Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

TÀI NGUYÊN CON NGƯỜI VÀ CÔNG NGHIỆP HÓA RÚT NGẮN Ở VIỆT NAM


Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
CNH, HĐH là con đường phát triển đối với đại đa số các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia có xuất phát điểm thấp, để trở thành một nước tiên tiến. Là một nước tiến hành CNH muộn, Việt Nam có thể và cần phải tiến hành CNH rút ngắn, nhằm giảm bớt thời gian, tránh tối đa những gian nan, vất vả không cần thiết. Để CNH rút ngắn thành công, cần huy động tối đa các nguồn tài nguyên và sử dụng nó một cách hiệu quả nhất. Hiện nay, khi phân loại và bàn về tài nguyên, người ta ngày càng quan tâm hơn đến một loại tài nguyên đặc biệt – tài nguyên con người.

1. Tài nguyên con người và công nghiệp hóa rút ngắn
Tài nguyên (Resourses) là tất cả các dạng vật chất, tri thức được sử dụng để tạo ra của cải vật chất, hoặc tạo ra giá trị sử dụng mới của con người. Tài nguyên là đối tượng sản xuất của con người, có thể được phân chia thành nhiều dạng khác nhau, phụ thuộc vào tiêu chí phân chia. Một cách tổng quát nhất, có thể dựa vào ba tiêu chí: (1). Theo quan hệ với con người, gồm tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên xã hội; (2). Theo phương thức và khả năng tái tạo, gồm tài nguyên tái tạo, tài nguyên không tái tạo; (3). Theo bản chất tự nhiên, gồm tài nguyên nước, tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên biển, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên năng lượng, tài nguyên khí hậu cảnh quan, di sản văn hoá kiến trúc, tri thức khoa học và thông tin.
Khái niệm Tài nguyên con người (Human Resource) ra đời vào thập niên 80 (XX), dùng để chỉ một dạng tài nguyên đặc biệt, mang đậm tính xã hội, được tái tạo cũng theo một cách đặc biệt, ẩn chứa trong mình tri thức. Tài nguyên con người là tổng của sức lao động chân tay, trí óc; khả năng tổ chức, chế độ xã hội; tập quán, tín ngưỡng của cộng đồng người trong một quốc gia. Tài nguyên con người cũng hao mòn và phải tốn chi phí đầu tư cho việc hình thành, phát triển. Tài nguyên con người là tài sản quý của mỗi quốc gia. Giá trị của tài nguyên này thuộc về tổng giá trị tài sản quốc gia, khi định giá tài sản quốc gia. Đây là một tài nguyên dễ dịch chuyển, rất động, vừa có thể là lợi thế, vừa có thể ẩn chứa thách thức. Và có một điều bất biến là tài nguyên này giữ vai trò quyết định nhất tới sự phát triển nói chung, cũng như sự phát triển kinh tế bền vững của mỗi quốc gia, bởi con người là chủ thể, là mấu chốt, là điểm khởi đầu cũng như là cái đích cuối cùng của mọi chính sách, mọi tiến bộ mà các quốc gia hướng tới và đạt được.
Xã hội loài người càng tiến bộ, số loại hình tài nguyên và số lượng mỗi loại tài nguyên ngày càng tăng thêm. Sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa, của hội nhập, của cách mạng khoa học - kỹ thuật, công nghệ đã, đang và sẽ làm thay đổi mạnh mẽ giá trị của nhiều loại tài nguyên. Nhiều tài nguyên cạn kiệt trở nên quý hiếm, nhiều tài nguyên quý hiếm có thể tạo ra; nhiều loại tài nguyên giá trị cao trước đây nay trở thành phổ biến; xuất hiện nhiều loại tài nguyên thay thế.... Tuy nhiên, có một hiện thực là trong mọi loại tài nguyên, tài nguyên con người ngày càng được đánh giá, xếp thứ hạng cao, trở thành mối quan tâm đặc biệt, có vai trò và giá trị gia tăng mạnh mẽ.
