Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập, tự do là tư
tưởng cơ bản, là hạt nhân và nền tảng hết sức quan trọng. Tư tưởng ấy đã được
kiểm chứng qua thực tiễn cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, không chỉ là
động lực, mục tiêu, mà còn là cơ sở của chiến lược tập hợp lực lượng rộng
rãi cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do do chính Hồ Chí Minh khởi xướng.
1. Cuối thế kỷ XIX, trước cảnh nước mất nhà tan, trăn trở với
vận nước Nguyễn Ái Quốc đã đi sang phương Tây với “một ham muốn, ham muốn tột
bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do,
đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành"[1]. Với xuất phát điểm ấy, đã xem
xét vấn đề giải phóng dân tộc một cách thực chất, sát với điều kiện một nước
thuộc địa.
Trong bước đi tìm đường giải phóng đồng bào khỏi
sự nô dịch dân tộc, Hồ Chí Minh đã gặp Sơ thảo lần thứ nhất những luận
cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Tư
tưởng giải phóng toàn thể nhân dân lao động thuộc địa và thực hiện quyền bình
đẳng thực sự giữa các dân tộc trong Sơ thảo là sự trả lời đầy
thuyết phục cho những vấn đề Hồ Chí Minh đang nung nấu, đang khao khát tìm
kiếm. Một chân trời mới được mở ra cho niềm tin và hoạt động của Hồ Chí Minh
đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, giải phóng các dân tộc bị áp bức
trên toàn thế giới. Hồ Chí Minh kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc,
không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”[2]. Cùng với các hoạt động thực
tiễn, Hồ Chí Minh sáng tạo, hoàn thiện và phát triển những luận điểm về vấn đề
dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc, mà trong đó tư tưởng độc lập, tự do là
ngọn cờ hiệu triệu, quy tụ, tập hợp lực lượng, tập hợp sức mạnh tổng hợp của
toàn dân tộc vào cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con
người.
Khi giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, Hồ Chí
Minh đã giải quyết vấn đề cốt lõi, quan trọng là vấn đề dân tộc với nội dung cơ
bản là phát huy sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc chân chính, coi “chủ nghĩa dân
tộc là động lực lớn của đất nước"[3]. Hồ Chí Minh đã không đơn giản
hoá vấn đề dân tộc theo quan điểm coi vấn đề dân tộc thực chất là vấn đề nông
dân và nội dung cơ bản về quyền lợi của nông dân là ruộng đất, mà gắn nó vấn đề
dân tộc độc lập, với độc lập, tự do. Theo Hồ Chí Minh, trong một nước thuộc
địa, mâu thuẫn dân tộc là mâu thuẫn chủ yếu, chi phối bao trùm, mà việc giải
quyết mâu thuẫn nó sẽ dẫn đến sự bùng nổ của cuộc cách mạng mang đậm tính chất
dân tộc, với cốt lõi là độc lập cho dân tộc, tự do cho con người. Hơn nữa, muốn
giải phóng giai cấp, giải phóng con người, trước tiên phải giải phóng và xoá bỏ
ách áp bức dân tộc. Đây chính là cấp độ đầu tiên, nhưng hết sức quan trọng, cần
thiết để giải phóng con người và chỉ khi giành được quyền dân tộc trọn vẹn mới
triệt để giải phóng được giai cấp, giải phóng được con người. Đặc biệt, sức
mạnh tiềm tàng của quần chúng nhân dân ở thuộc địa chỉ có thể khơi dậy và trở
thành sức mạnh vĩ đại, hiện thực, khi họ quyết vùng dậy đấu tranh chống lại chủ
nghĩa thực dân vì độc lập, tự do cho dân tộc mình, vì quyền cơ bản nhất của dân
tộc. Như vậy, khi đề xướng đường lối độc lập, tự do sau này được đúc kết lại
trong khẩu hiệu nổi tiếng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Hồ Chí
Minh đã đi vào vấn đề bản chất nhất, cội rễ nhất- độc lập, tự do; độc lập của
dân tộc, tự do của nhân dân, của con người. Đó là kết tinh của những khát vọng
thiết tha, cao đẹp nhất, là mục tiêu cốt tử mà những dân tộc, những con người
bị áp bức, bị phụ thuộc hướng tới.
