Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà
Nội
1. Tài nguyên con
người trong hệ thống tài nguyên chiến lược
Tài nguyên (Resourses) là tất
cả các dạng vật chất, tri thức được sử dụng để tạo ra của cải vật chất, hoặc
tạo ra giá trị sử dụng mới của con người. Tài nguyên là đối tượng sản xuất của
con người, trong đó tài nguyên chiến lược có một vị trí quan trọng, quyết định
đến sự phát triển mọi mặt của các quốc gia.
Tài nguyên chiến lược của một quốc gia
(National Strategic Resourses) là những tài nguyên then chốt hiện có và tiềm
tàng, mà một nước có thể sử dụng được, nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược của
mình.
Tài nguyên chiến lược bao gồm tài nguyên chiến lược hữu hình (thực lực cứng - Hard Power) và tài nguyên chiến lược vô hình (thực lực
mềm - Soft Power). Có nhiều cách lượng hóa cụ thể hơn tài nguyên chiến lược
quốc gia. Giáo sư Michael Porter (Đại học Harvard) nêu ra năm loại tài nguyên
lớn: Tài nguyên vật chất; tài nguyên con người; các công trình hạ tầng; tài
nguyên tri thức; tài nguyên tư bản[1].
Cách phân chia như vậy vẫn còn chỗ trùng lặp, khó phân định rành rẽ giới hạn
giữa các loại tài nguyên (ví dụ như tài nguyên vật chất và các công trình hạ
tầng). Giáo sư Hồ An Cương (Trung Quốc) có cách định danh tài nguyên chiến lược
quốc gia chi tiết hơn. Ông chia tài nguyên chiến lược quốc gia thành
tám loại: Tài nguyên kinh tế; vốn con người; tài nguyên tự nhiên; tài nguyên tư
bản; tài nguyên tri thức, kỹ thuật; tài nguyên của Nhà nước; thực lực quân sự;
tài nguyên quốc tế[2]. Hiện nay, thịnh hành cách phân loại tài nguyên
chiến lược quốc gia một cách khá tổng quát, bao gồm: Tài nguyên vật chất; tài
nguyên con người; năng lực chiến lược của bộ máy lãnh đạo; vị thế, ảnh hưởng
quốc tế.
Trong hệ thống tài nguyên chiến lược, mỗi tài nguyên đều
có vai trò và tầm quan trọng riêng, không thể thay thế, mà sự tổ hợp chúng tạo
nên sức mạnh của một quốc gia. Tuy nhiên, nếu tiếp cận trên phương diện “con
người là chủ thể, là mấu chốt, là điểm khởi đầu cũng như cái đích cuối cùng” của mọi chính sách, mọi tiến bộ mà các
quốc gia hướng tới và đạt được, thì tài nguyên con người giữ vai trò
quyết định nhất đối với sự phát triển
nói chung, cũng như sự phát triển kinh tế bền vững của mỗi quốc gia.
Khái niệm Tài
nguyên con người (Human Resource) ra đời vào thập niên 80 (XX), dùng để chỉ một
dạng tài nguyên đặc biệt, mang đậm tính xã hội, được tái tạo cũng theo một cách
đặc biệt, ẩn chứa trong mình tri thức. Tài nguyên con người là tổng của sức lao
động chân tay, trí óc; khả năng tổ chức, chế độ xã hội; tập quán, tín ngưỡng
của cộng đồng người trong một quốc gia. Tài nguyên con người cũng hao mòn và
phải tốn chi phí đầu tư cho việc hình thành, phát triển. Tài nguyên con người
là tài sản quý của mỗi quốc gia. Giá trị của tài nguyên này thuộc về tổng giá
trị tài sản quốc gia, khi định giá tài sản quốc gia. Đây là một tài nguyên dễ
dịch chuyển, rất động, vừa có thể là lợi thế, vừa có thể ẩn chứa thách thức.
Xã hội loài người càng tiến bộ, số loại hình tài nguyên
và số lượng mỗi loại tài nguyên ngày càng tăng thêm. Sự phát triển mạnh mẽ của
toàn cầu hóa, của hội nhập, của cách mạng khoa học - kỹ thuật, công nghệ đã,
đang và sẽ làm thay đổi mạnh mẽ giá trị của nhiều loại tài nguyên. Nhiều tài
nguyên cạn kiệt trở nên quý hiếm, nhiều tài nguyên quý hiếm có thể tạo ra;
nhiều loại tài nguyên giá trị cao trước đây nay trở thành phổ biến; xuất hiện
nhiều loại tài nguyên thay thế.... Tuy nhiên, có một hiện thực là trong mọi
loại tài nguyên, tài nguyên con người ngày càng được đánh giá, xếp thứ hạng
cao, trở thành mối quan tâm đặc biệt, có vai trò và giá trị gia tăng mạnh mẽ.
