hạt nhân của toàn bộ
quá trình đó. Người thầy không chỉ có vai trò truyền thụ kiến thức, mà còn định
hướng, bồi dưỡng, xây đắp cho người học những giá trị nhân bản. Những kiến thức
truyền giảng của người thầy có thể bị quên đi, bị cũ đi, nhưng đạo đức, nhân
cách của người thầy sẽ còn mãi, đọng mãi trong trái tim của các thế hệ học trò.
Người thầy chính là kỹ sư tâm hồn, là người
thắp lửa, mang một sứ mệnh thanh khiết và cao quý: “Vì lợi ích
trăm năm trồng người”.
Những năm qua, bên cạnh một số mặt mạnh như tăng lên về
số lượng, giữ vững đạo đức nhà giáo, không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy,
tận tâm với nghề… thì đội ngũ nhà giáo Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế, yếu
kém: Số lượng vừa thừa lại vừa thiếu; ở một bộ phận giáo viên đạo đức sa sút, thiếu
tâm huyết, thiếu sự say mê nghề nghiệp; năng lực, trình độ chuyên môn còn nhiều
hạn chế…Với vị trí đặc biệt quan trọng của đội ngũ nhà giáo, với thực trạng của
đội ngũ, phát triển đội ngũ người thầy trên cả hai phương diện chất và lượng, đức
và tài, để họ có đủ năng lực tạo ra những “sản phẩm” đặc biệt cho xã hội là một công việc lâu dài, khó khăn, song hết sức cấp thiết, là trọng tâm mọi quy trình, hoạt động của lĩnh vực giáo dục
và của toàn xã hội.
“Dạy chữ” và “dạy
người” không thể thiếu một đội ngũ giáo viên “đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu
về chất lượng”[14]. Đội
ngũ nhà giáo Việt Nam là một bộ phận của đội ngũ trí thức và là nguồn nhân lực
chất lượng cao. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển
nhanh và bền vững, Đảng CSVN xác định “xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, có
chất lượng cao; tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu,
sáng tạo”[15]; “đào
tạo, bồi dưỡng, phát huy mọi tiềm năng và sức sáng tạo của đội ngũ trí thức để
tạo ra nguồn lực trí tuệ và nhân tài cho đất nước”[16];
đồng thời đưa ra “chính sách trọng dụng trí thức, đặc biệt là đối với nhân tài
của đất nước”[17], khẳng
định “phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực
chất lượng cao là một đột phá chiến lược”[18].
Trên nền tảng những quan điểm nêu trên, được lựa chọn là một trong những khâu
đột phá cho đổi mới giáo dục, đội ngũ giáo viên có đầy đủ điều kiện và hoàn
toàn có thể phát triển nhanh, mạnh, vững chắc, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp
giáo dục.
Các
nghiên cứu khoa học mới nhất về khoa học quản lý giáo dục đều khẳng định Chất
lượng của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đóng vai trò quyết định đối với chất lượng, hiệu quả của giáo dục. Cùng với đội ngũ giáo viên, kỳ vọng về khả năng
vận hành tốt của bộ máy giáo dục được đặt lên lên vai các nhà quản lý giáo dục.
Đó phải là một đội ngũ có kinh nghiệm giáo dục, có trình độ lý luận và năng lực
quản lý, điều hành, đáp ứng những tiêu chuẩn do xã hội
và do những nhu cầu tự thân của nền giáo dục đặt ra. Nhưng trên thực tế, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục còn
rất nhiều hạn chế, bất cập, với phương pháp quản lý chủ yếu dựa trên kinh
nghiệm, kỹ năng quản lý yếu, thể hiện trong việc thực thi công vụ; khả năng tham mưu,
xây dựng chính sách; chỉ đạo, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật
và đặc biệt là trong ứng dụng, triển khai các phương pháp quản lý giáo dục tiên
tiến, lúng túng trong việc thực thi vai trò và các chức năng quản lý giáo dục. Đối
mới cơ chế quản lý giáo dục sẽ không có hiệu quả, thậm chí thất bại, nếu như
không có một đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có chuyên môn vững, tính
chuyên nghiệp cao, phẩm chất chính trị vững vàng, được đào tạo tốt, có trách
nhiệm, có tâm huyết, mong muốn cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Xuất phát từ yêu cầu
của sự nghiệp đổi mới, phát triển giáo dục - đào tạo, từ thực trạng của đội ngũ
giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, từ xu thế hội nhập quốc tế, đặc
biệt từ yêu cầu đổi mới tư duy trong quản lý giáo dục, Đảng, Nhà nước Việt Nam
đặt vấn đề phải “phát triển” đội ngũ giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục,
trong đó “phát triển” phải được hiểu đầy đủ, bao hàm cả “lượng” và “chất”; nội
hàm của “chất” chính là “đức” và “tài”. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao,
trên một mức độ và khía cạnh nhất định phải hướng đến “nhân tài”- “hiền tài”.
Nói cách khác, sự có mặt của “nhân tài”- “hiền tài” trong đội ngũ giáo viên,
đội ngũ quản lý giáo dục là một đảm bảo cho chất lượng của đội ngũ và đó phải
trở thành một trong những mục tiêu chính yếu, xuyên suốt trong quá trình phát
triển đội ngũ này.