Theo quy luật, các nước tiến hành CNH muộn đều có thể thực hiện CNH rút ngắn bằng cách đẩy nhanh tốc độ, đi tắt, đón đầu. Đây không chỉ là khả năng, mà còn là một nhu cầu khách quan, một xu thế tất yếu cho các quốc gia đi sau, chậm phát triển, trong đó có Việt Nam. CNH rút ngắn được thể hiện trong các nội dung và yêu cầu cả về lượng (thời gian, tốc độ, quy trình phát triển), lẫn về chất (sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế – xã hội…). Để thực hiện bài toán CNH rút ngắn, "vượt vũ môn", các nước CNH muộn phải biết khai thác, kết hợp, sử dụng hiệu quả rất nhiều yếu tố, điều kiện cần thiết, đặc biệt là các loại tài nguyên và tài nguyên hàng đầu, thiết yếu nhất trong thời đại kinh tế tri thức là tài nguyên con người – lực lượng có tiềm lực trí tuệ, khả năng sáng tạo, có thể nắm bắt, tiến thẳng vào những quy trình, kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tiên tiến, là lực lượng duy nhất có thể tác động, tạo ra và nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, để thực hiện thành công CNH rút ngắn. Cần đầu tư và tất yếu phải khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nhất nguồn tài nguyên chiến lược này.
 2. Các yếu tố tác động đến quá trình hình thành, phát triển tài nguyên con người ở Việt Nam
Xuất phát từ khái niệm “Tài nguyên con người”, thì những yếu tố quan trọng nhất, chi phối, tác động trực tiếp đến quá trình hình thành, phát triển tài nguyên con người về cả mặt chất, lẫn lượng phải kể đến là: (1). Nền tảng kinh tế; (2). Điều kiện chính trị - xã hội; (3). Yếu tố văn hóa. Phát triển tài nguyên con người chính là giải quyết mối quan hệ giữa chất và lượng. Chất là tính quy định, là đòi hỏi cao của tài nguyên con người, gắn chủ yếu với các điều kiện chính trị - xã hội, văn hóa (giáo dục, y tế, các chính sách xã hội, dân chủ hóa xã hội, cơ chế quản lý… liên quan mật thiết đến môi trường xã hội). Lượng của tài nguyên con người bị chi phối trực tiếp bởi môi trường sống, điều kiện sống, nghiêng về sự gắn bó với các điều kiện kinh tế. Cũng phải nói thêm rằng, tách bạch một cách rạch ròi những yếu tố chi phối chất và lượng của nguồn tài nguyên con người là rất khó khăn, rất dễ không chính xác và không khoa học, bởi chúng luôn nằm trong mối quan hệ gắn bó, liên hệ mật thiết, tác động qua lại với nhau và không ngừng chuyển hóa.
Nền tảng kinh tế
Với đổi mới và cải cách, Việt Nam đã đạt được những thành tựu không thể phủ nhận, đặc biệt là về tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Trong thập niên 1990, tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,2%/năm, khoảng 9%/năm giai đoạn 1991-1996 và 6,2% giai đoạn 1997-1999 do tác động của cuộc khủng hoảng Đông Á và cải cách chững lại. Từ năm 2000 đến 2005, tăng trưởng GDP hồi phục, đạt mức trung bình 7,5%/năm. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc tế đã giảm từ 70% vào nửa cuối những năm 1980 xuống 58% năm 1993, 37% năm 1998, và 19,5% năm 2004. Hiện nay, Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống tín dụng, duy trì tăng trưởng GDP 6,2% năm 2008 và khoảng 5% năm 2009[1]. Đây là những tiền đề, điều kiện tốt cho phát triển tài nguyên con người. Tuy nhiên, có một thức tế không thể không nhận thấy là nền kinh tế Việt Nam vốn có gốc rễ là kinh tế tiểu nông, yếu kém ở mọi phương diện, đang phải đối mặt với nạn nhập siêu[2], thâm hụt ngân sách[3], lạm phát [4], cơ sở hạ tầng lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, năng lực cạnh tranh yếu kém[5]…. Nói chung, nền kinh tế Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ phát triển không bền vững, còn dựa chủ yếu vào tài nguyên và lao động, chưa dựa vào tri thức, tạo ra rất ít giá trị gia tăngViệt Nam chưa được chuẩn bị và chưa có khả năng gặt hái trong môi trường kinh tế tự do cạnh tranh và vẫn còn tên trong danh sách những nước nghèo nhất thế giới. Những phân tích trên cho thấy, vẫn còn thiếu vắng rất nhiều yếu tố nền tảng bền vững từ điều kiện kinh tế cho sự phát triển tài nguyên con người.
