Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

PHÁT HUY TÍNH NĂNG ĐỘNG TRONG KINH TẾ CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN –TỪ GÓC NHÌN CHÍNH SÁCH




Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Trong công cuộc đổi mới, đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp được coi là nét đặc trưng nổi bật, có ý nghĩa mở đầu cho công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam. Nhận thức vị trí quan trọng của nông nghiệp, Nhà nước Việt Nam có những chính sách thúc đẩy nông nghiệp phát triển, mà một trong những chính sách đóng vai trò đòn bẩy và quyết định đổi mới nông nghiệp là hướng tới việc phát huy và tăng cường tính tích cực, sự năng động kinh tế của người nông dân, mà thực chất chính là tái xác lập kinh tế nông hộ.
Nông hộ (hộ gia đình nông dân) là hình thức tổ chức kinh tế cơ sở của nông nghiệp, nông thôn và đã có mặt từ lâu ở tất cả các nước nông nghiệp.

Ở Việt Nam, hộ nông dân là tế bào của xã hội ở nông thôn, là đơn vị sản xuất cơ bản đã tồn tại hàng nghìn năm nay. Hộ nông dân có một quá trình phát triển lâu dài, đóng một vai trò tích cực trong nông nghiệp, song đã từng trải qua không ít thăng trầm. Nó đã từng có quyền tự chủ ở những thời kì khác nhau, rồi nhanh chóng bị hoà tan vào kinh tế hợp tác xã (HTX), dù thực tế sản xuất nông nghiệp đã chứng minh vai trò, vị trí không thể chối bỏ của kinh tế hộ.
Trở lại khẳng định vai trò của kinh tế hộ nông dân ở Việt Nam những năm đầu đổi mới nhằm thúc đẩy, phát huy tính năng động kinh tế của người nông dân là cả một quá trình lâu dài. Những bước đi đầu tiên được đánh dấu bằng nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá IV- 9/1979) với một số giải pháp “làm cho sản xuất bung ra”, trong đó có vấn đề sản xuất của các hộ nông dân; cho phép tăng quyền tự chủ của các hộ xã viên lên một bước. HTX cho xã viên mượn đất làm vụ đông, Nhà nước tiến hành điều chỉnh mức thuế nông nghiệp, điều chỉnh giá thu mua và mức giá nộp nghĩa vụ lương thực.
Tinh thần của nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá IV) được cụ thể hóa thêm một bước khi Ban Bí thư ra Thông báo số 22, ghi nhận và cho phép các địa phương làm thử khoán sản phẩm đối với cây lúa. Sau Thông báo 22, thực tiễn ở những nơi áp dụng hình thức này cho thấy hiệu quả kinh tế rất rõ rệt:Sản lượng lúa ở các HTX thực hiện khoán tăng lên 10-15%/ năm (trong khi mức tăng cả nước lúc đó là 1%/ năm). Từ thực tiễn đó, qua khảo sát thực tế, các địa phương đã tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người nông dân. Ngày 13/1/1981, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 100 CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm tới nhóm và người lao động - khoán sản phẩm chính thức trở thành cơ chế quản lý mới với tên gọi Khoán 100. Điểm cốt lõi của Chỉ thị 100 là ở chỗ “khuyến khích hơn nữa lợi ích chính đáng của người lao động”[1], làm cho người nông dân tham gia các khâu trong quá trình sản xuất, “thực sự gắn bó với sản phẩm cuối cùng, mà do đó đưa hết nhiệt tình và khả năng ra lao động, sản xuất”2. Với Chỉ thị 100, vai trò tự chủ kinh tế của người nông dân có biến đổi hơn so với trước. Khoán 100 đã thực hiện việc trả lại một phần quyền tự chủ cho các hộ nông dân. Hộ nông dân thay thế tập thể đảm nhiệm 3 trong 8 khâu của quá trình sản xuất. Hình thức khoán được cải tiến từ khoán việc sang khoán sản phẩm, từ khoán theo đội và nhóm sản xuất sang khoán theo hộ gia đình xã viên. Ngoài thu nhập trong định mức khoán, hộ xã viên còn thu nhập từ sản phẩm vượt khoán. Động lực của khoán 100 nằm ở phần vượt khoán. Đây chính là yếu tố thúc đẩy tích tích cực của người nông dân trong sản xuất. Chỉ thị 100 đã mở ra một hướng đi mới cho người nông dân, làm cho nông dân thực sự gắn bó với ruộng đất, gắn bó với sản xuất. Với ý nghĩa ấy, “khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động đang trở thành một động lực thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp”[2].