2. Một vấn đề có ý nghĩa sống còn trong cách mạng giải phóng dân
tộc ở Việt Nam là vấn đề tập hợp lực lượng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng,
Đảng CSVN và Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến việc tập hợp, giác ngộ, tổ
chức quần chúng thành một khối đoàn kết vững chắc. Với quan điểm dân tộc Việt
Nam là “dân tộc cách mệnh” và “dân tộc cách mạng thì chưa phân chia giai cấp,
nghĩa là sĩ nông công thương đều nhất trí chống lại cường quyền”[4], Đảng CSVN, Hồ Chí Minh đã đề
ra và tiến hành chiến lược tập hợp lực lượng một cách tối đa và rộng rãi trên
nền tảng tư tưởng độc lập, tự do - tư tưởng/khát vọng có sức mạnh gắn kết vĩnh
cửu, có sức hút lớn lao, quy tụ mọi giai cấp, tầng lớp vào cuộc đấu tranh chung
để giải phóng mình.
Ngay từ khi mới ra đời, trong Cương lĩnh
đầu tiên, khi đặt nhiệm vụ dân tộc lên hàng đầu với định hướng cơ bản “làm
tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản"[5], Đảng CSVN, Hồ Chí Minh đã chủ
trương thu phục công nhân và nông dân, liên lạc với tiểu tư sản, trí thức,
trung nông, trung tiểu địa chủ và tư sản bản xứ, thực hiện đánh đổ chủ nghĩa đế
quốc Pháp và bọn phong kiến, nhằm hoàn thành mục đích làm cho nước Việt Nam
được độc lập, tự do. Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam lúc đó, Hồ Chí Minh phân
biệt rõ thái độ, cũng như đặc điểm của từng bộ phận trong giai cấp tư sản, địa
chủ, phong kiến với mục đích lôi kéo những bộ phận có thái độ tích cực về hàng
ngũ cách mạng. Hồ Chí Minh chỉ loại trừ một số ít tư sản mại bản, đại địa chủ
khi mà quyền lợi gắn chặt với đế quốc, “đã rõ mặt phản cách mạng’’. Những bộ
phận còn lại có thái độ chưa dứt khoát, “chưa rõ mặt phản cách mạng” vẫn được
Hồ Chí Minh chủ trương vận động họ đứng về hàng ngũ cách mạng như “phú nông,
trung tiểu địa chủ và tư bản An Nam”[6]. Trong chủ trương tập hợp lực
lượng ấy có tính thống nhất biện chứng giữa quan điểm dân tộc với quan điểm
giai cấp, thấm đượm tinh thần dân tộc, in đậm tư tưởng giải phóng con
người khỏi ách nô dịch, bóc lột phi nhân tính của chủ nghĩa thực dân, thực hiện
quyền độc lập, quyền tự chủ, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc
cho mỗi con người.
Với tư tưởng tập hợp lực lượng rộng rãi của
Cương lĩnh, Hội nghị thành lập Đảng đã quyết định thành lập các đoàn thể quần
chúng công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ và Hội phản đế đồng minh (tức Mặt
trận dân tộc thống nhất chống đế quốc), nhằm thu nạp tất cả các đoàn thể, các
tầng lớp và cá nhân yêu nước – họ đều là lực lượng quan trọng của cách mạng.
Tuy nhiên, những tư tưởng này của Hồ Chí Minh đã bị Quốc tế Cộng sản và Hội
nghị Trung ương Đảng tháng 10-1930 phê phán. Một thời gian ngắn sau, để khắc
phục những hạn chế của Luận cương tháng 10-1930, ngày 18-11-1930,
Ban thường vụ Trung ương Đảng ra bản Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế
đồng minh, coi việc đoàn kết toàn dân trong một tổ chức rộng rãi là một điều
kiện quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng. Chỉ thị phê phán những nhận thức
sai lầm trong Đảng CSĐD như đã tách rời vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp, đã
coi nhẹ vai trò của Hội phản đế đồng minh trong cách mạng tư sản dân quyền ở
thuộc địa. Đây là bước trở lại với tư tưởng của Cương lĩnh cách mạng đầu
tiên với chủ trương làm cho mình đông bạn bè và ít kẻ thù nhất.