Điều kiện chính trị - xã hội
Trong hơn 20 năm đổi mới,Việt Nam đã đạt được một bước tiến lớn trên con đường dân chủ hóa toàn bộ đời sống của đất nước, nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng quốc tế. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thông tin, bảo vệ môi trường được chú trọng; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng có những chuyển biến tích cực; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hiện nay, trong điều kiện thế giới, khu vực có những diễn biến rất phức tạp, có vẻ như an ninh chính trị là điểm sáng của Việt Nam, song mặt khác, thành tựu về xóa đói giảm nghèo chưa thật vững chắc. Tỉ lệ nghèo đói, cận nghèo đói, tái nghèo ở một số vùng vẫn còn cao, mức thu nhập bình quân trên đầu người vẫn thuộc vào loại những nước thấp nhất trên thế giới. Sức ép về dân số tiếp tục gia tăng, tình trạng thiếu việc làm vẫn là vấn đề bức xúc đe dọa cuộc sống người dân. Chất lượng giáo dục - đào tạo còn thấp, chậm đổi mới, thậm chí còn có những biểu hiện yếu kém, tiêu cực. Việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội chưa được thực hiện tốt. Trái lại, khoảng cách giàu nghèo, phân tầng xã hội có xu hướng tăng nhanh trong nền kinh tế thị trường khiến cho những người nghèo lại càng khó khăn hơn, ít cơ hội hơn trước. Cải cách chính trị không đi kịp với đòi hỏi của phát triển kinh tế - xã hội, quan liêu tham nhũng ngày càng nặng nề. Sự lạc hậu của thể chế chính trị đang tiếp tục làm trầm trọng thêm tình trạng lạc hậu của thể chế kinh tế, khiến cho toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước ngày càng bất cập trước những đòi hỏi phát triển của một quốc gia trong quá trình CNH. Hệ thống chính trị và hệ thống quản lý nhà nước được tổ chức, vận hành như hiện nay đang tạo ra những vùng “chồng lấn”, những khoảng trống, những mảnh đất lý tưởng cho nghịch lý cản trở phát triển hoành hành. Tất yếu, mặt trái của chính trị - xã hội sẽ là những rào cản lớn cho sự phát triển tài nguyên con người.
Yếu tố văn hóa
Một trong những giá trị văn hóa của người Việt Nam là tình yêu đối với lao động, đức tính cần cù lao động, cần cù sáng tạo trong lao động. Giá trị văn hóa Việt Nam còn nổi bật ở giá trị đạo đức, ở tình thương yêu nhân ái, vị tha, ở tình đoàn kết gắn bó cộng đồng, ở đạo lý, đạo nghĩa ở đời và làm người. Con người Việt Nam có sự lựa chọn giá trị thiên về hướng đề cao phẩm giá con người, trọng đạo lý, đề cao các giá trị tinh thần, đạo đức. Tình yêu đối với quê hương đất nước phát triển thành chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo đã làm nên sức sống, giá trị của con người và dân tộc Việt Nam. Những giá trị mang tính nhân văn này chính là nguồn gốc để làm nên năng lực, sức mạnh tinh thần và sức bật của tài nguyên con người Việt Nam. Bên cạnh những nét tích cực, những thế mạnh, con người Việt Nam trước đòi hỏi mới của xã hội hiện đại vẫn thiếu hụt nhiều phẩm chất, đức tính, bản lĩnh cần thiết, thể hiện qua chủ nghĩa bình quân, thiếu tác phong công nghiệp, thiếu tư duy sáng tạo lớn và tính quyết liệt, bứt phá cần thiết; còn tồn tại rất nhiều yếu điểm (đố kỵ, hẹp hòi, khó hợp tác...) là kết quả của nền kinh tế tiểu nông tồn tại lâu đời. Như vậy, trong yếu tố văn hóa, cũng còn rất nhiều điều trở ngại, cần khắc phục không chỉ một sớm, một chiều để nâng cao chất lượng tài nguyên con người Việt Nam.