2. Tài nguyên con
người và sự lựa chọn “công nghiệp hóa rút ngắn”
Theo quy luật, các nước tiến hành CNH muộn đều có thể
thực hiện CNH rút ngắn bằng cách đẩy nhanh tốc độ, đi tắt, đón đầu. Đây không
chỉ là khả năng, mà còn là một nhu cầu khách quan, một xu thế
tất yếu cho các quốc gia đi sau, chậm phát triển, trong đó có Việt Nam. CNH rút
ngắn được thể hiện trong các nội dung và yêu cầu cả về lượng
(thời gian, tốc độ, quy trình phát triển), lẫn về chất (sức cạnh tranh, hiệu
quả kinh tế – xã hội…). Để thực hiện bài toán CNH rút ngắn, "vượt vũ
môn", các nước CNH muộn phải biết khai thác, kết hợp,
sử dụng hiệu quả rất nhiều yếu tố, điều kiện cần thiết, đặc biệt là các loại
tài nguyên và tài nguyên hàng đầu, thiết yếu nhất trong thời đại kinh tế tri
thức là tài nguyên con người – lực
lượng có tiềm lực trí tuệ, khả năng sáng tạo, có thể nắm bắt,
tiến thẳng vào những quy trình, kỹ
thuật, công nghệ hiện đại, tiên tiến, là lực lượng duy nhất có thể tác động, tạo ra và nắm bắt cơ hội, vượt qua
thách thức, để thực hiện thành công CNH rút ngắn. Như vậy, có thể dễ dàng nhận
thấy một logic đơn giản, song mang tính tất yếu: Công nghiệp hóa rút ngắn – tài
nguyên con người – đầu tư và khai thác tài nguyên con người. Hay nói cách khác,
công nghiệp hóa rút ngắn không thể được lựa chọn và thực hiện thành công, nếu
không có một dạng thức tài nguyên đặc biệt: Tài nguyên con người; tài nguyên
con người không thể hữu ích, nếu như không có sự quan tâm đầu tư, phải khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nhất. Để
đi trọn vẹn logic ấy, cần phải nắm bắt được các yếu tố tác động đến quá trình
hình thành, phát triển tài nguyên con người, từ có đó giải pháp thiết thực phát
huy mọi khả năng hiện thực cũng như tiềm tàng của loại hình tài nguyên này.
Xuất phát từ khái niệm “Tài nguyên con người” đã định danh ở
trên, thì những yếu tố quan trọng nhất, chi phối, tác động trực tiếp đến quá
trình hình thành, phát triển tài nguyên con người về cả mặt chất, lẫn lượng
phải kể đến là: 1). Nền tảng kinh tế; 2). Điều kiện chính trị - xã hội; 3). Yếu
tố văn hóa. Phát triển tài nguyên con người chính là giải quyết mối quan hệ
giữa chất và lượng. Chất là tính quy định, là đòi hỏi cao của tài nguyên con
người, gắn chủ yếu với các điều kiện chính trị - xã hội, văn hóa (giáo dục, y
tế, các chính sách xã hội, dân chủ hóa xã hội, cơ chế quản lý… liên quan mật
thiết đến môi trường xã hội). Lượng của tài nguyên con người bị chi phối trực
tiếp bởi môi trường sống, điều kiện sống, nghiêng về sự gắn bó với các điều
kiện kinh tế. Cũng phải nói thêm rằng, tách bạch một cách rạch ròi những yếu tố
chi phối chất và lượng của nguồn tài nguyên con người là rất khó khăn, rất dễ
không chính xác và không khoa học. Bởi chúng luôn nằm trong mối quan hệ gắn bó,
liên hệ mật thiết, tác động qua lại với nhau và không ngừng chuyển hóa.
3. Phát triển tài
nguyên con người cho công nghiệp hóa rút ngắn ở Việt Nam
Việt Nam là nước dân số đông. Đến tháng 4-2009, dân số Việt Nam có gần 86 triệu người, tăng 9,47 triệu
người so với năm 1999. Tỷ lệ tăng dân số bình quân trong giai đoạn 1999-2009 là
1,2%/năm[3].
Điều này, phản ánh tài nguyên con người của Việt Nam đang phát triển về lượng.