Như vậy, Khoán 100 không đơn giản chỉ là sự cải tiến hình thức khoán như trước đây. Bước chuyển từ khoán việc sang khoán sản phẩm, từ khoán đội đến khoán hộ gia đình ở một số khâu chính là bước quá độ từ kiểu quản lý và tổ chức sản xuất tập thể sang phát huy quyền tự chủ của người xã viên, là bước đột phá quan trọng để có những bước đi thích hợp tiếp theo trong nông nghiệp.
Những chính sách nói trên đã khuyến khích và giải phóng một bước lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, tạo ra động lực mới đối với người nông dân, làm cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn có những nét khởi sắc, biểu hiện rõ nét nhất là trên mặt trận sản xuất lương thực. Tổng sản lượng lương thực những năm 1981-1985 đạt 84,52 triệu tấn, tăng khoảng 20 triệu tấn so với thời kì 1976-1980. Mức bình quân lương thực đầu người từ 273kg/ năm (1981) tăng lên 304kg/ năm (1985). Có điều, nếu như thời kì đầu, Khoán 100 có tác dụng tích cực (sản lượng nông nghiệp tăng, có vụ tăng 10-15 %, cá biệt có nơi tăng 20 %; nông dân yên tâm sản xuất, đời sống xã viên phần nào được cải thiện; nông dân bắt đầu ý thức được thành quả lao động của  mình…), thì từ những năm 1986-1988, sản xuất nông nghiệp lại gặp khó khăn do tác động của những nhân tố sau: bộ máy quản lý của HTX cồng kềnh, điều hành không hiệu quả; tình trạng “dong công, phóng điểm” chưa chấm dứt, hệ thống tổ chức và các cơ quan dịch vụ phục vụ nông nghiệp gây nhiều phiền hà cho HTX, cho hộ xã viên, các quan hệ trao đổi thiếu bình đẳng.… Những yếu tố đó trở thành rào cản làm cho thu nhập của người lao động từ kinh tế tập thể tiếp tục bị giảm sút.
Có thể thấy rằng, bản thân Khoán 100 là sự thể hiện quan niệm chưa rõ ràng, dứt khoát về vai trò của kinh tế hộ nông dân, sợ kinh tế hộ mạnh lên sẽ lấn át kinh tế hợp tác; không dám nới lỏng  và mở rộng quyền tự chủ đối với người nông dân; sợ xuất hiện tình trạng khoán trắng. Khoán 100 mới chỉ là bước thể nghiệm từng phần về quyền tự chủ kinh tế của người nông dân, nó bộc lộ những nhược điểm nhất định, chưa đủ sức vượt qua những rào cản của cơ chế hành chính bao cấp để cho phép hộ nông dân đi tới khẳng định vị trí của mình, vì khoán 100 vẫn còn thực hiện trên cơ sở duy trì chế độ sở hữu tập thể về TLSX và nhiều yếu tố của cơ chế quản lý cũ, HTX vẫn là đơn vị sản xuất kinh doanh chủ yếu.
Việc phân chia quá trình sản xuất thành 8 khâu (HTX thực hiện 5 khâu, hộ xã viên đảm đương 3 khâu) không phản ánh đúng tính đặc thù của sản xuất nông nghiệp và không phát huy được hết tính năng động kinh tế của người nông dân. Do những tác động tiêu cực trên, nền nông nghiệp Việt Nam lại bước vào thời kì suy giảm. Tính tích cực của người nông dân bị giảm sút, nông dân bỏ ruộng canh tác, cơ chế Khoán 100 không còn phù hợp nữa. Lúc này, thoát ra khỏi tình trạng trên và làm cho nông nghiệp thực sự là mặt trận hàng đầu trở thành nhiệm vụ cấp thiết. Đại hội VI (12/1986) được coi là làn gió mới tháo gỡ vướng mắc cho nông nghiệp và nông thôn. Đặc biệt, ba chương trình kinh tế lớn mà Đại hội đề ra đã cho phép phát huy mạnh mẽ mọi tiềm năng của nông nghiệp. Trên tinh thần đổi mới của Đại hội VI, tiếp tục cải tiến cơ chế quản lý trong nông nghiệp, nông thôn, đồng thời nhằm khơi dậy và phát huy mạnh mẽ mọi tiềm năng của người nông dân, ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10 NQ/TW Về đổi mới quản lý nông nghiệp (gọi tắt là Khoán 10), với nội dung chính thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ nhận khoán.
