Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP


Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Đối với đa số các nước, đặc biệt các nước đang phát triển, nguồn vốn đầu tư nước ngoài ngày càng giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Số lượng và chất lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi như một chứng chỉ giá trị cho sự hội nhập kinh tế của một nước với thị trường toàn cầu; đồng thời, nó còn là tiêu chí đánh giá năng lực và triển vọng phát triển kinh tế của nước đó. Bên cạnh những tác động tích cực trực tiếp về mặt kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài còn tác động gián tiếp đến các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, góp mặt với tư cách một động lực phát triển quan hệ quốc tế.

Xét trên nhiều phương diện, vai trò, tác dụng của đầu tư trực tiếp nước ngoài là to lớn. Tuy nhiên, cần có một cách đánh giá sát thực về giá trị thực tế, điều kiện sử dụng nguồn vốn FDI, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.
1. Chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam
Với mục đích đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ kinh tế với mọi quốc gia, mọi tổ chức kinh tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, phục vụ cho công cuộc đổi mới đất nước, Đại hội lần thứ VI của Đảng CSVN (1986) đã đặt dấu mốc đầu tiên cho quá trình thu hút đầu tư nước ngoài. Đại hội khẳng định nhất quán quan điểm thực hiện “chính sách khuyến khích nước ngoài đầu tư vào nước ta dưới nhiều hình thức”[1]. Với chủ trương trên, tháng 12-1987, Quốc hội thông qua Luật đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cơ bản đầu tiên cho các hoạt động đầu tư FDI tại Việt Nam. Luật đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đã thể hiện rõ chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước. Luật đầu tư nước ngoài cũng được các nhà đầu tư trên thế giới đón nhận và đánh giá là một bộ luật thông thoáng, có sức hấp dẫn.
Sau ba năm thực hiện, Luật đầu tư nước ngoài đã phát huy tác dụng và đạt được những kết quả bước đầu. Trong phiên họp tháng 9-1989, Hội đồng Nhà nước nhận định: “Qua 20 tháng thực hiện Luật đầu tư nước ngoài đã thu hút được tổ chức và cá nhân nước ngoài đầu tư vào một số ngành và vùng kinh tế của đất nước, đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ”[2].
Trong quá trình thực hiện Luật đầu tư nước ngoài, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhận thấy còn nhiều rào cản, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn và thông lệ quốc tế, nên quyết định tiến hành sửa đổi, bổ sung. Luật đầu tư nước ngoài được sửa đổi bổ sung qua các năm 1990, 1992, 1996, 2000 cho thấy chính sách và cơ chế quản lý đầu tư thực sự được điều chỉnh theo hướng “mở” cả với đầu tư nước ngoài cũng như với đầu tư trong nước, mở rộng quyền hợp tác với bên ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, không phân biệt thành phần kinh tế.
Nhận thức vai trò tích cực của nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Đảng CSVN chủ trương “cải thiện môi trường pháp lý và kinh tế, đa dạng hóa các hình thức và cơ chế để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực, ngành nghề đầu tư quan trọng”[3]. Ngày 21-11-2005, Quốc hội thông qua Luật đầu tư chung, thay thế cho Luật đầu tư nước ngoài ở Việt Nam năm 1987 (đã được sửa đổi, bổ sung qua các năm) và Luật khuyến khích đầu tư trong nước năm 1994. Luật đầu tư chung 2005 là một bước tiến mới, đã sửa đổi, xóa bỏ những quy định lỗi thời, bổ sung những quy định mới, kế thừa những nội dung đã được kiểm nghiệm, minh chứng qua thực tế, thể hiện tính minh bạch, công bằng, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
7-11-2006, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO. Sự kiện Việt Nam ra nhập WTO đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN – hội nhập sâu, rộng hơn với nền kinh tế thế giới. Vào WTO, Việt Nam từng bước thực hiện toàn bộ những cam kết ràng buộc của tổ chức này. Điều đó đồng nghĩa với việc nền kinh tế Việt Nam mở ra những cơ hội mới cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng đặt ra cho Đảng và Nhà Việt Nam nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường thu hút đầu tư thông thoáng, hấp dẫn và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
2. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam và hiệu quả sử dụng
Tính từ ngày Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài (29-12-1987) đến nay, Việt Nam đã có hơn 20 năm đón nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài với 2 làn sóng FDI: 1- 1991- 1996; 2- 2005 đến nay.
