Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

PHƯƠNG CHÂM “CHO NHIỀU, LẤY ÍT” TRONG CHÍNH SÁCH TAM NÔNG CỦA TRUNG QUỐC VÀ MỘT SỐ GỢI Ý ĐỐI VỚI VIỆT NAM




Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Trung Quốc là nước có khoảng 900 triệu nhân khẩu nông thôn, chiếm 70% dân số; chính sách tam nông của Chính phủ tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông thôn Trung Quốc khởi sắc, bước vào giai đoạn phát triển nhất trong lịch sử. Việt Nam là một nước nông nghiệp truyền thống với trên 70% dân số làm nông nghiệp, tổng giá trị nông nghiệp chiếm 20% GDP; nông nghiệp, nông thôn, nông dân có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam. Vì vậy, những thành công của tam nông ở Trung Quốc có thể là những gợi ý, những tham khảo tốt cho Việt Nam.

1. “Cho nhiều, lấy ít” – bước phát triển đột phá trong tư duy về tam nông Trung Quốc
Công cuộc cải cách của Trung Quốc được bắt đầu từ nông thôn, với “đạo lý cứng” trong phương châm phát triển: “Cho phép một bộ phận khu vực, một bộ phận dân cư giàu lên trước, tiến tới thực hiện cùng giàu có”. Các nhà nghiên cứu kinh tế gọi đó là “tư duy phát triển nghiêng lệch”.
Tư duy phát triển này đã có những cống hiến quan trọng, đem tới sự thành công đáng kinh ngạc cho công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc. Song, khi đặt trọng tâm cải cách vào thành phố (từ 1984), người nông dân Trung Quốc dường như “bị bỏ quên”, thậm chí là bị “hy sinh”, trở thành “quần thể yếu thế”, dễ bị tổn thương. Đặc biệt, từ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và đến Giang Trạch Dân – đều ủng hộ sự phát triển nghiêng lệch, phát triển bằng mọi giá, chú trọng đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ các chỉ tiêu mang tính xã hội; từ đó dẫn đến sự hình thành cơ cấu nhị nguyên phân tách thành thị với nông thôn. Có một thực tế là tích luỹ từ nông nghiệp là động lực cho công cuộc cải cách của Trung Quốc, song những người nông dân Trung Quốc lại là những người được thụ hưởng thành quả của cải cách ít nhất. 
Như vậy, cơ cấu nhị nguyên và tư duy phát triển nghiêng lệch của các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã khiến cho đến năm 1998, phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn ở giai đoạn khó khăn; vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân trở nên nóng bỏng: Cơ sở hạ tầng, phát triển xã hội còn lạc hậu; thu nhập đô thị và nông thôn cách biệt ngày càng lớn; 300 triệu lao động thừa ở nông thôn di cư tự do vào thành phố kiếm việc làm; trẻ con nông thôn thất học, nông dân chiếm 70 % dân số 1,3 tỷ người, nhưng chỉ có 10 % có bảo hiểm y tế[1], phúc lợi y tế sa sút; thu nhập của người dân nông thôn chỉ bằng 1/3 của người dân đô thị; nông dân mất đất, đói nghèo, các cuộc đấu tranh của nông dân bùng phát[2]... Thêm vào đó, sản lượng lương thực của Trung Quốc đạt 504,54 triệu tấn năm 1996 và giữ được trên dưới 500 triệu tấn đến năm 1999, sau đó bắt đầu giảm, năm 2003 chỉ còn 430,7 triệu tấn[3], báo hiệu nguy cơ không bảo đảm an ninh lương thực. Vấn đề tam nông trở nên cấp bách và được Chính phủ với người đứng đầu là Hồ Cẩm Đào - đại diện cho tập thể lãnh đạo thứ tư nhận thức lại: 1- Việc lớn hàng đầu của trị nước, yên dân chính là việc giải quyết tốt vấn đề lương thực cho hơn một tỷ người dân; 2- Nông nghiệp, nông thôn, nông dân không đơn thuần là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề xã hội - chính trị; 3- Không có sự ổn định của nông thôn thì không có ổn định của toàn xã hội, không có sự giàu có của nông dân thì không có sự giàu có của cả đất nước. “Đưa thịnh vượng tới nông thôn” là quan điểm xuyên suốt, quán xuyến toàn bộ nội dung chính sách tam nông của Trung Quốc. Thực lực kinh tế của Trung Quốc sau những chặng đường dài cải cách đã tăng; vì thế, đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân phải thay “lấy nhiều, cho ít” bằng “lấy ít, cho nhiều”, mở đường nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân.