3. Tài nguyên con người trong quá trình công nghiệp hóa rút ngắn ở Việt Nam 
Sau hơn 20 năm đổi mới, những yếu tố tác động đến sự phát triển tài nguyên con người Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể theo chiều hướng tích cực. Song vẫn còn rất nhiều vấn đề phải bàn qua những hạn chế, bất cập chính trong những yếu tố đó. Tác động hai chiều ấy tới nguồn tài nguyên con người Việt Nam là không thể tránh khỏi.
Đến tháng 4-2009, dân số Việt Nam có gần 86 triệu người, tăng 9,47 triệu người so với năm 1999. Tỷ lệ tăng dân số bình quân trong giai đoạn 1999-2009 là 1,2%/năm[6]. Điều này, phản ánh tài nguyên con người  của Việt Nam đang phát triển về lượng. Tài nguyên con người ở Việt Nam được cấu thành chủ yếu là nông dân, công nhân, trí thức, doanh nhân, dịch vụ và nhân lực của các ngành, nghề. Đến nay, nguồn nhân lực nông dân có gần 62 triệu người, bằng hơn 70 % dân số của cả nước. Nguồn nhân lực công nhân là 9,5 triệu người, bằng gần 10% dân số của cả nước[7].
Hiện nay, cả nước có gần 30% số người lao động qua đào tạo, trong đó có khoảng 1,5 triệu người tốt nghiệp đại học và cao đẳng, hơn 12 nghìn tiến sĩ và hơn 11 nghìn thạc sĩ. Riêng phó giáo sư và giáo sư là 5.784 người (tính đến tháng 12-2005), ngoài ra còn khoảng 10 vạn trí thức Việt kiều đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài[8]. Trình độ học vấn của đội ngũ công nhân kỹ thuật được nâng cao khá nhanh. Đến cuối năm 2007, tổng số người làm việc trong lĩnh vực khoa học – công nghệ là gần 40.000 người. Ngoài ra, còn một số lực lượng nhất định trong tổng số gần 48.541 giảng viên các trường đại học, cao đẳng và các chuyên gia, kỹ sư làm việc trong các doanh nghiệp cũng được thu hút vào các hoạt động khoa học – công nghệ. Tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học trở lên chiếm 94, 7% tổng số lao động trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, trong đó thạc sĩ là 35,5% và tiến sĩ là 30,5%, thuộc mức cao so với khu vực[9].
Bên cạnh đó, tỷ lệ qua đào tạo nghề nghiệp và chuyên môn kỹ thuật ở Việt Nam rất thấp. Qua 10 năm, số người có trình độ cao đẳng trở lên tăng từ 1,9% lên 2,7%, trong khi số công nhân kỹ thuật tăng không đáng kể và số người có trình độ trung học chuyên nghiệp giảm từ 3,2% xuống còn 3,0%. Tỷ lệ qua đào tạo đã thấp, cơ cấu đào tạo lại bất hợp lý. Tỷ lệ cán bộ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện còn rất thấp, chỉ là 0,18/100 dân, trong khi ở Hàn Quốc là 2,19 (gấp 12,2 lần); Mỹ 3,67 (gấp 20,4 lần). Về mức chi cho khoa học và công nghệ tính trên đầu người thì ở Việt Nam chỉ là 1,25 USD/người/năm; trong khi ở Hàn Quốc là 212 USD/người/năm (gấp 170 lần) và ở Mỹ là 794 USD/người/năm (gấp 635 lần).
Như vậy, năng lực thực tế của nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam còn thấp, yếu kém trước yêu cầu phát triển kinh tế tri thức. So với các nước trong khu vực, nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam thua xa về số lượng, cơ cấu, cũng như về trình độ, năng lực. Ở Việt Nam chưa hình thành chính sách trọng dụng nhân tài theo nghĩa đầy đủ.