Theo số liệu thống kê, từ năm 1988 đến năm 2007, các đối tác nước ngoài đã đưa vào Việt Nam khoảng gần 38 tỷ USD (bằng gần 45% tổng vốn đăng ký cùng kỳ). Tỷ trọng của vốn FDI được thực hiện trong tổng đầu tư xã hội vào khoảng 20% - 32% (năm cao nhất - 1996, đã đạt tới trên 32%; những năm thấp đạt vào khoảng trên 20%)[4]. Hai năm Việt Nam vào WTO (2007 và 2008), tổng vốn FDI đăng ký mới đạt 85 tỷ USD, gấp hơn 2 lần tổng vốn FDI đăng ký của 19 năm trước cộng lại[5]. Riêng năm 2008, đã có 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Việt Nam với con số kỷ lục: 64,1 tỷ USD, gấp gần 3 lần 2007, trong đó có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư trên 1 tỷ USD[6]. Vốn FDI thực hiện trong năm 2008 cũng đạt con số cao là 11,5 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2007[7] và gấp 2,8 lần năm 2006 (dù khoảng cách so với số vốn đăng ký ngày càng xa). Năm 2009, tiếp tục có hàng ngàn doanh nghiệp, bao gồm cả các tập đoàn lớn nhất thế giới, từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Tỷ trọng vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào khu vực dịch vụ (chiếm tới 93%); vốn đầu tư trực tiếp từ Mỹ vào Việt Nam đạt nhiều nhất (3,82/6,35 tỷ USD) chiếm khoảng 60%[8].  
Theo đánh giá của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD), Việt Nam đang ở vị trí thứ sáu trong Top 10 về hấp dẫn đầu tư nước ngoài, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga và Brazil.
Việt Nam cũng là điểm đến thu hút các tập đoàn địa ốc từ các nước vùng Vịnh và rất nhiều quỹ đầu tư, tập đoàn bất động sản lớn trên thế giới đến từ Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Đài Loan, Nhật, Mỹ và các nước châu Âu. Việt Nam có một vị trí đáng nể trọng trên bản đồ đầu tư thế giới, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay đang khủng hoảng, suy thoái
Tuy nhiên, cần đánh giá một cách xác đáng hơn về khả năng thực tế của các nguồn vốn FDI mở ra cho các mục tiêu phát triển, bởi vì, lượng vốn FDI là một chỉ tiêu quan trọng, nhưng hiệu quả sử dụng FDI mới thực sự là yếu tố quyết định.
Vốn thực và vốn ảo: Ở Việt Nam, thông thường, nguồn vốn FDI thực hiện xấp xỉ từ 45 – 55 % vốn đăng ký. Số vốn giải ngân lại thấp hơn số vốn thực hiện. Trong những năm 1988 - 2007, vốn FDI thực hiện đạt 43 tỷ USD, tức là tính trung bình chỉ giải ngân được 2,15 tỷ USD/năm[9]. Sau 20 năm, giải ngân vốn FDI đạt chưa tới 40%. Năm khủng hoảng tài chính - 2009, thêm nhiều dự án có nguy cơ đóng băng. Theo cách tính toán của thế giới, thì số vốn đăng ký được coi là số vốn ảo, số giải ngân mới là số vốn thực. Dùng số vốn đăng ký để đo giá trị đóng góp cho các mục tiêu phát triển và tăng trưởng là không chính xác. Hiện nay, xuất hiện một xu hướng dãn xa khoảng cách giữa số vốn đăng ký và số vốn giải ngân, có nghĩa là dãn xa khoảng cách giữa số vốn thực và số vốn ảo. Nhiều nhà đầu tư không ngần ngại đăng ký số vốn cao với mục đích chủ yếu là chiếm giữ bất động sản, hoặc thị phần kinh doanh eo hẹp vì đồng vốn chưa giải ngân nghĩa là đồng vốn chưa suy suyển. Bên cạnh đó, nhiều dự án FDI có vốn đóng góp của các tập đoàn trong nước, với vốn vay ngân hàng trong nước, làm cho tỷ trọng vốn nội địa ngày càng tăng. Đây cũng là một cách tính ảo. Như vậy, số vốn đăng ký FDI chưa phản ánh đúng giá trị FDI về mặt lượng.