4. Đôi điều luận bàn
Thứ nhất,
“dạy chữ” và “dạy người” trong nhận thức của Đảng, Nhà nước Việt Nam về
giáo dục – đào tạo không phải là một vấn đề mới; đó là vấn đề xuyên suốt, mang
tính nguyên tắc và phản ánh bản chất của giáo dục – đào tạo Việt Nam. Tuy
nhiên, trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, việc kết hợp và giải
quyết hài hòa, hợp lý quan hệ giữa “dạy chữ” và “dạy người”; giữa giáo dục tri
thức và giáo dục đạo đức; giữa tài và đức trên nền tảng đổi mới, phát triển
những khâu then chốt của toàn bộ hoạt động giáo dục – đào tạo được đặt ra một
cách bức thiết, dưới một góc nhìn mới, yêu cầu mới. Trong xã hội hiện đại nói
chung, xã hội Việt Nam nói riêng, khi con người thành công trong nắm bắt, sáng
tạo khoa học, kỹ thuật, công nghệ, đẩy lùi ranh giới, thu hẹp phạm vi, giới hạn
của những điều không thể nhận thức, song lại bất lực trong truyền bá các hệ
thống giá trị về sự khoan dung, về đức hy sinh, về lòng nhân ái, về tình người
để tạo ra gắn bó xã hội và ngăn chặn bạo lực, thì giáo dục đạo đức, thành nhân
rồi mới thành tài trở nên hết sức cấp thiết. Đó là con đường đúng đắn để tạo
nên những nguồn lực quyết định, những đòn bẩy quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, bền
vững và hài hòa.
Thứ hai, coi trọng giáo dục đạo
đức, đồng thời cần hết sức quan tâm và coi trọng xây dựng văn hóa, xây dựng môi
trường xã hội lành mạnh, vì giáo dục không bao giờ tách rời môi trường văn hóa, xã hội, ngược lại gắn chặt
với nền tảng văn hóa, xã hội; giáo dục đạo đức không
chỉ tiến hành trên lý thuyết, mà thông qua hành vi, thói quen, văn hóa ứng xử
hàng ngày, bằng tập quán được định hình trong xã hội, cộng đồng. Giữa “giáo
dục” – “văn hóa”- “xã hội” luôn có mối quan hệ hữu cơ, luôn có một sợi chỉ sâu
chuỗi các giá trị, trong đó bản thân văn hóa là tinh túy của đời sống xã hội,
là nguồn năng lượng tinh thần vô giá của mỗi con người; văn hóa rọi chiếu xuống
xã hội ánh sáng tư tưởng và đạo đức; ánh sáng khát vọng và lý tưởng; cổ vũ con người
phát triển và hoàn thiện xã hội. Văn hóa cùng với các yếu tố kinh tế, chính trị
cấu trúc nên xã hội và đến lượt mình, xã hội tác động trở lại văn hóa, giáo
dục. Trên logic đó, dạy làm người phải luôn đi đôi với xây dựng nền văn hóa
Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa “thấm nhuần sâu sắc
tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ”[19],
một nền văn hóa trọng đạo lý, cổ vũ các giá trị tinh thần, đạo đức, tôn vinh
chân, thiện, mỹ, “vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người”[20];
làm cho nền văn hóa ấy thấm sâu, thấm đẫm vào từng con người, vào toàn bộ đời
sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần của
một xã hội lành mạnh và một nền giáo dục nhân văn.
Thứ ba, xác định giáo dục “là một động
lực đưa đất nước thoát ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên trình độ tiên tiến
của thế giới”[21], thấu triệt tư tưởng “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”[22], “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”[23] và với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá
đúng sự thật, nói rõ sự thật”, cần nhận chân và chỉ ra những hạn chế, yếu kém,
bất cập của giáo dục - đào tạo Việt Nam, từ đó, đưa ra những định hướng, những
chủ trương, giải pháp đúng đắn để đổi mới, phát triển giáo dục – đào tạo. Cần
thấu rõ một trong những nguyên nhân của
tình trạng những năm qua, “chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được yêu
cầu phát triển, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn hạn chế,
chưa chuyển mạnh sang đào tạo theo yêu cầu xã hội”[24]
là ở sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước – Đảng, Nhà
nước Việt Nam “chưa tập trung, kiên quyết, dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương không
nghiêm”[25];
đặc biệt công tác “tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”[26],
vẫn tồn tại một khoảng cách quá xa giữa chủ trương, chính sách và thực hiện;
chỉ thị, nghị quyết thì đúng đắn, nhưng thực hiện thì quấy quá, cắt xén; các
chính sách đối với giáo dục vẫn thể hiện sự thiếu quyết tâm và trách nhiệm. Như
vậy, không chỉ có nhận thức đúng, chính sách đúng, mà còn phải hành động đúng,
hành động quyết liệt. Để các quan điểm, chủ trương về giáo dục đã được hoạch
định thành hiện thực, đổi mới giáo dục cần được coi là một cuộc cách mạng sâu
rộng, triệt để và phải có những bước đi đồng bộ, những nỗ lực cao, được toàn xã
hội thực sự quan tâm từ trong tư duy đến hành động.
Download
toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC
[1] Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 71.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 71.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 77.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 216.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 126.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 168.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 172.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 173.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 131.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 130.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 130-131.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 217..
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 217.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 217.
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 49.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 80.
[17] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 49.
[18] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 130.
[19] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 75.
[20]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 76.
[21] Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 79.
[22]Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 1996, tr. 107.
[23] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện
Hội nghị lần thứ 2 BCH Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 1996, tr. 77.
[24] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 167.
[25] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 179.
[26] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Sđd, tr. 179.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!