2. “Cho nhiều, lấy ít”- thực chất là thịnh vượng cho nông thôn
Tăng vốn đầu tư và hỗ trợ cho tam nông
Đây là biểu hiện cao nhất của phương châm “cho nhiều, lấy ít” với hai nội dung cơ bản: Thứ nhất, tăng đầu tư và hỗ trợ, hướng tới nền nông nghiệp hiệu quả cao; thứ haibãi bỏ thuế nông nghiệp, giảm mạnh các lệ phí kháctrợ giá trực tiếp cho các sản phẩm nông nghiệp.
Nếu xét từ góc độ lợi nhuận thuần túy, tuy tỷ suất về tính sinh lời trong đầu tư vào tam nông không cao, nhưng nếu xét tổng thể về hiệu quả kinh tế - xã hội, thì hiệu quả đầu tư lại không hề thấp chút nào. Trên nhận thức đó, Chính phủ Trung Quốc ngày càng tăng cường đầu tư cho tam nông. Nếu năm 2005, Nhà nước đã chi 297,5 tỷ NDT, thì năm 2006 - 339,7 tỷ và năm 2007 - 391,7 tỷ[4]. Hỗ trợ từ vốn Nhà nước cũng lớn và tăng liên tục. Hệ thống hỗ trợ nông nghiệp, nông dân của Trung Quốc là hệ thống hỗ trợ trực tiếp, với mức hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất lương thực lên đến 50% của quỹ rủi ro lương thực. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ cho việc mua hạt giống chất lượng cao và máy nông nghiệp.
Đầu tư và hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân của Trung Quốc không ngoài mục tiêu nào khác là xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả cao, hình thành một tầng lớp công nhân nông nghiệp. Sản lượng một số nông sản phẩm của Trung Quốc đã và đang đứng đầu thế giới[5]. Trung Quốc chỉ sử dụng 7% đất canh tác của thế giới nhưng đã nuôi sống 22% dân số thế giới.
Ở Việt Nam hiện nay, mức đầu tư của Nhà nước về nông thôn chỉ mới chiếm 14% tổng đầu tư; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này không đáng kể (3% tổng đầu tư FDI cả nước). Khu vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam chiếm hơn 70% dân số và hơn 72% lực lượng lao động, nhưng chỉ chiếm  17% tổng dư nợ cho vay của hệ thống tín dụng[6]Ở Việt Nam, đầu tư cho khoa học – công nghệ chỉ là 0,13% GDP (trong khi các nước khác tỷ lệ này là 4%)[7], nên đến nay 90% sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vẫn còn được bán ra ở dạng thô và 60% sản phẩm có chất lượng thua kém nhiều nước trong khu vực, bị bán ép giá (giá thấp) trên thị trường thế giới.
Bức tranh về vốn và đầu tư khoa học – kỹ thuật cho nông nghiệp cho thấy chính sách tam nông của Việt Nam gặp nhiều trở ngại, khó khăn; đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu đối với Nhà nước phải tìm các nguồn lực, tăng cường đầu tư cho tam nông; nguồn đầu tư phải tương ứng với yêu cầu của sự phát triển. Kinh nghiệm của Trung Quốc là năm đầu tiên đầu tư gấp hai lần năm trước đó và với mức tăng 15%/năm; sau năm năm, mức đầu tư cao hơn bốn lần so với kế hoạch năm năm trước.
Về bãi bỏ thuế nông nghiệp, cải cách lệ phí, Chính phủ Trung Quốc thực hiện trên phạm vi toàn quốc vào năm 2006, mỗi năm đã giảm được gánh nặng 133,5 tỷ NDT cho toàn bộ nông dân Trung Quốc[8], thúc đẩy nguồn thu cho người nông dân. Bước đi này là một cuộc cách mạng thực sự trong lịch sử phát triển nông nghiệp, nông thôn Trung Quốc, chấm dứt thuế nông nghiệp đã có từ thời nhà Chu, tồn tại ở đất nước Trung Hoa suốt 2.600 năm qua. Việc bãi bỏ thuế đã diễn ra sớm hơn 4 năm so với lịch trình và lập tức tác động tích cực đến thu nhập của nông dân Trung Quốc, làm tăng sức cạnh tranh cho nông sản Trung Quốc. Nhờ cải cách thuế và các khoản trợ cấp sản xuất lúa gạo, thu nhập của nông dân Trung Quốc tăng 6% - mức tăng cao nhất kể từ năm 1997. Các chuyên gia đánh giá rằng, việc bãi bỏ thuế nông nghiệp đã giải quyết được một trong số những bất bình đẳng dễ thấy nhất trong xã hội Trung Quốc. Cũng nhờ có thêm vốn dôi dư, người nông dân có thể tái đầu tư, mở rộng sản xuất và có thêm khả năng tạo việc làm mới.