Truyền bá công nghệ: Các nước đang phát triển, khi thu hút nguồn vốn FDI, luôn luôn hy vọng và hướng tới việc truyền bá công nghệ nguồn và bí quyết công nghệ - những yếu tố kiến tạo thế mạnh cốt lõi, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc truyền bá công nghệ ở Việt Nam vấp phải những rào cản nhất định: Chưa thu hút được những nhà đầu tư lớn sở hữu công nghệ nguồn (Mỹ, Anh, Đức, Pháp); hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài chiếm ưu thế; nạn hàng nhái, hàng giả, vi phạm bản quyền; năng lực tiếp nhận công nghệ còn yếu (thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao)… Vì vậy, mặc dù trình độ công nghệ của các dự án đầu tư nước ngoài cao hơn trong nước, nhưng các nhà đầu tư ít quan tâm đến chuyển giao công nghệ, công nghệ được chuyển giao chủ yếu dưới hình thức lan truyền, thông qua cạnh tranh và học hỏi kinh nghiệm. Tác dụng truyền bá công nghệ và bí quyết mà Việt Nam hướng tới khi thu hút nguồn vốn FDI bị hạn chế đáng kể.
Khả năng tạo việc làm: Trong quá trình thu hút vốn FDI, ngày càng gia tăng xu hướng đầu tư vào bất động sản, công nghiệp nặng (thép, dầu khí..). Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), 4 tháng đầu năm 2009, cả nước thu hút được 6,357 tỷ USD, bằng 83% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, 91% vốn đổ vào bất động sản[10], trong khi số lượng dự án đăng ký vào các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như công nghiệp nhẹ, chế biến thực phẩm, nông lâm ngư nghiệp… ngày lại càng giảm. Các dự án bất động sản, công nghiệp nặng đều là những dự án thâm dụng vốn, nghĩa là khả năng tạo việc làm không cao. Như vậy, sự chuyển dịch cơ cấu FDI thời gian qua chưa phù hợp với tiềm năng, lợi thế và lợi ích quốc gia.   
Khả năng nhập siêu: Khối doanh nghiệp FDI cũng chính là khối có kim ngạch nhập khẩu rất lớn và là một trong những nhóm doanh nghiệp đóng góp “tích cực” vào con số nhập siêu tăng rất cao trong các năm. Đơn cử một ví dụ của năm 2008 làm minh chứng: Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI năm 2008 đạt 24,465 tỷ USD, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, nhưng khối doanh nghiệp này cũng nhập khẩu tới 28,458 tỷ USD. Tổng nhập siêu xấp xỉ 4 tỷ USD của khối này đã chiếm gần 1/4 thâm hụt thương mại của Việt Nam năm 2008[11].
Sự mất cân đối trong lĩnh vực đầu tư: Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào khai khoáng, dầu khí, sắt thép bất động sản và khai thác tài nguyên gồm đất đai, bờ biển... Đây là những ngành gây ô nhiễm môi trường cao và đòi hỏi nhiều diện tích. Việc đầu tư nhiều vào các dự án bất động sản làm cho việc cân bằng xuất nhập khẩu thêm khó khăn, vì khi giải ngân các dự án này chỉ có nhập khẩu, không có xuất khẩu. Trong lúc đó, nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, FDI không tác động bao nhiêu. Ngoài ra, vẫn còn quá ít dự án FDI trong lĩnh vực cải thiện cơ sở hạ tầng. Như vậy, mục đích hướng dòng vốn FDI vào các ngành công nghiệp và dịch vụ để tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội không thực hiện được.