Trải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, càng về
sau này, nhận thức của Đảng CSĐD, của những người cộng sản Việt Nam về vấn đề
dân tộc ngày càng được bổ sung đầy đủ hơn. Văn kiện “Chung quanh vấn đề
chiến sách mới” (10-1936), văn kiện của các Hội nghị Trung ương tháng
11-1939, 11-1940, 5-1941 là sự thấu hiểu quan điểm chỉ đạo chiến lược của Hồ
Chí Minh, nhấn mạnh nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết, hàng
đầu, tập trung huy động toàn bộ sức mạnh dân tộc vào công cuộc giải phóng dân
tộc, giành độc lập, tự do. Sự chuyển hướng kịp thời này đã đáp ứng được yêu cầu
của lịch sử, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đang rên xiết dưới ách thống
trị tàn bạo của Pháp – Nhật. Cuộc cách mạng lúc này chỉ giải quyết một vấn đề
cấp bách, cần kíp là giành độc lập, tự do. Nêu cao ngọn cờ dân tộc, mục tiêu
độc lập, tự do, Đảng CSĐD và Hồ Chí Minh chủ trương tập hợp hết thảy các giới
đồng bào yêu nước, không phân biệt giầu, nghèo, già, trẻ, gái, trai, tôn giáo
và xu hướng chính trị... đoàn kết lại, đánh đổ đế quốc. Độc lập, tự do chính là
ngọn đuốc soi rọi và thúc giục mọi giai cấp, tầng lớp đứng dậy, hợp sức trong
cuộc đấu tranh một mất, một còn, vì quyền lợi sinh tồn của cả dân tộc. Trên cơ
sở nắm vững mục tiêu cao cả, tối thượng là độc lập, tự do, gắn kết lợi ích tối
cao của dân tộc với lợi ích thiết thực của các giai cấp, tầng lớp nhân dân, lấy
lợi ích cơ bản, lợi ích chung làm điểm tương đồng, Đảng CSĐD quyết định thành
lập một Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, có sức lôi cuốn mạnh mẽ các lực
lượng yêu nước, có sức mạnh hiệu triệu đồng bào trong cả nước - đó chính là Việt
Nam Độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Việt Minh là tổ chức có
nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết các lực lượng toàn dân tộc, quy tụ và dẫn dắt cả dân
tộc vùng lên đánh đuổi Nhật - Pháp, giành lấy độc lập, tự do. Công cuộc vận
động tổ chức Mặt trận Việt Minh được triển khai nhanh chóng, rộng rãi . Ngày 25-10-1941,
Mặt trận Việt Minh chính thức ra Tuyên ngôn, kính cáo với đồng bào
quốc dân rằng: “Nguy cơ diệt vong đã bày ra trước mắt. Hiện thời chúng ta chỉ
có một con đường mưu sống là đoàn kết thống nhất, đánh đuổi Nhật- Pháp, trừ khử
việt gian[7]. Bản chương trình của Việt
Minh cũng chỉ cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước là nước
Việt Nam được hoàn toàn độc lập, dân Việt Nam được sung sướng, tự do. Với nhiệm
vụ bao trùm ấy, tổ chức Việt Minh được chỉ đạo thí điểm từ đầu năm 1941 ở Cao
Bằng, dần lan toả khắp nông thôn, thành thị, có hệ thống từ Trung ương đến cơ
sở, các hội cứu quốc phát triển trong cả nước. Việt Minh thực sự trở thành
trung tâm tập hợp, đoàn kết các giai cấp, đảng phái chính trị và cá nhân yêu
nước trong toàn quốc đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật. Sức hấp dẫn của một cuộc
đổi đời làm người dân một nước độc lập, hưởng quyền tự do thật sự đã thức tỉnh
và khơi dậy mạnh mẽ ý thức dân tộc trong mọi tầng lớp nhân dân, phát huy mạnh
mẽ nội lực của dân tộc Việt Nam. Sự thành lập và hoạt động của Mặt trận Việt
Minh đã trở thành một nhân tố cơ bản, quyết định đối với thắng lợi của cuộc
Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đây cũng là kết quả của quá trình vận động cách
mạng ở Việt Nam, kết quả của tư tưởng độc lập, tự do và chiến lược đại đoàn kết
dân tộc.