Ở Việt Nam, miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được thực hiện từ năm 2003. Trong 7 năm qua (2003-2010), mỗi năm có 11.249.076 hộ gia đình được miễn giảm thuế đất nông nghiệp với diện tích đất miễn giảm thuế khoảng 5.462.278 ha; tổng số thuế miễn giảm tính quy thóc là 1.851.577 triệu tấn, trị giá 2.837 tỷ đồng[9]. Bên cạnh đó, với Nghị định 154 của Chính phủ (ban hành cuối năm 2007, có hiệu lực vào tháng 11-2008), nông dân Việt Nam không còn phải nộp phí thủy lợi, miễn giảm hàng năm cho toàn bộ nông dân trong cả nước khoản phí là 2.700 tỷ đồng[10]. Dù thế, hiện nay, nếu tính tất cả các khoản thuế, phí và nghĩa vụ, người nông dân phải đóng lên đến khoảng hơn 40 loại khác nhau[11]. Do vậy, việc tiếp tục miễn, giảm, tiến tới xóa bỏ hẳn các loại thuế nông nghiệp một cách mạnh dạn như Trung Quốc đã làm, sẽ góp phần giảm bớt khó khăn, từng bước nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người nông dân; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Cũng cần tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc về việc song song với bãi bỏ thuế nông nghiệp, cần tăng cường khâu giám sát, kiểm tra, đề phòng chính quyền cấp dưới quay lại thu các khoản thuế khác của nông dân với những hình thức biến tướng.
Hạn chế thu hồi ruộng đất và tạo nhiều việc làm
Với quá trình đô thị hóa, trong những năm qua, ruộng đất Trung Quốc đã giảm gần 150 triệu mẫu Trung Quốc[12]. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc dự tính, cứ mất đi 2 mẫu Trung Quốc sẽ có nghĩa là 1 nông dân Trung Quốc không có ruộng đất, vì ruộng đất canh tác tính trung bình theo đầu người của Trung Quốc chỉ có khoảng 1,4 mẫu Trung Quốc[13]. Cũng do những nguyên nhân khách quan, chủ quan khác, hiện nay Trung Quốc có khoảng 300 triệu nông dân thất nghiệp, đa phần họ rơi vào tình cảnh “phi công, phi nông”, quyền lợi hợp pháp không được đảm bảo. Sự dư thừa lực lượng lao động quá lớn này dẫn đến hiện tượng di dân tự do vào thành thị, là gánh nặng lớn cho nền kinh tế Trung Quốc. Trước tình hình đó, cuối năm 2003, Trung Quốc đưa ra Văn kiện số 1[14], chú trọng đến việc làm cho dân giàu, huyện phát triển, bồi dưỡng những ngành nghề trụ cột, đẩy mạnh phát triển kinh tế dân doanh, phát triển ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ngay tại nông thôn... Cùng với phương châm “rời đất nhưng không rời làng”, Trung Quốc cũng thực hiện sáng kiến “mỗi thôn sản xuất, kinh doanh một loại hàng hoá”. Đi kèm theo, Trung Quốc thực hiện ba biện pháp hữu hiệu: 1- Hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp; 2- Tạo điều kiện cho người nông dân hưởng lợi nhiều hơn từ đất đai thuộc quyền sở hữu của họ; 3- Hỗ trợ cho lao động nông dân học nghề. Với biện pháp thứ nhất, vấn đề thu hồi đất nông nghiệp của Trung Quốc được quy định rất ngặt nghèo, nhằm hạn chế tình trạng mất đất. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải đúng với chiến lược lâu dài của vùng đó và phải nằm trong chỉ giới đỏ, đảm bảo cả nước luôn duy trì 1,8 tỷ mẫu đất nông nghiệp trở lên. Biện pháp này sẽ hạn chế đáng kể lực lượng lao động không được toàn dụng. Thực hiện biện pháp thứ hai, Chính phủ Trung Quốc cho phép nông dân có quyền kinh doanh đất đai với các hình thức chính như cho thuê, chuyển nhượng, trao đổi, hợp tác cổ phần[15]; nhờ đó, một mặt, giảm bất công, bất bình đẳng và khoảng cách trong sở hữu đất đai giữa thành thị - nông thôn; mặt khác, ruộng đất nông nghiệp được giao dịch, chuyển đổi với nhiều hình thức khác nhau cho phép nông dân tích tụ ruộng đất, phát triển những khu nông trang quy mô lớn, có vốn thực hiện các hình thức kinh doanh khác nhau, tạo thêm nhiều việc làm mới. Với biện pháp thứ ba, Trung Quốc tăng cường đầu tư cho nông dân học nghề. Trong năm năm tài chính,  Trung Quốc hỗ trợ cho việc học nghề 66,6 tỷ NDT, trung bình mỗi năm giúp 8 triệu lao động nông thôn có việc làm[16].