Mức độ phụ thuộc vào FDI của Việt Nam: Hai mươi năm qua, FDI vào Việt Nam là một nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế, là khu vực đầu tàu giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng GDP liên tục và khá cao. Trong một thời gian dài, Việt Nam đã theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư, trong đó FDI chiếm gần 20% tổng đầu tư toàn xã hội. Khu vực FDI cũng đóng góp khoảng 20% cho GDP, 40% kim ngạch xuất khẩu (chưa kể dầu thô) và 3,5% lao động trực tiếp cho nền kinh tế Việt Nam. Vốn FDI cam kết đạt hơn 20 tỉ USD, chiếm gần 30% GDP trong nền kinh tế 70 tỉ USD của Việt Nam[12]. Điều này cho thấy Việt Nam phụ thuộc vào nguồn vốn FDI nhiều hơn các nền kinh tế đang phát triển khác và là một trong những nước có mức độ phụ thuộc vào FDI cao nhất trong khu vực. Thu hút FDI là rất cần thiết, là phù hợp với đặc điểm nền kinh tế có điểm xuất phát thấp như Việt Nam, nhưng quá lệ thuộc vào FDI thì quả thật không phải là sự lựa chọn khôn ngoan.
3. Lời giải
Đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác dụng, vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế và xã hội, nhưng nguồn vốn nay cũng đã bị rất nhiều nước thu hút đầu tư gọi là “con dao hai lưỡi”. Vậy làm thế nào để tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư?
Tăng cường thu hút đầu tư
Đảng và Nhà nước cần đặc biệt quan tâm nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút vốn FDI. Bởi, cạnh tranh giữa các nước trong thu hút vốn FDI là một hiện tượng thường gặp và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút vốn FDI cũng chính là nâng cao năng lực thu hút vốn FDI. Hiện nay đối thủ cạnh tranh trọng điểm của Việt Nam là Trung Quốc và Thái Lan. Khi các nước đối thủ tạo ra môi trường thu hút đầu tư thông thoáng, sẽ lập tức kéo dòng vốn FDI chạy chệch ra khỏi Việt Nam. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút vốn FDI, việc trước tiên là phải đánh giá đúng năng lực cạnh tranh của chính mình và của các đối thủ, từ đó có các hướng đi thích ứng, nhằm làm cho môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng hấp dẫn, ngày càng có sức thu hút. Trong quá trình đó, Đảng và Nhà nước cũng cần nhận thức rằng, các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam cũng đang từng bước đẩy nhanh và đẩy nhanh một cách hiệu quả việc thu hút vốn FDI. Việt Nam cần hết sức linh hoạt đưa ra các bước đi vượt trước. Công thức thu hút FDI thành công hay không phụ thuộc nhiều vào việc Việt Nam giành được bao nhiêu niềm tin nơi các nhà đầu tư.
Đảng và Nhà nước cần đưa ra những chủ trương, biện pháp tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện chính sách, luật pháp để cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa. Nhất thiết phải xây dựng môi trường chính trị - xã hội ổn định và có kế hoạch phát triển kinh tế ngắn hạn, dài hạn với mục tiêu rõ ràng. Vấn đề đa dạng hóa các hình thức đầu tư cần được xúc tiến khẩn trương. Đặc biệt chú trọng công tác cải cách nền hành chính, làm sao cho các thủ tục giản tiện, nhanh, gọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư; tuyệt đối tránh tình trạng ách tắc, nhũng nhiễu làm chậm thủ tục, tiến độ đầu tư. Hai nội dung mấu chốt mà các nhà đầu tư thường quan tâm là cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực cần được nhanh chóng cải thiện, nâng cao, đạt trình độ hiện đại. Tựu chung lại, Việt Nam cần tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, tăng cường cải cách, vận động chính sách, góp sức cùng nhà đầu tư giải quyết khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh thông qua chương trình khuyến khích đầu tư thích hợp. Các nhóm chính sách, giải pháp đó cần được thực hiện triệt để và đồng bộ, chú ý tới tính cụ thể, thiết thực, đi vào chiều sâu, tránh tình trạng chung chung, hời hợt bề mặt thường gặp.