Tài nguyên con người ở Việt Nam được cấu thành chủ yếu là nông dân, công nhân,
trí thức, doanh nhân, dịch vụ và nhân lực của các ngành, nghề. Đến nay, nguồn
nhân lực nông dân có gần 62 triệu người, bằng hơn 70 % dân số của cả nước. Nguồn
nhân lực công nhân là 9,5 triệu người, bằng gần 10% dân số của cả nước[4].
Hiện nay, Việt Nam có gần 30% số người lao động qua đào tạo, trong đó có khoảng 1,5 triệu
người tốt nghiệp đại học và cao đẳng, hơn 12 nghìn tiến sĩ và hơn 11 nghìn thạc
sĩ. Riêng phó giáo sư và giáo sư là 5.784 người (tính đến tháng 12-2005), ngoài
ra còn khoảng 10 vạn trí thức Việt kiều đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài[5]. Trình độ học vấn của đội ngũ công nhân kỹ thuật được nâng cao khá nhanh.
Đến cuối năm 2007, tổng số người làm việc trong lĩnh vực khoa học – công nghệ
là gần 40.000 người. Bên cạnh đó, tỷ lệ qua đào tạo nghề nghiệp và chuyên môn
kỹ thuật ở Việt
Nam rất thấp. Qua 10 năm, số người có trình độ cao đẳng trở
lên tăng từ 1,9% lên 2,7%, trong khi số công nhân kỹ thuật tăng không đáng kể
và số người có trình độ trung học chuyên nghiệp giảm từ 3,2% xuống còn 3,0%. Tỷ
lệ qua đào tạo đã thấp, cơ cấu đào tạo lại bất hợp lý. Tỷ lệ cán bộ nghiên cứu
khoa học ở Việt Nam hiện còn rất thấp, chỉ là 0,18/100 dân, trong khi ở Hàn
Quốc là 2,19 (gấp 12,2 lần); Mỹ 3,67 (gấp 20,4 lần). Như vậy, năng lực thực tế
của nguồn nhân lực chất lượng cao của
Việt Nam còn thấp, yếu kém trước
yêu cầu phát triển kinh tế tri thức. So với các nước trong khu vực, nguồn nhân
lực chất lượng cao Việt Nam thua xa
về số lượng, cơ cấu, cũng như về trình độ,
năng lực. Việt Nam chưa hình thành chính sách trọng dụng nhân tài theo nghĩa
đầy đủ.
Với bức tranh toàn cảnh về nguồn tài nguyên con người như
trên, vấn đề phát triển nguồn tài nguyên con người cả về chất và lượng trở nên
cấp bách. Để đi tới đích đó, cần cả những giải pháp mang tính hệ
thống và toàn diện, tác động trực tiếp tới các yếu tố quy định sự phát triển
toàn diện của tài nguyên con người. Tuy nhiên, trước mắt cần xác định những
bước đi trọng tâm, trọng điểm để tạo ra những đột phá căn bản. Đó là:
Thứ nhất, đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa xã hội, xây dựng xã hội dân sự.
Dân chủ và công bằng xã hội là khát vọng luôn tồn tại và đồng hành
cùng với loài người. Đó là thước đo của tiến bộ xã hội, của văn minh, trong đó
tài nguyên con người có điều kiện phát triển tốt, từ đó có khả năng làm tròn
nhiệm vụ đòn bẩy, thúc đẩy kinh tế - xã hội đi theo hướng hài hòa, bền vững. Để
thực hiện dân chủ, để thực hiện vai trò làm chủ của người dân, để người dân
thực sự tham gia vào việc hoạch định, thực hiện và giám sát các chủ trương,
chính sách của Nhà nước, thực hiện trách nhiệm phản biện xã hội đối Nhà nước,
cần xây dựng xã hội dân sự. Đẩy mạnh cải cách, dân chủ hóa xã hội là bước đi
quan trọng và cần thiết. Một đất nước dân chủ, một thể chế tốt, các nguồn lực (tài nguyên kinh tế, tài nguyên con người...)
mới đổ về, có sức sống và mang đến sức sống cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, phát triển kinh tế phải gắn chặt với phát triển văn
hóa.