Ở Việt Nam, trong quá trình xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, cơ sở hạ tầng, mỗi năm cả nước có gần 200.000 ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng, tương ứng mỗi hộ có khoảng 1,5 lao động mất việc làm. Bên cạnh đó, trung bình mỗi hécta đất nông nghiệp bị thu hồi ảnh hưởng tới việc làm của trên 10 triệu lao động nông nghiệp; từ năm 2000 đến 2006, do thực hiện thu hồi đất đã có khoảng 2,5 triệu nông dân trên cả nước bị ảnh hưởng[17]. Như vậy, trong chính sách tam nông của Việt Nam, đi kèm với tạo việc làm cho nông dân, vấn đề ruộng đất cần được Nhà nước chú trọng và coi là khâu cần có những biện pháp kiên quyết, tỉnh táo, đúng đắn trên cả hai phương diện: 1- Hạn chế chuyển lấy đất nông nghiệp, đưa ra chỉ giới đỏ về quỹ đất nông nghiệp; 2Luật hóa quyền sử dụng ruộng đất canh tác; ruộng đất phải thành tài sản riêng, ổn định lâu dài trong tay người nông dân. Với hai bước đi kết hợp như trên, một mặt, tránh được sự gia tăng lực lượng nông dân thất nghiệp; mặt khác, nông dân có thể yên tâm đầu tư hay tự do chuyển nhượng, tiến hành mọi giao dịch khác trong khuôn khổ luật pháp, tạo điều kiện tích tụ ruộng đất, ứng dụng tiến bộ khoa học, tiến lên sản xuất hàng hóa lớn ở nông thôn, hoặc thành công nhân nông nghiệp với công việc và chỗ làm ổn định.
Coi trọng giáo dục nông thôn và hệ thống an sinh xã hội
Coi giáo dục là động lực phát triển kinh tế, năm 2006, Trung Quốc bắt đầu thực hiện cơ chế mới về kinh phí giáo dục với nghĩa vụ “hai miễn, một trợ cấp” (miễn tạp phí, miễn tiền sách giáo khoa; trợ cấp sinh hoạt phí ký túc xá) đối với khu vực nông thôn miền Tây. Cũng trong năm đó, Trung Quốc đã miễn học phí và tạp phí cho gần 50 triệu học sinh trong giai đoạn giáo dục nghĩa vụ 9 năm ở nông thôn. Năm 2007, Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách này trong nông thôn cả nước, chi 223 tỷ NDT cho giáo dục nghĩa vụ ở nông thôn, tăng 35 tỷ NDT so với năm 2006[18].
Coi đảm bảo an sinh xã hội là đảm bảo ổn định xã hội, nên khi xây dựng hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn, Trung Quốc quan tâm tới ba vấn đề lớn: 1- Chế độ y tế hợp tác kiểu mới; 2Chế độ đảm bảo mức sống tối thiểu; 3Hoàn thiện hệ thống cứu trợ xã hội.