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư
Đây là vấn đề trọng yếu, vì lượng vốn FDI dù có tăng bao nhiêu đi nữa, mà khâu sử dụng không được thực hiện tốt, cũng thành kém hữu ích. Vì thế, cần nhận thức một cách chuẩn xác lợi thế, khả năng, tiềm lực và những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế Việt Nam, để sử dụng nguồn vốn FDI cho phù hợp, hiệu quả, giảm thiếu tối đa những hậu quả phái sinh. Sử dụng FDI phải đạt mục tiêu làm cho nền kinh tế Việt Nam không ngừng phát triển, không ngừng lớn mạnh, vững vàng, trên nền tảng những năng lực nội sinh, thoát khỏi sự phụ thuộc vào vốn FDI, đứng trên vị trí chủ động sử dụng vốn FDI.
Đảng và Nhà nước cần đưa ra và thực hiện ngay các giải pháp cấp bách khắc phục bất cập trong thúc đẩy giải ngân, trong xúc tiến đầu tư (xúc tiến đầu tư phải dài hạn và có chiều sâu). Đặc biệt, cần có chính sách vận động, thu hút đầu tư đối với các tập đoàn đa quốc gia, cũng như có chính sách riêng đối với từng tập đoàn và các đối tác trọng điểm sở hữu công nghệ nguồn, trình độ, kỹ năng quản trị cao. Cần có sự sàng lọc, định hướng đầu tư nước ngoài vào những khu vực, ngành nghề có tác dụng cải thiện sâu sắc năng lực cạnh tranh, giúp nâng cao trình độ công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam, đồng thời định hướng đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng...
Như vậy, chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài phải đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đảm bảo đủ hấp dẫn và cởi mở để thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, Việt Nam phải xuất phát từ thực tiễn của đất nước và quốc tế để vận dụng linh hoạt, khoa học các chủ trương, chính sách sử dụng đầu tư, hiệu quả, thiết thực, đảm bảo chính trị - an ninh đất nước, lợi ích cộng đồng; môi trường sinh thái, lợi ích quốc gia.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội. 1987, tr. 85.
[2] Lưu Văn Đạt (1990), “45 năm phát triển và mở rộng kinh tế đối ngoại”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 4, tháng 8, tr. 34.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2006, tr. 87.
[4] Cục Đầu tư nước ngoài, 20 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Báo cáo tổng kết, tr. 3.
[5] Công ty Cổ phần chứng khoán Vincom, Báo cáo Tuần, số 3, tháng 1-2009, tr. 2.
[6] Nguyễn Thành, Thực và ảo vốn FDI, Tài liệu lưu tại Trung tâm Thông tin thư viện, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, tr. 1.
[7] Nguyễn Thành, Thực và ảo vốn FDI, Tài liệu lưu tại Trung tâm Thông tin thư viện, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, tr. 2.
[8] Thanh Hà, FDI- Đồng tiền “hai mặt”, Thông tin chứng khoán Việt Nam.com.
[9] Anh Quân, FDI 2008 không chỉ có mầu hồng,, Báo đối ngoại VIetnam Economic News.
[10] Phạm Huyền, Vốn FDI vẫn đổ vào bất động sản, Vietnamnet, ngày 24- 4-2009.
[11] Anh Quân, FDI 2008 không chỉ có mầu hồng,, Báo đối ngoại VIetnam Economic News.
[12] Thùy Trang, 8 lý do để Việt Nam vẫn phát triển mạnh, Vneconomy, ngày 22-4-2008.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!