Như vậy, trên cơ sở tư tưởng độc lập, tự do,
phân tích đúng đắn đặc điểm của từng thành phần và sắp xếp đúng vị trí của từng
giai cấp trong lực lượng cách mạng, lực lượng lãnh đạo cách mạng đã lợi dụng
những mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương, cô lập, làm suy yếu và đi đến đánh
đổ chúng. Trên cơ sở lợi ích chung của toàn dân tộc là mục tiêu độc lập, tự do,
Đảng CSĐD sớm có chủ trương giải quyết hài hoà từng bước quyền lợi giữa các
giai cấp dù có mâu thuẫn ở những mức độ nhất định.
3. Tập hợp lực lượng cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc có hai
bình diện: quốc gia và quốc tế. Nếu tranh thủ được sự ủng hộ, liên hiệp hành
động của các lực lượng quốc tế, thì sức mạnh của dân tộc sẽ được tăng lên gấp
bội. Do vậy, song song với chủ trương tập hợp tối đa sức mạnh dân tộc, Đảng
CSĐD và Hồ Chí Minh đã hết sức quan tâm tới mặt quốc tế của việc tập hợp lực
lượng, tranh thủ mở rộng đoàn kết và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế cho sự nghiệp
đấu tranh của nhân dân Việt Nam.
Từ những ngày đầu tiên hoạt động cách mạng, Hồ
Chí Minh nhận thức một cách sâu sắc rằng, dù các nước thuộc địa và phụ thuộc có
khác nhau về chủng tộc, văn hóa, về trình độ kinh tế... song có điểm chung có
thể tạo nên sự kết hợp giữa các dân tộc ấy trong phong trào giải phóng dân tộc,
đó là nhân dân bản xứ đều bị chủ nghĩa đế quốc bóc lột nặng nề, “chịu chung một
nỗi đau khổ: sự bạo ngược của chế độ thực dân”[8]. Do đó, các dân tộc thuộc địa
đều nuôi dưỡng một khát khao cháy bỏng: muốn thoát khỏi ách nô lệ, an hưởng một
nền độc lập, tự do thực sự. Trên tinh thần ấy, trong thời kỳ đấu tranh giành
chính quyền, Đảng CSĐD, Hồ Chí Minh chủ trương: “Ai làm cách mạng trong thế
giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”[9] và “trong khi tuyên
truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng tuyên truyền và thực hành liên
lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp
Pháp”[10].
Nhấn mạnh phải đoàn kết với các dân tộc bị áp
bức, giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới sự đoàn kết
với nhân dân các nước thuộc địa láng giềng Trung Quốc, Lào, Cao Miên. Các nước
láng giềng lân cận này có nhiều yếu tố gần gũi, thuận lợi đảm bảo cho việc đoàn
kết, kết hợp sức mạnh với Việt Nam. Đó là phong tục, tập quán, tâm lý, lối
sống, điều kiện địa lý... Điều quan trọng là họ có cùng chung kẻ thù xâm lược,
có nhu cầu được giải phóng như dân tộc Việt Nam, cùng hướng tới chân trời độc
lập, tự do. Đối với các nước Đông Dương, Hồ Chí Minh sớm nhận thấy "đằng
sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương dấu một cái gì đang sôi sục, đang
gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến... Sự tàn bạo của chủ
nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là
gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi"[11]. Sự áp bức, bóc lột, đô hộ
của thực dân Pháp đã tạo ra cơ sở khách quan để ba nước Đông Dương hợp tác và
liên minh với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung vì độc lập, tự do
của mỗi nước.
Thấm nhuần tư tưởng ấy, Hội nghị Trung
ương lần thứ 8 của Đảng CSĐD (5-1941) nhận định: “Những dân tộc sống ở Đông
Dương đều chịu dưới ách thống trị của thực dân Pháp- Nhật, cho nên muốn đánh
đuổi chúng nó không chỉ dân tộc này hay dân tộc kia mà đủ, phải có một lực
lượng thống nhất của tất thảy các dân tộc Đông Dương họp lại”[12]. Vì thế, cùng với việc thành
lập Việt Nam độc lập đồng minh, Đảng CSĐD đặt vấn đề thành lập Ai Lao độc lập
đồng minh và Cao Miên độc lập đồng minh trên tinh thần tôn trọng quyền tự quyết
của các dân tộc anh em, giải quyết vấn đề độc lập dân tộc trong khuôn khổ từng
nước, “sự tự do, độc lập của mỗi dân tộc tuỳ theo ý muốn của mỗi dân tộc”[13]. Đó là cách thức hiệu quả làm
cho cách mạng và lực lượng cách mạng của ba nước Đông Dương càng gắn bó keo
sơn, củng cố hơn nữa quan hệ đoàn kết, dựa vào nhau mà tranh đấu; qua đó, thắng
lợi của cách mạng mỗi nước góp phần củng cố thắng lợi của cách mạng Việt Nam và
mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam cũng góp phần vào thắng lợi của cách mạng
những nước còn lại.