Chế độ y tế hợp tác nông thôn kiểu mới bắt đầu được thực hiện thí điểm từ đầu năm 2003 và phát triển mạnh ở nông thôn trên cơ sở chính phủ trợ cấp một phần từ ngân sách, cộng thêm với cá nhân người dân tự nguyện bỏ một phần kinh phí tham gia mua bảo hiểm y tế hoặc chính phủ hỗ trợ một phần, tập thể và cá nhân cùng đóng góp tham gia bảo hiểm y tế. Trung Quốc tích cực thành lập hệ thống y tế công và hệ thống dịch vụ khám chữa bệnh cơ bản khắp nông thôn; cải tạo và xây dựng mới 188. 000 trạm y tế, trang bị thêm thiết bị y tế cho 117.000 trạm y tế hương trấn[19]; nhờ đó, điều kiện khám chữa bệnh ở nông thôn được cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, Trung Quốc chú trọng thực hiện các biện pháp xây dựng hệ thống an sinh xã hội khác như từng bước hoàn thiện hệ thống cứu trợ xã hội, cứu trợ sinh hoạt, trợ cấp bị thiên tai... Bắt đầu từ năm 2007, chế độ bảo đảm mức sống tối thiểu ở nông thôn từ làm thí điểm được mở rộng ra phạm vi cả nước, xây dựng “mạng an toàn” bảo đảm mức sống tối thiểu cho những người dân nghèo ở nông thôn. Đến cuối tháng 6-2007, 31 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc của Trung Quốc bước đầu xây dựng chế độ mức sống tối thiểu ở nông thôn, bao phủ lên hơn 21 triệu người[20].
Ở Việt Nam, nông dân là bộ phận công dân chịu nhiều thiệt thòi trong thụ hưởng giáo dục và từ hệ thống an sinh xã hội. Việc giải quyết giảm nghèo chưa gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn bền vững, nên tình trạng tái nghèo khá phổ biến. Những vấn đề xã hội ở nông thôn chưa được giải quyết một cách cơ bản. Chất lượng cuộc sống của người nông dân còn quá thấp. Các dịch vụ y tế, bảo trợ xã hội… hoặc còn xa lạ với người nông dân, hoặc người nông dân được hưởng một cách hạn hẹp. Đây thực sự là một vấn đề lớn của nông thôn Việt Nam, mà lời giải còn trông đợi ở những chính sách đột phá của Chính phủ.
3. Một số điểm mấu chốt trong chính sách tam nông từ phương châm “cho nhiều, lấy ít”
“Cho nhiều” và “lấy ít” thực ra là hai khái niệm không có giới hạn phân định rạch ròi. Bởi bản chất của “lấy ít” trong chính sách tam nông của Trung Quốc đã là “cho nhiều” và ngược lại.  “Cho nhiều”, “lấy ít” có điểm chung, cốt lõi -  cùng hướng tới mục đích cao nhất là xây dựng xã hội nông thôn Trung Quốc thịnh vượng.
Những chính sách, biện pháp để thực hiện “cho nhiều, lấy ít” của Trung Quốc cho thấy: Điểm xuất phát, điểm đứng chân và điểm dừng chân, suy cho cùng là điểm mấu chốt nhất của mọi lý luận và mọi hoạt động thực tiễn về tam nông, thực chất là vấn đề nông dân - đặt nông dân là chủ thể của tam nông, để đề ra các quyết sách, tìm ra các giải pháp thực hiện tốt, bảo vệ tốt, phát triển tốt các lợi ích căn bản của đông đảo nông dân; trên cơ sở đó, thực hiện quá trình cải biến một cách căn bản đời sống kinh tế, xã hội nông thôn Trung Quốc theo hướng hiện đại – con đường đi tới xã hội tiểu khang (xã hội khá giả) về mọi mặt. Báo cáo chính trị tại Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc (10-2007) chỉ rõ rằng, giải quyết các vấn đề tam nông cần: 1- Củng cố vị trí của nông nghiệp như là cơ sở của nền kinh tế; 2- Tiến lên hiện đại hoá nông nghiệp theo đặc điểm của Trung Quốc; 3- Kiến lập một cơ chế công nghiệp thúc đẩy nông nghiệp và đô thị giúp đỡ nông thôn; 4- Hình thành một con đường nhất thể hoá kinh tế - xã hội ở đô thị và nông thôn[21].
Phân tích điểm mấu chốt trong chính sách tam nông của Trung Quốc, có thể rút ra một số gợi ý cho tam nông Việt Nam như sau:
(1). Thực sự coi trọng tam nông, chính sách tam nông từ trong tư duy, nhận thức đến hành động thực tiễn.
(2). Tăng cường phạm vi, mức độ hỗ trợ người nông dân từ Nhà nước và từ bên ngoài (bằng nội lực, người nông dân chỉ đủ mưu sinh. Sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống... cần có sự giúp đỡ, quan tâm của Nhà nước).
 (3). Mở rộng tính tương tác, tương hỗ trong giải quyết vấn đề tam nông (tương tác sâu giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn; mở rộng tương hỗ giữa tam nông với những khu vực khác của xã hội).