Nội dung cơ bản của Nghị quyết 10 là ở chỗ nó quyết định xoá bỏ chế độ hạch toán, phân phối theo công điểm; người nông dân nhận khoán, sau khi trừ mọi chi phí với HTX và làm nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước sẽ được hưởng phần vượt khoán; tiến hành giao khoán ruộng đất cho nông dân trong khoảng thời gian từ 10-15 năm để sản xuất, kinh doanh. Với những nội dung như thế, Khoán 10 đã đánh thức triệt để tính năng động kinh tế ở người nông dân; khuyến khích nông dân chủ động sản xuất và làm giàu; đáp ứng đúng tâm tư nguyện vọng của gần 10 triệu nông hộ trên cả nước; động viên họ tham gia chấn hưng nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Đây là bước tiến thứ hai (sau Chỉ thị 100) và là thắng lợi cơ bản của kinh tế hộ, của người nông dân. So với Khoán 100, ở Khoán 10, vai trò tự chủ của người nông dân được khẳng định và xác lập trên thực tế. Họ không chỉ tự chủ trong ba khâu như ở giai đoạn trước, mà trong toàn bộ quá trình sản xuất. Mức độ tự chủ trên cả ba phương diện: sở hữu, quản lý, phân phối cũng cao hơn, phù hợp hơn với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất (LLSX). Chính vì vậy, kinh tế nông hộ bước vào thời kì phát triển cao nhất từ trước đến nay. Hộ trở thành đơn vị kinh tế chủ yếu ở nông thôn, quản lý phần lớn đất đai nông nghiệp, cung cấp đại bộ phận hàng hoá nông sản. Từ vị trí phụ trợ, hộ nông dân đã xác lập lại vị trí tự chủ. Vai trò kinh tế hộ nông dân được khẳng định đã làm sống dậy tiềm năng to lớn của một lực lượng lao động đông đảo nhất trong cả nước. Quyền tự chủ của người nông dân được khôi phục, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác có hiệu quả hơn mọi tiềm năng về đất đai, tài nguyên, sức lao động... Do vậy, kinh tế nông nghiệp đã đạt được những con số đầy ý nghĩa: sản lượng lương thực quy thóc những năm 1989-1992 tăng 26,1% so với thời kì những năm 1981-1988. Bình quân lương thực một nhân khẩu tăng 12,2%. Từ năm 1989, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới với mức 1,5 triệu tấn/năm. Cơ cấu giữa trồng trọt và chăn nuôi phát triển theo đúng hướng cần thiết.
Nhìn chung, trong nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tiến bộ, dần phá vỡ thế độc canh, tự cấp, tự túc để chuyển sang hướng sản xuất hàng hoá. Cơ cấu hộ nông dân phát triển theo hướng giảm dần hộ thuần nông, tăng hộ phi nông nghiệp và đa ngành nghề. Vậy là sau 30 năm tổ chức phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, Nhà nước Việt Nam đã trở lại quan điểm đúng đắn về kinh tế nông hộ, phát huy tối đa vai trò tự chủ kinh tế của người nông dân. Có thể nói, kinh tế nông nghiệp cuối những năm 80, đầu 90 (XX) tiếp tục phát triển phần lớn nhờ vào sự năng động kinh tế của người nông dân. Dù có một số ưu thế, Khoán 10 cũng dần dần bộc lộ những hạn chế mà các nghị quyết sau đó đã tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và đây vẫn là một trong những nghị quyết có tính thực tế cao, có tác động to lớn đối với nông nghiệp n, tạo ra một bước ngoặt mới cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp.
Trên cơ sở đánh giá những thành tựu ban đầu trong sản xuất nông nghiệp, Đại hội VII (6/1991) của Đảng CSVN đã nhấn mạnh nhu cầu phải “phát triển toàn diện kinh tế nông thôn”[3], mà nột trong những biện pháp để thực hiện nhiệm vụ trên là củng cố, tăng cường vai trò của kinh tế hộ nông dân, “phát triển mạnh kinh tế gia đình bằng nhiều hình thức”[4]. Sau hai năm, Hội nghị Trung ương 5 (khoá VII-6/1993) ra Nghị quyết về Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, quyết định những vấn đề cơ bản trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đến năm 2000. Tại  Hội nghị này, “việc phát huy vai trò kinh tế tự chủ của hộ nông dân trong thời gian qua là một nhân tố quyết định sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp và nông thôn”[5] được khẳng định cũng với việc thừa nhận “bản thân hộ nông dân có vị trí không thể thay thế được”[6]. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 cũng cho phép mở rộng quyền tự chủ của các hộ nông dân về ruộng đất, ngoài quyền sử dụng còn có quyền thừa kế, cho thuê, chuyển đổi, chuyển nhượng, thế chấp... theo những quy định cụ thể của pháp luật. Nghị quyết nhấn mạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế hộ nông dân trên cơ sở phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Tháng 7/1993, Luật đất đai được sửa đổi ra đời, có tác dụng đảm bảo vững chắc hơn cơ sở phát triển kinh tế của người nông dân. Tuy đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý, nhưng trên thực tế không thể không thừa nhận người nông dân đã có những quyền hạn không chỉ thuần tuý là của người sử dụng, mà phần nào còn là của người sở hữu. Nói cách khác, với những quyền hạn đó, người nông dân là người sở hữu trên thực tế phần ruộng đất được giao trong thời hạn nhất định. Chế độ sở hữu, sử dụng ruộng đất đã góp phần củng cố vai trò kinh tế tự chủ của người nông dân, thúc đẩy phân công lao động trong nông nghiệp và phát triển ngành nghề ở nông thôn. Những chủ trương, chính sách nêu trên giải trên giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất của người nông dân, khiến họ yên tâm mang nhiệt tình, khả năng và nguồn vốn để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tạo những yếu tố mới trực tiếp thúc đẩy kinh tế hộ nông dân phát triển, làm thay đổi sâu sắc kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Sản xuất nông nghiệp những năm 1993 –1995 đã tăng trưởng một cách liên tục và ổn định. Vấn đề an toàn lương thực cơ bản được đảm bảo, sản lượng lương thực và chăn nuôi tăng cao, đời sống của người nông dân được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, những cơ sở hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn cũng có những chuyển biến tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt của nông dân.
 Đại hội VIII (7/1996) của Đảng CSVN trên cơ sở tổng kết thành tựu 10 năm đổi mới đã quyết định đưa đất nước bước vào thời kì đẩy mạnh CNH, HĐH, mà trọng tâm là “đặc biệt coi trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn”[7]. Đại hội IX (4/2001) của Đảng CSVN tiếp tục có những chủ trương lớn trong nông nghiệp, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “huy động các nguồn lực cần thiết để đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn”[8]; đồng thời, đưa ra một loạt những biện pháp kết hợp đồng bộ để tạo điều kiện cho người nông dân đẩy mạnh sản xuất, đẩy nông nghiệp lên một trình độ mới. Nội dung trên đã được cụ thể hoá một bước bằng nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9 (khoá IX) với nhiệm vụ trọng tâm: “Chuyển mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung”[9]. Định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá một lần nữa được khẳng định. Đây là nhân tố đặc biệt quan trọng mở ra một hành lang thông thoáng để tính năng động kinh tế của người nông dân phát huy một cách tối đa, góp phần xây dựng xã hội giàu mạnh, văn minh.
Như vậy, sau Nghị quyết 10- nghị quyết đánh dấu lại vai trò tự chủ kinh tế của người nông dân, thì các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí của kinh tế hộ nông dân trong nền sản xuất nông nghiệp. Từ thực tế của nhiều nước trên thế giới, từ kết quả bước đầu của đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam những năm gần đây, có thể khẳng định: tái xác lập kinh tế nông hộ trở thành động lực chủ yếu phát huy tính năng động kinh tế của người nông dân. Tăng cường vai trò tự chủ của kinh tế hộ nông dân là con đường đúng đắn để thúc đẩy nông nghiệp phát triển vững chắc.
Thực tiễn cũng đã chứng minh nhận định trên bằng những thành tựu đầy thuyết phục: nông nghiệp phát triển theo hướng đa dạng hoá cây trồng, phá với thế độc canh cây lúa; tăng hiệu quả sử dụng đất và lao động; hình thành những vùng lúa đặc sản phục vụ xuất khẩu. Riêng năm 2000, nông nghiệp đạt được những kết quả cao: tốc độ tăng lương thực (4,2%/năm) gấp đôi tốc độ tăng dân số (1,8 %/năm); sản lượng lương thực qui thóc đạt 35,65 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra), tăng 6, 42 triệu tấn so với năm 1996. Tất cả những thành tựu đó là nhờ tính năng động, tự chủ trong kinh tế của người nông dân được phát huy mạnh mẽ.
Quá trình phát huy tính năng động kinh tế của người nông dân trong thời kì đổi mới là bước đi tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan của cấp hoạch định chính sách.