4. Phát triển tài nguyên con người cho công nghiệp hóa rút ngắn ở Việt Nam 
 Để có thể thực hiện CNH rút ngắn và phát triển bền vững, một trong những bước đi tiên quyết là cần khơi dậy tiềm năng sáng tạo, bồi dưỡng năng lực lao động, đánh thức khát khao cống hiến, ý chí vươn lên, tinh thân dân tộc của tài nguyên con người Việt Nam – Đó vừa là một yêu cầu cấp thiết, vừa là một nhiệm vụ khó khăn. Để đi tới đích đó, cần cả những giải pháp mang tính hệ thống và toàn diện, liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trước mắt cần xác định những bước đi trọng tâm, trọng điểm để tạo ra những đột phá căn bản. Đó là:
Thứ nhất, đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa xã hội, xây dựng xã hội dân sự.
Dân chủ và công bằng xã hội là khát vọng luôn tồn tại và đồng hành cùng với loài người. Đó là thước đo của tiến bộ xã hội, của văn minh, trong đó tài nguyên con người có điều kiện phát triển tốt, từ đó có khả năng làm tròn nhiệm vụ đòn bẩy, thúc đẩy kinh tế - xã hội đi theo hướng hài hòa, bền vững. Để thực hiện dân chủ, để thực hiện vai trò làm chủ của người dân, để người dân thực sự tham gia vào việc hoạch định, thực hiện và giám sát các chủ trương, chính sách của Nhà nước, thực hiện trách nhiệm phản biện xã hội đối Nhà nước, cần xây dựng xã hội dân sự. Đẩy mạnh cải cách, dân chủ hóa xã hội là bước đi quan trọng và cần thiết. Một đất nước dân chủ, một thể chế tốt, các nguồn lực (tài nguyên kinh tế, tài nguyên con người...) mới đổ về, có sức sống và mang đến sức sống cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, phát triển kinh tế phải gắn chặt với phát triển văn hóa.
Tăng trưởng kinh tế, gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội là môi trường tốt cho tài nguyên con người tăng về mặt lượng, giúp lượng chuyển hóa thành chất. Đẩy mạnh cải cách kinh tế và hội nhập sâu rộng đi đôi với phát triển văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa là tiền đề cho sự gia tăng về chất của tài nguyên con người. Khơi dậy những giá trị văn hóa dân tộc (truyền  thống yêu lao động, tinh thần dân tộc, ý chí tự lực, tự cường...và những giá trị nhân văn khác) có tác dụng to lớn để ngày càng hoàn thiện tài nguyên con người, phù hợp với các chuẩn chung của khu vực, thế giới và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước. Xây dựng môi trường văn hóa cho phát triển tài nguyên con người, cần biết khai  thác, phát huy nguồn tài nguyên tinh thần của dân tộc, của cả nhân loại, để cả dân tộc trở thành một dân tộc thông thái, cả xã hội là một xã hội văn hóa cao.
Thứ ba, coi trọng giáo dục – đào tạo, đẩy mạnh các cải cách giáo dục theo hướng toàn diện và đồng bộ.
Quá trình đào, phát triển tài nguyên con người về chất - đào tạo những người lao động vừa có trình độ chuyên môn cao, vừa nhiệt huyết, say mê sáng tạo, có lòng tự trọng dân tộc, quyết tâm vươn lên vì chính bản thân, vì chính đất nước. Nhiệm vụ cấp bách là tiến hành ngay một cuộc cách mạng toàn diện sâu sắc trong giáo dục đào tạo, cải cách triệt để, sâu sắc cả về mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, hệ thống giáo dục, phương thức tổ chức quản lý giáo dục - đào tạo.
Cải cách giáo dục là một cuộc cách mạng sâu sắc không chỉ trong ngành giáo dục mà là trong xã hội. Nó bắt nguôn từ sự đổi mới tư duy về giáo dục và cần phải giải quyết vấn đề tận gốc, để đào tạo ra những con người có đủ khả năng, bản lĩnh, có năng lực làm việc thực sự. Trọng tâm của giáo dục phải chuyển từ trang bị kiến thức sang bồi d­ưỡng, rèn luyện phư­ơng pháp t­ư duy, phương pháp giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, khả năng tự đào tạo và thích nghi phát triển. Muốn chấn hưng đất nước, không có con đường nào khác ngoài con đường cải cách giáo dục, nhanh chóng đưa nền giáo dục Việt Nam lên ngang mức tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Thứ tư, có chính sách trọng dụng nhân tài thực sự.
"Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Nguyên khí thịnh thì nước sẽ mạnh và ngược lại. Không phải ngẫu nhiên, trong những ngày đầu lập nước, trong tình thế “nước sôi, lửa bỏng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng coi việc "tìm người tài đức” là quốc sách: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có người tài[10]. Hiện nay, hơn bao giờ hết, nhân tài cần thiết cho đất nước, bởi lẽ chính họ là những cỗ máy cái quan trọng nhất sản xuất ra tri thức, biển tri thức thành của cải vật chất và tinh thần cho toàn xã hội. Chỉ có họ mới có năng lực vượt trội trong việc sử dụng tri thức cho phát triển. Nhân tài chỉ có thể bộc lộphát triển, phát huy, cống hiến tài năng khi có môi trường tốt. Đảng, Nhà nước cần tạo bệ đỡ, lực đẩy cho họ trở thành đội ngũ đầu tàu, khai phóng, dẫn dắt.
Như vậy, một cách khái quát nhất, cần có tiếp cận thực tế về quan hệ giữa phát triển đất nước hài hòa, bền vững với không ngừng phát triển tài nguyên con người. Con người là vốn quý nhất, con người là tài sản đặc biệt của quốc gia. Con đường cần thiết để đi tới thành công là ưu tiên và có chiến lược để xây dựng, phát triển tài nguyên con người.

[1] Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Cục Phát triển doanh nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa  và nhỏ phía Bắc, Chỉ tiêu tăng trưởng GDP và câu hỏi về tính pháp lý, Ngày 13-05-2009.
[2] Nhập siêu từ năm 2000 ngày càng lớn và được coi là ở mức báo động. Kể từ năm 1995 đến 2005, nhập siêu của Việt Nam luôn ở mức dưới 5 tỷ USD và ước khoảng 10% GDP; song đã tăng vọt lên trên 12 tỷ USD vào năm 2007 (gấp 2,4 lần so với năm 2006) và đến hết tháng 9/2008, tổng mức nhập siêu đã lên tới con số 15,8 tỷ USD (ước khoảng trên 20% GDP/năm).
[3] Thâm hụt ngân sách từ năm 2000 trung bình là 5-6% GDP/năm, riêng năm 2009 dự kiến là 8% GDP/năm.
[4] Năm 2007 lạm phát nhảy vọt lên 12,6%, trong khi đó tốc độ tăng trưởng của năm là 8%; năm 2008 lạm phát bùng lên 19,89% (22,8% theo WB và IMF), trong khi đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,2%, năm 2009 lạm phát 6,88% và tăng trưởng GDP đạt 5,32%.
[5]Năng lực cạnh tranh trên cả 3 phương diện quốc gia, sản phẩm và doanh nghiệp xếp hạng như sau: Năm 2006 Việt Nam xếp hạng thứ 64, năm 2007 xếp hạng thứ 68, năm 2008 xếp hạng thứ 70; nếu so sánh riêng trong khu vực Đông Á, Việt Nam chỉ đứng trên Philippines và Campuchia (Myanmar chưa được xếp hạng).
[6] Đức Vượng, Về nguồn nhân lực của Việt Nam trong năm 2010 và những năm sau, Web Viện nghiên cứu nhân tài và nhân lực, ngày 24-2-2010.
[7] Đức Vượng, Về nguồn nhân lực của Việt Nam trong năm 2010 và những năm sau, Sđd.
[8] Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Tạp chí Bảo hiểm xã hội (trang tin điện tử), ngày 23-11-2009.
[9] Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Tạp chí Bảo hiểm xã hội (trang tin điện tử), ngày 23-11-2009.
[10] Báo Cứu quốc, Số 411, ngày 20-11-1946.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!