(4). Coi “tam nông” là một chính thể, có mối liên hệ chặt chẽ, chi phối giữa các bộ phận; đồng thời, đặt “tam nông” trong bố cục tổng thể giữa công nghiệp với nông nghiệp, giữa nông thôn với thành thị,
(5). “Tam nông” là vấn đề lâu dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhiều cố gắng của chính người nông dân và của toàn xã hội; giải quyết vấn đề tam nông phải hướng tới hiện đại và bền vững.

[1] Đào Thế Tuấn, “Chính sách nông thôn, nông dân và nông nghiệp mới ở Trung Quốc”, Web Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn - IPSARD, 4-1-2008.
[2]Sách xanh “Phân tích và dự báo tình hình xã hội Trung Quốc” do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố năm 2005 cho thấy, số lượng “sự kiện có tính đám đông” phát sinh ở Trung Quốc từ chỗ 8.700 vụ năm 1993 đã tăng lên đến 60.000 vụ năm 2003. Năm 2008, số lượng vụ phản đối “có tính đám đông” không những nhiều, qui mô lớn, mà hành vi càng thêm dữ dội. Điều đáng chú ý là những vụ này phần lớn xảy ra ở nông thôn.
[3]Để đảm bảo được an ninh lương thực, Trung Quốc phải sản xuất được trên 500 triệu tấn/năm cho đến năm 2010.
[4] Đào Thế Tuấn, “Chính sách nông thôn, nông dân và nông nghiệp mới ở Trung Quốc”, Web Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn - IPSARD, 4-1-2008.
[5] Lương thực - lúa gạo, lúa mỳ đứng vị trí số 1; ngô đứng thứ 2: đậu tương đứng thứ 3; bông, cây có dầu, các loại thịt, thức ăn gia cầm và các loại thủy sản đều đứng ở top đầu thế giới.
[6]Trịnh Ngọc Lan, “Nông nghiệp thiếu vốn để phát triển”, Vietnamnet, ngày 5-8-2008.
[7]TS. Nguyễn Minh Phong, “Để thúc đẩy thị trường tín dụng nông thôn”, Cổng thông tin điện tử chính phủ VGP, Mgov.vn, 22-10-2010.
[8]TS. Hoàng Thế Anh, “Phát triển xã hội ở nông thôn Trung Quốc - Nhìn từ góc độ tư duy, chính sách của Nhà nước”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 5/2009, tr. 28.
[9]Lê Sơn, “Kiến nghị miễn, giảm thuế đất nông nghiệp trong 10 năm”, Cổng thông tin điện tử chính phủ VGP, Mgov.vn, 13-9-2010.
[10]Hồng Vân, “Nông dân được miễn phí thủy lợi”, Kinh tế Sài gòn online, 28-10-2010.
[11]Xem bài “Một hạt thóc cõng 49 loại phí”, Sài Gòn giải phóng online, 13-7-2007.
[12] Mỗi  mẫu Trung Quốc bằng 1/15 héc ta, tức khoảng 660 mét vuông..
[13]Dương Danh Di, “Giải pháp cho vấn đề nông dân mất đất”, Vietnamnet, ngày 17-5-2009.
[14]Từ năm 2004, mỗi  đầu năm, Trung ương Đảng và Chính phủ Trung Quốc công bố một văn kiện gọi là Văn kiện số 1 trong đó trình bày các biện pháp giải quyết vấn đề tam nông
[15] Quyết định này được Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của BCHTƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc (12-10-2008) thông qua và được coi như “làn gió mới thổi đến nông thôn” Trung Quốc.
[16] Dương Danh Di, “Giải pháp cho vấn đề nông dân mất đất”, Vietnamnet, ngày 17-5-2009.
[17] Lan Hương, “Người nông dân bị thu hồi đất: Cần được chia sẻ giá cơ hội?”, Saigon online, ngày 27-09-2008.
[18]TS. Hoàng Thế Anh, “Kinh nghiệm thực hiện chính sách tam nông ở Trung Quốc”, Báo điện tử  Kinh tế nông thôn, 14 – 1- 2009.
[19] Dương Danh Di, “Giải pháp cho vấn đề nông dân mất đất”, Vietnamnet, ngày 17-5-2009.
[20] TS. Hoàng Thế Anh, “Kinh nghiệm thực hiện chính sách tam nông ở Trung Quốc”, Báo điện tử  Kinh tế nông thôn, 14 – 1- 2009.
[21]Dẫn theo Đào Thế Tuấn, “Chính sách nông thôn, nông dân và nông nghiệp mới ở Trung Quốc”, Web Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn - IPSARD, 4-1-2008.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!