Tăng trưởng kinh tế, gắn
tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội là môi trường tốt cho tài nguyên con
người tăng về mặt lượng, giúp lượng chuyển hóa thành chất. Đẩy mạnh cải cách
kinh tế và hội nhập sâu rộng đi đôi với phát triển văn hóa, xây dựng môi trường
văn hóa là tiền đề cho sự gia tăng về chất của tài nguyên con người. Khơi dậy
những giá trị văn hóa dân tộc (truyền
thống yêu lao động, tinh thần dân tộc, ý chí tự lực, tự cường...và những
giá trị nhân văn khác) có tác dụng to lớn để ngày càng hoàn thiện tài nguyên con
người, phù hợp với các chuẩn chung của khu vực, thế giới và đáp ứng yêu cầu
thực tiễn của đất nước. Xây dựng môi trường văn hóa cho phát triển tài nguyên
con người, cần biết khai thác, phát huy nguồn tài nguyên tinh thần của dân tộc, của cả nhân loại, để cả dân tộc trở thành một dân tộc thông thái, cả xã hội là một xã hội
văn hóa cao.
Thứ ba, coi trọng giáo dục – đào tạo, đẩy mạnh các cải cách
giáo dục theo hướng toàn diện và đồng bộ.
Quá trình đào, phát
triển tài nguyên con người về chất - đào tạo những người lao động vừa có trình
độ chuyên môn cao, vừa nhiệt huyết, say mê sáng tạo, có lòng tự trọng dân tộc,
quyết tâm vươn lên vì chính bản thân, vì chính đất nước. Nhiệm vụ cấp bách là tiến hành ngay một cuộc cách mạng
toàn diện sâu sắc trong giáo dục đào tạo, cải cách triệt để, sâu sắc cả về mục tiêu, nội dung, phương pháp
dạy học, hệ thống giáo dục, phương thức tổ chức quản lý giáo dục - đào tạo.
Cải cách giáo dục là một
cuộc cách mạng sâu sắc không chỉ trong ngành giáo dục mà là trong xã hội. Nó
bắt nguồn từ sự đổi mới tư duy về giáo dục và cần phải giải quyết vấn đề tận
gốc, để đào tạo ra những con người có đủ khả năng, bản lĩnh, có năng lực làm việc thực sự. Trọng tâm của giáo dục phải chuyển từ trang bị kiến thức sang bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp tư duy,
phương pháp giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, khả năng tự đào tạo và
thích nghi phát triển. Muốn chấn hưng đất nước, không có con đường nào khác ngoài con đường cải
cách giáo dục, nhanh chóng đưa nền giáo dục Việt Nam trở thành nền giáo dục lành mạnh, hiện đại, dân chủ, khoa học.
Thứ tư, có chính sách trọng dụng nhân tài thực sự.
"Hiền tài là nguyên
khí quốc gia". Nguyên khí thịnh thì nước sẽ mạnh và ngược
lại. Không phải ngẫu nhiên, trong
những ngày đầu lập nước, trong tình thế “nước sôi, lửa bỏng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng coi việc "tìm người tài đức” là quốc sách: “Nước
nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có người tài”[6].
Hiện nay, hơn bao giờ hết, nhân tài cần thiết cho đất nước, bởi lẽ chính họ là những cỗ máy cái quan trọng nhất sản xuất ra
tri thức, biển tri thức thành của cải vật chất và tinh
thần cho toàn xã hội. Chỉ có họ mới có năng lực vượt trội trong việc sử dụng
tri thức cho phát triển. Nhân tài chỉ có thể bộc lộ, phát triển, phát huy, cống hiến tài năng khi có môi trường tốt. Đảng, Nhà nước
cần tạo bệ đỡ, lực đẩy cho họ trở thành đội ngũ đầu tàu, khai phóng, dẫn dắt.
Như vậy, một cách khái quát nhất, cần có tiếp cận thực tế về quan hệ giữa phát triển đất nước hài
hòa, bền vững với không ngừng phát triển tài nguyên con người. Con người là vốn
quý nhất, con người là tài sản đặc biệt của quốc gia. Con đường cần thiết để đi
tới thành công là ưu tiên và có chiến lược để xây dựng, phát triển tài nguyên
con người.
Download
toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC
[1] Hồ An Cương (chủ biên, 2003), Trung Quốc những chiến lược lớn, Nxb.
Thông tấn, Hà Nội, tr. 61-62.
[2] Hồ An Cương (chủ biên, 2003), Trung Quốc những chiến lược lớn, Sđd,
tr.62.
[3] Đức Vượng, Về nguồn nhân lực của Việt Nam trong năm 2010 và những năm sau, Web
Viện nghiên cứu nhân tài và nhân lực, ngày 24-2-2010.
[4] Đức Vượng, Về nguồn nhân lực của Việt Nam trong năm 2010 và những năm
sau, Sđd.
[5]
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Tạp chí Bảo hiểm xã hội (trang tin điện tử), ngày
23-11-2009.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!