Để nông nghiệp phát triển, điều cơ bản là phải giải phóng và phát huy được nhân tố con người - LLSX số một, đồng thời phải sử dụng các TLSX khác một cách hợp lý hơn, hiệu quả hơn (mà ruộng đất là TLSX quan trọng nhất). Cốt lõi của quá trình này là phải có những biện pháp đòn bẩy, tác động vào nhu cầu và lợi ích của người nông dân, khắc phục việc tách rời người lao động với TLSX, gắn được người lao động với kết quả sản xuất cuối cùng của chính mình.
Trước đây, do không nhìn nhận được bản chất của nền nông nghiệp Việt Nam là sản xuất nhỏ, còn ở trình độ xã hội hoá thấp, chưa có nhu cầu khách quan phải hợp tác và phân công lao động chặt chẽ, chuyên sâu trên quy mô lớn, nên Nhà nước Việt Nam đã thực hiện chính sách kinh tế sai lầm thể hiện việc tập thể hoá, hợp tác hoá vội vàng, đưa HTX phát triển lan tràn, đẩy từ quy mô nhỏ lên quy mô lớn, từ bậc thấp lên bậc cao, thoát ly ngày càng xa trình độ của LLSX, vi phạm quy luật khách quan. Tình trạng đó đã dẫn đến sự phát triển của quan hệ sản xuất (QHSX) không phù hợp với tính chất, trình độ của LLSX. Hợp tác hoá không đúng cách đã triệt tiêu tính năng động, tự chủ của người lao động. Trước thực tế đó, quần chúng đã sáng tạo ra hình thức khoán mới (khác với khoán chui ở những năm 60). Chính quyền đã lắng nghe ý kiến của dân, nghiên cứu, tổng kết tình hình thực tiễn, mạnh dạn đưa ra chủ trương đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp với chính sách khoán hộ là hạt nhân nhằm phát huy tính tự chủ kinh tế của người nông dân. Quá trình này đã tạo ra các hình thức tổ chức và các quan hệ kinh tế đáp ứng được nhu cầu của LLSX, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, phù hợp với quy luật khách quan, dẫn đến những bước tiến vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp. Như vậy, việc tạo ra một cơ chế thông thoáng để phát huy khả năng lao động, tính năng động, sáng tạo của người lao động trong điều kiện sản xuất nhỏ chính là hành động vì lợi ích của người dân, lấy dân làm mục đích, phát huy mạnh mẽ nhân tố con người- động lực của công cuộc đổi mới.
Nhờ có những đổi mới cơ chế quản lý, nông nghiệp giữ tốc độ phát triển, đại bộ phận các tầng lớp nông dân có thu nhập tăng lên, đời sống vật chất, văn hoá được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, sản xuất của người nông dân vẫn phổ biến là tự cấp, tự túc với khoảng 70% số hộ thuần nông có sức lao động nhưng thiếu vốn để phát triển kinh tế hàng hoá. Điều đó cho thấy, những biện pháp thúc đẩy phát triển tính năng động kinh tế của nông dân vẫn phải tiếp tục được hoàn thiện, nhằm đưa kinh tế nông nghiệp vượt qua giai đoạn đầu của kinh tế thị trường. Nhà nước với tư cách là người quản lý vĩ mô, cần có những chính sách bổ trợ để tạo môi trường kinh tế- xã hội thuận lợi, khuyến khích người nông dân phát triển kinh tế sản xuất hàng hoá.
 
Download toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC



[1] Một số văn kiện Đảng về phát triển nông nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,1993, tr11.
2 Một số văn kiện Đảng về phát triển nông nghiệp, Sđd, tr11.
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V, Nxb Sự thật, Hà Nội,1982, T2, tr18.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Sđd, tr 63.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Sđd, tr 68.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ 5, BCH TƯ khoá VII, Sđd, tr 41. 
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ 5, BCH TƯ khoá VII, Sđd, tr 41.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 86.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 92.
[9]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ IX BCH Trung ương , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr 199.

1 nhận xét:

  1. Kinh tế tập thể muốn tồn tại và phát triển mạnh buộc phải có một tập thể có ý thức, trách nhiệm cao. So sánh với thời kỳ đó, nước ta hoàn toàn chưa nhận thức được vấn đề đó... thế nên, việc duy trì hợp tác xã một cách lâu dài là sai lầm lớn.

    Trả lờiXóa

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!