Đối với Trung Quốc, Hồ Chí Minh luôn đánh giá
cao đất nước và dân tộc Trung Hoa. Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam mới được
thành lập, Hồ Chí Minh đã cố gắng tìm kiếm những cơ hội thiết lập quan hệ giữa
Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhằm phối hợp hành động và
giúp đỡ lẫn nhau. Trên đường trở về Tổ quốc, trong khoảng thời gian từ năm
1938-1940, Hồ Chí Minh đã đóng góp không ít công lao cho phong trào cách mạng
Trung Quốc. Hồ Chí Minh nhận thấy rằng, cùng chung kẻ thù là phátxít Nhật, nếu
cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam tạo dựng được mối quan hệ chặt chẽ,
sức mạnh của mỗi dân tộc chống kẻ thù chung sẽ được tăng lên đáng kể. Hồ Chí
Minh phân tích: ủng hộ Trung Quốc tức là tự giúp đỡ mình, vì “một khi chúng
(Nhật- TG) đã thắng được nhân dân Trung Quốc”[14], thì chúng sẽ mở rộng sự xâm
lược tới các nước châu Á khác, mà “vận mệnh các dân tộc châu Á quan hệ mật
thiết với vận mệnh dân tộc Việt Nam”[15]. Soi rọi bởi tư tưởng ấy, Hội
nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào (14-15-8-1945) chỉ thị: “Đối với các nước
nhược tiểu và dân chúng Tầu và Pháp chúng ta phải liên lạc và tranh thủ sự giúp
đỡ của họ”[16].
Như vậy, xuyên suốt chặng đường cách mạng Việt
Nam giai đoạn 1930 -1945, với mục tiêu độc lập, tự do, Hồ Chí Minh đã có những
cống hiến lớn lao là tạo lập mối quan hệ đoàn kết vững bền giữa các dân tộc bị
áp bức, tập hợp đông đảo nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc vào cuộc đấu
tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Tư tưởng độc lập, tự do của Hồ Chí Minh là tư
tưởng nhất quán và chủ đạo trong toàn bộ hoạt động lý luận và thực tiễn của Hồ
Chí Minh. Tư tưởng ấy có xuất phát điểm vì con người, vì dân tộc, lấy con
người, lấy dân tộc làm động lực, mục tiêu. Độc lập, tự do là quy luật phát
triển và tồn tại của dân tộc Việt Nam chứa đựng yếu tố giải phóng dân tộc, giải
phóng xã hội, giải phóng con người. Trong thực tiễn cách mạng Việt Nam những
năm 1930-1945, Đảng CSĐD và Hồ Chí Minh đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi cuộc
cách mạng giải phóng dân tộc trên nền tảng sức mạnh khối đoàn kết toàn dân tộc,
kết hợp sức mạnh quốc gia với quốc tế.
---------------------------
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb
CTQG, H, 1995, t4, tr. 161.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd,
t9, tr. 314.
[3] Hồ Chí Minh toàn
tập, Sđd, t1, tr. 465-466.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd,
t2,tr.128.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn
kiện Đảng toàn tập, t2, Nxb CTQG, H, 1998, tr. 2.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t3,
tr 3.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t2,
tr. 459-461.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd,
t1, tr.191.
[9] Đảng Cộng sản Việt
Nam, Sđd, t7, tr. 244.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t
2, tr. 4-5.
[11] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd,
t1, tr 28.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t7,
tr .114.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t7,
tr .114.
[14] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd,
t3, tr. 98.
[15] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd,
t5, tr. 24.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t7,
tr. 427.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!